Ba điểm cốt lõi của Dự án Cải tạo sông Tô Lịch

Nguyễn Ngọc Chu

1. PHẢI HOÀN THÀNH CẢI TẠO SÔNG TÔ LỊCH TRONG NHIỆM KỲ 2021-2025

Những thành phố đẹp thường gắn liền với 4 thành tố thiên tạo là núi, sông, hồ và biển. Thăng Long – Hà Nội có 2/4 thành tố thiên tạo là sông và hồ. Hệ thống các sông bao gồm sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Đuống, sông Nhuệ cùng hệ thống các hồ bao gồm hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu và hàng chục hồ khác… là các thành tố quý hiếm đắt giá của Thăng Long – Hà Nội. Nhờ hệ thống sông hồ quý hiếm này nên Thăng Long – Hà Nội được chọn làm kinh đô của nước Việt đã hơn một ngàn năm.

Hệ thống sông hồ của Hà Nội là thành tố quý hiếm về nhiều mặt. Có thể viện dẫn ra 10 chức năng quan trọng sau đây của hệ thống sông hồ của Hà Nội.

- Đảm bảo nguồn nước sống.
- Đảm bảo môi trường sống trong sạch cho con người, động vật và sinh vật.
- Lưu thông nguồn nước của trời đất.
- Cân bằng sinh thái.
- Cân bằng phong thuỷ.
- Thông thương kinh tế với ngoại vùng
- Tạo nên hệ thống giao thông nội vùng.
- Tăng thêm nguồn kinh tế thuỷ sản.
- Đảm bảo nguồn nước cho kinh tế cây trồng.
- Tạo nên cảnh quan tươi đẹp.

Trong bốn chục năm lại đây, hệ thống sông hồ của Hà Nội bị con người tàn phá nghiêm trọng. Hàng trăm các hồ ao bị lấp đất xây nhà. Lòng sông Hồng cũng bị đô thị hoá làm dòng chảy phải thu hẹp. Sông Tô Lịch bị nghẽn dòng chảy và bị ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng đến đời sống không chỉ hàng vạn cư dân ven sông mà đến tất cả cư dân thành phố. Sông Nhuệ và sông Đuống cũng bị nước thải công nghiệp làm ô nhiễm. Hâu quả là Hà Nội bị ngập tràn mỗi khi mưa. Còn môi trường sống của Hà Nội thì mỗi ngày một thêm xấu. Cho nên, phải bảo vệ hệ thống sông hồ Hà Nội. Trong số những việc cấp thiết phải làm thì sông Tô Lịch cần được cải tạo càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo Hà Nội các nhiệm kỳ trước đây, vì không phải tranh cử, mà được bổ nhiệm, nên không ai chịu hứa trước dân những điều phải làm. Cũng vì không hứa, nên khi kết thúc nhiệm kỳ cũng không kiểm điểm những điều không làm được.

Việc cải tạo sông Tô Lịch cần được xem là một mục tiêu quan trọng phải hoàn thành của lãnh đạo Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2025. Lãnh đạo Hà Nội cần đặt ra mục tiêu trước nhân dân thủ đô để nhân dân thủ đô kiểm chứng.

Ước rằng, Thị trưởng Hà Nội đủ can đảm để cất lời hứa những điều sẽ làm trước người dân Hà Nội?

2. ĐỐI TÁC NÀO KHẢ THI?

Bây giờ thì đã rõ lý do cư xử của ông Nguyễn Đức Chung đối với người Nhật trong dự án sông Tô Lịch. Chuyện đã qua không bàn lại nữa. Chỉ đề cập đến tương lai.

Trong số các đối tác nước ngoài có khả năng giải quyết tốt dự án cải tạo sông Tô Lịch, thì hiện không thấy các đối tác đến từ EU và Hoa Kỳ, mà chỉ có đối tác đến từ Nhật Bản?

Không phải người Việt Nam không giải quyết được vấn đề sông Tô Lịch. Mà trong cơ chế hiện nay, thì bất cứ công ty nhà nước nào dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cũng không thể làm tốt vấn đề cải tạo sông Tô Lịch. Vì thấy trước là đắt, lãng phí, mà kết quả lại nửa vời.

Vấn đề cải tạo sông Tô Lịch do người Việt Nam đảm nhận, chỉ có thể thực thi tốt khi vốn là do tư nhân tự bỏ ra, và do tư nhân quản lý. Tiếc thay, các công ty tư nhân Việt Nam, dù giàu có đến đâu, cũng không ai chịu bỏ tiền túi ra để cải tạo sông Tô Lịch. Nếu không nói là họ càng giàu có bao nhiêu càng trông chờ vào nhà nước bấy nhiêu để thêm giàu có.

