Chẳng lẽ cứ phải nghe lời xin lỗi mãi?

“Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi nhân dân” – lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa chính thức lên tiếng sau khi thừa nhận họ đã quá say sưa tham gia thị trường chứng khoán, nhà đất, bảo hiểm (là những lĩnh vực sở đoản, ngoài ngành)… mà thiếu tập trung vào công việc chính là đóng tàu.

Vì thế trên nền tảng là vốn vay, gặp khủng hoảng kinh tế thế giới, Vinashin rơi vào khó khăn buộc phải “cơ cấu lại”, mà thực chất đó là một mỹ từ chỉ một dạng doanh nghiệp phá sản.

Tương tự, để xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng vừa qua, Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng đã đưa ra lời xin lỗi.

Theo cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thì “hơn cả việc xin lỗi, EVN cần kiểm điểm lại toàn bộ hoạt động của mình để những sự cố tương tự không xảy ra trong thời gian tới”. Lý do là theo đánh giá của Chính phủ, trong những khó khăn gây nên thiếu điện những yếu tố chủ quan vẫn là nguyên nhân chính. Trong đó, EVN và Bộ Công thương đã không làm tốt công tác dự báo nhu cầu cũng như những khó khăn về nguồn điện, nên không thể đưa ra giải pháp kịp thời.

Trong khi đó, như một lãnh đạo dầu khí cho hay, tất cả những mặt bằng tốt nhất phục vụ cho việc đóng tàu Vinashin đã “xí chỗ”, nhất quyết không chịu “nhả” dù năng lực kém, dù nhu cầu của dầu khí về tàu chở dầu đang rất bức xúc.

Còn EVN, do độc quyền truyền tải và phân phối điện nên tất cả các nguồn phát điện đều phải “lạy” EVN theo cơ chế xin-cho thì mới mong thành phẩm của mình có “đầu ra”.

Do vậy trước cả hai lời “xin lỗi” nói trên, nhân dân (không còn cách nào khác là) buộc phải chấp thuận vì quyền lực cao nhất đã ủy quyền cho nhà nước mất rồi.

Hơn thế, thay mặt nhân dân, nhà nước đã đứng ra bảo lãnh 700 triệu USD vốn trái phiếu Chính phủ cho Vinashin; đã khước từ đề án tái cơ cấu ngành điện mà Bộ Công thương đề xuất dẫn đến tình thế giờ đây nợ của Vinashin thì ngấp nghé tài sản (nợ 80 ngàn tỷ – tài sản 90 ngàn tỷ); EVN vẫn “một mình một chợ” trên thị trường điện nên hễ thiếu là… cắt, bất cần biết xã hội lao đao thế nào!

Rõ ràng, lãnh đạo cả hai ngành nói trên đều không hoàn thành nhiệm vụ, phụ bạc những ưu ái và niềm tin của nhân dân, cần phải có những chế tài trách nhiệm.

Thế nhưng một lãnh đạo mới đây tuyên bố: cứ kỷ luật, cách chức thì lấy đâu ra cán bộ làm việc thì e rằng nhân dân còn phải nghe “xin lỗi” dài dài…

B. L.

Nguồn: http://butlong.multiply.com/journal/item/618/618

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.