Việc “nơi nào càng nhiều tài nguyên, nơi đó càng nghèo” là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Một số chính sách, chủ trương của chúng ta bị những nhóm lợi ích lũng đoạn. Hệ quả tất yếu là tài nguyên đang bị khai thác vì lợi ích cục bộ, chưa nghĩ đến mai sau. Ai cũng biết xuất khẩu tài nguyên thô tạo ra ít giá trị gia tăng. Bây giờ chưa làm chủ được công nghệ chế biến thì khoanh lại, để dành, vài ba chục năm nữa, thế hệ con cháu chúng ta sẽ làm. Vấn đề địa phương chia nhỏ dự án để cấp phép tràn lan đặt ra tại diễn đàn Quốc hội là “qua mặt” Chính phủ – Anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao chia sẻ.
Có vẻ như Nguyễn Xuân Bao là người có duyên với số 5. Sinh năm 1935. Nhận danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985 khi vừa bước sang tuổi 50. Về hưu năm 1995. Năm 2005, ông là đồng chủ biên Bản đồ địa chất Việt Nam 1/500.000, công trình khoa học được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Là học sinh miền Nam được gửi ra miền Bắc học tập, năm 1973, ông đi B, bắt đầu hành trình tìm kiếm tài nguyên khoáng sản cho đất nước. Năm 1976, ông được giao nhiệm vụ tổ chức nhân sự điều tra vẽ lại bản đồ địa chất trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, kéo dài từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau cũng như các vùng hải đảo. Cả cuộc đời gắn bó với ngành địa chất, người đàn ông gốc Quảng Nam này đã để lại dấu chân trên khắp mọi miền đất nước. Giờ đây, dù đã sang tuổi 75 nhưng nhà khoa học này vẫn khá hoạt bát, vẫn thức khuya dậy sớm soạn bài trước khi lên lớp dạy sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Xuân Bao là một nhà khoa học hành động. Ông tỏ ra không mặn mà khi nhắc đến những thành tích cá nhân. Những bài thơ của Puskin, Lermontov… ông say mê chuyển ngữ từ thời còn là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã ngủ vùi trong ký ức. Thậm chí, ngay cả những sáng tác của mình ông cũng đã quên nhiều. Nhưng nhiều đồng nghiệp của ông thì vẫn nhớ, chẳng hạn như khổ thơ bốn câu trong bài Đời địa chất: Thiên nhiên nàng ấy đẹp diệu kỳ/Để tôi mê mải mối tình si/Hồn vương khắp nẻo đường đất nước/Chưa hiểu lòng nàng tôi vẫn đi.
“Thiên nhiên nàng ấy” giờ có còn “đẹp diệu kỳ”, thưa ông?
Nàng bây giờ đã trở thành một bà lão lụm cụm, da dẻ nhăn nheo, thiếu sức sống. Thời chiến tranh, bao nhiêu bom đạn dội xuống, nhưng nàng vẫn đẹp rực rỡ. Những ngày đầu hòa bình, đi từ Nam ra Bắc, chỗ nào cũng đẹp. Rừng xanh, sông suối trong lành. Nhiều khi để đặt một mũi khoan thăm dò, những người làm địa chất phải mất mấy ngày để mở lối. Thật buồn là con người đã tàn phá nhan sắc của nàng. Những cung đường ngày xưa cây cỏ tràn ra vệ đường, xanh mướt thì giờ đây lưa thưa, trơ trọc, nham nhở…
Phải chăng vì chúng ta chưa xem cảnh quan là một dạng tài nguyên?
Cảnh quan cần được đối xử như một loại tài nguyên. Mỗi lần trở lại Hà Tiên, chứng kiến những núi đá vôi bị một số công ty sản xuất xi măng khai thác làm nguyên liệu đầu vào, tôi lại nhớ đến những núi đá vôi ở thắng cảnh Thạch Lâm thuộc địa phận thành phố Côn Minh, Trung Quốc. Xưa kia, Thạch Lâm là vùng hoang vu. Kể từ khi người ta làm một con đường xe lửa tới đó, khách du lịch đổ về nườm nượp. Lợi nhuận thu được từ du lịch chắc chắn không hề thua kém so với việc lấy làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp sản xuất xi măng, chưa kể, nguồn lợi từ du lịch sẽ còn dài dài.
