Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: những bí mật chiến lược của Bắc Kinh

Ngọc Diệp giới thiệu  

http://nghiencuubiendong.vn/images/stories/000_hkg10245201.jpg

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện đang trong giai đoạn đỉnh điểm, ảnh hưởng tới không chỉ hai nước trong cuộc mà còn tới nhiều quốc gia khác. Với những tham vọng không chỉ dừng lại ở kinh tế, thương mại, Trung Quốc có những chiến lược bí mật nào để đối phó với Mỹ và tiến gần hơn tới mục đích của mình?

Ngày 5/8/2019, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 1994, phá giá đồng nhân dân tệ. Đồng tiền Trung Quốc vượt qua ngưỡng thấp nhất kể từ 11 năm qua, song người đứng đầu Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Liệu cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này có tiếp tục leo thang và tạo ra một cuộc chiến mới hay không? Trung Quốc có những chiến lược bí mật nào để đối phó với Mỹ? Bài trả lời phỏng vấn dưới đây của chuyên gia phân tích David Dollar thuộc Viện Brookings (Mỹ) và nhà kinh tế học người Pháp Antoine Brunet, đăng trên trang mạng Atlantico ngày 7/8, sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ nét về vấn đề này.

Atlantico: Nếu như người ta dễ dàng xác định được chiến lược của Washington trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thì chiến lược của Bắc Kinh lại rất mơ hồ. Vậy Trung Quốc sử dụng những vũ khí nào trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Antoine Brunet: Trước tiên chúng ta phải hiểu điều này: Donald Trump và Cố vấn thương mại của ông, Peter Navarro, đã nhận ra rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là kết quả của chiến lược trọng thương mà Trung Quốc đã thực hiện thành công để đạt được thặng dư lớn trong thương mại. Chiến lược này được bắt đầu từ những năm 1990, trở nên rõ rệt vào năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và đã “ghi điểm” rất lớn vào năm 2008 khi Trung Quốc gián tiếp gây ra cuộc đại suy thoái ở các nước phương Tây.

Với việc phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc kể từ tháng 3/2018, Donald Trump không nhằm mục đích gì hơn là ngăn chặn chiến lược trọng thương của Trung Quốc. Kể từ đó, người ta chứng kiến hai thế đối đầu nhau: Washington muốn giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chống lại điều này và muốn duy trì mức thặng dư khổng lồ. Washington áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm sản xuất tại Mỹ để trả đũa.

Lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thấp hơn 4 lần so với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nên tác động của thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ lớn hơn so với tác động đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Do vậy, Trung Quốc đã áp dụng thêm hai hình thức trả đũa khác đối với Mỹ – đưa ra hạn ngạch nhập khẩu khắt khe đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và phá giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD.

David Dollar: Chiến lược tổng thể của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ gồm 3 chiến lược nhỏ. Thứ nhất, Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế, một chiến lược vẫn được nước này bám sát và duy trì. Thứ hai, Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Washington trong khía cạnh kinh tế. Do vậy, Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc sẽ không tha thứ cho hành động răn đe từ Mỹ hay từ bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu Washington áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng sẽ làm tương tự với Mỹ.

Atlantico: Dù ít có những động thái lộ liễu hơn Donald Trump, Tập Cận Bình vẫn có những vũ khí chính trị và kinh tế để đối đầu với Mỹ, đặc biệt là khả năng kiểm soát tiền tệ. Cụ thể, Trung Quốc đã sử dụng những vũ khí đó như thế nào?

Antoine Brunet: Trước hết, với hành vi gần đây của Bắc Kinh, các nhà kinh tế truyền thống cuối cùng cũng thừa nhận điều mà lâu nay họ đã phủ nhận: Trung Quốc đã định giá thấp đồng nhân dân tệ trên quy mô lớn kể từ năm 1994, giống như việc nước này đã áp dụng biện pháp bảo hộ thuế quan. Có thể khẳng định rằng việc Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân trong suốt 25 năm qua chẳng khác nào biện pháp vững chắc bảo vệ thuế quan mà Bắc Kinh áp dụng để đối phó với hàng hóa sản xuất tại Mỹ hoặc châu Âu.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đáp trả các biện pháp trừng phạt thuế quan của Nga bằng việc thao túng tỷ giá đồng nhân dân tệ. Điều này giải thích tại sao bất chấp việc Donald Trump áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này vẫn không giảm, mà còn tăng trở lại: Trong 6 tháng đầu năm 2019, thặng dư thương mại tính theo năm của Trung Quốc đạt khoảng 500 tỷ USD.

Có thể kết luận rằng Trung Quốc gần như có thể “miễn nhiễm” trước bất kỳ phản ứng nào của Mỹ. Trước việc Trung Quốc đáp trả gấp đôi trước mỗi động thái của Mỹ, Washington đã phải dùng đến vũ khí siêu đẳng – đó là thiết lập hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc: Trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa Trung Quốc gây bất ổn cho Mỹ (và các quốc gia khác), Mỹ đã đi đến quyết định cấm hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ.

