Mỹ Thuận
Đang có những ‘hạn chế’ về quyền, cũng như thực tế ‘lực bất tòng tâm’ về quyền.
Bài viết này xin được thử cắt một lát nhỏ về các ‘hạn chế’ của quyền, và ‘lực’ của quyền thực thi.
Đơn cử, quan sát những lần chất vấn ở nghị trường Quốc hội, dễ nhận ra rằng quyền lập quy là một trong hai quyền hành pháp có tác động rất lớn đến quá trình đưa các đạo luật vào cuộc sống, nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Số lượng văn bản quy phạm do Chính phủ và các bộ, ngành ban hành là rất lớn, và không ít trường hợp các văn bản đó không phù hợp với tinh thần của các đạo luật, có thể gây ảnh hưởng hoặc cản trở việc thực hiện các quyền của cá nhân và tổ chức (thường xảy ra nhất là việc đưa thêm các điều kiện để hưởng một lợi ích hoặc thực hiện một quyền nào đó, trong kinh doanh thường là các “giấy phép con”).
Tuy nhiên hiện nay, văn bản quy phạm dưới luật như vậy không được kiểm soát và có biện pháp xử lý. Quyền kiểm soát của Quốc hội với các văn bản của Chính phủ cũng được quy định trong Hiến pháp “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền “đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Điều 74 Hiến pháp năm 2013).
Trên thực tế, khi đọc báo, người ta vẫn thường thấy đưa tin liên quan về ‘lực’ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện hiện quyền hạn kể tên hàng loạt ở trên. Thay vào đó, khi phát hiện văn bản của Chính phủ trái với luật, thì thay vì đề nghị bãi bỏ, lại kiến nghị sửa đổi chính đạo luật đó và văn bản của Chính phủ vẫn đương nhiên có hiệu lực.
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, dẫn chứng: “Chẳng hạn như trong một báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn giám sát đã phát hiện nhiều văn bản pháp quy của cơ quan hành chính không phù hợp với luật và đoàn giám sát cũng đã có kiến nghị gửi đến cơ quan có trách nhiệm, trong đó đề nghị Chính phủ: “sửa đổi, bổ sung các văn bản không phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo… Trong trường hợp Chính phủ nhận thấy các văn bản này tuy không phù hợp với luật nhưng lại đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, Chính phủ phải đề nghị sửa đổi các quy định của Luật để tránh tình trạng các quy định mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật”.
Trong phần phụ lục, báo cáo cũng đưa ra một danh mục các văn bản quy phạm trong đó có sự không phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo cần được sửa đổi, bổ sung điều này chỉ được thực hiện sau năm nay với việc ban hành Luật Khiếu nại năm 2011, và như thế suốt nhiều năm văn bản có thể coi là không phù hợp với luật vẫn đương nhiên có hiệu lực thi hành”.
Ông Đinh Văn Minh kể rằng hồi diễn ra việc cho ý kiến về Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận từ trước đến nay trong luật này chúng ta vẫn còn tồn tại một điểm yếu cần phải khắc phục, đó là hiệu lực của hoạt động giám sát còn chưa cao: “Vì thế, luật lần này phải khắc phục được tình trạng này. Không thể để tình trạng như hiện nay, lúc đi giám sát thì rồng rắn nhau đi, xong rồi kết quả lại để trôi mất”, đồng thời Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sau giám sát phải có báo cáo, kiến nghị, kết luận… nhằm tránh tình trạng đi thì hoành tráng, “rồng rắn lên mây” nhưng mọi việc sau giám sát không chuyển biến” – ông Minh kể.
Nhìn từ khía cạnh khác là sự kiểm soát từ phía cơ quan tư pháp cũng cho thấy nhiều hạn chế. Người dân và doanh nghiệp chỉ có quyền khiếu nại và khiếu kiện các văn bản cá biệt (quyết định hành chính, hành vi hành chính), với các văn bản quy phạm thì chỉ có thể thông qua con đường kiến nghị mà thôi.
Một quyết định gây thiệt hại (hoặc khó khăn) cho một hoặc một vài cá nhân, tổ chức (vì được ban hành trên cơ sở một văn bản không phù hợp với luật) thì có thể bị khiếu kiện, trong khi chính văn bản đó, không phù hợp với luật và có nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại đến nhiều cá nhân, tổ chức khác thì lại đương nhiên tồn tại thì lại chưa thể bị khiếu kiện.
Đó chẳng phải là điều bất hợp lý rõ ràng và khiếm khuyết của cơ chế kiểm soát quyền lập quy hay sao?
M.T.
VNTB gửi BVN