Dưới đây là ba bài báo có liên quan với nhau từ năm 2008 đến nay, đều nói lên tình trạng bất hợp lý của cái cơ chế độc quyền Nhà nước thông qua hai Tổng công ty Lương thực Bắc và Nam tha hồ ép giá gạo nông dân xuống mức rẻ mạt giữa lúc giá gạo thị trường thế giới lên cao nhằm thu những món lợi vào tay các “nhóm lợi ích”, còn nông dân, lực lượng nòng cốt của cách mạng, thì đói vàng con mắt. Hãy nghe một người nông dân, ông Lê Văn Lam, ngụ ở ấp Tuyết Hồng, Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp, kể khổ:
“Có những điều bất công làm tui bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai? Việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỷ”.
BVN tự nghĩ: cuộc cách mạng này bắt nguồn từ đâu và mục tiêu của nó là gì nhỉ? Câu hát “Nông dân là quân chủ lực” người nào tham gia kháng chiến từ những ngày còn trứng nước mà lại chẳng từng nghe qua một lần? Thế mà nay ai là kẻ phản bội lại mục tiêu đó để cho 70-80% dân số (nông dân) sống mãi trong tình trạng quẫn bức trong khi lẽ ra họ đã phải khấm khá từ lâu rồi? Nhà nước không quan tâm đến vấn đề này mà cứ mải đua nhau lo chuyện đường sắt cao tốc, mong đưa Việt Nam lên thiên đường hay là sẽ tụt hậu với tốc độ phi mã?
Bauxite Việt Nam
Bù lỗ dài dài vì độc quyền xuất khẩu gạo
Năm 2008, Vinafood 1 và Vinafood 2 lãi 4.500 tỉ đồng từ xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo của nước ta đến nay chủ yếu thông qua hai đầu mối là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), miền Nam (Vinafood 2), chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu. Có thể nói cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vẫn theo kiểu độc quyền của cơ chế quản lý tập trung bao cấp đã lỗi thời.
Nông dân bị tổn thất kép
Nhờ độc quyền, các tổng công ty có thể tự làm giá, điều tiết lưu thông mua bán lúa gạo của bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu theo ý chí chủ quan của mình, bất chấp cơ chế thị trường. Đương nhiên lợi nhuận từ xuất khẩu gạo phần lớn thuộc về số doanh nghiệp này.
Khi nắm trong tay thị trường tập trung (mua bán theo hình thức đấu thầu), các tổng công ty có đủ điều kiện định giá mua lúa gạo trong nước thấp hơn giá bỏ thầu để có lợi. Các đối tác nước ngoài mua gạo theo hợp đồng thương mại sẽ không dại trả giá cao hơn giá bỏ thầu của các tổng công ty tại thị trường tập trung. Đây là một tổn thất kép cho nông dân và nhà nước cũng do độc quyền mà ra.
Các tổng công ty vừa được hỗ trợ, vừa lãi to
Khi các tổng công ty lương thực chưa cần mua gạo nhằm kéo giãn tiến độ xuất khẩu thì lập tức giá lúa gạo trong nước xuống thấp. Kéo theo đó, các tổng công ty lương thực sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính, tín dụng để mua gạo tạm trữ.
Vụ lúa hè thu năm 2009, các tổng công ty lương thực đã nhận được hàng ngàn tỷ đồng từ gói kích cầu của Chính phủ, hưởng lãi suất bằng 0% trong ba tháng để mua tạm trữ trên 2 triệu tấn thóc với giá sàn 3.800 đồng/kg lúa. Chỉ ba tháng sau, Vinafood 2 đã bán cho thị trường Philippines 150.000 tấn gạo 25% tấm với giá 480 USD/tấn và sau đó bán 600.000 tấn gạo 25% tấm với giá 665 USD/tấn. Với giá bán này, sau khi quy ra tỷ giá và trừ đi mọi chi phí, Vinafood 2 xuất khẩu với giá xấp xỉ… 8.000 đồng/kg. Năm 2008, hai tổng công ty lương thực công bố thu lãi 4.500 tỷ đồng. Chia ra thì Vinafood 1 lãi 2.000 tỷ đồng, Vinafood 2 lãi 2.500 tỷ đồng. Hai năm 2009 và 2010, nhà nước tiếp tục hỗ trợ lãi suất để cho hai tổng công ty này mua tạm trữ hàng triệu tấn gạo.
