Ngán ngại về đề nghị đầu tư của Trung Quốc vào cảng Vũng Áng!

RFA 2019-11-06

Tweet

Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: Facebook Cảng Vũng Áng – Hà Tĩnh

Báo trong nước loan tin cho biết Tập đoàn Cảng Hạ Môn của Trung Quốc vào ngày 27/10 đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc mở tuyến container tại cảng Vũng Áng, từ đó nối với cảng Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Cũng trong buổi gặp gỡ, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Cảng Hạ Môn cho biết ông thấy cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trong việc kết nối với các cảng quốc tế cũng như hệ thống giao thông đường bộ kết nối qua Lào, Thái Lan…

Có thể từ sau Vũng Áng, Trung Quốc có thể phát triển mô hình đó qua những cảng biển khác mà chẳng hạn người ta đang lo ngại một số các đặc khu trước đây, trong đó cũng liên quan đến hệ thống cảng biển trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc.

ThS. Hoàng Việt

 

Do đó, ông bày tỏ mong muốn được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ Tập đoàn Cảng Hạ Môn có được cơ hội hợp tác và đầu tư.

Cảng Hạ Môn là 1 trong 7 cảng hàng đầu của Trung Quốc và là cảng container lớn thứ 16 thế giới.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và Trung Quốc cho rằng việc đầu tư này nằm một phần trong dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc vì trong dự án này, Trung Quốc muốn phát triển các hạ tầng, đặc biệt là một số cảng biển. Vì vậy ông cho rằng việc này hoàn toàn phù hợp với chiến lược Vành đai – Con đường của Bắc Kinh. Ông nói thêm:

Thực ra mà nói thì Vũng Áng chưa phải là vị trí tốt nhất, nhưng mà nó sẽ là khởi đầu vì nếu Trung Quốc thành công ở Vũng Áng thì nó kiểm soát toàn bộ khu vực miền Trung của Việt Nam. Miền Trung cũng là khu vực rất quan trọng, hiểm yếu. Cũng có thể từ sau Vũng Áng, Trung Quốc có thể phát triển mô hình đó qua những cảng biển khác mà chẳng hạn người ta đang lo ngại một số các đặc khu trước đây, trong đó cũng liên quan đến hệ thống cảng biển trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc”.

Còn theo ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa học Biển thành phố Hồ Chí Minh, từng làm trong Cục Cơ khí Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng việc giao lưu buôn bán giữa Việt Nam với các nước xung quanh là việc bình thường, nhất là hiện nay, chính phủ Hà Nội giao lưu buôn bán với Bắc Kinh bằng đường biển cũng rất lớn. Vấn đề nhập khẩu từ các cảng Trung Quốc sang Việt Nam cũng như Việt Nam buôn bán với Trung Quốc qua các cảng như Mũi Dầu ở Mao Minh phía Quảng Đông, tất cả mua bán rất bình thường ở các cảng đó. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại:

Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh. Ảnh chụp ngày 12/4/2015. AFP

Việc lập ra một cảng riêng của Trung Quốc ở Vũng Áng thì bản thân Vũng Áng là khu vực có vị trí địa lý điểm quan trọng ở vùng biển. Việc đó đã có nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này. Đặc biệt là nó gần với khu vực Formosa chuyên về vấn đề thép do Đài Loan – Trung Quốc đã xây dựng ở đó. Tuy rằng của Đài Loan nhưng có rất nhiều yếu tố Trung Quốc trong đó. Bây giờ việc xây dựng hẳn một cảng của Trung Quốc thì ta thấy rằng kế hoạch Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc đã đưa ra từ lâu và rất muốn Việt Nam phải tham gia con đường đó. Thực ra kế hoạch đó của Trung Quốc cũng muốn để thâu tóm và đặt quyền lợi Trung Quốc trên hết, các nước có cái đó hoàn toàn chỉ mang tính chất phụ thuộc. Cho nên tôi cho rằng để một cảng chuyên dùng của Trung Quốc ở vùng đó (Vũng Áng), không phải một cảng container chuyên dùng mà còn có hệ thống logistic để hoạt động mạnh mẽ thì theo tôi là điều bất lợi về phía chủ quyền của Việt Nam ở trên biển”.

Đồng tình với ông Đỗ Thái Bình, Thạc sĩ Hoàng Việt cũng đưa ra đề nghị chính phủ Việt Nam phải cẩn thận xem xét kỹ bởi vì đã có rất nhiều bài học về những dự án liên quan đến Một vành đai – Một con đường:

Chẳng hạn như dự án Cảng Hambantota của Sri Lanka là một câu chuyện rất rõ mà khi Sri Lanka không đủ trả nợ khoản vay và đã vướng vào vòng nợ nần, phải trao quyền rất lớn và rất lâu 99 năm cho Trung Quốc kiểm soát cảng Hambantota đó. Ngoài ra ngay cả nước láng giềng Việt Nam là Campuchia chẳng hạn, một loạt khu vực Sihanoukville cũng là những cảnh báo cho việc Trung Quốc đang đầu tư và nắm quyền kiểm soát”.

