2021: Thay đổi chính trị Mỹ sẽ có tác động tới nhân quyền ở VN?

BBC Tiếng Việt

Việt - Mỹ

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng trước khi dùng bữa trưa với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 07/7/2015 tại Washington. Nguồn: GETTY IMAGES

Thay đổi chính trị nội bộ Mỹ từ đầu năm 2021 với đảng Dân chủ vừa có những chiến thắng được xác nhận ở kỳ bầu cử Tổng thống và lưỡng viện Quốc hội sẽ có tác động hay không tới cải thiện tình hình và hồ sơ nhân quyền, dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam?

Đây là vấn đề được hai nhà quan sát nhân quyền Việt Nam trao đổi với BBC News Tiếng Việt tuần này từ trong nước và hải ngoại.

Trước hết, hôm thứ Năm, 07/01/2021, từ Houston, Texax, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đưa ra một nhận định có tính bao quát:

“Những gì đang diễn ra chúng ta đều biết là tại Hoa Kỳ có hai đảng là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đường lối của mỗi đảng sẽ khác nhau, trong đó mối quan tâm về dân chủ của đảng Dân chủ đa phần là sâu sát tới tình hình ở các nước khác hơn.

“Trước khi mà ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, thì lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Việt Nam cũng đã kịp tặng quà cho nước Mỹ.

“Nếu chúng ta kết nối các sự kiện lại với nhau, thì trong ngày 05 tháng Một, một bản án 15 năm tù giam đã được dành cho nhà báo độc lập, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, 11 năm dành cho blogger Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn; sau đó là vụ bắt giữ hơn 52 nhà hoạt động từ phía Hong Kong, mà trong số những người bị bắt giữ này lại có cả một công dân Hoa Kỳ là một luật sư nữa.

“Thì phản ứng của Hoa Kỳ ngay sau đó, chúng ta đã thấy người dự kiến ngồi vào ghế Ngoại trưởng Hoa Kỳ theo đề nghị của ông Joe Biden, ngay lập tức lên tiếng, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cũng đã lên tiếng về vụ bắt giữ tại Hong Kong”.

Và trên quan điểm của một nhà quan sát từ hải ngoại, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bình luận vào trường hợp cụ thể của Việt Nam:

“Có thể thấy rằng trong những năm tới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vừa rồi còn có việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ nữa mà Việt Nam đang cố gắng để gỡ, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế, xã hội, thì có lẽ rằng đây là cơ hội để các nhà hoạt động Việt Nam ở trong nước và ở phía bên ngoài, tận dụng ít nhất là hai năm đầu tiên khi mà quyền lực và ưu thế đang nằm trong tay của ông Joe Biden.

“Nhưng hai năm đó tại Hoa Kỳ cũng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng lại, để tạo lại vị thế của Hoa Kỳ, thì ảnh hưởng ít nhất trong hai năm tới, Việt Nam, đặc biệt là Việt Nam đã tạo ra sức ép cho Hoa Kỳ bằng một loạt bản án trong năm 2020, không chỉ ba bản án cuối năm, mà trong năm 2020, việc sử dụng điều 117 – là tội tuyên truyền chống nhà nước, hay tội lật đổ chính quyền nhân dân – một cách phổ biến hơn, đó chính là lúc mà phong trào dân sự tại Việt Nam cần phải khởi động trở lại.

Việt - Mỹ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầm cờ Việt Nam khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cầm cờ Mỹ khi trước cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 27/2/2019. Nguồn: GETTY IMAGES

“Bởi vì sau 4 năm mà tất cả những cuộc hoạt động, tất cả các phong trào hoạt động dân sự đã bị chìm lắng, bởi vì người ta đã nghĩ rằng ông Donald Trump sẽ đánh Trung Quốc và mọi thứ sẽ thay đổi khi Trung Quốc bị sập, thì ngay bây giờ chúng ta phải xây dựng lại dựa trên những gì còn trước đó và những bản án với những người như là Phạm Chí Dũng hay Phạm Đoan Trang và hàng trăm tù nhân lương tâm khác đang chờ đợi sự lên tiếng của các nhà hoạt động trong nước.

“Và hy vọng rằng với những gì đang diễn ra tại chính trường Hoa Kỳ, thì các nhà hoạt động trong nước sẽ có thêm cơ hội để cất lên tiếng nói của mình và cũng hy vọng rằng cộng đồng người Việt, kiều bào ở hải ngoại, tất cả những người Việt Nam sống bên ngoài sẽ chấp nhận rằng nước Mỹ đã có Tổng thống thứ 46, để cùng nhau tận dụng những giá trị ở chính trường Hoa Kỳ để gây sức ép và tạo điều kiện cho Việt Nam có tự do báo chí và tự do ngôn luận”.

