Từ cuộc chiến Covid-19 đến thương chiến: Úc tuyên bố ‘thoát ly Trung Quốc’

Tâm An

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra chính thức bắt đầu từ việc chính quyền Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Điều này khiến Úc nhận phải “đòn trả đũa” về kinh tế từ Bắc Kinh, cuối  cùng nước Úc cũng đã nhận ra rằng con đường tốt nhất là… “thoát Trung”.

Trả đũa kinh tế Úc: bản chất ‘sói chiến’ của chính quyền Trung Quốc trong cuộc chiến Covid-19

Theo The Guardian, Trung Quốc coi Úc là “đạo quân tiên phong” trong việc cố ý cô lập, lên án và bôi nhọ Bắc Kinh, rằng mọi kế hoạch về cuộc điều tra được thiết kế và hậu thuẫn bởi Washington. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không ngần ngại sử dụng “cuộc chiến ngôn từ” với những lời dọa nạt về việc làm tổn hại lợi ích nền kinh tế Úc.

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói chuyện với giới truyền thông tại một cuộc họp báo công bố ngày bầu cử tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 11/4/2019 tại Canberra, Úc. (Ảnh: Tracey Nearmy/Getty Images)

“Khách du lịch có thể có những suy nghĩ khác. Có lẽ phụ huynh của các học sinh cũng sẽ nghĩ rằng liệu nơi này, nơi mà họ thấy không thân thiện, thậm chí là thù địch, có thể là nơi tốt nhất để gửi con cái họ đến học. Và ngoài ra, có lẽ những người bình thường sẽ nghĩ tại sao họ nên uống rượu Úc hay ăn thịt bò Úc?”, Đại sứ Trung Quốc tại Úc là ông Thành Cánh Nghiệp đe dọa “trả đũa” Úc.

Vào tháng 5/2020, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ ở NSW và Queensland, đánh mức thuế 80% vào các nhà sản xuất lúa mạch của Úc. Cách thức “giết gà dọa khỉ” này được cho là phản ứng của Bắc Kinh đối với Úc, nhằm “răn đe” các quốc gia khác.

Vào ngày 21/5/2020, ông Hồ Tích Tiến, chủ bút Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục đe dọa:

"Trung Quốc có đủ sức mạnh để làm tổn thương đến kinh tế Úc".

Úc phải lãnh chịu phản ứng hung bạo nhất từ Bắc Kinh, nhưng chính nhờ vậy người Úc có thể thức tỉnh và đồng lòng "thoát Trung", một bài học đáng chú ý cho các nước khác. Dân biểu đảng Quốc gia George Christensen đánh giá: "Với Úc kinh doanh là thương mại, còn với Trung Quốc mọi thứ đều là chính trị".

Ngoại trưởng Úc Marise Payne thẳng thắn cho biết Úc sẽ không chấp nhận các biện pháp trừng phạt kinh tế: "Bây giờ là lúc cần hợp tác toàn cầu. Sự minh bạch và trung thực về đại dịch này là rất quan trọng".

Theo báo The Australian, vào thứ Hai ngày 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một Bản Dự Thảo Nghị Quyết mở cuộc điều tra.

Bản Dự Thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết, một việc chưa từng xảy ra trong bang giao quốc tế, cho thấy khởi đầu về một “thế giới đồng thuận” trong cuộc chiến chống lại chính quyền Trung Quốc.

Thoát ly trạng thái là ‘nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc nặng nề nhất thế giới’

Theo The Guardian, mối quan hệ “rạn nứt” giữa 2 chính quyền đã trở nên sâu sắc hơn bởi một chuỗi các đối nghịch “leo thang”:

    • Úc quyết định loại mình khỏi việc triển khai mạng 5G của Huawei;

    • Trung Quốc “trả đũa bằng cách tiếp tục tống giam nhà dân chủ Úc Yang Hengjun;

    • Hai bên tranh chấp về vấn đề Biển Đông;

    • Tăng cường mối quan tâm của Úc về ảnh hưởng của Trung Quốc trong kinh doanh, kinh tế và chính trị Úc;

    • Úc tiếp tục cáo buộc chính quyền Trung Quốc về vấn đề gián điệp;

    • Úc công khai ủng hộ hoạt động dân chủ tại Hong Kong…

Úc có nền kinh tế phục thuộc vào Trung Quốc nặng nề nhất thế giới, với lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 33% tổng xuất khẩu nước này. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Úc với tổng giá trị thương mại đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 235 tỷ USD trong năm 2018-2019 (tăng trưởng thêm 20% mỗi năm).

