BBC
Cuộc ‘khủng hoảng’ bãi Tư Chính mùa Hè năm 2019 như cách gọi của một số nhà phân tích đang đặt ra nhiều câu hỏi cho tam giác quan hệ Việt – Trung – Mỹ
Theo nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp từ Viện Iseas Yusof Ishak, Singapore: Hành động ở bãi Tư Chính và khu vực lân cận của Trung Quốc để ‘gây sức ép’ khiến Việt Nam không dám tăng cường quan hệ với Mỹ là một ‘sai lầm,’ vì Bắc Kinh càng ép thì Hà Nội càng có lý do để tăng cường quan hệ với Washington nhằm ‘cân bằng lại’ trước sức ép đó.
Hành xử được cho là ‘vô lối’ ở khu vực đối đầu trong hai tháng Bảy và Tám năm 2019 của Trung Quốc đang làm Việt Nam ‘xa’ Trung Quốc nhiều hơn nếu ‘nói một cách chính xác hơn’. Cũng nên nhắc lại là từ năm 2014, Trung Quốc đã ‘làm mất niềm tin chiến lược’ đối với Việt Nam.
Cũng theo TS L.H.Hiệp: “Tham vọng của Trung Quốc với Biển Đông đã tồn tại từ rất lâu rồi và được Trung Quốc theo đuổi một cách rất kiên định và họ xác định Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc. Chính vì vậy bất chấp những vấn đề rắc rối mà Trung Quốc đang gặp phải, tôi cho rằng họ vẫn có nguồn lực và sự quan tâm để tiếp tục theo đuổi các yêu sách của mình ở Biển Đông, trong đó có việc quấy nhiễu các vùng Biển của Việt Nam. Điều này đã xảy ra nhất quán từ trước tới nay với rất nhiều sự kiện khác nhau và vụ này cũng không hoàn toàn là mới về mặt tính chất so với những vụ trước đây.
Tuy nhiên, tôi cho rằng “hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển, nếu như để ép Việt Nam trong quan hệ Việt – Mỹ thì sẽ phản tác dụng”.
“Sai lầm, phản tác dụng”
Giải mã động cơ và tính toán của Trung Quốc đằng sau sự kiện, nhà nghiên cứu này nêu quan điểm: “Và bên cạnh đó cũng có thể kể tới các yếu tố ví dụ như là họ có thể muốn gửi tới các đối tác của Việt Nam, ví dụ như Nhật Bản hay Nga, hay là Mỹ v.v… đã tham gia cùng Việt Nam khai thác dầu; “Là sẽ không thể tiến hành các hợp tác đó một cách suôn sẻ trong bối cảnh mà Trung Quốc cũng đưa ra một yêu sách trong đàm phán về Bộ tư cách ứng xử trên Biển Đông (COC) là các nước tranh chấp không được phép hợp tác với các nước bên ngoài khu vực để mà khai thác tài nguyên ở Biển Đông nếu như không có sự đồng ý của Trung Quốc cũng như các nước ở trong khu vực, thì họ có thể muốn nhấn mạnh yêu sách đó.”
Cho rằng Trung Quốc còn có thông điệp khác với Việt Nam, nhưng có thể điều này lại có thể gây ra ‘phản tác dụng’ về mặt chính sách, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng: “Bên cạnh đó, thì cũng có thể họ muốn gửi một thông điệp tới Việt Nam là họ muốn Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh và thời gian qua có sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam, hay là có động thái là Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam về mặt chiến lược để gây sức ép lên Trung Quốc.
“Tôi cho rằng đây cũng có thể là động cơ khiến Trung Quốc tiến hành các hoạt động lần này, tuy nhiên nếu như hành động của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Việt Nam để cho Việt Nam không dám tăng cường với Mỹ, thì tôi tin rằng Trung Quốc sẽ sai lầm. “Tại vì Trung Quốc càng ép Việt Nam trên Biển Đông thì Việt Nam càng có lý do để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ để mà cân bằng lại sức ép đó từ phía Trung Quốc. Cho nên tôi cho rằng hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển, nếu như để ép Việt Nam trong quan hệ Việt – Mỹ thì sẽ phản tác dụng.
“Nó giống như là tác dụng của sự cố khủng hoảng Giàn khoan năm 2014. Sau sự cố đó Việt Nam cũng có lý do để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nhiều hơn và lần này tôi nghĩ cũng sẽ là như vậy”.
