Bác sĩ, Tiến sĩ Y học
Trong buổi tiệc chúc mừng các thầy thuốc hồi tháng Hai, lãnh đạo huyện nơi tôi đang công tác chia sẻ, sang năm sẽ không còn cuộc gặp mặt này nữa, vì huyện sắp giải tán rồi.
Không khí chùng xuống một lúc trước khi nhiều câu hỏi lớn được đặt ra. Bác sĩ ngơ ngác, vậy bệnh viện huyện sẽ đi đâu về đâu; cán bộ phòng chống dịch cũng chưa hiểu, dịch bệnh của cả chục xã sẽ do ai theo dõi, nếu trung tâm y tế huyện giải thể…
Bệnh viện công lập hiện được chia thành bốn tuyến, dựa theo địa giới hành chính: tuyến trung ương và tương đương (tuyến 1); tuyến tỉnh (tuyến 2); tuyến huyện, quận, thị xã (tuyến 3) và tuyến xã, phường, thị trấn (tuyến 4)…
Bộ máy y tế tại huyện lại chia ra: bệnh viện thực hiện việc khám chữa bệnh thuộc sự quản lý trực tiếp của sở y tế tỉnh; còn trung tâm y tế huyện – phụ trách y học dự phòng, dân số kế hoạch hoá, các trạm y tế xã… – thuộc quản lý trực tiếp của Uỷ ban huyện.
Năm 2011, Bộ Y tế có chương trình củng cố y tế cơ sở, chủ yếu là y tế xã, qua một số tiêu chí chính như: trạm y tế xã có nhân lực 5 đến 10 người, có bác sĩ làm việc ba ngày mỗi tuần, có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, máy thử đường máu… Đến năm 2020, 94% số xã trên toàn quốc đạt chuẩn, tức là chương trình đã thành công.
Tuy nhiên nhiệm vụ của ngành y vẫn rất nặng nề, vì bộ tiêu chí quốc gia dành cho y tế xã vẫn còn rất thấp so với đòi hỏi chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội. Đầu tư cho y tế xã dàn trải, vì tiền cần rót xuống gần 10.000 xã, và nhân lực của xã cũng không đủ để tiếp thu các kỹ thuật y khoa cao. Nhiều xã nhận máy siêu âm và điện tim rồi trùm khăn để đấy vì không có người sử dụng.
Trên địa bàn huyện, quan trọng nhất vẫn là bệnh viện huyện. Đây là trung tâm kỹ thuật y tế cao nhất của một huyện, được trang bị các máy móc cần thiết như xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm… Một số nơi còn có máy CT, máy chụp mạch máu xoá nền, máy lọc thận nhân tạo. Về kỹ thuật, bệnh viện huyện điều trị được hầu hết tình trạng cấp cứu và bệnh nội khoa, mổ lấy thai, phẫu thuật về xương, ổ bụng…
Bệnh viện huyện thực sự là cơ sở khám chữa gần dân nhất. Với bán kính 15-20 km, chỉ mất tối đa 30 phút di chuyển, nên người dân thường chọn đến thẳng bệnh viện huyện.
Với mô hình tổ chức đã hoạt động có hiệu quả hàng chục năm qua như vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp tin rằng trong thời gian tới, dù cho có bỏ cấp huyện thì bệnh viện huyện cũng không thể giải tán được.
Không như các ngành khác, ví dụ công an, có thể xoá bỏ cấp huyện, tăng cường cán bộ cấp xã, ngành y không thể làm như vậy. Vì ngành y có tính chất đa khoa, cần sự tập trung cao về con người và thiết bị để hỗ trợ lẫn nhau. Nếu xé lẻ các chuyên khoa sẽ không hoạt động được.
Giả sử giải thể một bệnh viện huyện, chia cho mỗi xã một cái máy và mấy bác sĩ, thì cái máy sẽ trùm khăn nằm đấy, còn bác sĩ về xã một thời gian sẽ hoá thành cán bộ phong trào, chỉ biết sổ sách, quên hết chuyên khoa sâu… Và người dân khi có bệnh, thay vì đi 30 phút là đến bệnh viện huyện thì bây giờ phải đi cả tiếng đồng hồ để lên bệnh viện tỉnh.
