Cảnh sát cơ động tại hiện trường vụ xung đột ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 9/1/2020. Ảnh: TTXVN.
Trong mùa hè phản kháng dài nhất lịch sử của Hong Kong, có một chủ đề không thường xuyên được đề cập nhiều trên các mặt báo, nhưng lại rất nóng sốt ở các diễn đàn của những người trẻ.
Đó là việc họ nên đáp trả thế nào đối với các hành vi bạo lực của cảnh sát.
Còn nhớ những ngày đầu tiên của tháng 6/2019, người dân Hong Kong đã vô cùng sốc và giận dữ khi chứng kiến lực lượng cảnh sát vũ trang tận răng giơ súng nã hàng loạt đạn hơi cay và đạn cao su, nhắm thẳng vào đoàn người biểu tình hoàn toàn ôn hòa.
Với những con người đã quen sống trong một xã hội văn minh, pháp trị, nơi tất cả cư xử với nhau bình đẳng, tôn trọng và đúng mực, hành vi này là không thể chấp nhận.
Những gì diễn ra tiếp theo chúng ta đều đã biết. Các hành động trấn áp vũ lực của cảnh sát không ngừng nâng cấp, thậm chí dùng đến cả lực lượng giang hồ, xã hội đen để khủng bố người dân.
Nó dẫn đến sự ra đời của một lực lượng biểu tình mà tới nay chúng ta vẫn quen gọi là “phái dũng vũ” – những người chủ trương ăn miếng trả miếng sòng phẳng với cảnh sát.
Những người dũng vũ này vốn dĩ đều là “hòa lý phi” – muốn đấu tranh theo phương thức hòa bình, lý trí và phi bạo lực.
Tất cả họ, những con người trẻ tuổi, đều bị sốc và “tự chuyển hóa” khi chứng kiến những tiếng nói ôn hòa của mình được đáp lại bằng cơn thịnh nộ vô lý từ những kẻ lăm lăm vũ khí trong tay.
Và khi phản kháng bằng cách đối đầu, họ ngay lập tức được chính quyền đặc khu chụp chiếc mũ “bạo động” lên đầu.
Chính quyền vì vậy vừa sinh ra bạo lực, vừa đẻ ra những con người bạo động.
Bạo lực là một thứ gây nghiện, còn hơn cả rượu. Rượu càng uống thì càng say. Bạo lực một khi đã ngấm, sẽ càng lúc càng khát.
Họ trở thành những con người khát máu.
Hay chính xác hơn, những con vật khát máu mang hình dạng người.
Có lẽ vì vậy mà dù được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn, ý tưởng “nâng cấp bạo lực” để chống lại cảnh sát không được nhiều người Hong Kong ủng hộ trên thực tế.
Những đề xuất tước vũ khí của cảnh sát, lập lực lượng vũ trang riêng, thậm chí chuẩn bị cho việc chủ động tấn công lật đổ chính quyền, đều bị xem là cực đoan, phi thực tế và có hại cho phong trào đấu tranh chung.
Người biểu tình Hong Kong tại quận Tsuen Wan, ngày 25/8/2019. Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images.
Vì sao không thể dùng bạo lực?
Người ta vẫn thường dùng câu nói “đao kiếm không có mắt” để nói về hậu quả không thể đoán trước được của việc sử dụng bạo lực.
Đó là thời xưa, khi thứ vũ khí hiện đại nhất chỉ là đao với kiếm.
Ngày nay, khi choàng lên mình đủ thứ súng đạn bom mìn hiện đại, được những bộ não thông minh bậc nhất hoàn thiện tới từng tiểu tiết một để có thể gây “thiệt hại” lớn nhất cho đối thủ, bạo lực không chỉ không có mắt, tai, mũi hay miệng…
Nó không có cả trái tim.
Sử dụng bạo lực trong thời kỳ hiện đại này, chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả cho những người vô can, mà trong chiến tranh người ta thường gọi đó bằng một thuật ngữ rất nhẹ nhàng: “thiệt hại đi kèm” (collateral damage).
Đối với người sử dụng bạo lực, đó chỉ là thiệt hại (vô tình thôi).
Đối với nạn nhân và người thân của họ, đó là nguồn cơn khởi phát cho một chuỗi bạo lực mới (trả thù).
