Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát hồi 4/2017 khiến Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phải về tận nơi đối thoại với dân và ký cam kết không truy tố vụ việc. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Trong vụ việc Đồng Tâm có một tranh cãi là đất Đồng Sênh là đất quốc phòng hay đất người dân sản xuất?
Người dân làng Hoành trong đó có gia đình ông Lê Đình Kình thì cho rằng chỗ này là đất quốc phòng, chỗ kia là đất người dân canh tác, còn thành phố Hà Nội thì cho rằng thế khác.
Có một thực tế lâu nay là công tác quản lý đất đai nhiều nơi nhiều chỗ còn lỏng lẻo thiếu chặt chẽ, nhiều mảnh đất cơ quan quản lý nhà nước hầu như bỏ mặc không quản lý nắm bắt thực tế ai đang sử dụng.
Công tác lưu trữ giấy tờ cũng còn nhiều thiếu thốn, nhiều mảnh đất không có giấy tờ rõ ràng, đến khi có tranh chấp việc xác định chủ quyền sử dụng sẽ khó khăn.
Lấy ví dụ, mới đây tôi giải quyết cho một trường hợp khiếu nại về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Vụ việc tranh cãi giữa người dân và cơ quan cấp giấy về địa vị pháp lý thửa đất, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
Hồ sơ vụ việc có một loại giấy tờ là Sổ qui chủ sử dụng đất, không phải Sổ mục kê hay Sổ địa chính theo luật, đó là một loại giấy tờ sổ sách mà tôi chưa từng nghe đến bao giờ trong hơn 13 năm hành nghề luật sư.
Cán bộ địa chính cho biết Sổ qui chủ này được lập năm 1998, bằng cách viết tay, trong đó bao gồm rất nhiều thông tin về tên chủ sử dụng, địa chỉ thôn xóm, danh sách các thửa đất, xứ đồng, số thửa, diện tích, loại đất, hạng đất, thuế nông nghiệp, ghi chú.
Sổ đó được lập làm ba bản cũng do sao chép bằng tay, ở thời điểm đó địa phương còn chưa có điện.
Cơ sở pháp lý
Điều đó muốn dẫn ra để nói rằng, công tác quản lý đất đai cũng như giấy tờ ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn lạc hậu, thô sơ, thiếu thốn và đương nhiên là có thể sẽ thất lạc, mối mục, dẫn đến thiếu cơ sở căn cứ khi giải quyết các tranh chấp đất đai sau này.
Thực tế lâu nay luật sư chúng tôi gặp nhiều những vụ tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp đều yếu về cơ sở chứng cứ, thiếu những giấy tờ pháp lý về thửa đất.
Khi đó, tòa án và các bên tham gia giải quyết thường làm những việc thu thập chứng cứ là lấy lời khai của những người dân địa phương, những người cao niên sống lâu năm đã chứng kiến quá trình sử dụng của một mảnh đất, hỏi ý kiến cán bộ địa chính địa phương, hỏi quan điểm của ủy ban nhân dân xã về vụ việc tranh chấp.
Những căn cứ đó sẽ giúp bổ khuyết cho chứng cứ giấy tờ pháp lý còn thiếu, để xác định rõ sự thật đúng sai cũng như xác định chủ quyền sử dụng đất của các bên.
Vậy thì đối với tranh cãi đất đai ở Đồng Sênh chỗ nào là đất quốc phòng, chỗ nào là đất dân sản xuất, cơ quan nhà nước, ví dụ như Thanh tra TP Hà Nội sẽ lục lọi đống hồ sơ giấy tờ lưu trữ ra mà căn cứ, nhưng liệu giấy tờ có rõ ràng không, có đầy đủ không, có ăn khớp với thực tế không? Đây là vấn đề.
Còn phía người dân thì ông Lê Đình Kình lại có đầy đủ sự thông hiểu của người sử dụng đất ở địa phương, ông từng là bí thư xã, lại sống lâu năm nên biết việc.
Và điều quan trọng là phải có một cơ quan tài phán trung gian công tâm để đánh giá quan điểm ý kiến và chứng cứ của mỗi bên.
Tòa án ở đâu?
Tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm từ rất nhiều năm qua đã không được giải quyết theo con đường tòa án.
