Tường An
Hình minh hoạ. TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên toà ở TP Hồ Chí Minh hôm 20/1/2010. AFP
Ngày Nhân quyền Quốc Tế năm nay diễn ra trong bối cảnh nạn dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, trong khi tại Việt Nam, chính phủ đã gia tăng đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động, blogger, những tiếng nói chỉ trích chính quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá năm 2020 là năm nhân quyền tại Việt Nam xuống cấp trầm trọng, theo trang The Project 88 – một trang chuyên theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, năm 2020 đã có 20 người hoạt động bị bắt và 14 người H’Mong bị khởi tố. Với 50 năm hoạt động trong lãnh vực Nhân quyền, Tiến sĩ Franz Alt, một nhà báo Đức, nhà văn, nhà xã hội học và chuyên gia về môi trường, nhận định về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam:
“Đây là một vấn đề tai tiếng. Ở Việt Nam, nhân quyền bị coi thường một cách trầm trọng. Hà Nội không chấp nhận những cuộc biểu tình phản đối vi phạm nhân quyền ở hải ngoại, nhưng đó là nghĩa vụ của mỗi người trên trái đất này.Trang web của Chính phủ Việt Nam nói họ tôn trọng Nhân quyền nhưng hoàn toàn không hề có, như trường hợp tù nhân chính trị Trần Huynh Duy Thức. Không ai có thể bỏ tù vì họ phản đối ôn hoà. Đây là sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà nước Việt Nam”
Ông Hanno Shedler, cố vấn của Hiệp Hội Những Người Bị Đàn Áp (Gesellschaft für bedrohte Völker (GfbV) có trụ sở chính tại Gottingen, Đức quốc, cho rằng những cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam cho những Tù Nhân Lương Tâm là không có căn cứ và nhất là bản án 16 năm tù của người TNLT nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức là vô lý. TNLT Trần Huỳnh Duy Thức hiện đã thụ án tù được hơn 10 năm.
“Chúng tôi cũng đã viết thư đến Bộ Ngoại giao, vẫn chưa có phản hồi, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ hỏi lại và đem vấn đề tình trạng tù nhân chính trị ở VN trình bày tại kỳ họp tới tại Liên Hiệp quốc và về việc ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn bị giam giữ, mặc dù lẽ ra ông ta đã phải được thả ra từ lâu. Năm nay phản ứng của nhà cầm quyền VN được coi là chậm trễ do COVID-19. Nhiều số phận, nhiều con người đã bị bỏ tù một cách sai trái và họ phải được thả ra. Điều này chỉ có sự quan tâm của thế giới mới tác động được”.
Vừa qua, Tổ chức Front Line Defenders đã báo động về việc TNLT Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực từ ngày 24/11 để yêu cầu Tòa án cấp cao tuân theo điều khoản bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 về việc “chuẩn bị phạm tội” chỉ chịu mức án 1-5 năm, và xét lại bản án mười sáu năm được tuyên án vào năm 2010, theo đó ông phải được trả tự do ngay tức khắc.
Ông Franz Alt nhận định: “Ông Trần Huỳnh Duy Thức không phải là tội phạm mà là một nhà bảo vệ nhân quyền. Do đó, việc các chính trị gia và doanh nhân Đức thúc giục chính phủ Việt Nam tuân thủ nhân quyền trong các cuộc đàm phán và giao dịch kinh doanh với Việt Nam là rất thích hợp”.