Vòng xoáy bạo lực vì vậy vừa cuốn những người trong cuộc chìm vào vũng sâu, lại vừa đẩy những người bên ngoài càng lúc càng rời xa tâm điểm.
Vì sao người ngoài lại không muốn dây đến bạo lực?
Câu hỏi ngu ngơ này rất tiếc lại được quá ít người đặt ra, và quá ít người suy nghĩ để tự trả lời.
Đa phần chúng ta đều mặc định nó xấu vì… ta được dạy là nó xấu!
Trên thực tế, bạo lực không hề xấu.
Nó là công cụ mặc định trong thế giới động vật từ xưa đến nay.
Từ các anh em láng giềng gần của loài người như khỉ đột tinh tinh cho tới các họ hàng xa như chó mèo chim cá trâu bò gà vịt ếch nhái…, tất cả đều dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Vì đó là công cụ duy nhất mà các loài đó có.
Trong một thời gian rất dài, nhân loại cũng sử dụng đúng thứ công cụ trên để “nói chuyện” với nhau.
Chia sẻ thức ăn? Đánh chảy máu đầu. Tranh cái hang để ngủ? Nện nhau nhừ tử. Muốn làm tình? Vật nhau thừa sống thiếu chết.
Ngoài tay chân ra, con người thời đó không biết cách nào khác để nói chuyện.
Cho đến khi họ dần tạo ra được một thứ công cụ khác: ngôn ngữ.
Động vật tất nhiên cũng có “ngôn ngữ”, nhưng nó chỉ là những âm thanh được dùng để truyền đạt các thông tin cơ bản về nguy hiểm, thức ăn, nước uống, chỗ ở hay giao phối.
Con người trong khi đó có thể biểu đạt suy nghĩ, chia sẻ thông tin, và thỏa hiệp thương lượng với nhau ngay cả trong những chuyện phức tạp nhất.
Thay vì cứ phải đánh đấm mới hiểu, dần dần họ chỉ cần dùng miệng, và sau này là chữ viết, để trò chuyện với nhau.
Máu bạo lực thì vẫn còn đó, và có lẽ sẽ còn mãi, nhưng nhu cầu sử dụng nó thì mất dần đi.
Những người thông minh nhận ra một sự thật giản dị, rằng nói chuyện bằng tay chân vừa phí công phí sức vừa không hiệu quả.
Đó là lý do trong thế giới văn minh, bạo lực luôn là lựa chọn cuối cùng.
Về bản chất, bạo lực không xấu. Nó chỉ không có lợi, và không phải là công cụ tốt nhất của con người văn minh hiện đại.
Câu trả lời vì vậy không phải là con người không thể sử dụng bạo lực. Họ không muốn và không cần phải dùng tới nó.
Không may là, không phải con người nào sống trong thời hiện đại cũng văn minh.
Thứ gì quan trọng nhất?
Ngày xưa có một học trò đến hỏi ông thầy nổi tiếng của mình về cách trị quốc.
Thầy dạy rằng có ba thứ quan trọng cần phải làm được: đủ đồ ăn, đủ binh lực, và đủ uy tín.
Phải lo chuyện ăn no mặc ấm của dân. Phải xây dựng được nền quốc phòng vững mạnh. Và chính quyền phải được dân tin.
Học trò nghe xong hỏi tiếp, bảo mình không có nhiều điều kiện để làm được hết cả ba việc trên, vậy cái nào có thể tạm thời bỏ qua không làm?
Thầy trả lời, vậy thì bỏ qua việc xây dựng binh lực. Quốc phòng có thể không có, nhưng dân phải được ăn no, và phải tin vào chính quyền, vậy là ổn.
Câu học trò lại hỏi tiếp, rằng cũng không có đủ tiền để làm hết hai việc đó, giờ nếu buộc phải chọn một việc thì sẽ làm việc nào?
Câu trả lời: chuyện đủ ăn nếu vậy có thể tạm thời bỏ qua. Gặp phải thiên tai địch họa không lo được đủ cái ăn cho dân thì đành chịu, nhưng một chính quyền không thể không được lòng tin của dân.
Câu chuyện này được chép trong sách “Luận ngữ”. Người học trò là Tử Cống, còn người thầy ở đây là Khổng Tử.
