Thanh Trúc
2020-06-03
Bản Kiến nghị cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long, với nơi gởi đích danh là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được công bố trên trang mạng Tiếng Dân hôm thứ Hai 1/6 vừa qua.
Đây là bản kiến nghị với chữ ký của nhiều nhà báo, nhân sĩ trí thức, chuyên gia trong ngoài các tổ chức xã hội dân sự, kêu gọi trách nhiệm của lãnh đạo Việt Nam trước nguy cơ cạn kiệt, suy kém tại khu vực nông nghiệp và kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ này.
Về sự hình thành bản kiến nghị, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, ông Lê Thân, cho biết:
“Bản này được 3 vị Giáo sư, 3 vị Phó giáo sư, 5 vị Tiến sĩ , trong này có 8 người liên quan trực tiếp với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đương nhiên có người soạn thảo rồi chuyển cho anh em đọc, góp ý, sửa chữa”
“Bản kiến nghị nêu tất cả mọi vấn đề mang tính giải pháp, tính chiến lược, những điều từ trước tới giờ không làm hoặc làm chưa tốt, thì bây giờ phải điều chỉnh lại”.”
Tiếp lời ông Lê Thân, nhà báo, nhà văn Lê Phú Khải, trước đây từng có bài “Thư ngỏ gởi Bộ Chính Trị: Các vị phải có trách nhiệm cứu lấy ĐBSCL:
“Trên cơ sở đó thì anh em soạn thảo chung rồi đưa ra kiến nghị tập thể này. Kiến nghị này rất quan trọng vì ĐBSCL là nền kinh tế lớn của đất nước. Trước đây chúng ta đã dựa vào nó mà thoát được cái hiểm họa đói kém, thiếu lương thực. Trong thời kỳ bao cấp chúng ta cũng vượt qua được nhờ Đồng Bằng Sông Cửu Long.”
Trong phần mở đầu, bản kiến nghị nhắc lại cuộc họp về phát triển kinh tế ngày 26/5, với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, được những người soạn thảo đánh giá là đại cuộc phát triển đất nước. Kiến nghị nhấn mạnh
“ĐBSCL là nơi chiếm 90% mức xuất khẩu gạo, vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, cây trái lớn nhất cả nước, nhưng là nơi mà cơ sở hạ tầng lại thấp nhất so với các vùng khác”
“Đời sống người dân ĐBSCL còn khó khăn muôn bề, trong lúc tình hình biến đổi khí hậu cũng như tác động của con người vào môi trường sống gây hậu quả tai hại khôn lường”.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 8/3/2016: một gia đình bắt cá gần một con mương cạn nước ở Sóc Trăng AFP
Cư dân ĐBSCL sẽ phải đương đầu ra sao để bảo vệ và phát triển cuộc sống của mình, là câu hỏi nêu ra kèm theo câu trả lời, rằng
“Trước tình hình bức xúc này, một số nhân sĩ, trí thức, chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi chúng tôi cùng nhau viết bản kiến nghị này với mong muốn góp phần với Nhà nước trong việc vạch ra một chính sách chiến lược phát triển hợp lý hữu hiệu để phát huy các mặt thuận lợi có sẵn của vùng miền, đồng thời khắc phục những sai sót đã phạm phải, nhằm giúp Đồng Bằng sông Cửu Long phát triển đúng hướng, bền vững trong xu thế phát triển chung của cả nước”.
Từ Paris, Pháp, Giáo sư vật lý Phạm Xuân Yêm, bày tỏ:
“Thực ra tất cả đều do những vị trong nước, bác Huệ Chi, bác Chu Hảo, bác Nguyên Ngọc vân vân, bạn bè đưa kiến nghị về Đồng Bằng Sông Cửu Long thì tôi ủng hộ và tôi ký vào thôi”
“ Là người sống xa nước tôi cũng bức xúc, tôi nhớ như Phạm Duy nói rằng đất nước Việt Nam ngoài Bắc có sông Hồng, miền Trung có sông Hương, nhưng đặc biệt trong Nam có Đồng Bằng Sông Cửu Long là cái nôi của văn hóa, kinh tế và nông nghiệp rất quan trọng. Một nhà trí thức ở Mỹ là ông Ngô Thế Vinh có viết cuốn sách “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Nổi Sóng” càng khiến tôi thêm ủng hộ việc làm của nhân sĩ trí thức trong nước hơn”.
