Qua GS Nguyễn Thế Hùng, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân gửi gắm 2 lá thư dưới đây cho BVN (trong đó một lá bà viết đã lâu và một lá mới viết nhưng đều chưa đăng ngoại trừ gửi đến các cấp có thẩm quyền) nhờ đăng lên để cảnh báo với công luận về tình hình giới lắm tiền nhiều của đua nhau xây dựng bằng được nhiều hạng mục cao ngất trời quanh Hồ Tây bất chấp việc lấn chiếm vô thiên vô pháp này “động vào long mạch” của đất nước sẽ dẫn đến đại họa cho muôn đời con cháu. Riêng chúng tôi, không hiểu biết gì nhiều về khoa địa mạch, nhưng vốn là con dân đất Việt gắn bó máu thịt với Thăng Long và Hồ Tây, nhìn cảnh quan đất nước như những báu vật muôn đời bị tàn phá bởi những nhóm lợi ích vốn chỉ biết híp mắt trước đống lãi kếch xù mà Mác từng chế giễu là cái bọn dù ngày mai bị treo cổ hôm nay chúng vẫn cứ làm, lòng cũng sôi lên nhức nhối đã từ hàng chục năm nay. Bởi thế xin được cùng KTS Trần Thanh Vân gióng lên những tiếng chuông muộn dầu biết rằng ở thời điểm nhập nhoạng thế này không biết một vài tiếng chuông có vọng được vào cõi trần gian đang mải lo nhiều chuyện đời phức tạp, như việc giảm biên hàng loạt, việc tách nhập hành chính: bỏ cấp huyện, một số cơ quan trung ương, một số địa giới xã, tỉnh sắp gộp lại với nhau… Bauxite Việt Nam |
Thưa quý vị
Tôi là một bà già, hôm nay, ngày đầu năm Ất Tỵ, tôi đã ở tuổi 84. Nhưng là một Kiến trúc sư cảnh quan đã có 58 năm thâm niên và đang còn rất minh mẫn, tôi vẫn phải viết ra những điều tâm huyết với trách nhiệm của mình.
Vâng, đã hơn 6 tháng nay, kể từ cơn bão Yagi trong đêm 28 tháng 9 năm 2024, gây ra trận sạt lở núi ở Làng Nủ tỉnh Lào Cai, đồng thời cũng lúc đó, bức tường bao quanh nhà tôi và một cây xoan trong vườn nhà ở Tây hồ Hà Nội (cách Làng Nủ 220Km) đổ sập. Tôi bị đánh thức dậy giữa đêm khuya và tôi giật mình, nghĩ đến DÒNG CHẨY ĐỊA MẠCH rồi từ đêm đó, gần như không đêm nào tôi ngủ yên được.
Bức tường bao quanh nhà tôi thì chỉ một tuần sau là sửa xong, cây xoan bị đổ thì cưa thành từng khúc làm củi là ổn, nhưng Làng Nủ bị vùi lấp khi Núi Voi cao hơn 300m đổ sập xuống vùi kín cả thung lũng, cướp đi 58 mạng người trong đó 9 thi thể bị vùi sâu và bị cuốn trôi thì vẫn không sao tìm thấy nữa. Và cho dù Binh đoàn 12 quân đội đã rất tận tâm gấp rút trong hai tháng để xây xong 40 căn nhà xinh đẹp, đủ tiện nghi, thì những gia đình được tặng nhà đó đều là những gia đình vừa mới có tang, chưa kể có 3 gia đinh từ chối không nhận nhà vì người thân của họ không còn ai trở về ở nữa.
Thưa quý vị, chi tiết đó khiến tôi rất đau lòng và rất lo lắng, nhưng lo lắng hơn cả là kể từ hôm nay, cho dù không có cơn bão Yagi quái ác như vừa qua, thì những trận sat lở, những thiệt hại về người và của như tại Làng Nủ, tại Thành phố Lào Cai, tại Hà Giang và tại Đông Triêù sẽ còn tiếp tục xẩy ra tàn bạo hơn khủng khiếp hơn, Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu đã được dự báo đang đe dọa cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt là ở vùng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái, nơi đó chỉ cách Làng Nủ 60Km, trên cùng lưu vực của dòng Sông Chảy và có những dấu hiệu ĐỊA CHẤT THỦY VĂN còn nguy hiểm hơn ở Làng Nủ rất nhiều. Tôi đã nhận được lời cảnh báo này từ 60 năm trước.
Thưa quý vị.
Tôi không mê tín, nhưng sứ mệnh bắt tôi phải chứng kiến và đi sâu tìm hiểu tường tận về vùng Hồ Thác Bà và hôm nay, tôi có trách nhiệm kêu gọi tất cả mọi người HÃY CỨU THÁC BÀ, HÃY CỨU VẬN MỆNH CỦA ĐẤT NƯỚC
Tôi đến Thác Bà lần đầu vào mùa xuân năm 1964, khi mới ngoài 20 tuổi, đang là sinh viên học Kiến trúc tại thành phố Thượng Hải. Được về Hà Nội ăn tết với gia đình, nhưng tôi không ăn Tết tại Hà Nội, tôi cùng cô em gái mới là học sinh cấp 3, đi tàu đêm lên Yên Bái, rồi ngồi nhờ xe tải vào tận Công trường Thủy Điện, đó là nhà máy Thủy điện đầu tiên của nước ta do Liên Xô đầu tư. Cậu ruột tôi, ông Lê Đậu là trưởng phòng kỹ thuật của công trường và ông Nguyễn Văn Bé, cán bộ Miền Nam tập kết là giám đốc công trường. Được hai vị chỉ huy công trường cho phép, ba ngày liền sau đó, tôi được chạy nhảy khắp nơi và bên dòng Sông Chảy, tôi nhặt được rất nhiều đá quý có màu sắc long lanh và cũng trong 3 ngày đó, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các chuyên gia Liên Xô. Có một ông chuyên gia nghe giới thiệu tôi là một sinh viên đang học Kiến trúc từ Trung Quốc về, ông gọi tôi đến gần và giảng cho tôi nhiều điều. Nhìn mấy hòn đá trong tay tôi, ông nói với tôi rằng “Cháu sẽ trở thành một Kiến trúc sư, cháu phải học VẬT ĐỊA LÝ CẢNH QUAN để hiểu rõ nơi này. Trước khi chọn thung lũng này để xây dựng nhà máy thủy điện, chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, nhưng không nơi nào đặc biệt như nơi đây. Đây là một VỆT ĐỨT GÃY RÂT LỚN trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất từ nhiều triệu năm trước và những hòn đá kia là ĐÁ RUBI, đươc phun lên từ trong lòng đất. Mỏ đá quý này chạy theo dòng sông dài hàng trăm km từ trên cao kia, đến đây thì sông rẽ ngược lên rồi quay ngoắt xuống chảy về xuôi và đá bị chặn lại, mai đây nước sẽ tràn về lấp đầy thung lũng sâu tới 50m phủ lên mỏ đá quý đầy năng lượng này, tạo thành một cái HỒ PHONG THỦY, một chiếc bình pha lê rất quý nhưng hễ chạm đến là sẽ vỡ”.
Tôi lắng nghe thích thú, nhưng tôi chẳng hiểu gì.
Mãi sau này, học về PHONG THỦY ĐỊA MẠCH, tôi mới dần vỡ lẽ ra. Nhìn kỹ bản đồ Hồ Thác Bà, NÉT CHÉM sắc gọn theo hướng Tây Bắc Đông Nam, khiến tôi nhớ đến lời ông chuyên gia năm xưa và nhớ đến cụm từ “Chạm đến là sẽ vỡ”
Năm 1980 tôi xin được học bổng theo học Chương trình Quốc tế về Quản lý hệ thống Sinh Thái tại TU Dresden do UNEP-UNESCO tổ chức và đến năm 1992, tôi xin về hưu sớm, lập công ty riêng để có điều kiện đi nghiên cứu những ngành Khoa học mình yêu thich và để có tiền nuôi người cộng tác với mình.
Đầu tiên tôi đã hiểu PHONG THỦY không phải là mê tín dị đoan mà là một khoa học rất gắn bó vơi cuộc sống đời thường. Đặc biệt khái niệm về “huyệt quý” chính là “Năng lượng sinh học” do nhà vật lý người Pháp Andrre Bovis tìm ra và ông đã lấy tên ông, Bovis, làm đơn vị để đo. Tôi biết được Phương Tây cũng có những nhà Phong thủy xuất sắc, họ hiểu được Phong thủy tốt thì sức khỏe dồi dào, trí tuệ thông minh và làm ra nhiều của cải vật chất. Tôi đã biết KTS hàng đầu nước Mỹ Fredrick Law Olmsted (1822-1903) là một tấm gương thành công khi ông đưa ra sơ đồ Quy hoạch cảnh quan thành phố Boston với hệ thống hồ nước, công viên nối nhau rất tự nhiên và nhờ trục Phong Thủy đó, thành phố Boston chỉ có hơn 600.000 dân. nhưng có tới 70 trường đai học và viện nghiên cứu khoa học. Đó là nơi có hiệu suất nghiên cứu khoa học rất cao và thu nhập tài chính cao nhất nước Mỹ. Tôi đã có dịp nói chuyện với GS Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts nước Mỹ, ông rất tự hào về thành phố Boston của ông. Khi được hỏi về những kinh nghiệm trong hai nhiệm kỳ làm Thống đốc bang Massachusetts, GS Dukakis trả lời rằng “Tôi luôn luôn quan tâm đến MÔI TRƯỜNG SỐNG của người dân chúng tôi và nhờ đó, họ đã phát huy trí tuệ cao độ và làm ra của cải vật chất cao nhất nước Mỹ”. GS Dukakis nói đến MÔI TRƯỜNG SỐNG ở đây, tức là nói đến HỆ THỐNG PHONG THỦY.
Tại Hồ Thác Bà, chúng tôi phát hiện ra đỉnh núi Cao Biền và chúng tôi bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu xem 1200 năm trước, thầy phong thủy nổi tiếng đó đã làm gì ở đinh núi cao 508m nơi hoang vu này. Thật lạ, trong tất cả các sách nói về hoạt động của Cao Biền (821-887) thì không có sách nào nói đến việc ông ta đã đến làm gì ở nơi đây, nhưng trên bản đồ quốc gia do Bộ Tài nguyên môi trường quản lý thì đỉnh núi Cao Biền là cái tên một đỉnh núi thuộc xã Vĩnh Kiên huyện Yên Bình đã tồn tại hàng ngàn năm trước và dưới chân núi có một Bộ tộc Cao Lan sinh sống và canh gác. Tháng 10 năm 2013 chúng tôi đã tổ chức một đoàn khảo sát đỉnh núi và đã được cụ Già Bản tiếp đãi ân cần, cụ cho cơm no rượu say, cho ngủ qua đêm để kiểm tra, rồi sang hôm sau cụ cử người phát cây mở đường và cho mang theo xôi, gà, hoa trái, dẫn chúng tôi lên núi, bước trên những bậc thang xếp đá ẩn giấu dưới bụi cây và hướng dẫn đoàn khảo sát tế lễ trên một hốc Giếng Sương Trời, nơi xưa kia Cao Biền đã đến ở và luyện khí. Chúng tôi đã đo Năng lượng sinh học trên đỉnh núi bằng phương pháp của nhà vật lý người Pháp Andrre Bovis và thu được kết quả đạt tới 20.000 Bovis. Như vậy là trong quá trình đi khám phá các HUYỆT PHÁT VƯƠNG ở nước ta, Cao Biền phát hiện ra đỉnh núi này có Linh khí rất mạnh, ông ta biết không thể phá nổi nên nẩy ý đỉnh muốn chiếm nơi đó cho riêng mình, ông ta đã bí mật đưa một nhóm người con cháu họ Cao đến ở nơi chân núi để hầu hạ ông ta và canh giữ ngọn núi cho ông ta, rồi về Đại La xây Vương Phủ với âm mưu ở lại làm vua trên đất ta. Nhưng số ông ta không được làm vua, cuối cùng âm mưu của Cao Biền bị bại lộ, ông ta bị Đường Y Tôn gọi về giết chết, để lại Bộ tộc họ Cao sống dưới chân núi hơn ngàn năm qua. Tết năm 2018, chúng tôi đã đến phát gạo thiện nguyện cho 124 gia đình trong thôn Cao Lan và ăn Tết tại nhà trưởng thôn sau trận bão lớn năm đó. Thật lạ, tôi được tin báo mộng phải chuẩn bị 130 bao gạo, nhưng danh sách chỉ có 124 gia đình nhận gạo.