Những nhà đấu tranh cho Nhân quyền tại Á Châu đã gọi ông Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Manlela của Á Châu và tôi đã gọi theo như vậy. Tôi biết đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nelson Mandela là một tấm gương. Trần Huỳnh Duy Thức đấu tranh bất bạo động như Mandela, ông Trần Huỳnh Duy Thức chưa bao giờ nói đến việc trả thù, do vậy tôi gọi ông ta là Mandela của Á Châu – Franz Alt
Câu chuyện về Trần Huỳnh Duy Thức cũng được ông đưa lên trang web sonnenseite.com của ông với hơn 15.000 lượt truy cập mỗi ngày. Ông cũng gọi Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Mandela Á Châu, ông giải thích :
“Những nhà đấu tranh cho Nhân quyền tại Á Châu đã gọi ông Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Mandela của Á Châu và tôi đã gọi theo như vậy. Tôi biết đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nelson Mandela là một tấm gương. Trần Huỳnh Duy Thức đấu tranh bất bạo động như Mandela, ông Trần Huỳnh Duy Thức chưa bao giờ nói đến việc trả thù, do vậy tôi gọi ông ta là Mandela của Á Châu”
Những người quan tâm đến Nhân quyền Việt Nam, bạn bè của ông Trần Huỳnh Duy Thức tỏ ý lo ngại cho sức khoẻ của ông. Ông Ngô Hoàng Phong, một người hoạt động tại Đức, đại diện cho Tổ Chức Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Âu Châu và cũng là người liên hệ trực tiếp với gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết gia đình cũng rất đau lòng khi nghe tình trạng sức khoẻ ông Thức bị kiệt quệ. Tuy nhiên, ông Ngô Hoàng Phong tin tưởng :
“Một mặt tôi thấy nó hiệu quả vì nó đánh động lương tâm thế giới, nhất là những nước Tấy phương, họ yêu chuộng tự do, nhân quyền, họ sẽ đau lòng và can thiệp để thả. Riêng tôi, tôi luôn tôn trọng quyết định của những người trong tù, đặc biệt là anh THDT, anh ta biết anh ta làm gì, dĩ nhiên tôi rất đau lòng và chắc chắn sức khoẻ anh ta bị ảnh hưởng, một mặt tôi rất kính phục cho hành động kiên cường của anh, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến chính giới cho việc thả anh.”
TNLT Trần Huỳnh Duy Thức. Hình RFA
Ngoài những vận động Quốc tế, trang mạng « Mặt Trời » (sonnseite.com) của ông Franz Alt cũng kêu gọi người đọc viết thư cho Chủ tịch nước và đại sứ Việt Nam tại Đức. Riêng ông Hanno Schedler cũng cho biết ông sẽ viết thư cho chính quyền Việt Nam :
“Chúng tôi cũng sẽ viết thư đến chính quyền Việt nam. Tôi cũng muốn nhấn mạnh điều này rằng đối với Liên minh Châu Âu Việt nam là một đối tác quan trọng, cũng là một đối tác quan trọng để kiềm chế chính sách bành trướng của Trung Cộng”
Ông Ngô Hoàng Phong cũng đã vận động để đại diện chính phủ Đức đến thăm ông Trần Huỳnh Duy Thức trong tù năm 2018. Gần đây ông cũng đã viết thư cho Bộ Ngoại Giao Âu Châu và được cho biết trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã được nêu ra trong kỳ đối thoại Nhân quyền Đức-Việt hồi tháng 2 vừa qua. Họ cho biết các cuộc thăm viếng ông Thức sẽ được nối lại sau đại dịch COVID-19 :
“Riêng về Tiểu ban lo về Nhân quyền tại Châu Âu của EVFTA rất quan tâm, họ hứa là họ sẽ can thiệp về vấn đề vi phạm trầm trọng của Việt Nam, cũng như Uỷ ban Tư Pháp về Thượng tôn Pháp luật mà Việt Nam và Đức đã ký năm 2009 cho 3 năm, trong đó đòi hỏi quyền con người phải được bảo đảm, tuy nhiên Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm, Việt Nam không tôn trọng những hiệp định mà họ đã ký với Đức, Các cơ quan của Đức rất là quan tâm, họ hứa là họ sẽ can thiệp để Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do.”
Trang mạng The Project 88 cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ 250 Tù Nhân Lương Tâm, trong đó có 81 nữ và 58 dân tộc thiểu số, Việt Nam vẫn còn ở bậc thang 175/180 về tự do báo chí theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới.
Về trường hợp TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, ông Franz Alt nói: “Sự giúp đỡ từ bên ngoài này là hy vọng duy nhất cho một người có bị buộc tội là đứng lên đấu tranh cho nhân quyền”
T.A.
Nguồn: RFA