Khuyết tật của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo kể trên đã gây bất bình cho người sản xuất, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và điều này làm giảm động lực sản xuất, triệt tiêu việc huy động nhân lực, vật lực để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Điều nguy hại hơn là tạo ra môi trường dễ phát sinh tiêu cực trong xuất khẩu gạo.
Cần đẩy nhanh cổ phần hóa
Để sản xuất, kinh doanh lúa gạo có hiệu quả cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh xuất khẩu gạo. Đây được coi là biện pháp dũng cảm, hữu hiệu quyết định thành công trong kinh doanh, xuất khẩu gạo. Trên thực tế, Công ty Cổ phần Lương thực – Thực phẩm Vĩnh Long hay Công ty Cổ phần Thương mại Thốt Nốt (Cần Thơ)… sau khi cổ phần hóa đều phát triển rất mạnh. Đó là minh chứng sống động được tổng kết trên cả lý luận và thực tiễn không thể chối cãi.
Dù là tổng công ty hay tập đoàn, khi đã cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán thì sớm muộn gì cơ chế độc quyền xuất khẩu gạo cũng không thể tồn tại. Khi đã cổ phần, doanh nghiệp biết phải làm gì để kinh doanh, xuất khẩu gạo có hiệu quả nhất, nhà nước sẽ không phải bao cấp. Các thành phần kinh tế đều được tham gia lưu thông, xuất khẩu gạo và hoạt động bình đẳng theo cơ chế thị trường, chịu sự kiểm tra của Nhà nước. Tất cả tạo nên sân chơi sôi động nhằm đẩy mạnh khả năng tiêu thụ sản phẩm. Giá lúa gạo của nông dân ngày càng sát với giá thị trường thế giới.
Nhà nước cần quản lý xuất khẩu gạo theo pháp luật, tránh can thiệp mang tính giải pháp. Chính phủ hỗ trợ nông dân được vay đủ vốn, trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi qua chương phát triển “tam nông” để tái sản xuất, xây kho tạm trữ, lò sấy, sân phơi lúa gạo ngay từ trong các nông hộ. Làm tốt việc này sẽ tạo ra hàng triệu nông dân tham gia bình ổn thị trường, giá cả điều tiết tiến độ thu mua… để cho xuất khẩu lúa gạo có lợi nhất.
Trần Đức Tụng
Nguồn: PhapluatTPHCM
Xuất khẩu gạo và những lỗ hổng
Không có gì ngạc nhiên nếu các DN xuất khẩu gạo thông qua Hiệp hội lương thực tham gia đề xuất hạn chế xuất khẩu gạo, nhằm giữ giá gạo trong nước không tăng quá cao, dĩ nhiên là với lý do “đảm bảo an ninh lương thực, kìm hãm lạm phát” – Ý kiến của một độc giả Tuần Việt Nam.
Qua theo dõi các phiên chất vấn tại QH lần này, có thể thấy lý do mà các vị lãnh đạo ngành và Chính phủ đưa ra giải thích cho quyết định tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đúng vào lúc giá gạo thế giới đạt mức cao kỷ lục, tựu trung là: 1) Đảm bảo an ninh lương thực; 2) Chống lạm phát. Ta hãy thử xem xét mức độ xác đáng của hai lý do này.
Một độc giả Tuần Việt Nam, người từng có nhiều năm công tác trong ngành xuất khẩu gạo nêu ý kiến phản biện.
An ninh lương thực và kiềm chế lạm phát
1) Về an ninh lương thực, thì Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới, nên vấn đề an ninh lương thực chắc chắn là ít đáng lo hơn hầu hết các nước khác trên thế giới, nhất là những nước không tự chủ được về lương thực. Cũng như các nước OPEC khó có thể lo lắng thái quá về an ninh năng lượng khi giá dầu mỏ tăng phi mã.
