Lynn Huỳnh
Quan sát cho thấy dường như cho đến lúc này, với bản án sơ thẩm với 3 nhà báo, trong đó có 2 vị là những người đứng đầu tổ chức, thì cái lạ là gần như không quá nhiều ảnh hưởng tới số lượng bài vở trên trang web Việt Nam Thời Báo.
Theo ý kiến của một quan sát viên là nhà báo trong ngành an ninh nội chính, thì kể từ lúc ông Trump làm tổng thống xứ cờ hoa, gần như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam bắt đầu thưa hẳn những cuộc gặp gỡ hội viên. Phần vì bị cản trở từ các nhân viên an ninh thường phục được giới xã hội dân sự ở Sài Gòn gọi là “bánh canh”, nên không ít hội viên ‘bị chặn’ ở hôm mà Chủ tịch Hội là nhà báo Phạm Chí Dũng dự định tổ chức.
Phần khác, theo như sự cẩn trọng ‘cố hữu’ của người xuất thân trong ngành an ninh, Chủ tịch Phạm Chí Dũng nhìn nhận trong vài thời điểm nào đó, việc gặp gỡ các hội viên để trao đổi vấn đề thời sự có thể linh động qua nhiều hình thức khác nhau.
Và trên thực tế thì những cuộc cà phê hàn huyên riêng lẻ của những nhà báo trong Hội, ngay tại quán cà phê sát bên nhà của Chủ tịch Phạm Chí Dũng, vẫn diễn ra bình thường mà không vấp cản trở gì. Cũng không nghe hội viên than phiền bị sách nhiễu sau những cuộc gặp thân tình ấy.
Hoạt động sôi động nhất của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, phần lớn được thể hiện trên trang web Việt Nam Thời Báo.
Nội dung bài vở khá phong phú, với lựa chọn cách thể hiện chủ yếu là lối hành văn của báo chí phản biện. Tin tức, sự kiện thời sự luôn được kèm theo đó là góc nhìn từ phía sẽ chịu ảnh hưởng của nội dung bản tin.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam từng có 2 Phó Chủ tịch, và cả hai đều tham gia viết bài trên trang Việt Nam Thời Báo. Về sau, một Phó Chủ tịch của Hội, nguyên là Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng, và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng, do gánh nặng tuổi tác đã ngõ lời rời chức vụ quản lý.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã bổ sung thêm hai vị trí vào chức danh ủy viên; một trong hai ủy viên đó là nhà báo hành nghề chuyên nghiệp với thâm niên trong hệ thống báo chí Nhà nước.
Không rõ vì sao thời gian dài vẫn chưa tiến hành bầu bổ sung vị trí Phó Chủ tịch đang khuyết ấy. Thế rồi cũng thời gian sau, vị ủy viên vốn là nhà báo hành nghề chuyên nghiệp kể trên, từ nhiệm chức vụ ủy viên, và ông vẫn thường xuyên đóng góp bài vở trên trang Việt Nam Thời Báo.
“Tôi thấy rằng hoạt động của Hội khá cầm chừng, vì luôn chờ đợi chính sách cởi mở hơn từ phía nhà chức trách. Hội của những người đeo đuổi nghề viết báo này nếu mang so với nhiều hội đoàn dân sự khác như Hội Anh em dân chủ chẳng hạn, thì rõ ràng điểm khác biệt lớn nhất là có trang web với nội dung tổ chức bài bản như báo điện tử. Việc chi trả nhuận bút cũng công khai qua chuyển khoản, minh bạch số tiền và lý do chuyển tiền đến từng tác giả” – vị quan sát viên nói trên, nhận xét.
Trước câu hỏi: “Liệu vào giai đoạn tạm gọi “hậu vụ án”, khi Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang ‘tạm vắng’ hai nhân sự chủ chốt trong vị trí điều hành, có cần bổ sung một Phó Chủ tịch để duy trì hoạt động?”, thì vị quan sát viên từng công tác trong khối nội chính Thành ủy TP.HCM, cho ý kiến rất ngắn gọn: “Chưa thích hợp lúc này!”.
Ông giải thích: Trên các diễn đàn, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam từng có một hội viên nhân danh “quyền Chủ tịch”, sau đó điều chỉnh trở lại là “Phó Chủ tịch”. Về mặt danh chính ngôn thuận, và cả thể hiện trong hồ sơ của vụ án, đều không hiện diện chức danh của vị nhân danh này – tính luôn cả thời điểm lúc kết cung ông Lê Hữu Minh Tuấn.
“Nếu nhằm đến duy trì hoạt động của Hội trong thời gian chờ đợi sự cởi mở chính trị, cần thiết có một đại diện đang sinh sống tại Việt Nam, mà tay nghề báo chí cũng như nhân cách đủ thuyết phục các hội viên của Hội.
Vị này, có lẽ không ai ngoài người từng là Phó Chủ tịch của Hội, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng, và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng. Bởi chỉ có đang sinh sống, đang làm nghề tại Việt Nam mới có thể đưa ra những dự cảm chính trị phù hợp với hầu hết hoạt động của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Vị đại diện này không cần thiết phải có chức danh cụ thể, mà là giữ vai trò như một thủ lãnh tinh thần của Hội, để dung hòa với những tiết chế cần thiết cho các phát ngôn nhân danh Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ở giai đoạn tạm gọi tranh tối – tranh sáng của chính trị Việt Nam, khi tiếp sau Đại hội Đảng XIII, còn là bầu cử toàn dân cho nhiệm kỳ mới của Quốc hội, sau đó là thành lập Chính phủ mới…” – vị quan sát viên đã đưa ra tham vấn như vậy.
L.H.
VNTB gửi BVN.