Sao không học tập các đảng chính trị ở nước bạn?

Nguyễn Huyền

Đồng chí Tổng Bí thư đã có trách nhiệm cụ thể ra sao khi đồng chí đã phân công cán bộ, mà một số cán bộ ấy về sau lại là ‘củi’ được chính đồng chí ‘đốt lò’?

“Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Báo điện tử VietnamNet có bài “Trăn trở của Tổng Bí thư về Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII” (*)

Tư cách là đảng viên, tôi muốn qua bài viết này được chia sẻ những trăn trở của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Thứ nhất, tôi chọn trang Việt Nam Thời Báo để gửi bài cộng tác đây, vì qua đó tôi muốn nhấn mạnh với đồng chí Tổng Bí thư rằng trong mọi trường hợp, Đảng cần biết lắng nghe ý kiến đa chiều từ các kênh truyền thông khác nhau. Nếu đồng chí Tổng Bí thư chỉ đọc mỗi mấy trang giấy A4 về những báo cáo tóm tắt báo chí hàng ngày được đặt trên bàn làm việc của đồng chí, thì xin hãy nhớ đó là những tin tức được định hướng để báo cáo cho đồng chí đọc.

Thứ hai, đồng chí Tổng Bí thư hãy bình tâm giải thích vì sao lâu nay, và dường như đến tận lúc này đồng chí vẫn khăng khăng vào hình mẫu quản lý tương tự với Trung Quốc. Theo đó, đồng chí trung thành cơ cấu bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, công an phải là uỷ viên Bộ Chính trị?

Đồng chí nghĩ như thế nào khi lâu nay trong chính nội bộ Đảng đã bất bình ra mặt, khi có sự phân biệt quyền lực chính trị giữa bộ trưởng ngoại giao – quốc phòng – công an, với các bộ tài chính, giáo dục, công thương, nông nghiệp, văn hoá, giao thông, tư pháp…?

Không thể nói rằng bộ nào quan trọng hơn hẳn bộ nào trong việc gìn giữ Đảng. Giả dụ nếu bộ trưởng tài chính khiến nợ nần quốc gia đầm đìa, thì cách nào Đảng cũng phải chống đỡ khó khăn trong việc tồn tại, đặc biệt là lòng tin của dân chúng.

Đất nước phải có không gian phát triển bình thường như các quốc gia văn minh khác để lấy phát triển là ưu tiên số 1, chứ không phải là Ban Chấp hành Trung ương – Bộ Chính trị – Ban Bí thư. Chỉ có phát triển dân giàu, nước mạnh thì an ninh quốc phòng theo đó mà bền vững, bè bạn tôn trọng theo đó ngoại giao chỉ việc chào mừng…



Thứ ba, đồng chí cần xem lại về việc độc quyền quy hoạch cán bộ của chính đồng chí, tức của Đảng. Một đơn cử, thật khó hiểu khi đồng chí Tổng Bí thư đã chọn một Trưởng Ban Tuyên giáo mà hôm rồi có huấn thị, đại ý rằng qua việc phát triển từ “thế lực thù địch” mà đồng chí Tổng Bí thư hay nhắc đến trong các diễn văn, để tiến đến “triết học thù địch”. Đây là một chuyển biến về chất rất đáng lo ngại của ngành Tuyên giáo Đảng ta.

Thứ tư, đồng chí Tổng Bí thư có tính thử học hỏi kinh nghiệm về các đảng chính trị ở nước bạn? Theo tôi biết, không chỉ Hoa Kỳ, mà nhiều quốc gia khác cũng có Đảng Cộng sản. Việc bầu cử ở những nơi này là phổ thông đầu phiếu với sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đảng phái chính trị trong cơ cấu ghế quyền lực ở Quốc hội, cũng như nội các Thủ tướng hay Tổng thống.

Đồng ý Việt Nam vẫn theo mô hình quốc gia đơn đảng, song ngay cả trong đơn đảng, thì quyền phổ thông đầu phiếu của các đảng viên cũng cần tôn trọng.

Thời gian qua, cá nhân tôi thấy rằng nhân danh Bộ Chính trị, đồng chí và nhóm thân hữu của đồng chí, dường như cho mình các đặc quyền chọn lựa thay nhân sự cả về mặt Đảng, lẫn dân sự như các chức danh Giám đốc Sở, Chủ tịch Tỉnh… vốn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các địa phương đó.

Thứ năm, nếu thực sự trăn trở và mong muốn tìm được hướng phát triển tốt nhất cho Đảng trong nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng đồng chí Tổng Bí thư cần có một báo cáo tổng kết thật sòng phẳng về chính cá nhân đồng chí đã làm được gì cho Đảng, cho dân trong suốt thời gian rất dài đồng chí  ở đỉnh cao chót vót quyền lực: từ chủ tịch Quốc hội cho tới Tổng Bí thư, rồi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Đồng chí Tổng Bí thư đã có trách nhiệm cụ thể ra sao khi đồng chí đã phân công cán bộ, mà một số cán bộ ấy về sau lại là ‘củi’ được chính đồng chí ‘đốt lò’?

Riêng cá nhân tôi cho rằng thật tâm thì đồng chí Tổng Bí thư vẫn thủ cựu quan điểm về nhân sự. Một dẫn chứng gần nhất, vào chiều ngày 22-9-2020, báo chí đưa tin Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã triệu tập phiên họp bất thường kiện toàn nhân sự, bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND thành phố với ông Nguyễn Đức Chung, bầu ông Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy, giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, được Bộ Chính trị của đồng chí Tổng Bí thư điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 vào chiều 18-9; và đây là bước thủ tục để ông Chu Ngọc Anh ngồi vào ghế Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Lời thật mất lòng, rất mong được đồng chí Tổng Bí thư lắng nghe để Đảng của chúng ta thật sự làm tốt vai trò là tôi tớ của nhân dân như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích:

(*) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tran-tro-cua-tong-bi-thu-ve-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-xiii-675476.html

N.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in ĐCSVN. Bookmark the permalink.