Ngay cả sau khi nổ ra vụ việc bắt nhốt cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động năm 2017 đến nay, qua theo dõi báo chí của nhà nước thì cũng không có một thông tin ý kiến nào, của bất kỳ ai, nêu ra vai trò của Tòa án như là một cơ quan có khả năng giải quyết sự việc.
Cứ như là Tòa án không hề tồn tại và không có vai trò thẩm quyền gì trong việc giải quyết tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm.
Ít nhất thì đó cũng là biểu hiện quan điểm từ phía chính quyền.
Cụ thể ở đây là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cơ quan này hẳn đã thấy rằng đất đó là đất của quốc phòng đã bàn giao lại cho thành phố Hà Nội, đang bị người dân lấn chiếm nên chính quyền tự thấy trách nhiệm phải đứng ra thu hồi.
Thu hồi đất là vấn đề gây nhiều khiếu kiện tại Việt Nam những năm qua (hình minh họa). Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Và theo đó, vừa với trách nhiệm của cơ quan quản lý, vừa với lối nhận thức về tòa án là cơ quan yếu quyền hơn, cho nên đã không có bất kỳ ý kiến nào của bất kỳ ai, bảo đưa vụ việc ra tòa án giải quyết.
Từ năm 2017 trong bài viết “Từ vụ Đồng Tâm, nghĩ về quá khứ và tương lai” từ thực tiễn hành nghề tôi đã cho rằng, trong tương lai việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ nên được thực hiện sau khi các bên đã khởi kiện ra tòa và có bản án của tòa.
Như thế để đảm bảo cho các bên được đưa ra ý kiến và cơ sở chứng lý để được lắng nghe và công khai đánh giá. Để phán quyết của tòa có được sự công bằng, giảm đi yếu tố bức xúc chống đối do ý kiến không được lắng nghe.
Ba năm qua pháp luật không có gì thay đổi, chính quyền vẫn dựa vào quyền lực hành chính để cưỡng chế thay vì ra tòa, dẫn đến nhiều người chết trong vụ Đồng Tâm mới đây.
Tổn thất về nhân mạng đau xót này khiến cho nhu cầu về một sự nâng quyền cho cơ quan tư pháp lại càng trở lên bức thiết hơn nữa.
Nhưng vô cùng đáng lo là nhận thức từ phía các ban ngành nhà nước lại chẳng ai thấy ra được điều ấy, và cũng chẳng có kế hoạch nghị sự nào cho sự thay đổi.
Trong khi đó, sẽ vẫn còn phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp giữa người dân hay một cộng đồng dân cư hoặc tổ chức doanh nghiệp với một bên là chính quyền một thành phố hay chính phủ.
Trong nền kinh tế thị trường và sự giao thoa của những mối quan hệ về quyền lợi và tài sản thì chính quyền một thành phố hay là chính phủ của một quốc gia cũng chỉ là một chủ thể trong mối quan hệ bình đẳng mà thôi.
Và khi đó sẽ rất phức tạp và phi lý bất công nếu chính phủ hay chính quyền thành phố lấy quyền lực hành chính ra để áp đặt lối xử lý vụ việc liên quan đến mình.
Khi tôi chia sẻ vấn đề, có ý kiến lại cho rằng, cho dù đưa vụ Đồng Tâm ra tòa án thì tòa án cũng chỉ là một thành phần của chính quyền, giống như thanh tra thành phố Hà Nội, sẽ lại bênh chính quyền thành phố mà thôi.
Lo ngại đó là đúng, nhưng nên biết rằng, đồng thời với việc thúc đẩy nâng cao vị thế quyền hạn cho tòa án, thì bản chất cũng là tạo dựng cơ chế thiết lập để tòa án được độc lập với chính quyền, để tạo lập khả năng xử lý một cách công tâm, khách quan, công bằng những vụ việc có liên quan đến chính quyền.
Nếu không làm điều đó, nếu cứ để tòa án giữ vai trò yếu kém, thì tòa án sẽ vẫn vắng bóng vai trò trong những vụ nóng bỏng như tranh chấp đất ở Đồng Tâm, vẫn kém đóng góp cho công tác quản trị quốc gia, yếu kém trong kiến tạo công lý để ổn cố trật tự và lương tâm xã hội.
N.N.T.
*
Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.