Lynn Huỳnh
(VNTB) – Từ Việt Nam, nhà báo Phạm Thiết của tờ Người Lao Động, than thở: “Đất nước gì mà mở mắt đã nghe, làm gì cũng đe: “cảnh giác với thế lực thù địch, chống phá”. Sao bọn chúng nhiều thế!”
Là dân thì không thể là ‘địch’
Nhà báo Phạm Thiết than vãn cũng đúng, vì hồi trước hay có cụm từ “bọn thế lực thù địch phản động lưu vong”, coi như khoanh vùng về giới hạn địa lý, còn giờ lại quá chung chung khi ở đâu nhìn cũng có thể là ngờ vực của ‘thế lực thù địch’ (!?).
“Khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền là phải tự vấn xem vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó” – ông nghị Trương Trọng Nghĩa, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có ý nói như vậy tại phiên toàn thể đại biểu Quốc hội ở hội trường Diên Hồng chiều 15-6-2020.
Ông Nghĩa cũng khẳng định, nếu như ở hội trường Diên Hồng mà có thế lực thù địch, thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp chứ không tồn tại ở đâu cả.
Với loại trừ như trên của ông nghị Trương Trọng Nghĩa, vậy thì các “thế lực thù địch” còn lại là những ai?
Giả dụ chụp chiếc mũ cho nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là ‘thế lực thù địch’, thì đó là ‘thù địch’ với ai?
Trong các tiết học chính trị về Tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta vẫn được khuyến cáo rằng mỗi khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền, thì cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, không nóng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Cách làm đó là trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ mục đích của Đảng.
Giá trị truyền thông đa chiều
Đọc các bài báo ký tên Phạm Chí Dũng đăng trên trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, có thể thấy rằng quan điểm của những người phụ trách ở ban Việt ngữ của VOA đã cùng chia sẻ cách đánh giá về truyền thông với nhà báo Phạm Chí Dũng, rằng ý tưởng cứ gán cho người dân tội nghe theo kẻ địch, ‘nghe đài địch’ là một đặc điểm hình thái ý thức hệ đã hoàn thành vai trò lịch sử. Giờ là lúc đất nước cần có sự minh bạch, những giá trị truyền thông đa chiều, để mọi người dân ai cũng có thể đóng góp ý kiến xây dựng đất nước giàu mạnh.
Một tương tự cho việc so sánh, cũng đồng thời được điều hành bởi một nhóm người Việt từ nước ngoài, nội dung các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, nói như lời của tác giả Trish Nguyễn trong “Khát vọng tự do báo chí”, chủ trương lâu nay của nhóm thực hiện trang Việt Nam Thời Báo – IJAVN, là (trích):
“IJAVN có thể chọn một lối đi dễ dàng hơn chẳng hạn như chỉ đăng lại những bài sẵn có trên mạng xã hội hay các báo đài nào đó, vừa không tốn tiền nhuận bút, lại chẳng gây nguy hại gì đến các thành viên. Nhưng chúng tôi không thể.
Chọn một bên nào đó luôn dễ dàng hơn là trung dung. Trong cuộc khẩu chiến, bút chiến về Trump chúng tôi vẫn chọn bài thể hiện quan điểm hai chiều, hay về cuộc biểu tình của những người da mầu ở Mỹ, chúng tôi không ủng hộ bạo loạn, nhưng IJAVN cũng không dung thứ những ngôn ngữ thù hận gây chia sẽ chủng tộc. Khi chọn lối đi như vậy, chúng tôi đã bị buộc là chống tổng thống Mỹ đương nhiệm, hay ủng hộ bạo loạn, thậm chí là đưa tin giả.
Khi viết bài biểu dương thành tích nào đó của Việt Nam, chúng tôi đã bị cho là báo thân cộng, khi chỉ trích nhà nước Việt Nam chúng tôi bị cho là ba que phản động, hay thậm chí là nhận tiền của tổ chức chính trị nước ngoài để bôi nhọ nhà cầm quyền.
IJAVN cũng không thể chỉ chọn đăng tin “cướp giết hiếp” để lôi kéo sự hiếu kỳ của độc giả để thay cho những bài viết nghiêm túc; hay thậm chí chỉ cho đăng lại toàn các bài dịch lại từ tin tức nước ngoài hoặc chỉ cần cóp nhặt từ nhiều nguồn chắp vá để tổng hợp lại một bản tin không ghi rõ xuất xứ” (dừng trích).
Đừng nhìn đâu cũng thấy toàn thù địch
Như vậy, rõ ràng là cùng có thể bị quy chụp chiếc mũ “thế lực thù địch” vì có yếu tố mang tính nguy cơ là ‘nước ngoài’, nhưng ở đây trang Việt Nam Thời Báo lại ‘chung danh sách người dân’ trong cách hiểu của phát biểu: “Khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền là phải tự vấn xem vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó”, mà luật sư Trương Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh hôm chiều 19-6 ở nghị trường Quốc hội.
Nếu ai đó nghi ngờ về chuyện ‘chung danh sách người dân’, thì cứ việc giở lại Hiến pháp 2013, sẽ thấy ngay về quyền hiến định mà nhóm biên tập trang Việt Nam Thời Báo hiện tại đang được bảo hộ – mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là đang cần được động viên để góp phần xây dựng quê hương, đất nước:
“Điều 18.
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
L.H.
VNTB gửi BVN