Hơn nữa, với thời gian gieo trồng đã được rút ngắn chỉ còn 3 tháng cho một vụ lúa, ngoài ra còn có các cây lương thực khác xen canh, thì nguy cơ khủng hoảng lương thực lại càng giảm đi đáng kể.
Và cuối cùng, lượng gạo dành cho xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng sản lượng lương thực, thì việc tăng lượng xuất khẩu thêm vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu tấn đi chăng nữa, cũng không thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lương thực nói chung của đất nước. Với lượng ngoại tệ thu được thêm đó, hoàn toàn có thể tái nhập lương thực trong trường hợp khẩn cấp như mất mùa trắng.
Tóm lại, lý do an ninh lương thực chưa thực sự thuyết phục.
2) Lý do chống lạm phát cũng thiếu thuyết phục, mặc dù thoạt nghe rất có lý. Nước ta 70% dân số sống ở nông thôn, nên việc giá lúa gạo tăng sẽ làm tăng thu nhập của khu vực dân cư này. Chỉ có 30% dân cư, bộ phận phi nông nghiệp, là phải chịu thiệt.
Tuy nhiên đối với bộ phận dân thành thị thì chi phí cho gạo ăn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu, do đó việc giá gạo tăng không ảnh hưởng nhiều đến họ.
Đây chẳng qua chỉ là chuyển một phần thu nhập của dân thành thị sang cho dân nông thôn, chứ nền kinh tế không mất đi đâu hết. Khoản tiền đó đối với dân thành thị thì không đáng kể, nhưng lại vô cùng có ý nghĩa đối với dân nông thôn, vì thu nhập trung bình của dân nông thôn thấp hơn nhiều lần so với dân thành thị.
Ở nhiều nước, Chính phủ vẫn phải tìm cách hỗ trợ cho nông dân bằng cách này hay cách khác để giảm bớt cánh kéo giá cả giữa sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, thu hẹp chênh lệch thu nhập giữa hai khu vực.
Như thế không thể nói rằng việc giá gạo tăng sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế – quan điểm này hết sức thiển cận. Trái lại là đằng khác. Nếu tranh thủ lúc giá gạo thế giới tăng mà chúng ta gia tăng xuất khẩu, thì lẽ ra đất nước đã có thêm một khoản ngoại tệ thặng dư lớn từ trên trời rơi xuống, góp phần giảm nhập siêu – cơ hội phải nói là trăm năm mới có một lần.
Nếu giá gạo năm sau tiếp tục tăng cao nữa thì càng tốt, vì lúa gạo là thứ “nhà trồng được”, hết lại trồng, chứ không phải tài nguyên như than đá moi lên bán hết là tiêu.
Một đất nước xuất khẩu gạo thì phải mong giá gạo thế giới tăng càng cao càng tốt mới phải. Cũng như các nước xuất khẩu dầu mỏ chỉ mong giá dầu tăng, tăng nữa, tăng mãi. Có nước nào trong OPEC lo sợ giá dầu mỏ thế giới tăng cao sẽ làm giá xăng trong nước họ tăng, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không?
Nhà nông và doanh nghiệp không bắt tay được với nhau
3) Một mặt khác của vấn đề mà ít ai đề cập: việc tạm ngưng ký hợp đồng mới, dù vô tình cũng đã ngầm giúp cho các DN xuất khẩu gạo theo các hợp đồng Chính phủ tránh được khoản lỗ khổng lồ.
Hàng năm nước ta vẫn tham gia đấu thầu cung cấp gạo cho một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia v.v… Hai Tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam được giao nhiệm vụ đấu thầu, sau đó giao chỉ tiêu về cho các công ty thành viên thực hiện. Các hợp đồng này chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Đấu thầu từ cuối năm trước, nhưng việc giao gạo kéo dài trong suốt năm sau.
Thông thường, khi ký những hợp đồng giao sau (future contract) kiểu này, thì để tránh rủi ro, các DN xuất khẩu phải lập tức ký hợp đồng tương tự với các nhà cung ứng trong nước. Coi như tay phải ký với người mua, tay trái ký với người bán, hưởng chênh lệch giá. Nếu các DN ký hợp đồng kỳ hạn với nông dân, như một dạng bao tiêu sản phẩm, thì nông dân sẽ yên tâm sản xuất.
