Bầy thú và lũ người

Việt Nguyễn



THÔNG BÁO RÚT KHỎI NHÀ XUẤT BẢN TỰ DO

Pham Doan Trang

Suốt một năm qua, sự săn lùng, đàn áp của lực lượng an ninh với tôi và NXB Tự Do chưa bao giờ dừng, tăng mạnh từ khoảng tháng 9 năm ngoái và kéo dài qua Tết, tạm lắng một chút trong thời gian Việt Nam có dịch nCoVid, và bùng lại ngay sau đó với việc phục kích, bắt và tra tấn một người vận chuyển sách ở Sài Gòn, vào ngày 08/5/2020.

Từ đó, tất cả các thành viên của NXB Tự Do và những người bị cho là thành viên NXB đều bị công an săn lùng, rình mò, bắt cóc. Tất cả đều đã phải bỏ nhà đi từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý để có thể duy trì công việc làm sách. Còn người thuộc diện nghi ngờ thì bị thẩm vấn, theo dõi.

Trước tình cảnh này, tôi nghĩ rằng với tư cách là người đại diện và tác giả chính của NXB Tự Do, tôi cũng phải chịu trách nhiệm cho việc anh chị em NXB (và cả độc giả – tức là những người không phải thành viên NXB) bị trấn áp, sách nhiễu, và đứng trước rủi ro bị bắt bất cứ lúc nào.

***

Cũng thời điểm này, trên mạng xuất hiện những cáo buộc rằng tôi “nhục mạ” anh Trần Huỳnh Duy Thức và gia đình anh, tôi lại còn có cả một clip “phòng the” nào đó.

Xin khẳng định rằng tôi chưa bao giờ có một suy nghĩ, lời nói hay hành động nào nhằm hạ thấp, nhục mạ anh Trần Huỳnh Duy Thức hoặc bất kỳ tù nhân lương tâm nào khác, như các anh chị Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Vũ Anh Bình, v.v. Đối với tôi, họ là bậc tiền bối, là thế hệ đi trước tôi trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ-tự do cho đất nước này. Tôi không có lý do nào để thù ghét hay ghen tị với họ.

Đây rõ ràng là nỗ lực của an ninh Việt Nam nhằm chia rẽ phong trào đấu tranh dân chủ, phân hoá và khiến cho phong trào bị chia năm sẻ bảy.

Về chuyện “clip sex”, như có lần “tự thú” trước đây, tôi từng lưu trữ một số hình ảnh riêng tư trong máy tính cá nhân. Vào năm 2009, trong một dịp tôi bị bắt giam 9 ngày, công an đã truy cập trái phép vào máy tính cá nhân của tôi, lấy đi những hình ảnh này, và sáu năm sau, tung lên mạng để bôi nhọ tôi. Nhưng tôi phải khẳng định rằng, không hề tồn tại bất cứ video clip nào về chuyện riêng tư của mình; nếu trên mạng Internet có xuất hiện clip nào bị gán cho tôi thì đó là sản phẩm do an ninh tạo ra nhằm mục đích bôi nhọ tôi một lần nữa.

***

Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cảm thấy sức khỏe kiệt quệ (tôi đã vài lần trải qua tình trạng này), cộng thêm vào đó là mối đe dọa về an ninh đối với các thành viên NXB Tự Do.

Sau khi bàn bạc với các cộng sự, tôi đi đến quyết định: rút khỏi NXB Tự Do.

Kể từ hôm nay (10/7/2020), tôi không còn là đại diện hay thành viên của NXB Tự Do, không tham gia bất cứ công việc nào của NXB Tự Do nữa.

Việc in ấn, phát hành các tác phẩm (bị nhà nước công an này coi là tài liệu chống chế độ) như “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Politics of a Police State”, “Cánh đồng Sênh: báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm”… từ trước đến nay và từ nay về sau là do tôi “chỉ đạo”, “thực hiện” (nói theo ngôn ngữ công an); không phải do cá nhân nào khác ở trong cũng như ngoài NXB. Vì vậy, hãy để yên cho họ.

Tôi biết khi tôi viết những dòng này, sẽ có người hỏi tại sao tôi lại đưa ra những phát biểu gây nguy hiểm cho mình như thế. Xin trả lời trước, là vì tôi hiểu rằng sự căm ghét và sức ép từ phía cơ quan an ninh đối với tôi sẽ chỉ có tăng lên mà không giảm đi, cho dù tôi nói gì, làm gì đi nữa. Đằng nào cũng vậy. Tôi luôn nói rằng tôi chấp nhận bị nhà nước công an trị này đàn áp, bởi vì tôi chống nó.

Nhưng những người in ấn, những shipper vận chuyển sách, thì không liên quan đến những hoạt động đó của tôi và không thể vì tôi mà bị kéo vào vòng tù tội, bản thân bị bắt bớ hay đánh đập, gia đình ly tán. Họ đã chỉ giúp đỡ tôi. Họ không đáng phải chịu cuộc sống lang bạt, luôn trong tâm thế của con thú bị săn đuổi.

