Biển Đông: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN nói không loại trừ khả năng kiện TQ

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung nói rằng trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý‎, theo Reuters.

Nhận định này được ông Trung đưa ra trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, diễn ra hôm 6/11 tại Hà Nội.

Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11. Bản quyền hình ảnh TTXVN

Ông Trung cũng nói rằng, hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông "cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung".

"Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế," ông Trung nói, theo tờ VnExpress.

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói rằng, Việt Nam thích đàm phán nhưng không còn sự lựa chọn nào khác cho tranh chấp trên biển Đông.

"Chúng tôi biết rằng, các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện.

"Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này," ông Trung nói.

TS. Hà Hoàng Hợp bình luận khả năng VN thay đổi chính sách quốc phòng sau vụ bãi Tư Chính.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn. Nước này đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền ở các khu vực thuộc vùng biển này.

Năm 2013, Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.

Phán quyết của tòa vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Hồi năm 2014, cựu Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết là, Chính phủ Việt Nam đang xem xét những phương án phòng vệ đối với Trung Quốc, trong đó có cả việc kiện ra tòa, sau vụ Trung Quốc dịch chuyển trái phép giàn khoan vào vùng lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông.

Còn năm nay, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lại gia tăng sau khi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn kéo dài một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhưng cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong lần xâm phạm mới này của tàu khảo sát Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu khảo sát này và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực trên.

Tuy nhiên, lần này, Việt Nam chưa từng đề cập công khai đến khả năng tiến hành các hành động pháp lý như biện pháp phòng vệ cho đến phát biểu nói trên của ông Lê Hoài Trung.

Tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam khóa XIV lần thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội, hôm 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan tới việc nước này xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền khác.

Ông Bill Hayton, chuyên gia về biển Đông tại Viện hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House, cho biết, có thể điều này sẽ dẫn đến có sự chia rẽ lớn về chính trị trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có lẽ là lựa chọn duy nhất còn lại với Việt Nam, theo Reuters.

Ông Hayton cũng nói thêm rằng, toàn bộ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 này dường như tập trung quanh câu hỏi đó.

Trong 50 diễn giả tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay, có cả một số chuyên gia pháp lý liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc, gồm cựu thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Rudiger Wolfrum.

Hội thảo năm nay có chủ đề "Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực", diễn ra trong hai ngày 6 và 7/11.

Hợp tác ASEAN để giải quyết thách thức biển

Bài phát biểu trên của ông Trung, theo VnExpress, đề cập đến việc Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, ông Trung nói rằng, Việt Nam hy vọng sẽ cùng các đối tác thúc đẩy hiệu quả hợp tác các cơ chế của ASEAN để giải quyết các thách thức biển.

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm.  Bản quyền hình ảnh ASEAN 2019

"Việt Nam tin tưởng rằng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông không chỉ là lợi ích mà còn là trách nhiệm của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế," ông Trung được VnExpress dẫn lời nói.

Trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, chuyên gia nghiên cứu cộng tác Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc Trường Đại học KHXH&NV ở Sài Gòn, cho rằng, việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm sau sẽ giúp thúc đẩy giải quyết một số vấn đề tồn tại ở Biển Đông.

Tuy nhiên hiệu quả tới đâu thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cụ thể, ông Phương nhìn nhận rằng, Việt Nam sẽ đẩy vấn đề Biển Đông trở thành ưu tiên nghị sự trong các cuộc họp ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.

Đây là lợi thế của việc làm chủ tịch.

Đồng thời, Việt Nam có thể đưa các phát ngôn lên án Trung Quốc vào tuyên bố chung, đẩy mạnh giải quyết các bất đồng trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), và chủ động đưa ra những biện pháp giúp kết nối phản ứng của ASEAN cũng như các đối tác trước hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Phương, về mặt đối ngoại đa phương, Việt Nam luôn coi ASEAN tổ chức đa phương quan trọng nhất trong việc đảm bảo duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực, và trong việc cân bằng giữa các nước lớn, cụ thể là với Trung Quốc và Mỹ.

Tình hình Biển Đông, nếu thiếu tiếng nói của ASEAN, sẽ không thể giải quyết được một cách căn cơ, vì dù gì các tranh chấp ở Biển Đông cũng có yếu tố đa phương.

"Khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN tốt tới mức nào sẽ được thể hiện qua năm Việt Nam làm chủ tịch.

"Bản thân tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ nắm lấy các cơ hội để trở thành một trong những nước đầu tàu ASEAN trong một số vấn đề. Điều này Việt Nam có thể làm được, thứ quyết định là quyết tâm chính trị.

"Nói cách khác là, liệu Việt Nam có muốn làm đầu tàu hay không", ông Phương nói.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng, không nên coi ASEAN là một công cụ toàn năng hay duy nhất, giúp giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.

"ASEAN quan trọng, ASEAN cần có tiếng nói, nhưng ASEAN đang bị chia rẻ trầm trọng với sự ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc lên một số nước thành viên.

"Thêm vào đó, "phương cách ASEAN" vốn yêu cầu sự đồng thuận, khiến cho các biện pháp thống nhất, hiệu quả đối phó với Trung Quốc chỉ là một giấc mơ. Bản thân tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng đột phá trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020 sắp tới," ông Phương khẳng định.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50328017

Biển Đông: Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Thụy My

Một quan chức cao cấp Việt Nam hôm nay 06/11/2019 tuyên bố có thể tiến hành thủ tục pháp lý, trong số nhiều giải pháp khác nhau, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông trước người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Reuters dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung trong một hội nghị ở Hà Nội, nói rằng Việt Nam tuy chủ yếu muốn thương lượng, nhưng cũng có những chọn lựa khác. Những biện pháp này gồm cả đàm phán, hòa giải, trọng tài và kiện tụng. Ông Trung nhấn mạnh: "Trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã dự trù đầy đủ các cơ chế cho chúng tôi để áp dụng các biện pháp này".

Trung Quốc yêu sách hầu hết toàn bộ Biển Đông, và những năm gần đây đã tự ý xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2016, Philippines đã giành được chiến thắng tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, với phán quyết đường lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của tòa.

Về phía chính phủ Việt Nam tỏ ra thận trọng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, chỉ mới đề cập đến khả năng đi kiện gần đây. Năm 2014 khi Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 đến vùng biển Hoàng Sa, gây đối đầu trên biển và những cuộc biểu tình phản đối trên cả nước, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam cân nhắc về hành động pháp lý.

Trong cuộc xung đột mới nhất khi Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Hà Nội nhiều lần ra thông cáo khẳng định chủ quyền và đòi hỏi Bắc Kinh phải rút nhóm tàu này ngay lập tức. Tuy nhiên chỉ đến hôm nay, 06/11/2019, Việt Nam mới nêu ra khả năng đi kiện.

« Đây là chuyển biến lớn về chính trị trong quan hệ Việt-Trung, nhưng có lẽ đó cũng là khả năng duy nhất còn lại đối với Việt Nam » – chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton của think tank Chatham House nhận định. Ông nói thêm, nội dung hội nghị do chính phủ Việt Nam tổ chức dường như tập trung cho sự kiện này. Reuters ghi nhận sự hiện diện của một số chuyên gia pháp lý, trong đó có cựu thẩm phán Rudiger Wolfrum của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

T.M.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191106-bien-dong-viet-nam-co-the-kien-trung-quoc-ra-toa-an-quoc-te

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.