Ngược lại, DN cũng không phải lo lắng rằng đến kỳ hạn giao hàng thì giá lúa trong nước đột ngột tăng khiến DN thua lỗ. Nghe thì rất hay, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở nước ta. DN cứ ký hợp đồng với nước ngoài, mà không có gì đảm bảo rằng đến kỳ hạn giao hàng sẽ thu gom đủ số lượng với giá hợp lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “nhà nông” không bắt tay được với “nhà DN”. Hoặc có bắt tay, nhưng hễ giá nông sản tăng thì “nhà nông” sẵn sàng phá hợp đồng để bán cho người khác với giá cao hơn, và hễ giá xuống thì lại đến lượt “nhà DN” quay sang hành tội “nhà nông”.
Nhưng có thể lý giải ngắn gọn thế này. Nước ta mới chuyển từ nền kinh tế tiểu nông sang nền kinh tế hàng hóa không lâu, vì thế những giá trị được đề cao trong nền kinh tế thị trường như giữ chữ tín, thực hiện cam kết chẳng hạn, cùng các thiết chế khả dĩ buộc người ta phải giữ chữ tín, chưa thể định hình một cách vững chắc là điều tất yếu.
Đòi hỏi nông dân và DN thay đổi tư duy, ý thức ngay lập tức là chuyện viển vông, duy ý chí. Cứ từ từ, rồi họ sẽ dần thay đổi – tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khách quan cũng tham gia gây khó khăn cho việc DN ký hợp đồng với nhà cung ứng. Chẳng hạn, nếu ruộng đất được tích tụ quy mô lớn, thì DN chỉ cần ký hợp đồng trực tiếp với một vài hộ nông dân là đã có một lượng lúa lớn. Ở ta ruộng đất rất manh mún, nên chỉ riêng việc DN ký hợp đồng với hàng trăm ngàn hộ nông dân đã là bất khả thi, chứ chưa nói đến chuyện thực hiện hợp đồng ra sao.
Giữa nông dân và DN tất nhiên phải sinh ra bộ phận trung gian là các thương lái – chỉ họ mới có thể đến từng ruộng lúa của từng hộ gia đình để thu gom rồi cung ứng lại cho các DN. Vai trò của tầng lớp thương lái này là hết sức quan trọng, chứ họ không hề là tầng lớp ăn bám khiến giá gạo bị đẩy lên quá cao do phải qua nhiều tầng nấc trung gian như người ta vẫn quy kết rất sai lầm.
Chừng nào ruộng đất còn chưa tập trung, chừng đó tầng lớp này còn tồn tại như một tất yếu khách quan. Họ sẽ chỉ biến mất, và tự biến mất chứ không cần ai nhắc khéo, cùng với sự thủ tiêu tình trạng ruộng đất phân chia manh mún. Đó cũng là quy luật kinh tế.
Như thế DN bất quá chỉ có thể ký hợp đồng với cánh thương lái. Nhưng điều này cũng không khả thi nốt, vì như đã nói ở trên, muốn tránh rủi ro thì thương lái phải ký được hợp đồng kỳ hạn với nông dân, mà nông dân ta thì chưa quen ký tá gì hết, cứ đến mùa tùy tình hình thị trường mà thuận mua vừa bán thôi.
Ai cũng biết cung cách làm ăn thế này là hết sức rủi ro cho cả mấy “nhà”, nhưng trình độ phát triển của nền sản xuất nước ta mới ở mức đó thì không thể kỳ vọng cao hơn được.
Trước kia, giá lương thực trên thế giới tương đối ổn định nên cung cách đó chưa gây hệ quả nghiêm trọng cho các DN. Nhưng thời thế đổi thay, mấy năm nay giá lương thực liên tục tăng, thành ra các DN thực hiện các hợp đồng Chính phủ thường xuyên rơi vào nguy cơ thua lỗ, vì khi họ mua gom gạo để xuất thì giá đã tăng lên khá nhiều so với lúc đấu thầu. Khi giá lương thực trên thế giới tăng đột biến như vừa qua thì tình cảnh của họ càng bi đát.