Chúng ta vẫn thường tự hào về “rừng vàng, biển bạc”. Từ góc nhìn một nhà địa chất, ông thấy rừng của chúng ta có thật nhiều “vàng”, biển có thật nhiều “bạc”?
Trong bài hát được xem như quốc ca dưới triều vua Bảo Đại, có câu rằng: Kìa núi vàng biển bạc, có sách trời định một dòng ta… “Dòng” ở đây là dòng giống “Tiên Rồng”, đi ra từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cách ví von này thể hiện khát vọng, tự hào của người xưa về nguồn cội và xứ sở. Người Việt mình hay lãng mạn. Lãng mạn cũng tốt, nhưng thái quá thì thành tự huyễn hoặc. Lãng mạn thích hợp cho những người có tư chất nghệ sĩ, hơn là những nhà lãnh đạo.
“Vàng” và “bạc”, theo cách hiểu của tôi, là khoáng sản. Loại tài nguyên này cần phải được xem xét và đánh giá một cách thận trọng. Hiện nay, có hai khái niệm đang bị nhầm lẫn là “tiềm năng” và “trữ lượng”. Tiềm năng nghĩa là một cái gì đó rất chung chung, chưa định lượng chính xác. Còn nói đến “trữ lượng” nghĩa là đã có sự đánh giá toàn diện về giá trị kinh tế, từ công nghệ khai thác, vận chuyển, chế biến, và khả năng tiêu thụ.
Nghĩa là trữ lượng có thể thay đổi?
Đúng vậy. Nếu công nghệ kém, chúng ta chỉ khai thác khoáng sản được phần “nạc”, còn công nghệ tiên tiến thì có thể “vạc đến xương”. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để đi đến kết luận về trữ lượng. Trữ lượng còn bị chi phối bởi sự biến động về giá trên thị trường, tức là hiệu quả kinh tế. Một vấn đề cũng rất quan trọng khi đụng đến trữ lượng là ai chịu trách nhiệm đánh giá trữ lượng.
Hiện nay là cơ quan Nhà nước.
Thực tế này là một bất hợp lý tồn tại nhiều năm qua. Theo tôi, Nhà nước chỉ làm công tác thăm dò, điều tra, phát hiện và đánh giá “tiềm năng”. Khâu này tốn kém nhưng chưa đưa lại tài liệu cụ thể cho khai thác nên Nhà nước phải làm, để tạo ra cơ sở dữ liệu cho toàn xã hội. Còn việc đánh giá trữ lượng thì các nhà đầu tư phải gánh bởi nó liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất. Thêm nữa, việc đánh giá trữ lượng mà không gắn chặt với kinh doanh thì vừa lãng phí ngân sách, vừa không cần thiết.
Lý do?
Dù Nhà nước có cung cấp thông tin trữ lượng, nhà đầu tư vẫn tự đánh giá lại. Thứ hai, nhiều khi Nhà nước hoàn tất công tác thăm dò, đánh giá (trữ lượng), tốn kém rất nhiều công của rồi… trùm mền. Một trường hợp điển hình là mỏ kẽm chì Chợ Điền ở Bắc Cạn. Thời gian gần đây, nhiều người hoan hỉ với việc phát hiện ra titan ở Phan Thiết. Tiềm năng rất lớn, thuộc hàng nhất nhì thế giới. Chưa biết ai khai thác, bao giờ khai thác, chưa đánh giá tác động đối với môi trường… vậy mà đã dồn vốn sự nghiệp điều tra địa chất tập trung thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản.
Đây là một sai lầm. Việc đá trái banh đánh giá trữ lượng cho nhà đầu tư là giảm bớt rủi ro cho Nhà nước. Đồng tiền liền khúc ruột, tự nhà đầu tư sẽ tính toán, cân nhắc thiệt hơn trước khi khai thác.
Nếu không thực hiện công tác đánh giá trữ lượng thì những nhà địa chất trong biên chế sẽ đi đâu?