‘Đẩy Việt Nam ra xa’
Từ một góc nhìn khác, ngày 15/8 từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch Think Tank Việt và thành viên nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Anh quốc) nêu quan điểm của mình:
“Nói chính xác hơn, thì hành xử vô lối của Trung Quốc đang làm Việt Nam xa Trung Quốc nhiều hơn. Năm 2014, Trung Quốc đã làm mất niềm tin chiến lược đối với Việt Nam. Từ đó đến vụ bãi Tư Chính năm nay, mọi nỗ lực để làm cho “canh ngọt” trở lại, nước trà “ngon, đậm trở lại””, đều đã gần như vô ích! Hành xử của Trung Quốc như lúc này, làm cho Việt Nam nhận thức rõ hơn, tích cực hơn về việc Mỹ, trong khi bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này, thì cũng hợp tác và ủng hộ Việt Nam nhiều hơn, khi mà lợi ích của Mỹ và của Việt Nam có các phần chung. Việt Nam luôn chủ động, đúng như người ta vẫn nói, thì đương nhiên, không ai “đẩy” Việt Nam gần lại với Mỹ.
“Nhân đây, tôi cũng muốn nói đến Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 24/7/2019, trong đó coi Biển Đông là bộ phận lãnh thổ “không thể bị tách rời” của Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông bằng mọi giá, thì chắc chắn Trung Quốc đã tính toán đến các hành động không hòa bình.
“Dọa nạt, đe dọa sử dụng vũ lực… là các chỉ dấu màu xám báo hiệu các hành động không hòa bình! Việt Nam đang theo đuổi chính sách thực tiễn (realist), tức là chủ động tránh xung đột, trong khi vẫn giữ được lợi ích quốc gia của Việt Nam.
“Hy vọng rằng sẽ không có bất cứ nước nào dồn Việt Nam vào thế phải áp dụng chính sách thực dụng (realpolitik) để giáng trả đích đáng. Nói như vậy, ngoài lợi ích quốc gia là bất biến, mọi chính sách đều phải thay đổi sao cho lợi ích quốc gia được bảo đảm!”
Cần phải làm gì tiếp?
Nhân dịp này, tại hội luận Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ London, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn bình luận thêm về điều mà ông gọi là cuộc ‘khủng hoảng’ trên Biển Đông, liên quan quan hệ Trung Quốc và Việt Nam và điều mà Việt Nam cần lưu ý trong xử lý, ông nói: “Để giải quyết những khủng hoảng như thế này, theo tôi phải đẩy mạnh công tác truyền thông của nhà nước và muốn cho quốc tế ủng hộ Việt Nam, muốn cho các nhà bình luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, thì tự trí thức Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải được quyền lên tiếng một cách công khai để phản bác lại tất cả luận điểm sai trái của nhà nước Trung Quốc để họ xâm phạm chủ quyền của nhà nước Việt Nam”.
Cũng từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Biển Đông và luật gia Hoàng Việt nêu quan điểm với Bàn tròn: “Chính quyền Việt Nam cần phải xem xét lại chính sách đối ngoại, học thuyết đối ngoại của mình trên quan điểm thực tiễn đối với các quốc gia láng giềng của mình, đặc biệt là trong trường hợp này”.
Còn từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận thêm:
“Theo tôi chính phủ Việt Nam và các cơ quan chính quyền của Việt Nam nên ủng hộ những việc mà Philippines đang làm. Philippines họ làm tốt. Có thể là khác với ông tổng thống Rodrigo Duterte lúc này lúc kia, nhưng họ gác sự thắng lợi của họ trên vấn đề luật pháp sang một bên để xem phía Trung Quốc làm gì.
“Bây giờ Trung Quốc bí quá thì họ bắt Trung Quốc phải nói rõ, phải cho ý kiến. Việt Nam nên ủng hộ họ (Philippines) vấn đề này và Việt Nam cũng nên xin các cơ quan trên thế giới cho ý kiến về vụ mà Trung Quốc đang đưa tàu vào vùng duyên hải của Việt Nam và bãi Tư Chính v.v…
“Bởi vì chúng ta (Việt Nam) cần vận động thế giới. Nước lớn có thể dùng bạo lực, nước nhỏ nên khôn ngoan, nước nhỏ nên dùng luật pháp,” nhà nghiên cứu lịch sử và Trung Quốc học từ Mỹ nói với Bàn tròn thứ Năm.
BBC