Hôm nay tôi rút khỏi NXB Tự Do, cũng như một lời tạ lỗi gửi đến những con người ấy, là lời nhận trách nhiệm, và, dù chẳng bao giờ tin cơ quan an ninh sẽ buông tha con mồi, tôi vẫn mong công an: Hãy để yên cho họ.

Ảnh: Reuters

Là một nhà báo độc lập, tôi thường viết bài chỉ trích nhà nước Việt Nam nhưng chưa từng xem họ là kẻ thù của mình.

Cho đến gần đây, tôi đã phải suy nghĩ lại điều này khi chính quyền khủng bố hàng loạt những người như chúng tôi.

Từng ngày qua, tôi thấy bản thân mình không khác gì một con thú sắp sửa bị “lũ người” trừng phạt.

Với cách nói trên, chúng tôi sinh ra đã là những con thú trong thảo cầm viên của lũ người. Họ đã phân loại chúng tôi thành những con thú tốt và những con thú không tốt.

Bầy thú tốt có được chút tự do. Chúng được đi lại, ăn uống, vui chơi. Bầy thú không tốt sẽ bị trừng phạt. Chúng bị giám sát, lập hồ sơ, nếu cần thì sẽ bắt ngay lập tức. Lũ người sẽ đem những con thú không tốt ra tòa án để trừng phạt bằng thứ luật pháp do họ làm ra. Nhà tù là những cái lồng chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu càng làm cho chúng tôi tin rằng mình thật sự là “bầy thú” của họ.

Những sự trừng phạt như vậy cố ý để nhắc nhở chúng tôi về thân phận mong manh của mình.

Ví dụ như trường hợp của  “Giáo sư Hớt tóc” Nguyễn Văn Nghiêm. Ông bị xét xử vào ngày 23/6/2020 về tội tuyên truyền chống nhà nước mà không có luật sư, ông đã giải thích với vợ là “có luật sư cũng không làm gì được”. Cuối cùng, người đàn ông 57 tuổi này bị tuyên án 6 năm tù giam chỉ vì những phát ngôn trên mạng xã hội.

Chính quyền đang ngày càng biến đất nước này thành “thảo cầm viên”, ở đó quyền lực của lũ người là tuyệt đối, chỉ có lũ người mới có quyền tranh cử, có quyền cai trị. Thú vật mãi là thú vật, hoặc nghe lời hoặc bị trừng phạt.

Mọi chuyện trong thảo cầm viên này đã có lũ người lo, những con thú hãy ngoan ngoãn sống hết cuộc đời của mình, làm mọi thứ để cung cấp cho “lũ người” nhưng không có quyền chỉ trích lũ người.

Tôi không cố tình hạ mình hay những đồng nghiệp xuống hạng của loài thú nhằm gây chú ý, nhưng với thứ chính quyền mà chúng ta đang có từ hàng thập kỷ qua, tôi không thể nghĩ thân phận của chúng tôi, của người dân đã nhích lên được chút nào đó trên thước đo của chính quyền.

Theo tổ chức chuyên tài liệu hóa các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam The Project 88, đặt theo tên gọi của Điều 88 – Tội tuyên truyền chống nhà nước của Bộ luật Hình sự cũ –, chỉ trong năm 2019, chính quyền đã đàn áp 84 nhà hoạt động, bắt 41 người hoạt động ôn hòa, kết án 61 người vì các tội “liên quan đến an ninh quốc gia” mà thật ra đó chính là “an ninh cho quyền lực của lũ người”.

Không chỉ có những người hoạt động, những dân oan mất đất, những oan án khiến người dân phải nhảy lầu, những bản án tử hình kéo dài vô tận, những người dân tộc bản địa bị hành hạ đến nỗi phải vượt biên, những hội đoàn không bao giờ được phép hoạt động,… đều là những khổ đau dai dẳng sinh ra từ hệ thống dựa trên sự hoang tưởng quyền lực của lũ người.

Cai trị bằng nỗi sợ hãi

Kiên quyết nắm giữ quyền lực, mô hình cai trị bằng nỗi sợ hãi này đã bắt đầu từ năm 1975 khi miền Nam được “giải phóng”.

Nói là “giải phóng” nhưng vô số chiếc lồng đã úp lên toàn dân miền Nam để phân loại họ.

Những trại cải tạo tàn khốc được lập ra để trừng phạt những ai liên quan đến chế độ cũ.

Theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế, có khoảng 40.000 người miền Nam đã bị giam giữ liên tục từ năm 1975 đến năm 1979 mà không qua xét xử, không biết mình bị tội gì, trong đó có những người không phải là quân nhân hay viên chức của chế độ cũ.

Những gia đình thành thị Sài Gòn chưa một ngày làm nông bị đẩy lên những vùng nông thôn hẻo lánh, gọi là đi kinh tế mới nhưng thật ra mục đích chính trị là để cô lập họ với những người của chế độ cũ.

