Thích nghi với “quy hoạch báo chí” để có tự do

Nguyễn Đình Ấm

Kỷ niệm 8/3 của một nữ nhà báo

ĐƠN XIN RA KHỎI HỘI NHÀ BÁO

Kính gửi: HỘI NHÀ BÁO TỈNH TRÀ VINH

Tôi tên LÊ THÚY BẢO LIÊN, Phóng viên, đang công tác tại Phòng chuyên mục, Đài PT&TH tỉnh Trà Vinh

Nay tôi làm đơn này xin ra khỏi Hội Nhà Báo tỉnh Trà Vinh. Lý do như sau:

Hội Nhà Báo VN đã công bố quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bộ quy tắc này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Mặc dù tôi tham gia mạng xã hội với tư cách cá nhân, tài khoản cá nhân không ghi tên thật, không ghi nghề nghiệp, nơi công tác, nơi cư trú. Nhưng với trách nhiệm của bản thân là người làm báo, tôi thấy mình cần có phản ứng trước bộ quy tắc mà Hội Nhà báo VN đã ban hành.

Bản thân tôi tự nhận xét, từ trước tới nay tôi không vi phạm điều gì trong bộ quy tắc với 8 việc người làm báo không được làm.

Tuy nhiên, tại khoản 3 điều 4 của bộ quy tắc có nêu:

“Người làm báo không được đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”

Ý kiến của tôi như sau:

1/ Mọi đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước đề ra có thể không đúng, hoặc không phù hợp trong một thời điểm và hoàn cảnh cụ thể nào đó. Rất nhiều chủ trương đường lối chính sách đã phải thay đổi hoặc loại bỏ sau khi áp dụng vào thực tế

2/ Nhà báo là thành phần trí thức, tiếng nói có ảnh hưởng nhất định đến xã hội, đồng thời là người am hiểu thực tế cuộc sống, nên nhà báo có trách nhiệm phản ánh mọi tâm tư nguyện vọng của người dân từ thực tế cuộc sống, mà mạng xã hội là kênh thông tin rộng mở và tạo hiệu ứng xã hội cao nhất, đó cũng chính là môi trường “thực tế” sâu sát nhất để nhà báo lắng nghe sự phản hồi của người dân. Tham gia mạng xã hội để nắm bắt dư luận xã hội, nói lên tiếng nói của nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân- dù có trái chiều với những chủ trương chính sách của nhà nước- đó là vai trò và nhiệm vụ của mọi công dân và của nhà báo “đúng nghĩa”

3/ Theo quan điểm của cá nhân tôi, quy định trên trong bộ quy tắc của hội nhà báo:

– Vi phạm Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc:

“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm KHÔNG CÓ SỰ CAN THIỆP và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ những ý tưởng, mọi thông tin BẰNG BẤT KỲ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG NÀO VÀ KHÔNG CÓ BIÊN GIỚI”.

– Vi phạm quyền tự do ngôn luận quy định tại điều 25 Hiến pháp;

– Vi phạm điều 1 của Luật báo chí sửa đổi 2016 có hiệu lực từ 1/1/2017 quy định về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Vì không đồng thuận với bộ quy tắc của Hội nhà báo, tôi xin ra khỏi Hội Nhà Báo kể từ hôm nay. Trân trọng kính chào

Trà Vinh, ngày 8 tháng 3 năm 2019

LÊ THÚY BẢO LIÊN

Nguồn: FB Bảo Liên Lê

***

Thưa nữ Nhà báo,

Cho dù bạn có ném cái thẻ kia thẳng vào sọt rác thì trong chúng tôi, bạn vẫn mãi mãi là một NHÀ BÁO!

Cho dù loài chuột bọ, lũ bưng bô điếm chữ có “thu hồi thẻ”, gạch tên bạn trong thứ làng báo cuốc doanh thì với chúng tôi, chỉ có bạn mới xứng đáng là NHÀ BÁO!

Một nền chính trị tồi bại, hèn kém với lúc nhúc những hội, nhóm, ngành nghề bị lũng đoạn trắng trợn; trở thành những tập đoàn con rối ăn hại trong cuộc đầu độc thẳng vào tinh thần, nhận thức của nhân dân, dân tộc thì rõ là bạn đã quá dũng cảm với một tâm thế sáng chói;

Bạn ra đi, quay lưng với đám phường hề ăn hại, phản dân đó là phải…

Với một ngày mùng 8/3 ngày càng ồn ã, lạc hậu thì món quà, quyết định cảnh tỉnh và dũng cảm của Nhà báo nữ này thực sự vô giá.
Cám ơn Bảo Liên Lê đã chuyển tải trọn vẹn lá đơn thức ngộ kia trong bài viết của mình.

Bùi Phi Hùng

Dù có bị “quy hoạch” báo chí,  những người có tài, năng khiếu, nhiệt huyết viết vẫn có thể hành nghề báo tự do.

Đừng ngạc nhiên

Chiều ngày 4/3/2020 tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ Bộ 4T, Ban Tuyên giáo TW trao giấy phép tạp chí cho 19 tờ báo trong sự vui mừng của “chủ trò” và sự “mếu máo” của 19 tổng biên tập từ báo phải xuống “sàn” tạp chí.

Đã trải qua hơn 30 năm làm báo quốc doanh ở nhiều tờ báo tôi không lạ gì trò “quy hoạch” báo chí của nhà cầm quyền.