Trong Chiếu dời Đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010, Nhà vua đã gọi Cao Biền là Cao Vương, có lẽ vì coi trọng tài năng của ông ta và ít ra ông ta cũng “có công” giup ta phát hiện ra và đã bố trí người bảo vệ huyệt quý đó. Ngày đó, Vua Lý Thái Tổ đã được Lý Quốc Sư – Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018 ) chỉ dẫn. Ra đời sau khi Cao Biền đã mất, Thiền sư Vạn Hạnh từng làm Cố vấn cho vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư nhưng lại là người nhìn ra chân mệnh Đế Vương của Lý Công Uẩn, nên đã góp sức lập ra Triều Lý và giúp vua Lý Thái Tổ về Đại La xây Kinh đô Thăng Long.
Chắc hẳn Thiền sư Vạn Hạnh đã phát hiện ra âm mưu bí mật của Cao Biền và sự có mặt của Bộ tộc Cao Lan canh giữ một huyệt đạo linh thiêng mà ngày nay ta đã hiểu huyệt đạo đó đã gắn liền với vị thế địa chính trị của Thăng Long đầy Hào khí khi xưa và Hà Nội ngày nay có một vai trò quan trọng trên trường quốc tế.
Trên hình CON RỒNG CHÂU Á lớn nhất thế giới, thì Thủ đô của chúng ta ở nơi thật đặc biệt. Đó chính là vị trí trên phần đuôi con Rồng đi từ đỉnh Everest trên Cao nguyên Tây Tạng cao 8800m, qua Vân Nam, đến đỉnh nui Phan-si-pan gọi là Tổ Sơn cao 3143m, đến Hồ Thác Bà mênh mông, tiếp thêm năng lượng trước khi đến Trấn sơn Ba Vì cao 1296m, toả linh khi cho Thăng Long Núi Chầu Sông Tụ, tạo nên cột nước xoáy như con Rồng bay vút lên Trời Cao mang hình tượng Thăng Long. Phần đuôi Rồng chìm hẳn dưới Biển Đông từ mốc số 0 ở Cảng Vân Đồn, đến điểm cuối ở Vịnh Min-đa-nao của Philippin sâu 11000m, nơi chứa đầy của cải. Bởi thế, giữ được Núi Cao Biền là giữ được Thăng Long đầy hào khí và giữ được Biển Đông, mà Trung Quốc đang ngày đêm dòm ngó.
Thiên nhiên đã cho ta một mỏ đá quý chứa đầy năng lượng từ hàng triệu năm trước, Cao Biền đã giúp ta đánh dấu một huyêt đạo linh thiêng 1200 năm trước và Hồ nước nhân tạo của nhà máy thủy điện đã phủ kín mỏ đá quý đó, để chúng ta có măt nước rộng 23.400ha, như một THUNG LŨNG SILICON TRÊN MỘT ĐÔ THỊ NỔI, BAO GỒM KHU CÔNG NGHỆ CAO – CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC- VƯỜN ƯƠM TRÍ THỨC QUỐC GIA – TRUNG TÂM ĐÔNG NAM Á KẾT NỐI ĐA QUỐC GIA VÀ DU LICH THIỀN, YOGA, NGHỈ DƯỠNG CHỮA BỆNH.
Tại Hồ Thác Bà, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo KH nhiều lần và đã đề xuất xây một Đô thị Khoa học quy mô như thành phố Boston, trước mắt sẽ xây khoảng 10 trường đại học tầm cỡ quốc tế bằng vật liệu nổi và khai thác 1300 hòn đảo (chính là những đỉnh núi thấp khi xưa) có chỉ số năng lượng sinh học từ 14000 đến 17000 Bovis, tại đây có thể xây rất nhiều Phòng nghiên cứu khoa học công nghệ cao và nhiều Thiền đường được bao quanh bởi núi rừng tĩnh lặng huyền bí, có những phòng tập Yoga 5 sao yên tĩnh dưới lùm cây, trong hang đá và đó là loại hình kinh doanh rất đắt đỏ để phục vụ những người giàu sang trên khắp thế giới mang nhiều bị tiền đến để luyện tập nghỉ dưỡng với giá rất cao. Đó là phương pháp Thiền được ưa chuộng ở Phương Tây có tên là “Giảm tress dựa trên sự tỉnh giác” MBSR. Đó là loại hình DU LICH TÂM LINH thu hút giới thượng lưu đến hưởng thụ. Đập Thủy điện Thác Bà nằm ở góc Đông Đông Nam hồ nước đưa dòng Sông Chảy hất lên phía Bắc rồi mới quặt xuống qua Thác Ông đi về xuôi. Dự kiến cách Đập Thủy điện 300m về phía thượng nguồn bố trí một THÁP NƯỚC cao 150m, giống như tháp Jet d’ Eau ở hồ Geneva, tượng trưng cho NGUỒN CỦA CẢI KHÔNG BAO GIỜ CẠN.
