Quốc Phương – BBC News Tiếng Việt
Vụ việc ở Đồng Tâm được Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử vào tháng 8/2020, theo báo chí nhà nước, trong khi các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho những người bị bắt và bị truy tố nói với BBC đến nay họ vẫn chưa thể tiếp cận và tham khảo hồ sơ vụ án.
Hôm 06/7, bản tin trên trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với tựa đề “Xét xử vụ giết người ở Đồng Tâm trong tháng 8” cho hay:
“Tổng cộng 29 bị can được đưa ra xét xử trong vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
“Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, dự kiến trong tháng 8 sẽ đưa ra xét xử vụ Giết người ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiến 3 chiến sĩ công an hi sinh ngày 9/1/2020”.
Ông Lê Đình Kình thiệt mạng và ‘ba chiến sỹ công an nhân dân hy sinh’ trong vụ tập kích Đồng Tâm hôm 9/1. Nay 29 người dân địa phương bị truy tố về tội ‘Giết người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’. Bản quyền hình ảnh TRINH BA TU
Trang mạng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trong bài viết có tựa đề “Sẽ xét xử vụ án giết người tại Đồng Tâm vào tháng 8” nói:
“Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1/2020.
“Tại kết luận, phía điều tra đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố 25 bị can về tội "Giết người" gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
“Cùng vụ án, các ông bà Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng bị CQĐT đề nghị truy tố về tội "Chống người thi hành công vụ". Tất cả 29 bị can trong vụ đều là người thôn Hoành hoặc thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm”.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm gia đình chiến sĩ hy sinh ‘vụ gây rối’ Đồng Tâm, theo kênh truyền hình quân đội Quốc phòng Việt Nam, hôm 12/01/2020. Bản quyền hình ảnh OTHER/QPVN
Cùng ngày thứ Hai, báo Hà Nội Mới, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, cũng đăng tin bài với nội dung tương tự.
Báo này dẫn lời Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo kết quả công tác sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020 của ngành tại kỳ họp của Hội đồng Nhân dân Thành phố hôm 6/7, theo đó nói dự kiến vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) hôm 9/1 ‘khiến ba cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hy sinh’ sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 8-2020.
“Trước đó, ngày 25-6, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 truy tố 29 bị can trong vụ án nêu trên ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử theo thẩm quyền. Trong đó, 25 bị can bị đề nghị truy tố về tội danh “Giết người”, bốn bị can bị đề nghị truy tố về tội danh “Chống người thi hành công vụ”,” báo Hà Nội Mới hôm 06/7/2020 cho biết thêm.
Các luật sư nói gì?
Hôm 06/7, BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị can nói trên trong vụ việc ở Đồng Tâm.
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ văn phòng luật sư cùng tên tại Hà Nội, nói:
“Đây là dự kiến của Tòa án Thành phố Hà Nội. Họ sắp xếp theo lịch của họ, nhưng nếu như họ sắp xếp một cách đường đột và các luật sư chưa được tiếp cận hồ sơ, hoặc tiếp cận hồ sơ trong thời gian quá ngắn, thì vô cùng khó khăn cho các luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ của chúng tôi.
“Thực tế là về vốn thời gian, bây giờ không có hồ sơ, thì các luật sư nghiên cứu bằng cái gì? Vụ án phức tạp có nhiều chi tiết, cần phải có sự so sánh, đối chiếu, không có tài liệu hồ sơ thì bó tay không làm được.
“Điều kiện tối thiểu như vậy mà không được đáp ứng thì có làm sao có thể nói được tạo điều kiện thuận lợi? Điều kiện cơ bản nhất là tiếp cận hồ sơ vụ án mà không đạt được thì nói gì đến các yêu cầu khác như dựng lại hiện trường, v.v.
“Bây giờ không có hồ sơ, thì các luật sư chẳng thể nào phát biểu chính xác được. Phát biểu, tác nghiệp sẽ rất hạn chế. Không có hồ sơ thì cũng giống như bác sỹ đi làm việc mà không có bệnh án trước đó, không có công cụ để khám – làm sao mà chữa bệnh được?”.
"Tôi không nghĩ Bộ Chính trị chủ trương vụ Đồng Tâm"
Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ tiếp về việc liệu chính quyền có giải thích gì không về việc luật sư chưa được tiếp cận hồ sơ vụ án:
“Các cơ quan tố tụng của nhà nước và chính quyền chưa giải thích gì thỏa đáng cho đến thời gian này. Có thể là trong vòng tuần cuối cùng trước khi vụ án được đưa ra xét xử, các luật sư mới được đọc hồ sơ.