Khổng Tử này tất nhiên không phải là Khổng Tử thời nay mà chính quyền Trung Quốc đang truyền bá rầm rộ qua hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.
Đó là cái vỏ để Bắc Kinh dựng nên một ảo ảnh tốt đẹp về chế độ độc tài của mình.
Ngược với lời dạy của vị thầy mà họ đào mồ mượn danh, chính quyền cộng sản mãi mãi ôm chặt lấy bạo lực để thống trị, xem đó là thứ quan trọng nhất trên đời, quyết định vận mệnh sống chết của mình.
Thay vì nghe lời Khổng Tử, những người cộng sản Trung Quốc lại khắc cốt ghi tâm lời dạy của một vị thầy nước ngoài, Vladimir Lenin.
“Cần thiết phải chuẩn bị, một cách bí mật và cấp bách, để tạo ra không khí khủng bố sợ hãi”.
“Phải treo cổ chúng (và làm sao để ai cũng thấy), treo vài trăm đứa… sao cho tất cả trong vòng vài trăm km đều thấy, run sợ, biết và gào thét”.
Đối tượng mà Lenin nói đến ở đây là “kẻ thù của giai cấp vô sản” – những địa chủ, người giàu có, những kẻ khát máu.
Nhưng như lịch sử đã cho thấy, cho dù là ở Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam, thứ “bạo lực cách mạng” này được những người cộng sản độc tài dành cho tất cả những ai không tuân phục mình.
Không có ngoại lệ.
Nông dân Văn Giang (Hưng Yên) và cảnh sát cơ động trong vụ cưỡng chế đất ngày 24/4/2012. Ảnh: Reuters.
Quyền được ác?
Những tranh cãi về việc dùng bạo lực đáp trả cảnh sát ở Hong Kong tới nay vẫn còn chưa ngã ngũ, nhất là khi chính quyền vẫn nhất mực bao che cho hầu hết các sai phạm của lực lượng này.
Nhiều bạn trẻ vẫn “không phục”, rằng vì sao mình phải hành xử văn minh với những kẻ man rợ?!
Vì sao bọn chúng ác với mình, mình không được ác lại? Hay thậm chí ác hơn?
Có lẽ đây là “lời nguyền” của những người văn minh.
Người ta không thể tự biến mình trở về thời kỳ đồ đá, có thể tùy nghi sử dụng bạo lực cho bất kỳ tương tác nào.
Ngược lại, những cái đầu văn minh phải suy nghĩ về rất nhiều yếu tố, từ việc hành vi đó có chính đáng (legitimate aim) hay không, có cần thiết (necessity) không, có ngang tầm với hành vi của đối phương hay không (proportionality), đến việc nó là tự vệ (self defense) hay “đánh phủ đầu” (preemptive strike), rồi ai sẽ có thể trở thành “thiệt hại đi kèm”…
Cho dù có muốn, cũng sẽ cực kỳ khó để một người văn minh có thể biến mình trở lại thành một con khỉ đột man rợ.
Khó nhưng không phải không thể.
Xét một cách khách quan, lực lượng cảnh sát ở Hong Kong vẫn còn rất văn minh và tử tế so với các công cụ của chính quyền cộng sản tại Trung Quốc hay Việt Nam.
Đó là lý do đa số người dân Hong Kong vẫn chưa cảm thấy cần phải sống mái với họ.
Đặt vào hoàn cảnh của những người Việt Nam, đặc biệt với những ai là nạn nhân trực tiếp của những chiêu trò bạo lực hèn hạ và bỉ ổi của chính quyền, tức nước vỡ bờ hoàn toàn không phải là chuyện xa vời.
Khác với những kẻ tham lam vô lại hay những ai mù quáng trung thành tuyệt đối với chúng, đa số người dân không có quyền được ác.
Đó là lời nguyền của những ai đã “lỡ” làm người văn minh.
Họ không thể dễ dàng tự biến mình thành con vật.
Nhưng một khi bạo quyền vẫn cứ nhắm vào họ, sớm hay muộn, ác sẽ không còn là quyền hay lựa chọn.
Cái ác sẽ trở thành một nghĩa vụ.
Và khi đó, không ai trong chúng ta có thể trách họ.
Chúng ta chỉ có thể trách chính mình.
Y.C.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/01/bao-luc-van-minh-va-quyen-duoc-ac/