ĐÔ THỊ NỔI nhưng không dùng vật liệu tre gỗ dễ hư hỏng và cần phải khắc phục nhu cầu sinh hoạt vệ sinh làm ô nhiễn lòng hồ, chúng tôi đã thực nghiệm thành công và đã sở hữu HAI CÔNG NGHỆ XANH, để đảm bảo cho một Đô thị nổi chứa 500.000 người, diện tích sàn xây dựng sẽ chiếm 10% tức là 2.340.000m2. Diện tích mặt hồl phần còn lại là 22.000 ha sẽ giành cho các hoạt động trên nước như thể thao và vui chơi giải trí. Chúng tôi đã cử người đi học cách sản xuất và ứng dụng vật liệu nhẹ và được chuyển giao từ công ty Iris Koto làm nhà nổi của Australia và sản xuất Men Vi sinh hiếu khi phát triển từ EarthCare Systems Inc của Mỹ để giữ cho hồ nước chứa gần 4 tỷ khối luôn luôn sạch.
Thưa quý vị, chúng tôi đã báo cáo kết quả nghiên cứu hai lần.
Lần thứ nhất, Ngày 1 tháng 7 năm 2013, tại phòng khách UBND tinh Yên Bái, nhóm nghiên cứu KH do GS Nguyễn Mai, Chủ tịch Liên hiêp hội Đầu tư nước ngoài dẫn đầu đã làm việc với ông Phạm Duy Cường Chủ tịch và bà Ngô Thị Trinh Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi đã trực tiếp đưa ra các khuyến cáo về bảo vệ vùng hồ chống nạn trộm cắp đá quý dưới lòng hồ, hạn chế đào bới xây dựng xung quanh hồ để chống xói lở… và đề nghị ông Chủ tịch cử người hợp tác với chúng tôi nghiên cứu Đô thị nổi, trước mắt sẽ xây dựng thực nghiệm một Thiền đường bằng vật liệu NHÀ NỔI. Ông Phạm Duy Cường đã tiếp chúng tôi khá niềm nở và đã ký công văn trả lời ngày 24 tháng 7 năm đó, tuy hoan nghênh nhưng chỉ trên giấy, ông ta còn bận quan tâm việc khác, nên đã nhận hậu quả, sau khi lên chức Bí thư tinh ủy.
Lần thứ hai, Cuối năm 2019, khi TBT Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, biết chúng tôi đã làm việc với Tinh Yên Bái nhưng chưa thành, ông đã cử người đến tận nhà tôi yêu cầu và tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ nghiên cứu đến tận tay TBT với hy vọng ông lưu tâm và có ý kiến chỉ đạo khi cần đến.
Rât tiếc, hôm nay TBT Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, cơn bão khủng khiếp đã ập đến, QUY HOẠCH KHU DU LICH QUỐC GIA HỒ THÁC BÀ đã đươc phó TT Trần Hồng Hà phê duyệt và ngày 27/8/2024, UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho Tập đoàn Mặt Trời – Sungroup thực hiện, có sự chứng kiến của TTg Phạm Minh Chính.
Đọc bản Quyết định phê duyệt dài 30 trang, rồi xem bản vẽ quy hoạch, tôi cảm thây rất buồn. Tôi không thấy một dòng nào nhắc đến những lời khuyến cáo và đề xuất mà chúng tôi đã đưa ra. Tôi chỉ thấy các nhà hàng khách sạn mọc lên, thấy nhiều biệt thự rừng, thấy HỆ THÔNG CÁP TREO nối đỉnh núi này đến đỉnh núi kia, thấy rừng cây bị chặt phá, thấy nhiều cột sắt đâm thủng các huyệt đạo linh thiêng mà xưa kia vua Đường âm mưu triệt phá nhưng không phá nổi, thấy tất cả đổ sập giống như Núi Voi đổ xuống Làng Nủ ở Lào Cai.