Dưới góc nhìn khác, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp – nhà nghiên cứu độc lập lại cho rằng:

Không phải thâu tóm mà chính phủ Việt Nam ký với chính phủ Trung Quốc ủng hộ cái đó (Vành đai – Con đường), tham gia nếu có thể chứ không có cam kết gì hơn. Nên bảo Trung Quốc thâu tóm thì không đúng, Việt Nam chỉ cho thuê thôi chứ không như các nước khác người ta (Trung Quốc) cho vay tiền xong đòi tiền bằng cảng, là giở bẫy nợ ra, nhưng Việt Nam không bị dính bẫy nợ đó, Việt Nam không nợ Trung Quốc tiền. Việc này là việc từ lâu Trung Quốc bàn với chính phủ Việt Nam để xin mở một cảng logistic ở đó (Vũng Áng). Việc này chưa dứt khoát nhưng chắc họ sẽ mở được cảng logistic ở đó nhưng cảng đó không phải 100% thuộc quyền quản lý của họ (Trung Quốc) đâu”.

Để một cảng chuyên dùng của Trung Quốc ở vùng đó (Vũng Áng), không phải một cảng container chuyên dùng mà còn có hệ thống logistic để hoạt động mạnh mẽ thì theo tôi là điều bất lợi về phía chủ quyền của Việt Nam ở trên biển.

Đỗ Thái Bình

Tuy nhiên, ông Đỗ Thái Bình lại bày tỏ lo ngại đối với khả năng quản lý của các cơ quan chức năng hiện nay:

Thật ra mà nói Trung Quốc trong việc quản lý của Việt Nam vừa qua thì phía Việt Nam không quản được, nên việc chia sẻ để vẫn giữ vững được chủ quyền là không đơn giản. Việc để cho yếu tố Trung Quốc ở cảng đó (Vũng Áng) là bất lợi vì cho thuê như thế cái lợi của mình không đáng kể so với cái hại”.

Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 9 khu kinh tế ven biển được Chính phủ Việt Nam lựa chọn để phát triển trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung vầ cả nước.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phía Tập đoàn Cảng Hạ Môn khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistic tại Vũng Áng.

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, chính quyền Việt Nam cần phải tỉnh táo và xem xét kỹ những dự án này vì hiện nay ở Việt Nam đang có những khu Trung Quốc thuê và xây dựng nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn không được biết và không được quyền kiểm tra xem có những gì trong đó. Ông cho rằng đó là những tiềm ẩn, không chỉ là dự án về cảng biển, kinh tế mà đằng sau là chính trị, có thể cả quân sự.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-china-investment-in-vung-ang-port-a-part-of-belt-n-road-initiative-11062019124349.html

***

Khốn đốn vì Formosa, Hà Tĩnh vẫn muốn Trung Cộng đầu tư cảng Vũng Áng

Quốc Tuấn

Ảnh: FB Ngô Đồng

Tin từ Hà Tĩnh, ngày 02/11/2019: Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh cam kết tạo thuận lợi cho Tập đoàn Cảng Hạ Môn của Trung Cộng mở tuyến tàu container đến Vũng Áng, và đầu tư logistics tại địa phương vốn đang khốn đốn vì ô nhiễm môi trường gây ra bởi Tập đoàn Hoá chất Formosa năm 2016.

Báo chí nhà nước cộng sản đưa tin trong buổi gặp gần đây giữa ban lãnh đạo tỉnh và đại điện của Tập đoàn Cảng Hạ Môn. Phía Trung Cộng mong muốn mở tuyến container từ cảng Hạ Môn, thuộc tỉnh Phúc Kiến sang cảng Vũng Áng.

Dương Tất Thắng, phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn này và các nhà đầu tư khác thực hiện những dự án cảng biển, trung tâm hậu cần, ngành công nghiệp hậu thép vào khu kinh tế Vũng Áng.

Tuyên bố của ban lãnh đạo Hà Tĩnh khiến nhiều người lo ngại về dòng vốn Trung Quốc, và các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia do tầm quan trọng của Vũng Áng, khu vực có vị trí chiến lược hết sức quan trọng vì từ đây có thể bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông. Nếu Trung Cộng khống chế được Vũng Áng thì việc chia cắt Việt Nam thành 2 phần rất dễ dàng.

Một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam cần thận trọng trong phát triển cảng biển. Vì hiện nay nhiều tỉnh ven biển cố gắng xây thật nhiều cảng biển mà không xét đến quy hoạch và bài toán kinh tế.

Trung Cộng muốn khống chế Việt Nam bằng đầu tư vào những vị trí trọng điểm. Và Vũng Áng là một mục tiêu của Bắc Kinh. Cũng nên để ý Vũng Áng là cảng tiếp nhận sản phẩm của hai nhà máy Aluminum ở cao nguyên Trung phần để chuyển sang Trung Cộng. Việt Nam đang khai thác boxit, chế biến và xuất khẩu sang Trung Cộng, cho dù lỗ nặng và tàn phá môi trường và sản xuất ở cao nguyên.

Q. T.

Nguồn: https://www.sbtn.tv/khon-don-vi-formosa-ha-tinh-van-muon-trung-cong-dau-tu-cang-vung-ang/

This entry was posted in Đầu tư Trung Quốc & Cuộc xâm lược mềm, Vũng Áng. Bookmark the permalink.