Ngoài bệnh viện, số phận của trung tâm y tế huyện với chức năng quản lý về dân số, y tế dự phòng cũng đang gây nhiều băn khoăn. Nếu giải thể trung tâm y tế thì mọi theo dõi quản lý về dân số, dịch bệnh, các phong trào tiêm chủng, vệ sinh môi trường… sẽ trao cho ai. Để tỉnh trực tiếp nắm công việc này liệu có kham nổi, còn trao về xã thì không có cán bộ đủ chuyên môn.
Như vậy tôi tin rằng dù sắp tới xoá bỏ các huyện, thì bệnh viện huyện với chức năng là đơn vị y tế đa khoa gần dân nhất, vẫn sẽ tồn tại. Về chuyên môn, bệnh viện huyện nên chính thức được công nhân là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện đa khoa tỉnh. Quản lý các viện này vẫn là Sở Y tế của tỉnh. Tất nhiên khi thiếu đi sự hỗ trợ của cấp huyện như lâu nay, thì các bệnh viện vệ tinh này sẽ có một số khó khăn tạm thời về an ninh trật tự, truyền thông… nhưng sẽ dần khắc phục được.
Tổ chức của ngành y từ năm 2025 sẽ theo luật khám chữa bệnh mới, phân cấp theo hạng chuyên môn kỹ thuật gồm 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Bệnh viện tuyến huyện và tương đương nằm ở cấp cơ bản.
Sau sắp xếp, 10.000 xã phường sẽ còn khoảng 5.000. Như vậy quy mô về địa lý và dân số của xã đã đủ lớn, thay vì xây một trạm y tế lớn hơn cho xã mới sáp nhập, theo tôi, nên nghĩ đến mô hình y tế mới cho xã. Mô hình đó có thể tạm gọi là bệnh viện xã. Nếu trước mắt chưa đủ nguồn lực thì có thể tổ chức bệnh viện liên xã, cho 2-3 xã gần nhau.
Mô hình này cần tổ chức thành bệnh viện cấp cơ bản, chứ không phải là một trạm y tế phóng to. Đây sẽ là bệnh viện đa khoa, có các khoa cơ bản như: nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm; có khoa cận lâm sàng với đầy đủ thiết bị xét nghiệm chụp chiếu, có phòng công tác tuyến phụ trách phong trào.
Bệnh viện liên xã hoặc bệnh viện xã này sẽ rút ngắn khoảng cách người dân đến với y tế, còn 10 km hoặc 15 phút di chuyển, giúp ích rất nhiều cho cấp cứu hoặc thăm khám theo dõi thường xuyên. Người dân sẽ được chăm sóc sức khoẻ tốt với chi phí thấp nhất.
Bệnh viện liên xã sẽ đón nhận các chức năng về dân số, y tế dự phòng từ trung tâm y tế huyện trước kia. Ví dụ về dân số sẽ do khoa sản kết hợp với phòng công tác tuyến triển khai, về phòng chống dịch sẽ do khoa truyền nhiễm phối hợp…
Toàn quốc hiện có 1.521 bệnh viện cả công lập lẫn tư nhân, trong đó số bệnh viện tuyến huyện hoặc tương đương khoảng 1.200. Như vậy cần thành lập thêm khoảng 1.000 bệnh viện cấp cơ bản nữa là đảm bảo mật độ 2 đến 3 xã có một bệnh viện.
Nguồn lực để đầu tư 1.000 bệnh viện cấp cơ bản mới này không phải là vấn đề lớn, nếu chúng ta huy động y tế tư nhân tham gia một phần. Chỉ cần các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai và ưu đãi đầu tư, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.
Cuộc sắp xếp bộ máy hành chính lần này là cơ hội tái cấu trúc ngành y, đưa y tế đến gần dân hơn, tránh được các khoảng trống về chuyên môn do giải thể tuyến huyện gây ra.
Q.T.D.
Nguồn: VNExpress