“Các luật sư trong nhóm bảo vệ có trao đổi với nhau liên tục, có khiếu nại, nhưng tới nay chỉ được đáp ứng có thế.
“Theo quy định của luật, hành pháp và tư pháp khác nhau, có nghĩa là mấy cơ quan này độc lập với nhau. Theo luật trên giấy tờ và theo bộ máy tổ chức, bên hành pháp có thể làm việc này, nhưng bên tư pháp hoàn toàn có quyền độc lập. Nhưng vấn đề là Việt Nam không có sự độc lập trong các nhánh, ngành này, thì cho dù ai đi xử lý thì nó cũng thế thôi.
“Bây giờ có đưa lên Bộ, thì đừng có nói là họ tránh sự bao che, sự việc đó nó cũng nằm loanh quanh trong thành phố Hà Nội này, thì chuyện đó (bao che) cũng không thể tránh khỏi được.
"Cho nên nếu may mắn đưa lên được cấp trên thì người ta hy vọng là sẽ có một sự tốt đẹp công bằng hơn. Nhưng mà điều đó cũng khó xảy ra, bởi vì cuối cùng vụ việc đó cũng không chạy thoát qua cửa Hà Nội.
"Bởi vì Bộ Công an có điều tra thì cuối cùng chuyển sang cho Viện Kiểm sát TP Hà Nội làm. Hoặc là Viện Kiểm sát Tối cao sau này làm, thì sau cũng chuyển xuống cho Tòa Hà Nội họ xử… mà Tòa tối cao cũng không xử sơ thẩm được.
“Và một khi nền tư pháp không độc lập thì những câu hỏi đặt ra ngay từ đầu đã có câu trả lời rồi, tức là nó chạy loanh quanh, không giải quyết được cái gì cả”.
Tiếp xúc với bị can?
Về tình hình sức khỏe, tinh thần của các thân chủ, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
“Ngay giai đoạn kết thúc điều tra, thì chúng tôi cũng không được gặp các thân chủ, không có ai trong các luật sư được gặp thêm một người nào.
Vụ Đồng Tâm: ‘Cách hành xử như thời Trung Cổ’
“Trong quá trình điều tra, hỏi cung, thì không có ai nói là mình bị ép cung, nhục hình, còn giai đoạn trước đó thế nào thì họ cũng không có phản ánh, khi mà không được gặp riêng luật sư.
“Khi không gặp riêng luật sư, tức là khi không được gặp độc lập với luật sư, thì nếu như cũng có những chuyện đó, thì người ta cũng không dám nói, cho nên chúng tôi hy vọng sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, thì họ chúng tôi gặp, thì chúng tôi sẽ biết được rõ hơn nội tình và mong muốn của các thân chủ. Chứ còn trong giai đoạn điều tra thì luật sư chỉ nghe, cứ gặp họ và nghe thông tin, ngồi đó nghe, giám sát việc hỏi cung cho được minh bạch, công bằng thế thôi, chứ luật sư không có quyền hỏi.
“Ngay cả lúc cuối cùng mà tham gia hỏi, họ (cơ quan điều tra) có quyền từ chối không cho hỏi thì cũng chịu. Có những luật sư chỉ đứng đó nghe, đóng vai trò giám sát, chứ không phải là cùng điều hành, tham gia buổi hỏi cung đó, cho nên gần như là sự tương tác giữa thân chủ và luật sư cực kỳ hạn chế, còn các thông tin như nói ở trên đó thì gần như là bị bỏ ngỏ, không được hỏi, không được đề cập đến.
“Việc gặp gỡ các thân chủ cũng không toàn diện vì một luật sư có thể đại diện cho vài thân chủ khác nhau một lúc, nếu các cuộc hỏi cung bị sắp xếp trùng lặp, thì chỉ có thể dự cuộc hỏi cung này với thân chủ này, mà không thể hiện diện ở buổi đó với thân chủ khác và nhiều luật sư tham gia, nên các bức tranh cũng có thể khác nhau trong việc này, nhưng nhìn chung tình hình là như vậy”.
‘Khó khăn ngay từ đầu’
Cũng hôm 06/7, một luật sư khác cùng trong nhóm luật sư vụ Đồng Tâm không muốn tiết lộ danh tính, cho BBC News Tiếng Việt biết thêm một số chi tiết:
“Thực ra về căn bản, ngay cả trong giai đoạn truy xét, điều tra mà chuyển sang giai đoạn truy tố, việc tiếp cận hồ sơ đối với vụ án ở giai đoạn truy tố đã là bị gây khó khăn. Trong một thời gian dài, các luật sư đã thay nhau liên tục làm văn bản, gọi điện, nhắn tin cho kiểm sát viên thụ lý vụ án nhưng đều không được giải quyết vấn đề liên quan đến việc sao chụp hồ sơ để tham khảo.