‘Cần một phương pháp mới, không đi theo lối mòn’

Từ Hà Nội, hôm 08/01, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam, cho rằng tình hình nội bộ ở chính nước Mỹ còn nhiều phức tạp, không dễ dự đoán, song bài toán dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam trong tình hình mới cần đến con đường mới, tránh ‘lối mòn’:

“Theo tôi, từ nhiều năm rồi, những tác động của Mỹ (cả các nước phương Tây) tới nhân quyền Việt Nam là không đáng kể, nặng về hình thức. Bức tranh chung không khác mấy đối với Trung Quốc. Từ một phần tư thế kỷ qua, nhân quyền Việt Nam ngày càng bị siết chặt. Cứ mỗi dịp trước một hiệp định thương mại ký với phương Tây, hay gia nhập WTO v.v… là có chút nới ra, xong rồi lại đâu vào đó.

“Thêm nữa, nội tình nước Mỹ trong mấy năm tới sẽ còn vô vàn rối ren, không ai có thể đoán trước sẽ còn xảy ra những chuyện gì, kể cả bức tranh nhân quyền của chính họ. Hai cuộc biểu tình khổng lồ liên quan bầu cử vừa qua cũng thể hiện thái độ bất mãn của người dân lên cao độ, trong đó có nhân quyền.

“Cho nên, việc thay đổi chính phủ ở Mỹ cũng sẽ không có gì ảnh hưởng tới nhân quyền Việt Nam. Muốn góp phần thay đổi, phải có một phương pháp hoàn toàn khác, không thể theo lối mòn xưa nay.

“Người dân Việt Nam cần kiên nhẫn tự mình tranh đấu bằng nhiều cách khác nhau cho các quyền tự do dân chủ của mình, chớ hy vọng nhiều vào bên ngoài, nhất là trong bối cảnh Mỹ, phương Tây sẽ càng phải đặt ưu tiên kinh tế lên hàng đầu trong/sau cuộc khủng hoảng vì Covid-19”.

Trước câu hỏi, tuy thế, liệu có thể có chuyển biến, tiến bộ hay cải thiện gì hay không về tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền và xã hội từ bên trong Việt Nam, trước những chuyển biến về chính trị trên môi trường quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, ông Nguyễn Hữu Vinh đáp:

“Tất cả sẽ phụ thuộc vào tình hình xã hội Việt Nam tới đây, theo tôi không liên quan gì tới chính quyền Mỹ mới, hay bang giao giữa hai nước.

“Đặc biệt, vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ rất liên quan tới mối quan hệ Việt -Trung cùng tình hình Biển Đông. Nếu Trung Quốc gây hấn ngoài Biển Đông, nhà nước Việt Nam sẽ phải có những động thái xoa dịu lòng dân, trong đó có nhân quyền.

“Nếu những cố gắng chống tham nhũng không phát huy tác dụng, nặng về hình thức, nửa vời thì lòng dân sẽ không yên, sẽ có nhiều phản ứng kiểu như kiểu vụ Đồng Tâm mà ngày 09/01 này sẽ đánh dấu tròn năm biến cố xảy ra, phía Nhà nước lại tìm cách siết chặt.

“Tiện đây, tôi xin nói thêm là nhìn chung, không chỉ với những vụ xét xử đã đang được đưa ra ở thời điểm này như với nhóm các Nhà báo độc lập Việt Nam, nhóm “Hiến pháp” v.v…, cũng như những vụ bắt bớ, xét xử gần đây, việc trấn áp mạnh tay của nhà nước với những tiếng nói phản biện chỉ có thể giải quyết được tạm thời trước mắt, bề nổi, dẹp yên trước Đại hội, giảm nghi vấn tính hiệu quả của chống tham nhũng, chẳng hạn; trong khi ngược lại, nó ngày càng tích tụ mâu thuẫn xã hội, nguy cơ bùng nổ lớn, khó kiểm soát, một khi có biến động xã hội.

“Người ta không nói ra, vì nhạy cảm, chứ chuyện trấn áp có tính chính trị đó cũng mang màu sắc “tư duy nhiệm kỳ” của nó, nghĩa là trong nhiệm kỳ của mình thì cứ “dẹp yên” đã, còn hậu quả ra sao thì… khóa sau gánh chịu. Và vụ Đồng Tâm theo tôi có vẻ đang là thế”, ông Nguyễn Hữu Vinh, người còn được biết tới với bút danh blogger Ba Sàm, nói với BBC từ Hà Nội.

Nguồn: bbc.com

This entry was posted in Chính trị Mỹ, Nhân quyền Việt Nam. Bookmark the permalink.