Sáng Chủ nhật, người dân Việt được biết một cách tương đối “minh bạch” về gánh nặng “chúa chổm” đang đè lên vai thế hệ con cháu do chính Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) “bật mí“!
Tuy buồn và lo, nhưng họ không phẫn nộ và nuốt hận như khi nghe những lời tung hứng rất “nổ và xạo” của các ngài EVN…, các ngài Bộ trưởng cùng sếp trong buổi họp tổng kết nửa năm “thắng lợi tột bậc” của CP !!!
GS TS Nguyễn Thu
Chia sẻ với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và nhiều đại diện quốc tế tại hội thảo sáng 2/7 đánh giá tác động khủng hoảng nợ châu Âu với Việt Nam, TS Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, lo lắng tiếp theo đổ vỡ của các nước châu Âu chính là Nhật Bản.
Nguy cơ Nhật Bản
“Chúng tôi rất lo lắng vì thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, Hy Lạp và các nước xung quanh. Lo lắng tiếp theo là Nhật Bản đang chìm sâu trong nợ nần. Nếu tình hình nợ vẫn tăng thì có thể là một sự đổ vỡ mới, ảnh hưởng lớn đến thế giới và khu vực”, Cục trưởng Cục Quản lý nợ chia sẻ.
Trong tham luận được các chuyên gia đánh giá là “đầy đủ và bao quát nhất” về tình hình nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam, ông Đô đã trình bày vắn tắt thực trạng nợ nần, danh mục nợ, lãi suất phải trả hàng năm cũng như những giải pháp sắp tới.
Sở dĩ tình hình nợ nần của Nhật Bản khiến Cục trưởng Cục Quản lý nợ lo lắng đến như vậy vì trong cơ cấu nợ nước ngoài hiện nay, tỷ lệ vay theo đồng yên chiếm áp đảo (41,96%) so với đồng USD và EUR. “Việt Nam vay rất nhiều loại đồng tiền, cơ cấu đa dạng. Rủi ro là tỷ trọng đồng yên tương đối lớn”, ông Đô bộc bạch.
Chia sẻ mối lo lắng này, ông Lê Xuân Nghĩa (Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia) bổ sung: “Tình hình nợ công của Nhật Bản đang ở ngưỡng rất nguy hiểm, đã chạm ngưỡng 200%GDP. Thâm hụt ngân sách – 10,2%”.
Thống kê cho hay, Nhật Bản hiện đứng thứ hai trong 10 quốc gia có tỷ lệ nợ công ở mức nguy hiểm, chỉ sau Iceland và trên cả Hy Lạp.
Cơ hội đánh giá nợ
Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, sắp tới Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược nợ 2011 – 2020 với ngưỡng an toàn và hạn mức cho vay phù hợp.
Liên tục khẳng định nợ Chính phủ vẫn đang trong giới hạn an toàn, nhưng chính ông Đô cũng chia sẻ: “Có một tình trạng là không cơ quan ban ngành nào khi phê duyệt các dự án đầu tư lại quan tâm đến ngưỡng an toàn”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, nếu đụng đến tất cả các dự án của các bộ ngành thì số dư nợ rất lớn, vượt qua chỉ số an toàn, đặc biệt là khi cộng gộp tất cả các dự án lớn như sân bay, cảng biển “và đây là một rủi ro rất lớn”.
“Vừa rồi khi xem xét dự án đầu tư đường sắt cao tốc Shinkansen với số tiền quá lớn, chúng ta đã buộc phải xem lại ngưỡng an toàn nợ“, ông Đô nói.
Cũng theo ông Đô, nhiều khoản vay vừa qua vẫn chứa đựng rủi ro, bị ràng buộc về điều kiện với các nước chủ nhà.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ nói thêm, vốn vay hiện nay đã tập trung vào hơn 560 dự án khác nhau, so với lãi suất ngân hàng thì vẫn thấp hơn nhiều.
“Lạc quan” như vậy, song ông Nguyễn Thành Đô cũng khẳng định, sắp tới Chính phủ sẽ phải xây dựng ngưỡng an toàn và hạn mức vay phù hợp, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ.
Thách thức sắp tới cho Việt Nam là nợ Chính phủ và nợ nước ngoài sẽ gia tăng để đáp ứng các nhu cầu đầu tư cho phát triển, trong khi đó, tỷ trọng vốn ODA sẽ giảm dần, thay vào đó là vốn vay thương mại.
LN
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201007/Duong-sat-cao-toc-giup-Viet-Nam-nhin-lai-no-quoc-gia-919773/