“Và sau đó có thông tin đến nói là đã có bản cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án, và đến nay thì các luật sư dù đã lên Tòa án nhưng vẫn chưa tiếp cận được hồ sơ. Tôi có thể nói đó là những dấu hiệu bất thường và gây khó khăn cho việc tiếp cận hồ sơ để thực hiện quyền bào chữa và đảm quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.
“Thực tế là các cơ quan như bên Viện Kiểm sát, thì họ chỉ nói thông qua điện thoại là họ chưa đáp ứng vì bận đi công tác nhưng sau đó mọi chuyện như đã biết là họ đã chuyển hồ sơ sang bên Tòa án và chỉ gửi bản cáo trạng cho các luật sư và không thông báo gì thêm nữa.
“Điều đó có thể nói là sự vi phạm các nguyên tắc người kiểm sát viên giữ quyền công tố và thực tế đây là một sự khó khăn mà chúng tôi, các luật sư đang gặp phải. Chúng tôi đang cố gắng là trong giai đoạn chuyển vụ án sang giai đoạn xét xử, mà tiếp tục có những khó khăn như vậy, thì chúng tôi có thể sẽ phải có những khuyến nghị cụ thể hơn, đặc biệt trong giai đoạn cận xét xử này.”
Về thời hạn vụ án dự kiến được Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa ra xét xử trong tháng Tám, trả lời câu hỏi nếu thời hạn này trở thành hiện thực, ý kiến của các luật sư ra sao, vị luật sư trong nhóm bào chữa cho các bị can, bị cáo ở vụ Đồng Tâm này nói:
“Theo tôi, nếu đúng xảy ra việc xét xử vào tháng Tám như dự kiến, thì nếu chúng tôi được tiếp cận hồ sơ vụ án này muộn nhất trong khoảng đầu tháng Bảy, thì các luật sư chúng tôi tin rằng mới ít ra có chút ít thời gian để nghiên cứu, đánh giá toàn bộ hồ sơ vụ án được và biết được các tình tiết vụ án để làm rõ.
“Chứ nếu như người ta còn xét xử vụ án sớm hơn nữa, và không cho luật sư tiếp cận hồ sơ sớm, thì chúng tôi cho rằng việc bào chữa vụ này sẽ vô cùng khó khăn và thực tế có thể dẫn đến việc không thể bào chữa được”.
Không thể bào chữa được?
Vị luật sư này giải thích thêm:
“Bởi vì một vụ án lớn có quá nhiều bị can và lại có tính chất, quy mô vừa pháp luật vừa chính trị sâu sắc và phức tạp như vậy, mà nếu không được tiếp cận sớm để có thời gian chuẩn bị và giải quyết các vấn đề liên quan, thì tôi cho rằng việc bảo vệ, bào chữa cho các bị can, bị cáo sẽ gặp muôn vàn khó khăn, và như trong nhiều trường hợp xin tái khẳng định là không thể bào chữa được”.
Trong một diễn biến liên quan vụ việc, hôm 06/7, một nhóm các nhân sỹ, trí thức và nhà hoạt động ở Việt Nam đã công bố một tuyên bố chung có tựa đề “Tuyên bố về việc xét xử vụ Đồng Tâm: Vi phạm luật tố tụng hình sự!”
Một số nhà hoạt động tới thăm gia đình ông Lê Đình Kình vào tháng 1/2019. Bản quyền hình ảnh OTHER/HOANG HUNG
Bản tuyên bố được bốn tổ chức, nhóm hoạt động bao gồm Diễn đàn Xã hội Dân sự, Lập quyền dân, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và ít nhất 18 vị nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, TS Nguyễn Quang A, nhà thơ Hoàng Hưng, Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, PGS. TS. Vũ Trọng Khải, Kinh tế gia, Chuyên gia độc lập chính sách nông nghiệp, Đào Công Tiến, PGS. TS Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đồng ký tên, có đoạn:
“Chúng tôi, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự tuyên bố: Yêu cầu các ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban Cải cách Tư pháp; Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Ra lệnh cho các cơ quan hữu quan nhanh chóng chuyển giao hồ sơ vụ án cho các luật sư tham gia bào chữa vụ án Đồng Tâm, cho các luật sư tiếp xúc các bị can. Không cho Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa vụ án ra xét xử khi các luật sư chưa đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ và chưa đủ thời gian tiếp xúc với các bị can.
“Yêu cầu phiên tòa xét xử diễn ra trong sự tranh tụng công khai dân chủ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, để việc xét xử đúng theo qui định của pháp luật”.
Q.P.
Nguồn: BBC tiếng Việt