Anh Khoa dịch
Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các thành viên thuộc Bộ Chính trị Trung Quốc, những cá nhân liên quan đến chiến dịch trấn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Theo tin báo, chính quyền Trump không sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhân quyền đối với Trung Quốc trong tiến trình đàm phán thương mại Trung-Mỹ năm ngoái. Tuy nhiên, Nhà Trắng có vẻ sẽ áp dụng "cách tiếp cận cạnh tranh" với Trung Quốc, thông qua Đạo luật Nhân quyền lần này.
Chính quyền Trung Quốc đã bị buộc tội thực hiện chiến dịch chống lại người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Tân Cương, như giam giữ quy mô lớn, tra tấn và lao động cưỡng bức.
Đạo luật kêu gọi chính quyền Trump xác định và xử phạt các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về chiến dịch này.
Trong số đối tượng mà Đạo luật hướng tới có Trần Toàn Quốc, thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc và là Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, ông là "người chịu trách nhiệm trực tiếp cho các vi phạm nhân quyền".
Trần Toàn Quốc sẽ là mục tiêu đầu tiên hứng chịu các biện pháp trừng phạt. Ông này trước đây từng là Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng, và Tây Tạng là vùng đất mà Trung Quốc đã mạnh tay trấn áp nhân quyền.
Dự luật đã thông qua Hạ viện vào thứ Tư, trước đó đã được Thượng viện nhất trí thông qua vào đầu năm nay.
Dân biểu Thomas Massie, người duy nhất bỏ phiếu "không" vào hôm thứ Tư. Ông đã chỉ trích một phiên bản trước của dự luật vào năm ngoái: "Nó mời các chính phủ (khác) xen vào công việc của chúng ta" (người dịch: nguyên văn hàm ý của ông Dân biểu này là, ông bỏ phiếu "không" vì khi chính phủ Hoa Kỳ xen vào công việc nội bộ của nước khác qua dự luật nhân quyền, thì luật nhân quyền cũng có thể khiến các chính phủ bên ngoài xen vào vấn đề của Hoa Kỳ).
Dự luật được thông qua một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bổ nhiệm người tị nạn Duy Ngô Nhĩ, ông Nury Turkel vào Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, báo cáo trước Quốc hội các vi phạm nhân quyền.
Ông Nury Turkel nói trong một tuyên bố hôm thứ Tư: "Thế giới đã trì trệ một thời gian dài trong khi chính phủ Trung Quốc còn giam giữ hàng triệu người Hồi giáo trong các trại tập trung."
"Đạo luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ" sẽ là đạo luật lớn đầu tiên với trọng tâm là thúc đẩy quyền của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác. Hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ tuân theo sự lãnh đạo của chính phủ Hoa Kỳ và hành động (chung) trong vấn đề này."
Dự luật cần được ký bởi Tổng thống Donald Trump để trở thành luật. Trump cho biết ông hiện đang quan tâm đến việc gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương.
Tài liệu chiến lược của Nhà Trắng công bố tuần trước tuyên bố rằng việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là "hậu quả thảm khốc" của mô hình chính phủ "đàn áp thô bạo" của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong tuần trước đã đưa vào danh sách đen tám công ty Trung Quốc tham gia phát triển công nghệ giám sát Tân Cương và một tổ chức pháp y của Trung Quốc.
Bộ Công an Trung Quốc đã lên án danh sách đen và chỉ ra: "Không có vấn đề nào liên quan đến nhân quyền, chủng tộc và tôn giáo, chúng liên quan đến chống khủng bố và vấn đề ly khai… Các vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chúng tôi không khoan nhượng khi nước ngoài can thiệp vào.
Chính quyền Trump gây áp lực với Trung Quốc để yêu cầu xem xét các vấn đề khác mà Trung Quốc gắn nhãn là nội bộ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trích dẫn "Đạo luật chính sách Hồng Kông" để đáp trả cuộc đàn áp hôm thứ Tư của Trung Quốc. Thủ tục này có thể chấm dứt tình trạng thương mại đặc biệt của vùng lãnh thổ tự trị này theo luật pháp Hoa Kỳ.
Ông Pompeo cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế thiết lập quan hệ với Đài Loan, một quốc đảo tự trị mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của Đại lục. Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí ủng hộ động thái này.
Trung Quốc đe dọa các lệnh trừng phạt của các nhà lập pháp Hoa Kỳ với cái gọi là "luật chống Trung Quốc."
"Chúng ta phải kiên quyết đánh trả những chính trị gia, vì không có lý do gì, làm suy yếu quan hệ Trung – Mỹ, nhằm lợi ích chính trị riêng của họ." Yuan Zheng, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, cho biết trên Hoàn cầu thời báo.
"Đối với những người ủng hộ luật chống Trung Quốc, chúng tôi cần tìm hiểu mối liên hệ kinh doanh giữa các quan chức này hoặc gia đình của họ với Trung Quốc."
A.K.
VNTB gửi BVN