Không có tên nhưng hết lòng ủng hộ kiến nghị cứu ĐBSCL, Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường:
“Đấy là bản kiến nghị từ những người có thiện chí, có tâm huyết và có nghiên cứu kỹ. Nội dung, mục đích và cách viết thể hiện quan tâm của người dân. Khi soạn thảo người ta đã căn cứ vào Nghị Định 120 của thủ tướng chính phủ năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL. Người ta cũng căn cứ vào tất cả những văn bản khác và cập nhật hóa để có thể nói lên mối quan tâm trước tác động của thiên nhiên và của cả con người đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long”.
Trong nhiều năm qua, bản kiến nghị nhấn mạnh, nạn khô hạn và tình trạng nhiễm mặn khiến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, canh tác và sản xuất tại ĐBSCL hao hụt trầm trọng và thường xuyên hơn. Việc tăng vụ mùa giúp lượng gạo xuất khẩu nhưng nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Lại nữa, xuất khẩu gạo càng tăng, thành tích chính phủ càng lớn thì chi phí đầu tư cũng lớn theo, nạn ô nhiễm môi trường càng cao do qui mô sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng nhiều, đe dọa rõ ràng đến môi trường sống.
Có những điểm tưởng là quốc sách nhưng thật ra là sai sót cho ĐBSCL, được coi là vựa lúa của cả nước. Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng muốn cứu ĐBSCL thì phải thuận theo tự nhiên của khu vực:
“Từ trước tới giờ người ta đặt chỉ tiêu về lúa gạo là chính, có những vùng phải chạy theo sản xuất lúa nên mới đẻ ra cái gọi là lúa vụ 3. Thực chất Nhà Nước lỗ mà nhân dân cũng lỗ vì phải chạy theo lúa vụ 3”
“ Bây giờ thay vì lúa vụ 3 thì chỉ cần 2 vụ thôi, 2 vụ thì Đại Học An Giang đã thống kê rồi, là nếu cứ để cho nước mùa mưa, gọi là mùa nước nổi, ngoài Bắc gọi là nước lũ đó. Nó tràn về nó đưa phù sa mới về. Cũng trong mùa nước nổi người ta có thể khai thác, thu hoạch thêm hải sản. Khi nước rút xuống rồi thì đồng ruộng coi như được làm vệ sinh, được phù sa vào, khi trồng trọt lại ít tốn thuốc bảo vệ thực vật, ít tốn phân bón và thuốc trừ sâu. Nói chung nếu thuận thiên tức là không cần 3 vụ mà chỉ 2 thôi thì thu nhập của nông dân vẫn cao hơn chứ không phải là thấp hơn”
Điểm thứ hai mà bản kiến nghị nêu ra với lãnh đạo là nếu nhìn lại thì không thể nào không hỏi vì sao một vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng mà vẫn là vùng trũng về kinh tế, về cơ sở hạ tầng, cả về y tế lẫn giáo dục. Người trẻ vùng ĐBSCL vẫn phải đi xuất khẩu lao động, ở đợ hoặc lấy chồng bản xứ, cực khổ muôn bề trong hy vọng kiếm ít tiền gởi về cho cha mẹ.
