Biến đổi khí hậu: Cơn nghiện ‘than’ của châu Á phải dừng lại, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cảnh báo các nước châu Á phải từ bỏ "cơn nghiện" than của mình để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

A labourer loads coal in a truck next to containers outside a logistics center near Tianjin Port, in northern China, 16 May, 2019.

Thêm nhiều nhà máy điện than đang mọc lên ở Châu Á. Bản quyền hình ảnh REUTERS

Trong khi đó Việt Nam nằm trong top 6 nước châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng lũ ven biển do nóng lên toàn cầu, theo một báo cáo.

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết các quốc gia trong khu vực là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối với sự nóng lên toàn cầu và nên ở đầu "chiến tuyến" trong cuộc chiến ngăn chặn nó.

Ông trích dẫn một nghiên cứu mới cho thấy các nước châu Á có nguy cơ bị lũ lụt trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Than là nguồn năng lượng chính ở nhiều nước châu Á.

Nói chuyện với các phóng viên ở thủ đô Bangkok của Thái Lan vào hôm thứ Bảy, ông Guterres mô tả biến đổi khí hậu là "vấn đề mang tính định đoạt thời đại của chúng ta".

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã tham khảo một nghiên cứu được công bố vào thứ Ba, trong đó phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng triệu người có nguy cơ bị lũ lụt ven biển vào năm 2050 nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây.

Phần lớn những người dân bị ảnh hưởng ở các nước đang phát triển trên khắp châu Á, nghiên cứu cho biết.

UN Secretary General António Guterres speaks at the 74th session of the United Nations General Assembly in New York on 24 September, 2019

Ông Guterres nói rằng biến đổi khí hậu là một "vấn đề mang tính định đoạt" trong thời đại của chúng ta. Bản quyền hình ảnh AFP

Ông Gutterres nói rằng trong khi "mọi người có thể thảo luận về tính chính xác của những con số này … thì vẫn rất rõ ràng rằng đây chính là xu hướng".

Ông nói vấn đề này "đặc biệt nhạy cảm" ở châu Á, nơi một "số lượng lớn" của các nhà máy điện than vừa được lên kế hoạch xây dựng.

Ông Gutterres cảnh báo: "Chúng ta phải đặt một cái giá lên carbon. Chúng ta cần ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Và chúng ta cần ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy điện than trong tương lai".

Nước nào có nguy cơ bị ảnh hưởng?

Báo cáo hôm thứ Ba của Climate Central, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết 190 triệu người sẽ sống ở những khu vực dự đoán là dưới mức thủy triều cao vào năm 2100.

Và ngay cả khi giảm phát thải khí nhà kính, sáu quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, nơi có tới 237 triệu người sống hiện nay, có thể phải đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt hàng năm vào năm 2050.

1. Trung Quốc – 93 triệu người

2. Bangladesh – 42 triệu

3. Ấn Độ – 36 triệu

4. Việt Nam – 31 triệu

5. Indonesia – 23 triệu

6. Thái Lan – 12 triệu

Việt Nam và nhiệt điện than

Từ năm 2021, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng khi nhu cầu vượt quá tốc độ xây dựng các nhà máy điện.

Việt Nam có nguy cơ thiếu tới 6,6 tỷ kilowatt giờ vào năm 2021, thiếu 11,8 tỷ kWh năm 2022, và có thể thiếu tới 15 tỷ kWh năm 2023, theo Vietnam News.

Nhu cầu về điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 9% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế – vốn chỉ tăng hơn 7% trong năm 2018, theo Financial Times.

Bồi thêm vào sự thiếu hụt này, nhiều dự án năng lượng ở Việt Nam đang bị chậm tiến độ, theo thông tin Bộ Công thương cung cấp cho Reuters.

Các dự án chậm tiến độ chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam. Truyền thông nhà nước cho biết 47 trong số 62 dự án sản xuất điện của Việt Nam công suất 200 megawatt (MW) trở có nguy cơ bị chậm tiến độ, một số dự án chậm hơn hai năm so với kế hoạch.

Nguyên nhân thiếu điện là do thiếu kết nối giữa dự án điện và dự án đường giao thông, đất đai và phát triển đô thị.

Một số dự án khác thì lại do nhà thầu phải tìm chọn địa điểm mới để đặt trạm điện nhằm tránh dẫm lên các dự án đã có ở các vùng khác. Ngoài ra còn do vấn đề giải tỏa đất đai, do dân không chấp nhận tiền đền bù được đưa ra. Ngoài ra còn do thiếu nguyên liệu thô, như khí ga, để vận hành các nhà máy nhiệt điện, theo Vietnam Insider.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-50279627

This entry was posted in Biến đổi khí hậu. Bookmark the permalink.