Năm 1990, tôi đi công tác ở Trung Quốc. Lúc ấy, riêng tỉnh Vân Nam đã có mấy vạn nhà địa chất, nhưng họ nói đã có kế hoạch thu hẹp bộ máy nhân sự. Theo đó, cả vùng Tây Nam của Trung Quốc sẽ bị thu hẹp thành một viện địa chất và khoáng sản. Một số nhà địa chất Trung Quốc nói họ đang tìm kiếm công việc khác. Kết quả là họ làm thật. Bộ Địa chất của họ cũng bị vo lại, thành một cục, sáp nhập vào Bộ Đất đai và Tài nguyên.
Thậm chí cả Viện Hàn lâm khoa học Địa chất cũng được ghép vào đây. Dưới cục có khoảng năm, sáu viện, tôi nhớ không chính xác, đảm trách công tác thăm dò toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc. Đương nhiên, những người làm việc trong các viện này đều là những nhà khoa học thực thụ có sự hỗ trợ của các phương tiện nghiên cứu tiên tiến nhất. Ở Liên Xô và một số nước thuộc khối XHCN trước đây cũng vậy. Họ đi vào chiều sâu, thay vì dàn trải.
Sau khi nghiên cứu cách tổ chức đội ngũ địa chất của nhiều nước, tôi đã trình bày vấn đề cải tổ ngành địa chất với ông Trần Đức Lương, lúc đó là Phó thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã thống nhất ý kiến phải quay trở lại xu thế bình thường của thế giới, tập trung vào công tác thăm dò. Chi phí cho hoạt động này không đáng kể. Mặc dù Cục Khoáng sản hiện nay đã bị thu nhỏ lại, rút xuống còn vài ngàn người so với hơn hai vạn người vào thời điểm Tổng cục Mỏ và Địa chất trước đây, nhưng theo tôi bộ máy này vẫn còn khá cồng kềnh và chưa hợp lý. Một trong những bất hợp lý là tách rời Viện Địa chất và Khoáng sản ra khỏi Cục Địa chất và Khoáng sản.
Thêm nữa, Cục Địa chất và Khoáng sản vừa đá bóng vừa thổi còi do làm hai chức năng sự nghiệp là điều tra và quản lý nhà nước về khoáng sản. Nhiều người đã rời biên chế tự xoay xở tìm công việc mới ở các ngành nghề khác. Cũng không ít những người giỏi, rời khỏi môi trường Nhà nước, ra thành lập công ty riêng và làm ăn rất hiệu quả.
Ông nghĩ sao nếu như người ta cho rằng Nguyễn Xuân Bao “mạnh miệng” là vì bây giờ đã về hưu?
Khi còn đảm đương nhiệm vụ Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất 6, tôi đã từng cơ cấu lại bộ máy nhân sự theo hướng tinh giản, giảm từ hơn 2.000 người xuống còn khoảng 300 người. Từ một liên đoàn trở thành một đơn vị cơ sở, nên nhiều người trong nội bộ liên đoàn không đồng tình.
Sau khi tôi về hưu, bộ máy được tổ chức lại. Tôi cũng đã mạnh dạn đề xuất với Nhà nước sáp nhập vào các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chẳng hạn như trường hợp Liên đoàn địa chất 9 ghép vào Tổng Công ty Than Việt Nam, đơn vị tiền thân của Tập đoàn Than và Khoáng sản.
Khi tôi báo cáo, cấp trên yêu cầu tôi giữ bí mật. Nói chung, phần lớn lãnh đạo các liên đoàn rất sợ sự xáo trộn về tổ chức, cụ thể là sợ tổ chức của mình teo lại. Không có đơn vị thành viên thì làm sao thành liên đoàn. Hiện nay, vấn đề tinh giản bộ máy đã có chủ trương, đưa vào Luật khoáng sản nhưng quá trình thực hiện còn chậm. Phần vì người lãnh đạo chưa thông, phần vì người Việt mình hay cả nể, để tình cảm xen vào công việc.