Về môi trường tài nguyên thiên nhiên, biểu hiện dễ thấy nhất là sự bức tử dòng sông Mê-Kông. Nhà báo Lê Phú Khải phân tích :
“Khí hậu biến đổi, nước biển dâng lên, Trung Quốc làm nhiều đập ở thượng nguồn làm cạn kiệt dòng Cửu Long. Một số nước hạ nguồn cũng làm đập thủy điện, bản thân chúng ta cũng chặt rừng Tây Nguyên, cũng làm hại nguồn nước xuống ĐBSCL”
“Cho nên bây giờ phải có một chiến lược lâu dài, toàn diện để bảo vệ lấy Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chính phủ phải giúp dân xây dựng những công trình giữ nước ngọt vào mùa mưa. Tôi lấy ví dụ như Israel, là một nước rất khô cạn, nhưng người ta giáo dục cho học sinh tiết kiệm từng giọt nước, người ta vẫn sống khỏe mà còn là nước nông nghiệp tiên tiến nữa. Vấn đề cứu ĐBSCL là cấp bách.”
Việt Nam không thể di chuyển ĐBSCL xa ‘người láng giềng xấu bụng’ Trung Quốc, bản kiến nghị viết tiếp. Việt Nam cũng không thể ra lịnh cho Lào, Thái Lan, cũng không thể tự mình chống lại biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam chỉ có thể làm cho người nông dân giàu hơn, ĐBSCL phát triển hơn bằng chính sách, biện pháp phù hợp, thuận với qui luật tự nhiên, là kế sách trong bản kiến nghị gởi chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ.
Hình minh hoạ. Quang cảnh công trường xây đập thuỷ điện Luang Prabang trên sông Mekong ở Lào hôm 5/2/2020 Reuters
Tâm đắc, là lời Giáo sư Nguyễn Huệ Chi:
“Kiến nghị kêu gọi Nhà Nước quan tâm đúng mức hơn về ĐBSCL. Đặc biệt năm vừa rồi nó báo hiệu một tương lai không tốt đẹp, không chỉ đối với vùng phía Nam đất nước này mà cả một phần cư dân trên thế giới”
“Làm cho vùng đất này không còn sinh sống được nữa là tự mình đánh mất đi tiềm năng của đất nước. Chúng tôi đặt vấn đề rất rõ ràng trong kiến nghị vừa về mặt ý thức vừa về mặt trách nhiệm, đồng thời phải hiểu biết về mặt kỹ thuật, trình độ khoa học để giải quyết sự sống trên vùng đất này. Không giải quyết ổn đáng là mình thất bại”
Cứu ĐBSCL phải là trách nhiệm ưu tiên của chính phủ trong việc bảo tồn nét văn hóa Tây Nam Bộ, là khẳng định tiếp của học giả Nguyễn Huệ Chi:
“Mỗi vùng đất tạo nên một bản sắc riêng, gắn với văn hóa của cộng đồng cư dân sống lâu đời tại đó. Là nơi sông nước cho nên tính cách của người Việt ở đây tích tụ nét văn hóa riêng, đóng góp vào văn hóa chung của cả dân tộc”.
Đó là những nét chính trong bản kiến nghị hãy cứu lấy ĐBSCL, có thể tham khảo trên trang mạng Tiếng dân hôm 1/6.
Sẽ lôi kéo được sự chú ý hầu dẫn tới hành động từ lãnh đạo, là kỳ vọng của ông Lê Thân:
“Năm 2017 ông thủ tướng đã có Nghị Quyết 120 về ĐBSCL nhưng nó không toàn diện, không mang tầm chiến lược như kiến nghị anh em chúng tôi viết ra. Tôi nghĩ bài toán đặt ra rồi Nhà Nước không thể không giải quyết”
Đối với nhà văn, nhà báo Lê Phú Khải, kiến nghị cứu ĐBSCL có lợi cho Nhà Nước và toàn dân là vì:
“Với chế độ hiện hành đang cai trị đất nước này, vấn đề mang tính chất chính trị, mang tính chất đòi dân chủ này nọ thì nó không có mẫu số chung”
Thế nhưng nếu ĐBSCL, cái nôi kinh tế Nam Bộ, được cứu sống, được giữ gìn, ông Lê Phú Khải giải thích tiếp, nhất định sẽ tìm được mẫu số chung giữa nhà cầm quyền và người dân trong chế độ.
T.T.
Nguồn: RFA tiếng Việt