Daniel Moss
Cù Tuấn biên dịch phân tích của Bloomberg: Vietnam Should Have Seen This Tariff Hit Coming
Tóm tắt: Quốc gia này đã áp dụng cách tiếp cận theo sách giáo khoa để tăng trưởng một cách mạnh mẽ và trở thành quốc gia được các nhà đầu tư ưa chuộng. Tội lỗi của Việt Nam là đã quá thành công.
Ảnh của SeongJoon Cho/Bloomberg
Việc áp dụng mức thuế quan khủng của Mỹ đã nhận được vô số phản ứng mạnh mẽ, hầu như không có phản ứng nào là tốt. Sự bối rối và thất vọng là một trong những phản ứng được kiểm soát chặt chẽ hơn từ các đối tác thương mại. Đáng thất vọng lớn nhất là những quốc gia bạn bè của Washington cũng không được tha, ngay cả những quốc gia mà Mỹ giao dịch với các điều khoản rất thuận lợi. Giới đầu tư đã đưa ra lời đáp trả đầy tiêu cực trước đòn tấn công của Tổng thống Donald Trump, làm tăng đáng kể khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.
Trong trường hợp của một số quốc gia, chúng ta hãy xem xét một phản ứng bổ sung – đó là phản ứng thông cảm. Việt Nam đáng lẽ phải đứng đầu danh sách quốc gia cần chia buồn. Nước này gia nhập cỗ máy xuất khẩu Đông Nam Á khá muộn, nhưng đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã dần ấm lên, kể từ khi chế độ do Mỹ hậu thuẫn ở miền Nam rơi vào tay quân Cộng sản cách đây 50 năm. Mặc dù vẫn còn nghèo so với Singapore, Malaysia và Thái Lan, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã áp dụng phần lớn mô hình phát triển, mà đã được chứng minh là tốt cho nhiều nước trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về đầu tư, hoan nghênh chuỗi cung ứng, chú ý đến nhu cầu về cơ sở hạ tầng và thực hiện các bước để chống tham nhũng. Khi Mỹ tìm cách cô lập Trung Quốc, quốc gia này đã trở thành điểm đến phổ biến cho các công ty sản xuất siêu lớn, mà muốn có giá thuê mặt bằng rẻ và lực lượng lao động lành nghề. Đây là quốc gia được nhóm “Trung Quốc cộng một” ưa chuộng.
Do đó, Việt Nam thường được mô tả là quốc gia gần nhất với chiến thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Nhãn hiệu đó đã không còn đúng nữa sau ngày thứ Tư vừa qua. Cùng với thành tựu to lớn, sẽ là mối nguy hiểm đáng kể. Những cáo buộc nhắm vào Trung Quốc trong những năm trước bắt đầu tích tụ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giữ cho đồng tiền của mình yếu một cách giả tạo, nhà nước độc đảng đã không minh bạch trong quá trình ra quyết định, và nhiều lĩnh vực của nền kinh tế vẫn nằm ngoài giới hạn đối với đầu tư nước ngoài.
Mức thuế 46% là một trong những mức thuế cao nhất mà Trump áp dụng trong “Ngày giải phóng” tại Nhà Trắng. Thảm kịch đã xảy ra. Các hình phạt sẽ giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và nguyện vọng của hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Thật là trớ trêu khi nước này đã làm rất nhiều điều đúng đắn, mặc dù chắc chắn không được hoàn hảo. Việt Nam đã xác định đúng, rằng thị trường Mỹ là con đường dẫn đến mức sống cao hơn và đã làm hết sức mình để phục vụ các tập đoàn Mỹ, đồng thời nghĩ rằng họ đã đi đúng nước cờ của mình khi nới lỏng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bất kể thế nào, Việt Nam vẫn bị đánh thuế nặng nề.