Nếu lúc này mà cho mọi DN ký hợp đồng xuất gạo thoải mái, thì nông dân sẽ rất lợi, đất nước sẽ rất lợi, nhưng các DN thuộc 2 Tổng công ty kia càng thua lỗ nặng nề.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên nếu như chính họ, thông qua Hiệp hội lương thực (Chủ tịch Hiệp hội cũng chính là Tổng giám đốc TCT lương thực miền Nam), tham gia đề xuất hạn chế xuất khẩu gạo, nhằm giữ giá gạo trong nước không tăng quá cao, dĩ nhiên là với lý do “đảm bảo an ninh lương thực, kìm hãm lạm phát”.
Do giá đấu thầu đã chốt, và lại không ký được hợp đồng kỳ hạn với nông dân, nên lẽ tự nhiên là thay vì mong giá gạo thế giới tăng, các DN này chỉ mong sao giá gạo thế giới càng giảm càng tốt, kéo giá gạo trong nước giảm theo, nhờ đó gia tăng lợi nhuận, bất chấp cuộc sống khốn khó của hàng chục triệu nông dân.
Với tư cách là các DN, họ mong muốn thế không có gì đáng lạ hay đáng trách – quy luật kinh tế thị trường buộc họ phải làm thế nếu muốn tồn tại. Đáng trách là những người khác!
Đoàn Tiểu Long
Nguồn: Tuanvietnam
Người nông dân gửi thư cho Thủ tướng
TT – Ông Lê Văn Lam (57 tuổi) – nông dân ấp Tuyết Hồng, Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp – có hơn 40 năm gắn bó với nghề nông. Nghề trồng lúa đã nuôi lớn ông và những người con, người cháu của ông.
Ông đã gắn bó với bờ kênh, thửa ruộng, quen với mùi lúa chín mỗi độ tới mùa. Mái tóc đã lốm đốm ngả màu, nhưng ông và những nông dân ở đây có được chỉ là cái vòng luẩn quẩn nghèo khó quanh thửa ruộng, góc vườn.
Ở tuổi xế chiều, ông đã viết một bức thư gửi cho Thủ tướng trình bày những nỗi khó khăn và nguyện vọng của người nông dân trong thời buổi “bão giá” lao đao này.
* Vì sao ông viết thư gửi Thủ tướng “kể khổ”?
– Ông Lê Văn Lam: Nhà tui không đến nỗi nào nhưng những nông dân khác thì khổ lắm. Ở quê tui, hầu hết nông dân đều mắc nợ ngân hàng. Hạt lúa chỉ giúp họ không đói chứ không làm họ hết nghèo. Hết vụ gặt, nông dân chen lấn nhau ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp.
Ở đây có đến 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau như thế. Trúng mùa, trúng giá một năm thì người dân có thể trả hết nợ nhưng làm lúa bấp bênh lắm, năm được năm mất. Năm rồi lúa bị vàng lùn, lùn xoắn lá thất mùa, một số người bị ngân hàng hóa giá nhà. Muốn khất nợ cũng không được, với lại không dám khất. Mất uy tín, mùa sau ngân hàng không cho vay lấy tiền đâu đầu tư sản xuất? Thế là nhiều gia đình đành bấm bụng đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng.
Vụ rồi giá lúa tương đối cao nên người dân cũng đỡ khổ. Lâu lắm rồi người dân mới bán được giá lúa cao, nhiều người khá hơn nhưng giá cả tăng cao, giá lúa như vậy nông dân vẫn không còn lời bao nhiêu. Nông dân chỉ biết cắm đầu vào làm mà chưa biết vụ tới giá lúa bao nhiêu, lỗ lãi thế nào. Nhà ai chỉ có dưới năm công ruộng thì khó mà nuôi được hai đứa con ăn học, nếu không làm thêm nghề gì khác. Có lẽ vì thế mà ở đây có rất ít con em học quá bậc phổ thông. Cả trăm thứ chi tiêu đều chờ vào hạt lúa. Vì vậy cái nghèo cứ luẩn quẩn quanh nông dân.