Năm 2019, Trung Quốc chiếm hơn 1/3 xuất khẩu hàng hóa của Úc và 1/5 thương mại dịch vụ. Úc đã thu về 6,7 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa; 4,17 tỷ USD từ sinh viên Trung Quốc và 3,4 tỷ USD từ khách du lịch Trung Quốc; 4,6 tỷ USD từ xuất khẩu thực phẩm và hàng sợi; 3,16 tỷ USD từ xuất khẩu len chưa qua chế biến sang Trung Quốc vào năm ngoái.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Úc sang Trung Quốc gồm 63 tỷ USD quặng sắt, 16 tỷ USD khí đốt tự nhiên, 14 tỷ USD than đá và một lĩnh vực cụ thể về xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc như thịt bò, hải sản và sữa, tổng trị giá hơn 12 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2017 của trường Đại học An ninh Quốc gia ANU, do Giáo sư Rory Medcalf – nhà phân tích tình báo kỳ cựu, cho rằng nhận thức về sự phụ thuộc của Úc vào Trung Quốc, và nhận định rằng nền kinh tế Úc dễ bị tổn thương trước áp lực kinh tế Trung Quốc, đã bị phóng đại.

“Khi nói đến du lịch và giáo dục, không phải là chính phủ Trung Quốc có ‘đòn bẩy trực tiếp’ nào mà họ có thể lôi kéo tất cả công chúng. Họ có thể tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận nhưng các hộ gia đình Trung Quốc có được thông tin từ nhiều nguồn. Tất cả họ không chỉ đọc Tân Hoa Xã hay Nhân dân Nhật báo”, giáo sư James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Úc-Trung tại Đại học Công nghệ Sydney, ám chỉ rằng người dân Trung Quốc sẽ có được sự lựa chọn khách quan vì không phải ai cũng tin vào những tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Richard McGregor, một thành viên cao cấp tại Viện Lowy, cho biết có rất ít cơ hội cho mối quan hệ của Úc và Trung Quốc trở nên tốt hơn trong tương lai gần và các doanh nghiệp nên đa dạng hóa.

Dân biểu George Christensen cho rằng có quá nhiều rủi ro khi phải kinh doanh với chế độ độc tài như chính quyền Trung Quốc, vì thế Úc cần mở rộng ngoại thương với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có chung giá trị dân chủ, biết tôn trọng quan hệ ngoại thương.

"Chúng ta là một quốc gia có nền thương mại cởi mở. Nhưng chúng ta không bao giờ hy sinh các giá trị của mình chỉ để đáp lại sự ép buộc từ bất cứ đâu", Thủ tướng Úc Morrison khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên đài 2GB.

Tăng cường quân sự hóa, thắt chặt liên minh Five Eyes và thiết lập quan hệ Ấn-Úc làm ‘thế đối trọng’ trong cuộc chiến với Trung Quốc

Mới đây, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố về khoản chi 270 tỷ USD để tăng cường lực lượng quốc phòng. Nhiều nguồn tin cho rằng điều này là chiến lược quốc phòng và phát triển quân sự trong tương lai của Úc nhắm đối phó với Trung Quốc.

Là một phần trong kế hoạch trị giá 400 tỷ USD kéo dài đến năm 2030, hải quân Úc có kế hoạch thay thế các tàu khu trục cũ, thêm tàu tuần tra, tàu săn mìn, tàu hỗ trợ và tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm.

“Đây là một nỗ lực thực sự của quốc gia liên quan đến tất cả các bang và vùng lãnh thổ, ngành công nghiệp, khoa học và công nghệ, các ngành giáo dục và đào tạo”, chính phủ Úc tuyên bố vào đầu tháng 7/2020.

Dường như Thủ tướng Úc Morrison đã sẵn sàng hy sinh quan hệ thương mại với Trung Quốc để đứng lên vì “những giá trị” của mình, khi ông đang tích cực kiên quyết chống lại Trung Quốc với tuyên bố: “Không có gì ngạc nhiên nếu Five Eyes phối hợp với nhau để chiến đấu với Trung Quốc”.

Các thành viên của liên minh Five Eyes với những nỗ lực phối hợp của Úc, Anh, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ, đã “đụng độ” Trung Quốc trên một loạt các mặt trận – từ việc xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thương chiến, cho đến vấn đề Hong Kong và công nghệ 5G – cho thấy các cường quốc này hiểu rõ rằng tấn công Trung Quốc đơn độc hoặc chỉ tấn công tại một thời điểm cụ thể sẽ không hiệu quả.

"Chúng ta chắc chắn đang thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa các quốc gia Five Eyes về phản ứng của họ với Trung Quốc, bằng chứng là họ đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung về Hong Kong và tuyên bố đối thoại kinh tế Five Eyes để điều phối sản xuất hàng hóa chiến lược", bà Georgina Downer, giám đốc của công ty tư vấn chiến lược và địa chính trị Tenjin Consulting cho biết có những dấu hiệu rõ ràng về hành động phối hợp của năm nước thành viên.

Bên cạnh đó, Úc cũng không dừng lại ở sự hợp tác chỉ có “năm thành viên”. Vài tuần trước đây, Ấn Độ và Úc đã đồng ý tuyên bố chung về hợp tác hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương như một phần của hiệp ước mới, Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện. Ấn Độ cũng đã đi đến thỏa thuận mua thêm lúa mạch từ Úc.

Có thể nói, con đường “thoát Trung” của Úc đang ngày càng “rộng mở”.

T.A.

Nguồn: ntdvn.com

This entry was posted in Covid 19, Úc. Bookmark the permalink.