Sân khấu chính trị Ba Lan sau bầu cử

Đinh Minh Đạo

Ngày 13 tháng Mười vừa qua, cử tri Ba Lan đã đi bầu 460 dân biểu và 100 thượng nghị sỹ cho nhiệm kỳ 4 năm (2019-2023).

61% cử tri đã tham gia bầu cử, đây là một kỷ lục về số người đi bầu cử kể từ sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tháng 6 năm 1989.

Cuộc bầu cử Quốc hội và Thượng viện lần này tiến hành với sự cạnh tranh căng thẳng giữa các đảng phái chính trị của Ba Lan. Nhiều nhà chính trị nhận định, đây là một trong các cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ sau cuộc bầu cử năm 1989. Cuộc bầu cử năm 1989 đã chấm dứt gần nửa thế kỷ cai trị của Đảng Cộng sản Ba Lan, Ba Lan thành một quốc gia tự do dân chủ. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong lúc xu thế dân túy, dân tộc và bài ngoại đang phát triển trong một số đảng phái chính trị và trong xã hội Ba Lan.

Giấc mơ “đa số tuyệt đối”

Năm 2015, Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) thắng cử với chương trình hành động đề cao chủ nghĩa dân tộc, dân túy và bài ngoại. Ông Jaroslaw Kaczynski – người sáng lập, chủ tịch đảng – tuy không giữ chức vụ nào trong bộ máy nhà nước, nhưng ông quyết định mọi hoạt động, chính sách của đảng.

Trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, PiS với đa số trong Quốc hội (235/460), Thượng viện (61/100) và Tổng thống là người của đảng, họ đã tiến hành hàng loạt các thay đổi trong các cơ quan hành pháp và tư pháp.

PiS đã thông qua các điều luật bổ sung để thay đổi cơ cấu tổ chức, đưa người của đảng vào các cơ quan tư pháp như Viện Công tố, Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao để gây ảnh hưởng và khống chế các cơ quan này.

Về kinh tế, chính quyền dưới sự điều hành của PiS giữ được nhịp độ tăng trưởng của các nhiệm kỳ trước, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại rằng, PiS đã chi tiêu quá nhiều vào các mục đích dân túy, sẽ làm giảm nguồn tài chính cho đầu tư và phát triển kinh tế trong những năm tới.

Chính quyền đã thực hiện các chính sách dân túy như giảm tuổi về hưu mà chính quyền nhiệm kỳ trước đã tăng, cấp cho mỗi đứa trẻ 500 zl (khoảng 150 USD) mỗi tháng kể từ khi đứa trẻ ra đời cho đến hết 18 tuổi, bất kể là gia đình giàu hay nghèo, tăng trợ cấp hưu trí…

Về đối ngoại, chính quyền PiS đã theo đuổi một chính sách ngoại giao mâu thuẫn với Liên Minh Châu Âu (EU). EU đã nhắc nhở, cảnh báo Ba Lan về những vi phạm quy định kiểm soát quyền lực trong một nhà nước dân chủ và từ chối nhận người tỵ nạn do EU phân bổ… Ba Lan kết thân với chính quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Đảng PiS (ở Ba Lan) và đảng Fidesz cầm quyền ở Hungary có nhiều điểm tương đồng về đối nội và đối ngoại, từng bị EU nhắc nhở.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, PiS tuy chiếm đa số trong Quốc hội, nhưng chưa đủ đa số tuyệt đối (2/3 số đại biểu) để có thể thay đổi được Hiến pháp, điều mà PiS luôn mơ ước.

Trong bầu cử lần này, PiS dẫn đầu với 43,59% số phiếu, chiếm 235 trong tổng số 460 đại biểu. Về Thượng viện, PiS đã mất đa số, chỉ có 48/100 Thượng nghị sĩ, sẽ mất luôn chức Chủ tịch Thượng viện trước các đảng đối lập. PiS sẽ đứng ra lập chính phủ, nhưng giấc mơ về đa số tuyệt đối đã tan vỡ, lại mất đa số trong Thượng viện. Năm tới sẽ bầu cử Tổng thống cho nhiệm kỳ mới, các đảng phái đối lập đang ráo riết đàm phán để đề cử ứng viên duy nhất, quyết đánh bại ứng viên của PiS – Tổng thống đương nhiệm Andrzej Duda.

Balan không phải là Hungary, Warszawa không phải là Budapesz

Sau 8 năm cầm quyền, Đảng Cương lĩnh Công dân (PO) đã thất bại trong cuộc bầu cử 2015. Trong 4 năm qua, PO trở thành đảng đối lập lớn nhất tại Quốc hội, đi tiên phong bảo vệ các nguyên tắc phân chia quyền lực của một nhà nước theo thể chế dân chủ.