David Dollar: Theo tôi, Trung Quốc được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại này vì chiến lược của họ thực tế lại rất rõ ràng và Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận những hậu quả của cuộc đối đầu kinh tế với Washington. Đồng thời, những hậu quả bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc không ngăn cản được Bắc Kinh giữ vững lập trường của họ, cũng như không trở thành vật cản khiến họ không làm điều tương tự với Mỹ.

Việc chấp nhận phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ là một biện pháp phòng thủ đối với Bắc Kinh, mà còn là động thái nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Donald Trump. Tập Cận Bình tìm cách để Donald Trump hiểu rằng cả chính sách lẫn sức nặng kinh tế của Mỹ đều không làm ông ta sợ.

Mặt khác, không thể phủ nhận rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên đáng lo ngại và nguy hiểm. Trước tình hình này, Chính quyền Washington phải quyết định: hoặc cần cứng rắn hơn nữa trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hoặc chấp nhận thảo luận với Bắc Kinh để tìm ra, nếu không phải là một thỏa thuận, thì ít nhất cũng là một thỏa hiệp có thể làm hài lòng cả hai nước.

Atlantico: Phải chăng thái độ của Bắc Kinh phản ánh một chiến lược vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đi xa tới tới mức nào?

David Dollar: Cách tiếp cận của Trung Quốc trong khía cạnh kinh tế phù hợp với cách thức ứng xử của nước này với Mỹ và phần còn lại của thế giới. Trung Quốc muốn được coi là một trong những cường quốc lớn nhất thế giới và sẵn sàng hợp tác với Mỹ, châu Âu và phần còn lại của thế giới nếu sự hợp tác này diễn ra trong thế bình đẳng. Tuy nhiên, việc công nhận Trung Quốc là một cường quốc thế giới là một việc không dễ dàng đối với các nước phương Tây.

Antoine Brunet: Chiến lược thống trị thương mại của Trung Quốc là nền tảng thiết yếu của một chiến lược đa chiều và thực sự rộng lớn hơn nhiều, một chiến lược đế quốc nhằm thay thế vị trí dẫn đầu của Mỹ. Cụ thể:

Nhờ những thặng dư thương mại khổng lồ, Trung Quốc không ngừng tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu công nghệ, phát triển các công nghệ mũi nhọn, thực hiện các cuộc tấn công mạng và các hành vi gián điệp đối với các nước đối thủ.

Những tiến bộ công nghệ đã cho phép Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hóa. Tiến trình công nghiệp hóa được Trung Quốc thực hiện đối với mọi lĩnh vực ngành nghề: thép, truyền hình, thiết bị gia dụng, máy tính, tuabin gió, các tấm pin mặt trời, điện thoại, robot và kỹ thuật số, chất bán dẫn…

Nguồn tài chính khổng lồ mà thặng dư thương mại mang lại cho Trung Quốc cũng cho phép nước này khai thác tất cả nguồn tài nguyên khan hiếm trên hành tinh. Nhờ khả năng trả giá đấu thầu cao hơn, Trung Quốc đã chiếm hữu nhiều đất nông nghiệp màu mỡ (ở châu Phi, Mỹ Latinh và thậm chí cả Pháp), cũng như nhiều mỏ kim loại và đất hiếm. Trên cơ sở đó, Trung Quốc đã bóp nghẹt các doanh nghiệp phương Tây phụ thuộc vào nguồn cung kim loại và đất hiếm của Trung Quốc.

Mặt khác, nhờ vào mức thặng dư thương mại lớn mà Trung Quốc còn có thể xây dựng một chính sách ngoại giao nhằm củng cố vị thế quốc tế của mình. Thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc thực hiện các dự án tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài – vốn được Trung Quốc xem như là một khoản đầu tư để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Chính phủ Trung Quốc và chính phủ của các nước tiếp nhận. Bằng cách cung cấp những khoản vay, Trung Quốc đã có được lợi ích ngoại giao thông qua việc thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia cụ thể. Đó là điều mà Trung Quốc đạt được và nó không thể hiện bằng tiền. Có thể thấy rằng nhờ sáng kiến này, Trung Quốc đã có ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều nước châu Âu (như Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và các nước Đông Âu), cũng như các nước Trung Á (như Kazakhstan, Pakistan). Nhưng Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Đến nay, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã vươn tới cả các nước Nam Á, các nước châu Phi và các nước Mỹ Latinh.

Thặng dư thương mại gia tăng cũng cho phép Trung Quốc phát triển các chương trình phát triển vũ khí và chương trình vũ trụ rất tham vọng, và hoạt động này đang được Trung Quốc nỗ lực đầu tư.

Cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng chống lại Bắc Kinh thực sự là một cuộc chiến liên quan tới an ninh quốc gia của Mỹ, và các nước lớn khác nên quan tâm đến cuộc chiến này. Trung Quốc có thặng dư thương mại 500 tỷ USD thực sự đồng nghĩa với việc mối đe dọa từ quốc gia này có thể tác động mạnh mẽ tới cả Mỹ và các nước lớn khác.

Bài phỏng vấn với David Dollar- chuyên gia phân tích thuộc Viện Brookings (Mỹ) và Antoine Brunet- nhà kinh tế học người Pháp, đăng trên trang Atlantico.

N.D.

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/7246-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-nhung-bi-mat-chien-luoc-cua-bac-kinh

This entry was posted in Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.