Theo đó, ở thời điểm  xã hội có sự “cởi mở” nào đó của lãnh đạo chóp bu (như thời kỳ “những việc cần làm ngay” của Nguyễn Văn Linh chẳng hạn) đồng thời để “ngạo nghễ” trước thế giới rằng VN rất tự do báo chí thì cơ quan tuyên giáo, Bộ 4T lại “mở lòng” cho những ngành, hội, đoàn… ra ấn phẩm báo chí. Theo đó, những anh có “máu mặt” trong đám nhà báo đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình với nghề hay đang làm “lính” ở tờ báo muốn “một mình một góc trời riêng” tán tụng với lãnh đạo các hội, đoàn (gọi là cơ quan chủ quản) xin ra tờ báo để họ hành nghề.

Lãnh đạo các hội, đoàn thấy có cái “mồm” chủ động phát ngôn, ca tụng mình lại không phải nuôi nấng gì nên thường OK và người đề xuất, làm hồ sơ tất nhiên được ghế tổng biên tập. Tiếp đó, họ trình hồ sơ  xin ra báo lên Ban Tuyên giáo TW, Bộ 4T. Tất nhiên, để có cái giấy phép ra báo không chỉ lời nói xuông.

Đến lúc nào đó nhà cầm quyền thấy số lượng các tờ báo quá đông, Ban Tuyên giáo, Bộ 4T khó kiểm soát, nhiều thông tin bất lợi cho nhà cầm quyền đăng ra mấy ngày mới phát hiện thì đã muộn.

Ví dụ hôm cả loạt báo đăng Thủ tướng khen ngợi cô giáo Thanh ở Gia Lai có bài thơ hay nhưng khi biết là “lố” quá các báo đồng loạt gỡ thì thiên hạ tỏng cả rồi! Đặc biệt, trước các sự kiện quan trọng như sắp Đại hội Đảng thì càng phải siết chặt đám báo chí vì nhiều anh bề ngoài vẫn phải ca ngợi “quang vinh muôn năm” nhưng sểnh ra là “chơi đểu” như đăng ảnh ông Nông Đức Mạnh ngồi ngai vàng, Thủ tướng khen bài thơ… chẳng hạn.

Cứ hết thời kỳ “trăm hoa đua nở” là thời kỳ “quy hoạch” lại báo chí, theo dư luận cũng là “vụ mùa” của các cơ quan quản lý, như vụ “gặt” của bà con nông dân. Thông thường những quả vớ bẫm như vụ Mobifone mua AVG không phải khi nào cũng có.

Vì vậy, đã làm ở các tờ báo quốc doanh nhỏ không “có đầu, có mỏ” thì nên coi trò quy hoạch như một “tất yếu của cuộc sống”.

Thích nghi với quy hoạch để có tự do

Nếu làm báo với hai mục đích chính: Kiếm cơm và phụng sự Tổ quốc, nhân dân thì khi bị giáng từ báo xuống tạp chí cũng không nên quá thất vọng.

Khi bạn đang ở tờ báo xuống thân phận tạp chí thì dĩ nhiên rất khó khăn trong việc kiếm cơm thậm chí thất nghiệp. Theo tôi, sau khi 19 tờ báo xuống tạp chí ít nhất khoảng 200-300 nhà báo mất việc và chỉ có những con nhà giàu hoặc con cháu các quan chức báo chí, Ban Tuyên giáo, Bộ 4T có thế lực mới kiếm được tờ báo mới còn thì phải chuyển nghề, thất nghiệp. Tuy nhiên, những người có tài, năng khiếu, nhiệt huyết viết vẫn có thể hành nghề tự do đi viết cho các tờ báo, các trang thông tin điện tử khác chờ cơ hội mới.

Thời tôi làm ở tờ báo Hàng Không Việt Nam, năm 1987 chúng tôi đăng bài “Vật tư rơi vào tay ai” đánh tham nhũng ngay trong ngành. Sau vụ này tờ báo phải tạm dừng, năm 1990 mới ra báo tiếp nhưng để “trừ hậu họa” tờ HKVN phải xuống tạp chí HKVN. Từ đây chúng tôi không được đăng các thể loại của báo chí thời sự nhưng tôi vẫn thực hiện được lý tưởng chống tham nhũng bằng cách đem tài liệu, tin, bài đến các tờ báo ở Hà Nội để “chiến”, ví dụ đăng bài: “Thấy gì qua các thương vụ mua máy bay ở ngành HKVN” trên báo Lao động thủ đô số 73 ra ngày 18-25/8/1995, cộng tác các bài “Bay lên nào, Mất cả chì lẫn chài, đến người cũng mất nốt”… trên báo Hà Nội Mới Chủ Nhật, “Máy bay ATR 72 có nhiều trục trặc” trên báo Đại Đoàn kết…Tôi bị treo bút ở tạp chí HKVN từ năm 1994-1999 nhưng nhờ viết cho các tờ báo khác nên tôi vẫn tồn tại để năm 1999 trở lại viết cho tờ tạp chí HKVN.

Mặc dù cơ quan chủ quản đoán biết tôi viết, tham gia vào việc chống  tham nhũng nhưng không có luật nào để họ trực tiếp trừng phạt mà phải lòng vòng bịa ra các lý do khác nên cuối cùng họ thất bại.

Hiện nay môi trường để làm báo tự do rộng mở hơn thời chúng tôi rất nhiều do có có mạng Internet, nhiều trang báo, web tự do trong và ngoài nước, các bạn có tài, nhiệt huyết với nghề báo vẫn có thể tiếp tục tác nghiệp kiếm cơm và phụng sự Tổ quốc, nhân dân, dù vất vả nhưng có tự do.

N.Đ.A.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tự do báo chí. Bookmark the permalink.