Theo một nghiên cứu đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, có khoảng 5 triệu người đã bị cưỡng bức đi các vùng kinh tế mới từ năm 1975 đến năm 2000. Các biện pháp cưỡng bức là thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và nhu yếu phẩm, không cho trẻ con nhập học, công an khủng bố tinh thần,…

Ở Cần Thơ, toàn bộ dân cư thành phố được chia thành các tổ, cứ 30 hộ sẽ bị một người cộng sản quản lý. Việc đi lại rất khó khăn, ai đó muốn đi ra khỏi tỉnh chỉ một vài cây số phải xin một giấy phép đặc biệt.

Người dân miền Nam lúc đó bị ám ảnh hàng ngày bởi cuộc sàng lọc tàn nhẫn của chính quyền, những túi nhỏ chứa nhu yếu phẩm được giấu thật kỹ trong nhà để có thể trốn đi bất cứ lúc nào.

Theo tác giả của “Trăm năm cô đơn”, nhà văn Gabriel Garcia Marquez – người đã ở Việt Nam trong gần một tháng giữa năm 1979 –, đến năm 1978 dân miền Nam đã hoảng loạn trước những người cộng sản và tìm mọi cách để vượt biên, thứ thuốc đắt nhất ở miền Nam lúc đó là thuốc chống say sóng, các nhà thuốc hết sạch chỉ còn tìm thấy ở thị trường chợ đen với giá cắt cổ.

Giờ đây, nỗi sợ hãi hậu 1975 vẫn đầy ắp trong đầu của những nhà báo độc lập, nhà văn độc lập, nghệ sĩ độc lập, nhà sư độc lập,… những ai có nghề nghiệp, hoạt động dân sự kèm theo từ “độc lập” (chỉ những người không chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước).

Đối với những người khác, để trở thành “những con thú tốt”, để không bị săn bắt, người ta giữ mọi hành động của mình thật phi chính trị.

Vậy nên chúng ta có kịch nghệ phi chính trị, phim ảnh phi chính trị, tiểu thuyết phi chính trị, thơ ca phi chính trị, tôn giáo phi chính trị,… khi người dân càng tránh né chính trị, “quyền lực của lũ người” càng được củng cố.

Tự do giúp phát triển, sao không tự do hơn?

Cách đây 20 năm trước, một gia đình bình dân không dễ dàng để có được một máy tính nối mạng Internet, không dễ dàng để xem được một bộ phim của nước ngoài, không dễ dàng để có được một kỳ nghỉ, không dễ dàng để lên được một chiếc máy bay.

Kế hoạch đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa là một thất bại mà “lũ người” không bao giờ muốn nhắc đến.

Người dân hậu 1975 chỉ nhìn thấy ánh sáng vào cuối những năm 1990 khi lũ người không còn kỳ thị ngoại quốc, cho phép kinh tế tư nhân, chấp nhận khách du lịch, để đất nước kết nối với Internet, và cho phép một chút tự do tín ngưỡng và tôn giáo.

Ngần ấy sự tự do sau hơn 20 năm đã đưa đất nước thoát khỏi những nước nghèo nhất thế giới. Những đến nay, chỉ có bấy nhiêu sự tự do được cho phép. Ngoài kinh tế, chính quyền bóp chặt tự do ở tất cả các lĩnh vực.

Vậy nên chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, không có các hội đoàn tư nhân, không có báo chí tư nhân, không có truyền thanh – truyền hình tư nhân,…

Nếu chính quyền thật tâm để đất nước phát triển vì sao không để nhân dân được tự do hơn?

Cứ cách hai ba ngày hay lâu nhất là một tuần, ít nhất một vụ án mạng kinh hoàng lại xảy ra ở Việt Nam. Điều đó có đủ để nhắc nhở rằng đất nước này đang trở thành một phiên bản của Trung Quốc khi giá trị đạo đức, công chính, đức tin bị xói mòn, không đủ sức để giữ thăng bằng trước làn sóng kinh tế hung tàn.

Không có tự do phê phán xã hội cũng như cưỡi ngựa mà không có dây cương, chèo thuyền mà không có mái dầm, chạy xe mà không có phanh, kiểu gì không thể đến đến đích hoặc sẽ gặp tai nạn thương tâm.

Trừng phạt những người phê phán xã hội không phải để bảo vệ xã hội mà để đảm bảo “an ninh cho quyền lực của lũ người”.

Trừng phạt những người phê phán xã hội chỉ càng làm cho đất nước này thành một “thảo cầm viên” tàn nhẫn, nơi lũ người liên tục trừng phạt những con thú hư hỏng, và nhốt những con thú khác vào những chiếc lồng khác nhau để chúng không thể cùng nhau lên tiếng cho thân phận của mình.

V.N.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/07/bay-thu-va-lu-nguoi/

This entry was posted in Đàn áp xã hội dân sự. Bookmark the permalink.