Sai lầm có thể là việc quá thành công. Các nhà máy tại Việt Nam chắc chắn đã sản xuất ra rất nhiều hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ mong muốn. Theo Bloomberg Economics, hơn một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam phụ thuộc vào các lô hàng xuất khẩu đến Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu bằng khoảng 90% nền kinh tế của nước này. Nhiều công ty dệt may có nguy cơ phá sản cao, theo tính toán của tổ chức công nghiệp chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng một nửa số giày Nike Inc. và Adidas AG được sản xuất tại quốc gia này. Chủ sở hữu của Uniqlo là Fast Retailing Co. và Hennes & Mauritz AB cũng coi đây là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của họ. Chiến dịch xuất khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn ở hàng dệt may và giày dép, mặc dù những mảng kinh doanh này rất có lợi nhuận. Intel Corp. đã vận hành một cơ sở sản xuất lắp ráp và thử nghiệm chip tại đây. Apple Inc. cũng có kế hoạch thành lập một nhà máy.
Mặc dù Việt Nam có sức hấp dẫn đối với các công ty phương Tây, Bắc Kinh cũng thấy nước này là không thể cưỡng lại được. Các quan chức Mỹ đã khó chịu trước khoản đầu tư của gã khổng lồ châu Á vào Việt Nam, mà họ coi là một nỗ lực che đậy mỏng manh nhằm chen chân vào các chuỗi cung ứng, mà đã rút khỏi Trung Quốc. Trong chuyến thăm năm 2020, cố vấn an ninh quốc gia khi đó của Trump, Robert O’Brien, đã thúc giục Hà Nội chống lại việc chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc. Mexico, quốc gia cũng chứng kiến sự gia tăng mối quan tâm của Trung Quốc, cũng đã bị Trump gây sức ép để hạn chế các lời đề nghị hợp tác.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là ít nhất 8% trong năm nay, hiện tại có vẻ không khả thi, nếu mà các mức thuế quan của Trump vẫn được duy trì. (Hà Nội đang yêu cầu Mỹ tạm dừng các khoản thuế này và tham gia đàm phán.) Kinh tế Việt Nam bị giảm tốc độ tăng trưởng 1-2% sẽ có thể là thiệt hại nhỏ nhất của các lãnh đạo Việt Nam nếu toàn bộ cách tiếp cận của Việt Nam để đạt được sự thịnh vượng hiện tại đang bị Mỹ nghi ngờ. Nếu các mức thuế quan của Nhà Trắng gây ra chi phí lớn, một phần của thảm họa đối với Việt Nam là điều có thể tiên đoán được. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể trong những năm qua.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng thống, Trump đã chuyển từ việc ca ngợi Việt Nam là hình mẫu đáng giá cho sự phát triển, sang chỉ trích nước này như là một trong những nước lạm dụng hệ thống thương mại nhiều nhất. Vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, và một hội đồng do Đại diện Thương mại Mỹ triệu tập đã lắng nghe những lời phàn nàn không chỉ về những trò gian lận tiền tệ của Việt Nam, mà còn về mối nguy hiểm do hàng nhập khẩu giá rẻ từ Việt Nam gây ra. Đã có sự phản đối từ các công ty Mỹ mà đã hưởng ứng lời kêu gọi chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tới Việt Nam. Tâm lý chung là: Chúng ta có nên nhổ cỏ tận gốc một lần nữa không, và nếu có thì nhổ cỏ tận gốc ở đâu? Trump dường như không quan tâm đến những thực tế như vậy.
Đông Nam Á đã không vui vẻ gì trong những ngày mà Trump tuyên bố là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử. Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đều bị trừng phạt, mặc dù vẫn chưa rõ lý do. Singapore, quốc gia phải chịu mức thuế quan tối thiểu 10%, đã phải chịu ít thiệt hại hơn so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, cách Trump đối xử với Việt Nam vẫn là nổi bật nhất.
Chúng ta cần khẳng định rằng Hà Nội đáng lẽ phải đoán trước được các biện pháp nghiêm khắc mà Trump sẽ tung ra. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thừa nhận một số điểm yếu: vài ngày trước, Việt Nam đã cắt giảm thuế quan đối với một loạt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Điều đó không cản được Nhà Trắng đưa ra một mức thuế phạt nặng nề. Quốc gia này đã né tránh được ổ gà trong nhiều năm và giờ thì lại sụp hố voi. Mỗi cuốn sách giáo khoa đều có ngày hết hạn sử dụng. Và nước Mỹ đã lại bỏ rơi Việt Nam, một lần nữa.
D.M.
Nguồn bản dịch: FB Cù Tuấn