Vì sao lại nói “sai phạm trong quản lý đất đai”?

Nguyễn Huỳnh

Nếu không chọn giải pháp căn cơ là sửa luật đất đai, thì chuyện gọi là ‘sai phạm trong quản lý đất đai’ vẫn còn kéo dài

Cứ sau mỗi lần kiểm tra phát hiện sai phạm khắc phục xong thì lại nảy sinh những sai phạm mới, đi cùng với đó là tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai phức tạp, kéo dài, khó giải quyết…

“Tôi cho rằng cần xem lại Luật Đất đai. Các sai phạm được quy kết là trong quản lý đất đai, ngoài lý do tạm gọi là tiêu cực, thì đó còn xuất phát từ Luật Đất đai đã không thể điều chỉnh được các vấn đề pháp lý trên thực tế” – luật sư Tr.T., nhận xét.

Ghi nhận từ các kết luận thanh tra thì vi phạm phổ biến trong công tác quản lý sử dụng đất, đó là cho thuê đất vượt thẩm quyền, sai quy định. Có địa phương giao đất sai thẩm quyền đã nhiều năm nhưng vẫn không xem xét thu hồi hoặc không làm thủ tục thuê đất và thu tiền sử dụng đất theo quy định.

Đặc biệt việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu là sử dụng đất kém hiệu quả, sai mục đích được duyệt, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, sai quy hoạch, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo cách tự thoả thuận với dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp…

“Tôi cho rằng ở đây là một dạng của tham nhũng quyền lực trong lãnh vực quản lý đất đai” – luật sư Tr.T., diễn giải: Mới đây báo chí đăng tin Thanh tra TP.HCM vừa công khai 2 kết luận về việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng vốn nhà nước, thực hiện dự án tại Công ty TNHH MTV Cây trồng thành phố năm 2018, và việc chấp hành các quỵ định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng vốn nhà nước, thực hiện dự án tại Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố năm 2018.

Hai công ty này có 100% vốn nhà nước, trước đây trực thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Năm 2018, hai công ty tách ra khỏi SAGRI và trở thành công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Hai công ty được giao quản lý diện tích đất rất lớn, chủ yếu là đất nông nghiệp. Công ty Cây trồng quản lý hơn 2.486,8 ha đất nông nghiệp, còn Công ty Bò sữa có hơn 3.392,7 ha đất nông nghiệp.

Đối với Công ty Bò sữa thành phố, kết luận thanh tra chỉ ra công ty này đầu tư dự án nuôi bò sữa ở xã Đà Loan (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) liên tục thua lỗ, phải bán dự án. Đồng thời, Công ty Bò sữa vi phạm các quy định Luật đất đai, trách nhiệm thuộc về chủ tịch hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, kế toán trưởng, phụ trách dự án của SAGRI; chủ tịch hội đồng thành viên, kiểm soát viên, giám đốc, kế toán trưởng, phụ trách dự án và cá nhân liên quan của Công ty Bò sữa thành phố thời kỳ có liên quan cần phải kiểm điếm nghiêm túc.

Vẫn theo kết luận thanh tra, Công ty Bò sữa còn tham gia góp vốn thực hiện dự án trồng 10 nghìn ha cây cao su tại Lào nhưng chỉ trồng được 2.800ha. Sau đó đã có 1.800ha cây cao su bị chết, chỉ còn quản lý khai thác thực tế 1.000ha, dự án hiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài Công ty Bò sữa góp 27 tỉ đồng còn có lực lượng thanh niên xung phong góp 153,7 tỉ đồng, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn góp 4 tỉ đồng, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn góp 15 tỉ đồng và Quỹ Đầu tư và Phát triển Đô thị góp 26 tỉ đồng để thực hiện dự án này…

“Với những tình tiết kể trên, với riêng Công ty Bò sữa cho thấy có sự nhập nhằng về quyền lực quản lý. Thứ nhất, nếu đã là những hợp đồng làm ăn, thì thua lỗ là chuyện thường tình. Phía đại diện quản lý vốn nhà nước ở đây phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, cần xem xét dấu hiệu tham nhũng quyền lực, vì để gọi là công nhiên vi phạm pháp luật về đất đai, thì đó phải là nhóm quyền lực nằm ngay trong bộ máy công quyền” – luật sư Tr.T., nhận định.

Một đồng nghiệp của luật sư Tr.T., tiếp lời với phản biện rằng chính Luật Đất đai hiện tại đã tạo cơ hội cho việc tham nhũng quyền lực.

“Luật Đất đai năm 2013 đưa ra giải pháp xử lý các dự án ‘treo’ bằng cách cho gia hạn thêm 24 tháng nữa mà vẫn bị ‘treo’ thì nhà nước thu hồi đất và ‘tịch thu’ mọi giá trị đã đầu tư trên đất. Việc thu hồi đất là phù hợp Hiến pháp vì chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, nhưng tài sản đã đầu tư trên đất không hề vi phạm pháp luật về đầu tư ,nên việc này có biểu hiện vi phạm quy định của Hiến pháp về việc nhà nước bảo hộ tài sản hợp pháp của các doanh nghiệp, và không thực hiện quốc hữu hóa.

Trên thực tế, số lượng dự án ‘treo’ rất nhiều nhưng không được xử lý vì nhiều lý do, trong đó có việc do pháp luật thiếu phù hợp” – vị luật sư dẫn chứng và nói thêm rằng văn bản dưới luật cũng bất ổn, chẳng hạn Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có kết quả kiểm tra thực địa.

Tuy nhiên, hồ sơ giao đất, cho thuê đất… không có văn bản nào để trên cơ sở đó xác định chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án. Chưa kể đến việc năng lực tài chính của chủ đầu tư có thể có biến động trong thời gian dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư hay giao sản phẩm cho khách hàng.

“Tôi cho rằng nếu không chọn giải pháp căn cơ là sửa luật đất đai, thì chuyện gọi là ‘sai phạm trong quản lý đất đai’ vẫn còn kéo dài, và khiến dân tình ngờ vực vào phẩm giá liêm chính của người cộng sản – vì ai cũng biết tất cả các cá nhân được kết luận về ‘sai phạm trong quản lý’, đều là đảng viên…” – luật sư Tr.T., kết luận.

N.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in luật đất đai. Bookmark the permalink.