Nguyễn Đình Cống
Quốc hội có chức năng đại diện cao nhất của dân. Được cho rằng đó là đại diện cho quyền lợi, ý chí, nguyện vọng. Cần bổ sung đại diện cho trí tuệ.
Khái niệm đại diện tuy được đề cập nhiều, nhưng vẫn còn mơ hồ. Vì dân có nhiều nhóm với quyền lợi, nguyện vọng và trí tuệ khác nhau. Có thể phân chia các nhóm theo một số tiêu chí, trong đó theo quan hệ với Nhà nước có thể chia thành ba: Nhóm cơ bản, nhóm bậc trung và nhóm đặc biệt.
Cả ba nhóm có nhu cầu chung, quyền lợi chung là đất nước được độc lập, thống nhất, được sống trong hòa bình, ổn định, được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, được tôn trọng nhân quyền và dân quyền.
Nhóm cơ bản bao gồm đại đa số những người lao động bình thường, có nhu cầu chủ yếu là được sinh sống hòa bình, làm ăn yên ổn. Họ ít có hiểu biết về nhân quyền và dân quyền mà sẵn sàng phục tùng và chấp nhận được dẫn dắt đi theo bất kỳ con đường nào do chính quyền vạch ra. Họ chiếm số đông, có vai trò trong sản xuất và lưu thông, nhưng ít đóng góp cho phát triển xã hội. Họ sợ chính quyền, nếu có gặp oan sai nhưng chưa đến mức cùng cực thì cam chịu và “chỉ mong đèn trời soi xét”. Nhóm này còn bao gồm những người yếu thế.
Nhóm bậc trung (hoặc tầng lớp trung lưu) có nhu cầu lớn về tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo. Họ có tư duy phản biện và thường vạch ra những bất cập của chính quyền. Trong xã hội dân chủ thì họ là lực lượng thúc đẩy sự tiến bộ, nhưng dưới sự thống trị độc tài thì những người tinh hoa, những người hăng hái phản biện trong họ trở thành “thế lực thù địch” của chính quyền toàn trị.
Nhóm đặc biệt gồm những người được chế độ ưu đãi, chiếu cố. Nếu xem người trong bộ máy chính quyền cũng thuộc nhân dân thì họ ở nhóm đặc biệt này, còn nếu tách họ ra khỏi nhân dân thì là một tầng lớp riêng. Đại đa số trong nhóm này có nhu cầu giữ vững chế độ bằng bất kỳ giá nào.
Nói đại diện cho quyền lợi, cho trí tuệ thì cần nói rõ là của nhóm nào, quyền lợi nào. Nói chung chung thì dễ ngộ nhận đồng nhất một nhóm với toàn dân.
*
Về dân trí
Người ta than phiền dân trí người Việt còn thấp, quan trí còn thấp hơn. Nhưng phải phân biệt dân trí trong lĩnh vực nào, của nhóm nào.
Dân trí có ba lĩnh vực: Về khoa học, về nhân sinh và về chính trị. Dân trí người Việt về lĩnh vực khoa học không đến nỗi thấp mà thấp nhất là trong lĩnh vực chính trị của nhóm cơ bản và nhóm đặc biệt.
Dân trí chính trị là những kiến thức chung, cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước, về thể chế chính trị, về hiến pháp và các luật lệ, về nghĩa vụ và quyền của người dân, về các quan hệ giữa dân và chính quyền, về các đảng chính trị, là sự quan tâm của người dân đến các vấn đề xã hội.
Lý thuyết cộng sản cho rằng để phát triển xã hội phải dựa vào liên minh công nông. Nhưng thực tế chứng tỏ rằng tầng lớp trung lưu mới thực sự là động lực của sự tiến bộ.
Vậy nếu Quốc hội chỉ nặng về đại diện cho nhóm cơ bản và nhóm đặc biệt thì khó mà đưa đất nước tiến nhanh và vững chắc. Rất cần quan tâm và đề cao việc đại diện cho nhóm bậc trung nhằm giải phóng sức sáng tạo của họ.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN