Hoàng Anh Tuấn
“Yêu, ghét một con người, một chính quyền là chuyện tình cảm, nhưng để hoạch định được một chính sách tốt thì cần phải có cách nhìn thực tế một hiện tượng, một vấn đề như nó vốn có và sẽ xảy ra thì mới có cách hiểu và đối sách tương đối chính xác” – (HAT)
Một bài viết có cái nhìn cân bằng, và công bằng của một nhà ngoại giao. Từ mấy hôm nay, mình đọc nhiều bài viết xung quanh vụ việc này. Có những bài viết chửi Trump và có những bài viết bênh vực Trump. Nhưng bài viết thuyết phục được bạn đọc lại cần có sự cân bằng và công bằng. Mình đồng ý với tác giả: Yêu ghét một con người là chuyện tình cảm, nhưng đánh giá được một con người cần có cái nhìn tĩnh trí, khách quan. Nó cũng giống việc hoạch định một chính sách vậy, cần tỉnh táo, tránh duy cảm để phủ nhận sạch trơn hoặc bênh vực hết tất cả, thậm chí biên minh cho những sai lầm.
Sau sự cố 6/1 và sau khi QH Mỹ xác nhận cựu PTT Biden sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, diễn biến chính trị nội bộ Mỹ sắp tới có khả năng diễn ra theo các chiều hướng sau:
1. Dù yêu hay ghét Trump thì cũng buộc phải thừa nhận rằng Trump là một hiện tượng lịch sử và mãi mãi đi vào lịch sử Mỹ cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Và cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, biến cố 6/1 chỉ là hiện tượng bề nổi. Nguyên nhân để xảy ra hiện tượng này là quy trình bầu cử có những vấn đề nhất định, tích tụ qua nhiều năm, nhiều chính quyền nhưng không được xử lý thấu đáo. Chừng nào những cải cách bầu cử và những quan ngại của Đảng CH chưa được đề cập và xử lý thấu đáo thì những bất ổn âm ỉ trong xã hội Mỹ vẫn còn đó.
Phải nói đến tính cách “ái kỷ” (narcissisme) bất bình thường của nhân vật Trump cũng là một nguyên nhân và là nguyên nhân quan trọng gây nên sự cố ngày 6-1 ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ nữa chứ, có phải không bạn Hoàng Anh Tuấn?
Bauxite Việt Nam
Thông thường trước mỗi hiện tượng lớn và gây chia rẽ như “hiện tượng Trump” thì những người ở giai đoạn hiện nay khó có thể có các nhìn nhận khách quan hoặc đánh giá chính xác. Cũng như nhiều hiện tượng, nhiều nhân vật lịch sử khác, khi thời gian lùi dần, ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị Mỹ và quốc tế của Trump ít đi, cộng với việc đặt “hiện tượng Trump” trong tương quan so sánh với các nhân vật và các sự kiện chính trị khác đương thời, hy vọng sớm nhất là 1-2 thập kỷ tới, đánh giá về Trump sẽ toàn diện và khách quan hơn.
2. Do lượng fan và những người theo dõi các tài khoản mạng của Trump cực lớn (khoảng 160 triệu), nên Trump đang và sẽ bị “kiểm duyệt”, “trói tay”, “khóa miệng” và cô lập toàn diện, không được quyền và khả năng thanh minh về bất kỳ vấn đề gì không chỉ từ nay cho đến ngày chuyển giao quyền lực, mà cả sau đó.
Hiện các big tech đã khóa hết các tài khoản của Trump, còn các media chỉ bình luận, chứ không đăng tin, bài trực tiếp của Trump nữa.
Tuy nhiên, phải thừa nhận Trump là con người không dễ dàng chịu khuất phục, và có thể sẽ tìm cách tham gia mạng xã hội mới để tiếp tục cổ súy cho minh bạch thông tin, chống lại độc quyền của các big tech trong khi tiếp tục gây ảnh hưởng trong Đảng CH.
3. Trump sẽ được truyền thông dòng chính, DC và những địch thủ CH (cả công khai lẫn ngấm ngầm trước kia) “réo tên” và chỉ đích danh là người “chủ mưu” kích động vụ 6/1. Đây là điều được dự báo trước và khó tránh khỏi.
Trump sẽ bị giám sát tối đa trong những ngày còn ở lại Nhà Trắng và sẽ bị các đối thủ “tiễn” khỏi Nhà Trắng trong sự mất thể diện nhất có thể (đang có nguy cơ bị luận tội để phế truất, hoặc các thành viên nội các cùng PTT Pence bị ép “phế truất Trump” theo Bản Tu chính HP 25).
4. Các nỗ lực của LĐ [lãnh đạo?] và những người CH ôn hòa lên án các nhóm nhỏ những phần tử quá khích ủng hộ Trump hoặc tìm bằng chứng về các nhóm Antifa, Black Life Matters trà trộn tấn công tòa nhà QH ngày 6/1 và tách họ khỏi đa số những người CH ôn hòa hầu như có ít tác dụng với truyền thông dòng chính.
5. Khả năng cao là với các “món quà” được đối thủ “tặng lại”, vai trò và ảnh hưởng của Trump trong Đảng CH sẽ bị suy giảm đáng kể. Trump sẽ bằng mọi cách bị các đối thủ, thậm chí cả cựu “đồng minh” “loại” khỏi các hoạt động chính trị Mỹ và hầu như không còn khả năng quay trở lại vị trí ƯCV Tổng thống 2024 để loại trừ các “hậu họa” lâu dài.
Trước mắt, một số LĐ và Nghị sĩ DC sẽ tận dụng ưu thế đa số của mình ở Hạ viện và Thượng viện và bầu không khí chính trị mới ở QH Mỹ sau sự cố 6/1 để tìm cách “luận tội” Trump và nếu bị “kết tội” Trump sẽ không thể tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Tuy nhiên, ý muốn là một chuyện, còn luận tội được không thì lại là chuyện khác. Tuy nhiên, họ cũng cần phải tính kỹ hệ quả tương tự đối với Tổng thống mới Biden hoặc bất cứ Tổng thống DC nào trong tương lai khi các TT này có thể bị “luận tội” bất kỳ lúc nào và vì bất cứ lý do gì một khi chiều hướng chính trị trong QH và xã hội Mỹ thay đổi.
Mặt khác, dù cá nhân Trump có thể không còn hiện diện, nhưng những ý tưởng, chính sách lớn của Trump thể hiện trong biểu ngữ MAGA (làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) như đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, giảm thuế, giảm điều tiết và kiểm soát của nhà nước, hạn chế nhập cư, thắt chặt an ninh biên giới… sẽ tiếp tục là những ưu tiên cốt lõi trong chương trình nghị sự của Đảng CH và “ở lại” với chính trị và nước Mỹ một thời gian dài nữa.
6. Dù muốn hay không, cả Đảng DC lẫn CH sẽ sớm nhận thấy rằng các phần tử quá khích của 2 đảng như BLM, Antifa. phía DC hoặc Proud Boys, White Supremacists của CH đang đẩy cả 2 đảng theo hướng cực đoan và bạo động.
Do đó, tiếng nói áp đảo sẽ là lên án các xu hướng quá tả, quá khích, đồng thời với việc xuất hiện trào lưu đòi hỏi thanh lọc cử tri, ủng hộ viên ở cả 2 đảng để làm cho nền chính trị Mỹ trở nên lành mạnh, “hấp dẫn” hơn với người dân.
7. Việc big tech khóa tài khoản của Trump, một TT đương nhiệm, được xem là bước đi quá đà, khẳng định quyền lực vô đối của big tech, của media trong việc cho phép ai được nói và nói cái gì. Ngày hôm nay “nạn nhân” là Đảng CH, nhưng ngày mai người hứng mũi dùi có thể là Đảng DC hoặc bất cứ ai “chơi dao”.
Xu hướng chống lại big tech, chống độc quyền thông tin, chống kiểm duyệt… sẽ ngày càng tăng trong QH, trong xã hội Mỹ, vừa giúp tạo sự cạnh tranh lành mạnh, vừa ngăn cản xu hướng độc quyền, áp đặt về mặt thông tin.
8. Đây là lúc không chỉ những người CH, mà cử tri Mỹ nói chung phải suy nghĩ kỹ và sâu hơn về câu chuyện “cân bằng quyền lực”, không phải là cân bằng quyền lực chính trị theo kiểu truyền thống ở cả ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp như những nhà lập quốc đã nghĩ và “thiết kế” hệ thống chính trị này ở Mỹ cách đây gần 250 năm và hệ thống này đang cho thấy những khiếm khuyết, lỗ hổng nghiêm trọng.
Trong những năm gần đây, một thế lực mới xuất hiện, có sức mạnh vô biên như truyền thông, big tech nhưng lại có quan điểm, cách tiếp cận thiên vị. Ở một thời điểm nhất định, một đảng chính trị có thể “được lợi” từ cách làm này của big tech và media, nhưng về lâu dài thì đây là xu hướng phát triển không lành mạnh vi người hưởng lợi hôm nay, rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của ngày mai.
9. Quá trình chuyển giao quyền lực cho Chính quyền Biden sẽ được đẩy nhanh trong 14 ngày còn lại cho đến khi nhậm chức ngày 20/1. Chính quyền Trump giờ đây không còn bất kỳ lý do gì để gây cản trở quá trình bàn giao.
Đây là thời gian “lý tưởng” cho những người “nhảy việc”, tranh thủ giữ khoảng cách, “lên án” ông chủ cũ Nhà Trắng về sự cố 6/1 với hy vọng tìm sự “thanh thản” về đầu óc, hoặc làm cho hồ sơ xin việc “đẹp” hơn khi tìm việc mới.
10. Với đa số mong manh ở cả 2 viện của Quốc hội, và với một xã hội Mỹ đang hết sức chia rẽ như hiện nay, thì ưu tiên đối nội cao nhất của chính quyền Biden là ngoài việc chống Covid-19 và phục hồi kinh tế, thì điều hết sức quan trọng là hàn gắn các chia rẽ xã hội và hướng đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Tại sao lại 2022? Biden và các cử tri Mỹ đều hiểu rằng ông sẽ là “Tổng thống một nhiệm kỳ” và khó có thể làm được gì lớn trong bối cảnh xã hội và chính trị Mỹ chia rẽ như hiện nay. Các chương trình nghị sự lớn của Dân chủ, nhưng lại không được lòng cử tri Mỹ hay cử tri CH như mở rộng Tòa án Tối cao Liên bang, xây tường biên giới, chính sách với Trung Quốc, tăng thuế cá nhân hay doanh nghiệp… khó có thể được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn này.
Nhiều khả năng các chính sách lớn sẽ được thúc đẩy sau bầu cử giữa kỳ 2022 khi sự chia rẽ được hàn gắn phần nào, cùng với hy vọng Đảng DC sẽ củng cố được vị thế đa số ở cả 2 viện. Đồng thời, vì chỉ là TT một nhiệm kỳ nên ông Biden có thể thúc đẩy chính sách mạnh bạo mà không lo bị “mất ghế” khi tái tranh cử.
P/S: Yêu, ghét một con người, một chính quyền là chuyện tình cảm, nhưng để hoạch định được một chính sách tốt thì cần phải có cách nhìn thực tế một hiện tượng, một vấn đề như nó vốn có và sẽ xảy ra thì mới có cách hiểu và đối sách tương đối chính xác.
Dù tác giả cho là cần thực tế khi nhìn nhận và đánh giá các sự kiện, nhưng đọc vẫn thấy phảng phất một một cái gì đó có tính chất trumpist đấy [Tôi theo dõi và thấy có khoảng 80% người Việt ở trong nước và hải ngoại yêu thích TT Trump (vì những lý do cụ thể). Dù tôi tự nhận là thuộc 20% còn lại nhưng thời gian vừa qua theo dõi báo chí Mỹ tôi tập trung chủ yếu các tờ khuynh hữu như FoxNews, The New York Post… sau mới kiểm tra thông tin ở các tờ khuynh tả khác].
Ta có thể nhận ra nhiều ví dụ điển hình vẽ nên hình ảnh TT Trump trong gần 4 năm qua nhưng tôi thấy tính tiêu cực nhiều hơn tích cực. Ví dụ, về đối nội, có thể nói ông đã thành công trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ nhưng chính tư tưởng dân túy đã xóa sạch kết quả ấy qua việc ông xử lý các khủng hoảng như sắc tộc (vụ người da đen Floyd bị cảnh sát ghì chết) và dịch covid và để lại những hậu quả hết sức xấu. Về đối ngoại, người ta cũng ca ngợi đường lối nước Mỹ trên hết (America first) của ông là tuyệt vời nhưng không nhìn thấy một ảnh hưởng chết người là, khi đó người Trung Quốc đang tiến ra giành lấy thế giới (trên thực tế ông làm suy yếu các đồng minh, các liên minh và nhường các sân chơi cho Tàu). TQ là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, TT Trump thường xuyên nhấn mạnh như vậy mà ông lại đi nước cờ ấy thì biết ông là người thế nào, có phải là đối thủ của Tập không (Đây là một câu chuyện rất hay nhưng nó quá dài).
Cuộc bầu cử 3/11 dân Mỹ đã chọn Biden không phải vì ông này tài giỏi gì mà bởi họ đã quá chán TT Trump. Điều này được xác thực không phải bởi các cáo buộc gian lận bầu cử (nếu ta xem gỡ băng cuộc nói chuyện hôm 2/1 của TT Trump và Bộ trưởng Nội vụ bang Georgia thì thấy thực sự TT đã quẫn) mà bởi cuộc bầu cử lại 2 ghế TNS cũng ở bang này ngay sau đó hôm 5/1: dân bang này đã bầu cả 2 ghế cho đảng DC, và như thế là giành quyền kiểm soát cả hai viện cho đảng DC (ta nhớ trong lần bầu 3/11, các ứng viên bên CH nắm đa số phiếu, nhưng vì không ai đạt quá bán nên phải bầu lại). Nên nhận ra điều này, dân Georgia thay dân Mỹ phản ánh thái độ chán đảng CH đến tột độ, bất kể các cáo buộc vô lối của TT Trump. Nhưng những người ghét đảng DC bên Mỹ có thể yên tâm, chỉ đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây, dân Mỹ sẽ để đảng CH kiểm soát hạ viện hoặc thượng viện để lập lại thế đối lập, tức có lực lượng đối lập để kiểm soát quyền lực. Nếu để ý đến một số nét nổi bật như vậy thì có khi ông HAT sẽ viết 10 nội dung của mình khác đi chăng.
Những chi tiết trên đây để dẫn đến nhận xét của cá nhân tôi là, ảnh hưởng của TT Trump sẽ chỉ như một ngôi sao băng. Nó sẽ sớm tắt. Nước Mỹ hy vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp của họ để đi tiếp, trước khi bị Trung Quốc soán ngôi số 1 vào khoảng giữa thế kỷ này. Điều này thì tôi không nghi ngờ gì, chỉ buồn là nước mình chưa kịp lớn để “chịu đựng” tiếp luật chơi của anh Tàu khi nó kiểm soát thế giới thôi.
(Tôi nghĩ đến đâu viết đến đấy, không xem lại nên có vẻ lộn xộn. Friend nào tò mò xem cho vui).
***
Tôi rất thích những cái còm kiểu này mang tính phản biện sâu sắc, cho dù không tán thành stt của HAT nhưng có kiến thức, có quan điểm rõ ràng thông qua lượng thông tin phong phú. Để bạn đọc có cái nhìn nhiều chiều và hiểu sâu sắc hơn một TT Mỹ bị (chịu) nhiều tranh cãi từ lúc ổng nhậm chức đến khi ổng đang có nguy cơ bị luận tội và phế truất trước ngày Biden nhậm chức đang đến gần.
Nguồn: FB Kim Dung Pham