Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” trước tiên phải tôn trọng dân. Lời nói và việc làm đôi khi cách nhau quá xa, khiến lòng tin bị xói mòn và uy tín của Nhà nước bị tổn thương, rồi khi không còn lòng tin và uy tín thì sao?
Có lẽ một phần do cảm nhận được sự bức xúc đó và phát huy được trách nhiệm của mình nên Quốc hội đã đưa ra một quyết định lịch sử: bác bỏ dự án đường sắt cao tốc được Chính phủ trình trong kỳ họp vừa qua. Quyết định này đã lấy lại niềm tin của cử tri, có thể mở ra một giai đoạn mới của sự phát triển của đất nước và tinh thần ấy cần được duy trì và phát huy.
Sở dĩ quyết định đó của Quốc hội gây bất ngờ cho nhiều người vì từ trước đến nay, chúng ta đã quen làm theo quy trình ngược: vấn đề đã được quyết định trước rồi và việc lấy ý kiến, thảo luận và biểu quyết chỉ là hình thức hợp thức hóa.
Kinh nghiệm về xây nhà Quốc hội mới trên vị trí của Hội trường Ba đình, về dự án khai thác bauxite, về mở rộng Thủ đô, và bao nhiêu thứ khác đã khiến cho người dân có cảm nhận bất lực, cảm thấy mình không được tôn trọng. Đấy là cách làm không khoa học, gây bức xúc cho xã hội, không góp phần củng cố niềm tin, và nhìn về dài hạn thực ra là có hại cho bản thân Nhà nước.
Những kinh nghiệm không hay như vậy còn có thể kể ra hàng loạt, và việc xem xét chúng một cách thấu đáo để rút ra những kinh nghiệm nhằm cải thiện mọi hoạt động xã hội sao cho có hiệu quả hơn, là việc luôn luôn cần làm và làm một cách liên tục.
Hãy chỉ xét vài thủ tục “hành dân là chính” để rút kinh nghiệm. Đã có kế hoạch đơn giản hóa mấy trăm thủ tục hành chính. Nhưng còn bao nhiêu thủ tục hành chính tiếp tục “hành dân” dài dài? Hãy ngó các thủ tục khai thuế thu nhập cá nhân.
Thời hạn quyết toán thuế đã được gia hạn mấy lần nhưng vẫn khó xong. Theo Luật “thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch”, tức là trước 31/3. Quyết toán thuế năm trước (2009) đã không làm nổi theo thời hạn. Nên phải gia hạn đến 20/6/2010, rồi cũng chẳng xong và gia hạn tiếp đến 31/7/2010. Không rõ có phải gia hạn nữa hay không.
Vì sao có sự trục trặc đến vậy? Vì chúng ta chưa quen, vì dân trí ta còn thấp, vì cán bộ ta chưa có kinh nghiệm… Các lý do ấy đều đúng cả. Song một lý do cơ bản là những người có chức có quyền đã không chịu lắng nghe người dân.
Ngay từ khi thảo luận về sắc thuế này nhiều người, trong đó có tôi, đã khuyên nên đơn giản hóa sắc thuế này đến mức tối thiểu có thể, sao cho dễ khai, dễ thu, dễ kiểm tra, dễ xử lý và như thế chi phí thực hiện luật sẽ ở mức tối thiểu. Khi người dân đã quen, đã hiểu, thì có thể sửa đổi, có thể “phức tạp hóa” thêm một chút.
Đáng tiếc các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua một luật thuế thu nhập cá nhân khá phức tạp so với trình độ phát triển của Việt Nam.
Đó là sự phức tạp của bản thân văn bản, việc thực thi còn phức tạp hơn nữa. Cán bộ thuế có thể chưa hiểu nên làm không đúng, song cũng có thể lạm dụng sự phức tạp để “hành dân”.
Nhà văn Trang Hạ đã phải khốn khổ đi xin chứng nhận cho hai đứa con nhỏ chưa đến tuổi đi học của mình, do mình nuôi dưỡng rằng chúng không có thu nhập. Chị bị điều từ nơi này sang nơi khác để xin “chứng nhận” mà việc đó luật không quy định. Còn bao nhiêu công dân phải khốn đốn như vậy?
Hãy chỉ nói về vài thủ tục kê khai giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế có thể phải điền nhiều mẫu khác nhau. Việc điền mẫu, tự khai là việc cần thiết và không mấy người kêu ca. Song cái “hành dân” là cơ quan thuế bắt người dân lấy “chứng nhận” của hàng loạt cơ quan liên quan (của nhà trường, bệnh viện, chính quyền phường, quận hay huyện tùy loại tờ khai).
Phải tôn trọng người dân, phải tin họ. Lẽ ra người dân khai và cơ quan thuế chấp nhận, rồi kiểm tra mẫu nếu ai khai man thì phạt. Tức là coi người dân là lương thiện và chỉ có ít kẻ lưu manh gian trá.
Còn cách bắt người dân đi xin “chứng nhận” là tư duy theo kiểu hoàn toàn khác: không coi trọng dân, coi phần lớn họ là gian trá và đẩy việc sang cho dân, cơ quan thuế đỡ việc… Đấy là cách tư duy coi thường dân và cũng chẳng hiệu quả.
Coi trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân phải là nghĩa vụ hàng đầu của các quan chức trong mọi hoạt động liên quan đến nhân dân, dẫu họ “bấm nút” thông qua luật hay dự án đầu tư, hay làm công việc hành chính hàng ngày, vì ngược lại thì chắc chắn gặp khó khăn, chưa nói đến tai họa.
Đã có những dấu hiệu tích cực trong việc tôn trọng dân, từ việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngừng xây trung tâm thương mại tại chợ 19-12, ngừng xây khách sạn trong khuôn viên công viên, dừng xây nhà điều hành trên hồ Hoàn kiếm. Các quyết định dừng như vậy là tốt, nhưng vẫn là chạy theo áp lực dư luận, không chủ động. Lẽ ra hay hơn nhiều nếu người dân được tham gia ngay từ khi hình thành ý tưởng và cách tham gia đó mang tính tích cực hơn nhiều.
Việc Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc có ý nghĩa hơn rất nhiều chính vì lý do tham dự đó. Việc thảo luận chính sách, các dự án lớn nhỏ của cộng đồng, cần tạo điều kiện cho người dân góp ý, thảo luận ngay từ khi hình thành ý tưởng và làm được thế ở mọi cấp chính là góp phần xây dựng “nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
N. Q. A