Từ những điều nêu trên, dường như đối tác Nhật Bản là lựa chọ khả thi nhất hiện nay cho dự án cải tạo sông Tô Lịch. Có 4 yếu tố quan trọng sau đây có thể cân nhắc để quyết định lựa chọn.

1/ Về công nghệ, người Nhật có đủ khả năng để giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch ở mức độ thoả mãn. Và người Nhật có đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể đề xuất một kiến trúc đẹp, một kết cấu vững chắc trong dự án cải tạo sông Tô Lịch.

2/ Về tính cách, người Nhật đủ tín nhiệm để thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch một cách trọn vẹn từ đầu đến cuối.

3/ Về tài chính, người Nhật có lối thoát bằng nguồn vốn ODA.

4/ Về thiện chí, người Nhật đã thể hiện sự thiện chí kiên trì và nồng hậu.

Đó là 4 yếu tố nhìn thấy và cảm nhận được. Điều còn lại, nằm trong tay lãnh đạo Hà Nội.

3. KIỂM SOÁT GIÁ THÀNH LÀ ĐIỀU ĐẦU TIÊN VÀ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT

Vốn ODA (Official Development Assistance ) không phải là cho không tất cả, mà còn là vay và phải trả cả lãi suất. Thông thường chỉ khoảng một phần (25% – 30%) là không hoàn lại. Phần còn lại cho vay dài hạn (khoảng 20-40 năm) với lãi suất thấp (khoảng 2%/năm). Thường thì sau 10 năm mới bắt đầu phải trả nợ. Cho nên, nói là vốn ODA nhưng rất khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào đàm phán với bên cấp ODA.

Rõ ràng Nhật Bản là đối tác khả thi nhất hiện nay về dự án cải tạo sông Tô Lịch. Và đây là một cơ hội hiếm có để Hà Nội sau 5 năm có được sông Tô Lịch sạch và đẹp.

Vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là giá thành của dự án sẽ là bao nhiêu triệu USD? Chưa ước lượng con số cụ thể, nhưng có thể khẳng định giá thành của dự án sẽ được nâng lên rất đáng kể do 2 nguyên nhân sau đây.

1/ Một là, giá bị đẩy lên do phía Việt Nam tham nhũng. Đây là một điều không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện nay. Chỉ là “ăn dày” đến bao nhiêu mà thôi. Trên thực tế, không dự án hợp tác quốc tế nào mà phía Việt Nam không tham nhũng. Đã có nhiều dự án phía Việt Nam nhận hối lộ bị phát hiện nhờ từ phía Nhật Bản.

2/ Hai là, giá bị đẩy đắt hơn từ phía Nhật Bản. Yếu tố này liên quan đến thông lệ vốn ODA của nước nào thì các công ty nước đó được tham gia thực hiện dự án. Nghĩa là “được lấy lại hợp pháp tối đa có thể”. Chi phí dự án theo cách trả lương của Nhật Bản là rất cao. Nếu bị đẩy lên nữa thì thành đắt.

Nguyên nhân thứ hai này có thể hạn chế được. Nếu người quyết định phía Việt Nam giỏi, biết đúng giá, thì phía nước ngoài không thể nâng cao hơn giá thực. Tiếc thay, phía Việt Nam chưa bao giờ có được một người như thế trong các dự án của nhà nước với nước ngoài!

Bạn không thể chống được tham nhũng từ phía Việt Nam trong cơ chế hiện nay. Vì nhà dột từ nóc. Nhật Bản là sự lựa chọn khả thi nhất hiện nay. Đây là cơ hội hiện thực để hồi sinh sông Tô Lịch. Dẫu biết rằng thất thoát có thể lên đến 50% – một con số khổng lồ cho dự án nhiều chục triệu USD.

Một Thị trưởng Hà Nội giỏi sẽ có ngay quyết định về lựa chọn đối tác Nhật Bản. Vì biết đúng giá thành dự án, biết đàm phán được điều kiện ODA tốt, và biết ngăn chặn được sự tham nhũng từ phía Việt Nam. Có một Thị trưởng giỏi, giá thành không thể tăng quá 1%. Tiếc thay Hà Nội không có được một Thị trưởng như vậy.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch đắt hơn giá thực bao nhiêu phụ thuộc vào sự liêm khiết và tài năng của lãnh đạo Hà Nội. Dự án cải tạo sông Tô Lịch dẫu có đắt thêm 50% thì cũng xứng đáng làm. Còn hơn dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đắt hơn 300% mà trở thành quả bom nổ chậm.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

N.N.C.

This entry was posted in Môi trường Thủ đô. Bookmark the permalink.