Nhiệm kỳ vừa qua, chiếm đa số trong Quốc hội, PiS đã tiến hành những thay đổi trong các cơ quan tư pháp như Viện Công tố, Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao… Những thay đổi này vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực, PO luôn là đảng đi đầu, cùng các đảng đối lập khác phản đối trong diễn đàn Quốc hội. PO đã đưa các vấn đề vi phạm của chính quyền lên các cơ quan giám sát luật pháp của EU như Hội đồng Cố vấn Luật pháp, Tòa án Hiến pháp… Chính quyền đã phải rút lại nhiều sai phạm và huỷ bỏ những dự kiến mới.

PO còn vận động nhiều cuộc biểu tình phản đối của công dân với hàng chục nghìn người, tập trung trước trụ sở Quốc hội, Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao.

Trong các cuộc biểu tình, các công dân giương cao các biểu ngữ “Hiến pháp trên hết”, “Ba Lan không phải là Hungary”, “Warszawa không phải là Budapesz”. Hàng nghìn công dân thức trắng đêm, thay nhau để duy trì các cuộc phản kháng dài ngày.

Cách đây 30 năm, 9 triệu người dân Ba Lan bất chấp sự đàn áp của chính quyền cộng sản, đã xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của Công Đoàn Đoàn Kết, đưa Ba Lan trở thành quốc gia dân chủ.

Giờ đây, thể chế dân chủ đang bị đe dọa, họ lại đứng lên để bảo vệ nó. Đấu tranh để xây dựng được thể chế dân chủ thật vô cùng cam go, nhưng giữ gìn và bảo vệ nó cũng đầy khó khăn, vì mọi chính quyền đều coi lạm dụng quyền lực là phương tiện để duy trì cầm quyền.

Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới vừa qua, PO chiếm 27,40% phiếu bầu, với 134 ghế trong Quốc hội, sẽ trở thành đảng đối lập lớn nhất.

Sắp tới ông Donal Tusk, một trong những người sáng lập PO, cựu Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng EU sẽ hết nhiệm kỳ, có thể ông sẽ trở về Ba Lan để ra tranh cử tổng thống.

Đảng cực hữu bước vào nghị trường

Đảng Liên Minh (Konfederacja) là đảng hợp nhất của 2 tổ chức cực hữu Đảng KORWiN và Phong trào Dân tộc. Đảng đăng ký chính thức tháng 12-2018.

Đảng theo đuổi mục đích bài Do Thái, người nước ngoài và người đồng tính, chống nạo thai và áp dụng trở lại án tử hình; đề cao chủ nghĩa dân tộc, đưa Ba Lan ra khỏi EU, chỉ chấp nhận một liên minh châu Âu lỏng lẻo…

Trong cuộc bầu cử vừa qua, Liên Minh đạt được 6,8% phiếu bầu (1,25 triệu) với 11 dân biểu. Đây là lần đầu tiên, một đảng công khai quan điểm cực hữu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đạt được số phiếu quy ước 5% để có chân trong Quốc hội, một tín hiệu đáng lo ngại!

Cánh tả trở lại nghị trường

Năm 2015, lần đầu tiên từ sau năm 1991, đảng Liên Minh Cánh Tả (SLD) không đạt được tỷ lệ 5% để có mặt trong Quốc hội. Sau khi Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (đảng cộng sản) giải thể, những đảng viên cấp tiến của đảng đã đứng ra thành lập SLD, đảng đã 2 lần thắng cử và lập chính phủ.

Chính trong nhiệm kỳ 2001-2005, chính phủ của SLD đã đưa Ba Lan gia nhập EU vào tháng 5-2004. Trong 4 năm qua, trong nghị trường thiếu vắng tiếng nói của cánh tả, làm cho lực lượng đối lập với đảng cầm quyền bị hạn chế.

Tiến hành vận động bầu cử lần này, SLD đã vận động các cử tri trước đây đã từng ủng hộ mình, đồng thời thuyết phục xã hội, rằng trong tình hình chính trị hiện nay, Ba Lan cần một cánh tả.

Kết quả SLD được 12,56% với 49 dân biểu.

Bảng kết quả bầu cử

PiS 43,59% 235 dân biểu 48 thượng nghị sỹ

PO 27,59- 134 – 43 –

SLD 12,56- 49 – 0 –

PSL 8,55- 19 – 3 –

(Đảng Nông Dân)

Liên Minh 6,81- 11 – 0 –

Ứng viên tự do 0 – 6 –

Chính phủ của PiS sẽ tiếp tục cầm quyền trong nhiệm kỳ 4 năm tới. PiS sẽ tiếp tục theo chiều hướng dân túy và cứng rắn đối với EU. Nhưng chắc chắn PiS sẽ phải đối đầu với phe đối lập mạnh và cứng rắn hơn.

Hãy chờ xem những diễn biến chính trị sau bầu cử của Ba Lan.

Warszawa 30-10-2019

Đ.M.Đ.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Con đường dân chủ hóa. Bookmark the permalink.