VOA
ĐỒNG TÂM ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI?
Nguyen Quang A
Đó là yêu cầu của bí thư thành uỷ Hà Nội với đảng bộ ĐCSVN huyện Mỹ Đức cần phải đạt trong năm 2021.
Các chế độ độc tài rất hay dùng các uyển ngữ (đại loại dân gọi là “nói vậy mà không phải vậy”).
Ở đây là từ NÔNG THÔN MỚI (cùng với rất nhiều từ có vẻ hay ho như XÃ, THÔN VĂN HOÁ hay DÂN CHỦ XHCN, DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH… sao chép của Tàu) có ý nghĩa riêng biệt theo các chuẩn mực do chính đảng cầm quyền đưa ra, thí dụ:
“Xây dựng nông thôn mới là cuộc CÁCH MẠNG và cuộc VẬN ĐỘNG lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống VĂN HOÁ, môi trường và AN NINH nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất … DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐCSVN”.
Giữa rất nhiều mỹ từ như khang trang, sạch đẹp… nhưng cốt lõi là CÁC TỪ ĐƯỢC NHẤN MẠNH ở trên.
Nói cách khác hay theo ngôn ngữ chính xác, thì yêu cầu của ông Bí thư thành uỷ ĐCSVN thành phố Hà Nội đối với đảng bộ Mỹ Đức về làm cho Đồng Tâm đạt nông thôn mới có nghĩa là:
BÌNH ĐỊNH ĐỒNG TÂM, làm cho Đồng Tâm phải NGOAN, luôn ủng hộ các chủ trương dù sai hay đúng của ĐCSVN.
Cuộc bình định bằng vũ lực đã diễn ra, cần tiếp tục bình định bằng tổ chức, tư tưởng, đầu tư (cũng có thể hiểu như mua chuộc).
Chưa biết họ có thành công BÌNH ĐỊNH không, hay lại hoá ra phản tác dụng.
Nếu so với cách giải quyết hay “bình định” vụ nông dân Thái Bình nổi dậy 1997 (quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn vụ Đồng Tâm rất nhiều) thì có thể thấy hiện nay ĐCSVN dùng đến hàng ngàn cảnh sát với đầy đủ vũ khí tấn công dân Đồng Tâm ban đêm với bạo lực không thể tưởng tượng nổi dẫn đến chết người (cụ Kình và 3 cảnh sát) là một bước THỤT LÙI của ĐCSVN.
Và nông thôn mới sẽ không che lấp được tội ác trời không dung dất không tha ấy, được ghi sâu đậm vào lịch sử.
Và công lý chỉ được thực hiện khi các kẻ PHẠM TỘI thật bị trừng trị.
Cổng vào Đồng Tâm
Yêu cầu biến “điểm nóng” Đồng Tâm trở thành “nông thôn mới” được Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mỹ Đức vào ngày 9/7, ba ngày sau khi Chánh án Toà án Nhân dân Hà Nội cho báo chí biết sẽ đem vụ án Đồng Tâm ra xét xử vào tháng tới.
Mặc dù lưu ý với lãnh đạo huyện ngoại thành Hà Nội về “nhiều thiếu sót, khuyết điểm” về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhưng người đứng đầu thành uỷ Hà Nội cho rằng huyện Mỹ Đức cơ bản đã “chủ động phối hợp” và “tham mưu kịp thời” cho trung ương, thành phố nên đã “giải quyết dứt điểm vụ việc phức tạp tại Đồng Tâm”, báo Tiền Phong tường thuật.
29 người dân Đồng Tâm đã bị cáo buộc “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ” trong đêm xảy ra vụ bố ráp 9/1 khiến cho ông Lê Đình Kình (người đại diện cho dân làng trong vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân) và 3 công an tử vong. Trong đó, 25 người bị truy tố về tội “Giết người” và 4 người bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, vốn là một cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm bị Viện Kiểm sát buộc tội là người chủ mưu, thường xuyên “xuyên tạc về nguồn gốc khu đất”, kích động, lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện. Ông đã bị bắn chết ngay trong phòng ngủ trong đêm diễn ra vụ bố ráp.
Sau khi xảy ra vụ xung đột dẫn đến chết người ở Đồng Tâm, nhiều cơ quan ngoại giao của các nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam cho phép các cơ quan báo chí và các tổ chức quốc tế được đến Đồng Tâm để tìm hiểu vụ việc, cũng như có một cuộc điều tra độc lập về vụ xung đột. Tuy nhiên, yêu cầu này cho tới nay vẫn chưa được Hà Nội phản hồi.
Đặt mục tiêu phải biến “điểm nóng” Đồng Tâm trở thành “xã nông thôn mới” vào năm 2021, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 9/7 rằng “cả Hà Nội và huyện Mỹ Đức” sẽ phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu này.
“Tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2022, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với mục tiêu của huyện. Riêng đối với Đồng Tâm phấn đấu năm 2021 đưa lên thành xã nông thôn mới”, Vietnamnet dẫn lời ông Huệ nói.
Cũng tại cuộc họp, một báo cáo chính trị đã được đưa ra, trong đó đề cập đến những nguyên nhân “khách quan” khiến cho Đồng Tâm trở thành “điểm nóng”, như địa hình rộng, có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc dẫn đến khó khăn về mặt quản lý, bên cạnh nguyên nhân “chủ quan” là những vi phạm về quản lý đất đai chưa được xử lý nghiêm minh, kịp thời, và một số cán bộ, đảng viên “thoái hoá, biến chất, làm trái chủ trương, đường lối của Đảng” dẫn đến giảm sút uy tín và niềm tin nơi người dân.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ kết nạp đảng viên tại địa phương hiện nay “chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì chất lượng sinh hoạt đảng yếu, nội dung “chưa sát thực tiễn”, trong khi tỷ lệ xin ra khỏi đảng đang có chiều hướng gia tăng.
Nguồn: VOA tiêng Việt