Có một nghịch lý hiện nay là trước khi đi khảo sát, nhà địa chất phải lập đề án, sau đó phải thực hiện cứng nhắc các khối lượng công việc theo đề án đã được duyệt. Làm địa chất giống như đi săn, chưa đi thì làm sao biết sẽ gặp cái gì. Thành ra, sau khi nghiệm thu, bắt buộc phải đi theo khối lượng công việc đã báo cáo trong đề án, khiến khả năng sáng tạo của những người thực hiện bị triệt tiêu. Khi xảy ra chênh lệch giữa thực tế và kế hoạch, người quản lý sẽ thêm cái này, bớt cái kia, giống như gọt chân cho vừa giày.
Gần đây, một vị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng phát biểu rằng “nơi nào càng nhiều tài nguyên, nơi đó càng nghèo”. Ông nghĩ sao?
Thực tế là có những quốc gia, vùng lãnh thổ không có tài nguyên nhưng họ vẫn thịnh vượng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của khoáng sản đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Quan trọng là khai thác loại tài nguyên không có khả năng tái tạo này thế nào cho hợp lý.
Sự hợp lý nên được hiểu như thế nào?
Hợp lý trước hết là hài hòa lợi ích giữa các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tại địa phương có mỏ. Theo kinh nghiệm quốc tế, người ta sẽ xét rất nhiều yếu tố trước khi quyết định cấp phép khai thác, từ hiệu quả kinh tế, đánh giá tác động đối với môi trường, cảnh quan với di sản văn hóa và lịch sử, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư chung quanh, an ninh quốc gia… Tất cả các yếu tố này đều quan trọng như nhau.
Việc “nơi nào càng nhiều tài nguyên, nơi đó càng nghèo” là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Một số chính sách, chủ trương của chúng ta bị những nhóm lợi ích lũng đoạn. Hệ quả tất yếu là tài nguyên đang bị khai thác vì lợi ích cục bộ, chưa nghĩ đến mai sau. Ai cũng biết xuất khẩu tài nguyên thô tạo ra ít giá trị gia tăng. Bây giờ chưa làm chủ được công nghệ chế biến thì khoanh lại, để dành, vài ba chục năm nữa, thế hệ con cháu chúng ta sẽ làm. Vấn đề địa phương chia nhỏ dự án để cấp phép tràn lan đặt ra tại diễn đàn Quốc hội là “qua mặt” Chính phủ.
Tôi cũng khá băn khoăn về cụm từ “nhiều tài nguyên”. Bao nhiêu là nhiều? Thực tế là có những khoáng sản chúng ta có trữ lượng lớn thì thế giới không cần. Trong khi nhu cầu sản xuất trong nước chưa có, hoặc có rất ít thì việc chúng ta khai thác tràn lan là vô cùng lãng phí.
Tôi cũng tán thành quan điểm của PGS TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, khoáng sản của chúng ta đáng kể nhưng phân tán. Đặc biệt, những loại tài nguyên năng lượng thì chúng ta không có nhiều. Dầu khí khai thác 30 năm nữa là hết. Chưa kể, nhiều loại khoáng sản của chúng ta có thì chất lượng chỉ dừng lại ở mức trung bình.
Thí dụ?
Bauxite. Loại khoáng sản này chúng tôi phát hiện được trong quá trình điều tra phục vụ cho việc vẽ lại bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam. Loại bauxite có chất lượng tốt nhất hiện nay là ở Úc, chứ không phải ở Việt Nam. Lý do là khu vực bauxite của Úc nằm gần vịnh, được sóng biển rửa trôi phần phi quặng, chỉ còn lại phần lõi. Còn bauxite của chúng ta là do vỏ phong hóa chưa thật chín muồi.
Theo tiêu chuẩn quốc tế vào thời điểm phát hiện, những mỏ bauxite ở Tây Nguyên có trữ lượng rất lớn, khoảng 6 tỉ tấn. Nhưng sau khi tiến hành nghiên cứu tổng thể, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm khai thác loại tài nguyên này, chính các đồng nghiệp từ các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây đã đề nghị ngừng dự án này lại. Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời điểm đó giá nhôm thế giới khá thấp, một công ty Nhật Bản đã đóng cửa mỏ bauxite tại Indonesia.