Chúng tôi lên Hồ Thác Bà kiểm tra, tại nhà hàng RUBI, chúng tôi thấy hai bức ảnh TTg Phạm Minh Chính và ảnh Phó TTg Trần Hồng Hà được phóng rất to, có người gặp chúng tôi quảng cáo mời mua đất xây biệt thự rừng với giá 1,8 tỷ đồng một suất. Trở về Hà Nội chúng tôi đọc được Bản Quyết định phê duyệt Quy hoạch Bán đảo Quảng An phường Quảng Bá Quận Tây Hồ do Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn ký. Vậy là Sungroup đã được chính quyền Hà Nội cho phép mở trục đường rộng vào Nhà hát Thăng Long ở ĐẦM TRỊ để họ rao bán 9 tòa nhà đen thui, có gần 1000 căn hộ chung cư dính đến cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, đã bị ế ẩm mấy năm, để thu về vài chục ngàn tỷ mang lên Thác Bà xây Cáp treo?
Thưa quý vị. năm 1998, khi Phó TT Ngô Xuân Lộc ký phê duyệt Dự án Thủy cung Thăng Long ở Bán đảo Tây Hồ Hà Nội, tôi đã viết 5 thư khuyến cáo gửi TT Phan Văn Khải phân tích kỹ những tai hại của TCTL và ngày 26/3/1999 Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 233 /QĐ-ttg thu hồi 2 Quyết định do Phó TT Ngô Xuân Lộc và Phó TT Nguyễn Công Tạn đã ký. Do đó dự án Thủy cung Thăng Long đầy tai tiếng ngày đó đã bị dừng lại.
Còn hôm nay? Vấn đề ở Thác Bà nghiêm trọng hơn nhiều, nó đang làm cho tai họa ở Hồ Tây 26 năm trước được sống lại. Hóa ra những năm tháng làm việc và nghiên cứu khoa học cùng sự đóng góp của lớp người như chúng tôi và cả những quyết định của lớp lãnh đạo tiền bối như Thủ tướng Phan Văn Khải đều đã bị vứt vào sọt rác hết. Thăng Long đầy hào khí khi xưa và Hà Nội Thủ đô anh hùng ngày nay đang bị đe dọa bởi những kẻ tham tiền và đầu óc thiển cận. Họ không hiểu rằng những hành động của họ là tội ác tàn phá đất nước hay sao?
Tôi không biết nên khuyên can thế nào? Khoa học không phải là trò đùa. Thác Bà hôm nay sẽ là một Đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, nếu cần, chỉ 20 phút là trực thăng bay đến nơi. Nó sẽ mang đến cho đất nước ta niềm kiêu hãnh và tiền của. Trên thế giới, không có một Thủ đô văn minh nào có một thành phố vệ tinh như thế. Nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới. Các ngành công nghệ cao như vi mạch điện tử đang là lợi thế vô cùng lớn, mà không thể lấy những trò du hý tầm thường như cáp treo để so sánh cả về giá trị văn minh lẫn lợi ích tài chính. Với tư cách là một nhà khoa học có nhiều trải nghiệm, tôi kêu gọi mọi người, kể từ cấp lãnh đạo đến thường dân, hãy suy ngẫm và hành động đúng đắn. Còn nếu ỷ quyền thế chạy theo đồng tiền, thì xin nhìn gương người đi trước. Trời sẽ không dung và Đất sẽ không tha.
Xin lỗi. Tôi nói thẳng, nhưng đó là sự thật
Kính.
Trần Thanh Vân
Ảnh trên: Đoàn chuẩn bị lễ cúng tại Giếng nước Cao Biền
Ảnh dưới: Tại lễ cúng nơi giếng nước trên Núi Cao Biền
(có Giáo sư toán học Nguyễn Đông Yên đi cùng)
Hình 2: Đoàn do GS Nguyễn Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội Đầu tư nước ngoài dẫn đầu đến làm việc với
ông Phạm Duy Cường Chủ tich và bà Ngô Thị Trinh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (ngày
1/7/2013)
Ảnh trên: Đoàn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Yên Bái;
Ảnh dưới: Chủ tọa: CT UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường trao đổi với KTS Trần Thanh Vân.
Tác giả gửi BVN