* Nông dân bao đời nay vẫn thế, vẫn luôn vất vả. Phải chăng ông muốn chia sẻ điều gì khác?
– Tụi tui cực quen rồi, có gì mà than, nhưng có những điều bất công làm tui bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai? Việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ.
* Vậy sao nông dân mình không trữ lúa, chờ giá lên?
– Nông dân không có khả năng để trữ lúa vì phải bán để trả tiền vay ngân hàng, đầu tư cho vụ mới. Lúa đem về nhà chưa ấm chỗ đã bị ngân hàng tới đòi, các chủ cửa hàng vật tư đến nhắc nhở số tiền nợ vụ vừa rồi. Chỉ có các doanh nghiệp mới có tiền để trữ lúa, chờ giá cao. Ngay thời điểm bây giờ, nếu quyết định tiếp tục xuất khẩu gạo thì người dân chắc cũng không được lợi gì. Hiện tại nông dân bị các doanh nghiệp chèn ép quá nhiều.
* Vậy ông muốn gửi gắm điều gì từ lá thư này?
– Tui theo dõi Quốc hội họp, cũng có nhiều ý kiến nói thay cho nông dân tụi tui nhưng không biết có thay đổi gì không. Tui là nông dân, tiếng nói có lẽ sẽ không có trọng lượng mấy nhưng có câu châm ngôn: thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, nên tui phải nói. Nói để người ta hiểu được nỗi khổ và sự không công bằng của người nông dân.
Tui đề nghị Chính phủ tùy vào giá trên thị trường mà quy định giá sàn mua lúa cho nông dân. Phần lời nên chia đều theo các tỷ lệ cho nhà xuất khẩu, doanh nghiệp làm hàng, phần còn lại phải mua lúa giá cao cho nông dân. Có như vậy, nông dân mới đỡ phần thiệt thòi, cuộc sống mới được cải thiện bởi họ sống chỉ nhờ vào cây lúa vốn quá bấp bênh.
* Xin cảm ơn ông.
* Ông có thể nói một chút về gia đình mình?
– Tui hiện có sáu người con và tất cả đều sống tại quê bằng nghề nông. Cha mất khi tui mới 3 tuổi, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy anh em tui khôn lớn. Hồi đó, tui học xong lớp 5 trường làng thì nghỉ học ra ruộng mò cua, bắt ốc phụ mẹ.
Lớn lên, tích góp nhiều năm, tui mua được hơn 10 mẫu ruộng. Đại gia đình tui hiện có tổng cộng 17 người con, cháu và đều sống nhờ vào 10 mẫu ruộng này. Vào mùa mưa (vụ hè thu), việc thu hoạch lúa rất khó khăn và lúa thường bị mộng do không phơi được nên tui sắm một cái lò sấy để sấy lúa ở nhà.
Khi đã xong lúa nhà, tui mua lúa tươi của người dân về sấy và bán lại cho thương lái. Công việc đó cải thiện thu nhập cho gia đình. Lúc trước tui cũng đi ghe mua lúa bán lại cho các nhà máy xay xát được hơn 10 năm, nhưng rồi lỗ lã nên mấy năm nay bán ghe, không đi nữa, chỉ làm lúa thôi.
Kính gửi Thủ tướng Chính phủ
Trước những khó khăn mà người nông dân đã và đang gặp phải, tôi xin thay mặt những người nông dân trình bày với Thủ tướng những khó khăn cũng như nguyện vọng của người nông dân, rất mong Thủ tướng và Chính phủ thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân.
Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân. Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm và có chính sách phát triển sản xuất phân bón trong nước để không phụ thuộc vào nguồn phân bón nước ngoài.
Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất. Nếu được, Chính phủ nên xây dựng một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân để phổ biến cho người nông dân các kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển và những thông tin cần thiết.
Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn. Hi vọng Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất.
Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi. Hàng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hy vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận. Chỉ mong người tiêu dùng hàng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo.
Lời cuối cùng tôi xin chúc Thủ tướng dồi dào sức khỏe để làm tròn trọng trách lớn lao của mình.
(Trích thư của ông Lê Văn Lam gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 4-5)
Minh giảng thực hiện
Nguồn: báo Tuổi trẻ