Kể từ khi ông và các cộng sự hoàn thiện bản đồ địa chất Việt Nam năm 1980, đến nay cũng đã 30 năm. Với tốc độ khai thác tràn lan như vậy, cùng với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, liệu đã đã đến lúc vẽ lại bản đồ địa chất Việt Nam?
Đúng là những năm qua, chưa có đánh giá, số liệu cụ thể. Ở các nước, họ đều có báo cáo thường niên chi tiết, từng loại khoáng sản ở từng mỏ, khối lượng khai thác bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, phát hiện thêm bao nhiêu mỏ mới. Minh bạch tài nguyên khoáng sản là cần thiết, thế giới đã làm từ lâu.
Trong chuyến công tác Hungary năm 1990, tôi có dịp đến thăm một mỏ phóng xạ của nước bạn. Họ giới thiệu rất cặn kẽ, thậm chí còn cho phép mình chụp bộ tài liệu về mỏ phóng xạ này. Như vậy, ngay cả những nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ đã chuyển sang kinh tế thị trường, công khai, minh bạch tài nguyên là hết sức bình thường. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư muốn khai thác, thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện quy định rõ ràng trong luật.
Nói chung, việc vẽ lại bản đồ địa chất và tài nguyên là cần thiết, nhất là những năm gần đây, quy chuẩn về tài nguyên khoáng sản đã có những điều chỉnh. Có những quy chuẩn hạ xuống, khiến tiềm năng khoáng sản tăng lên.
Vì sao?
Có thể là do sự phát triển của công nghệ khai thác. Tiến bộ của công nghệ khai thác khiến chúng ta có thể khai thác được phần quặng nghèo hơn, ở những vỉa tầng sâu hơn, trong những điều kiện phức tạp hơn. Cũng giống như người bình thường, ăn uống không cần kiêng cữ như những người bị đau bao tử. Một khả năng khác là do hoàn cảnh kinh tế gia đình của mình eo hẹp quá, ăn bữa nay lo bữa mai, nên không có nhiều quyền chọn lựa, thế nên, có gì ăn nấy.
Là người gắn bó cả cuộc đời với ngành địa chất, đến giờ này, còn điều gì khiến ông trăn trở?
Trong lòng đất, lòng biển vẫn còn nhiều bí ẩn. Mặc dù đã bỏ công, bỏ sức nhưng hiểu biết của mình về địa chất vẫn còn hạn chế. Quy luật hình thành khoáng sản chính xác như thế nào vẫn là một câu hỏi. So với thế giới, ngành địa chất của chúng ta tụt hậu khá xa. Ngay như việc xác định mô hình của từng mỏ và phân loại mỏ mình còn chưa làm được nhiều. Nguyên nhân là hiểu biết của nhà địa chất và lãnh đạo ngành địa chất chưa đầy đủ, không theo kịp nhu cầu của thời đại. Thành thực, hiểu biết về địa chất của chúng ta còn khá lớt phớt, dừng lại ở trên bề mặt.
Có một điều tôi thấy buồn là quan hệ giữa nhân dân và cán bộ địa chất hiện nay càng ngày càng xa cách. Nghe tin cán bộ địa chất tới địa phương nào là địa phương ấy lo ngay ngáy, không biết các ông ấy có tìm ra cái gì không. Đây là một thực tế, không vui vẻ gì.
Thời của chúng tôi thì khác. Từ miền núi đến miền xuôi, từ đồng bằng đến cao nguyên, từ tăng đến đạo… đi đến đâu chúng tôi cũng được nhân dân thương, sẵn sàng đùm bọc, dù đặc thù công việc khiến những người làm địa chất không dừng chân ở đâu quá lâu. Phần lớn những cuộc gặp gỡ thường bắt đầu vào buổi chiều và kết thúc vào buổi sáng ngày kế tiếp. Thời gian rất ngắn ngủi nhưng hầu như chưa bao giờ chúng tôi thất bại khi tiếp xúc với nhân dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
T. T.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-07-02-tai-nguyen-dang-bi-khai-thac-vi-loi-ich-cuc-bo