Việt Nam đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội kiện Trung Quốc?

Phạm Chí Dũng

Tàu thám hiểm “Hải Dương Địa Chất 8” của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)

Chỉ tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp – một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn thẳng tay đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.

‘Tổng tịch’ nói gì?

Mùa mưa bão tháng 7 năm 2019, một lần nữa cơn sóng lừng mang tên Hải Dương của Trung Quốc lại chực chồm lên ‘thuyền nan đòi ra biển lớn’ của Hà Nội, áp thể chế này vào cái thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước – thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam – đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.

Người ta cũng không khỏi xót ruột khi chứng kiến hình ảnh ‘tái xuất’ của nhân vật ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vào đúng thời điểm tàu thăm dò địa chất Hải Dương – 8 và nhiều tàu hải cảnh hộ vệ của Trung Quốc vẫn vờn qua vờn lại ngay trong vùng lãnh hải Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, còn hàng đàn máy bay SU-35 của Trung Quốc thi nhau diễu hành ở Biển Đông, nhưng trên phương diện cần có những phát ngôn công khai để thông tin về cái gì đang xảy ra, hay dù chỉ để trấn an dư luận, thì Trọng lại tuyệt đối nín lặng.

Thay vào đó, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ gặp gỡ ‘100 cán bộ công đoàn tiêu biểu’ với lời nhắc nhở “Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.

Dù không một lời dám đả động đến vụ Hải Dương – 8 và cái cách mà Tập Cận Bình đang chễm chệ ngự ngay trong ngôi nhà Việt Nam không cần phải xin phép, Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã đủ can đảm ám chỉ đến vụ gây rối mang tính bạo động của công nhân – được dẫn dắt và chỉ huy bởi những kẻ giang hồ không rõ danh tính và có thể chẳng bao giờ được công an tiết lộ danh tính – hung hãn lao vào đập phá các nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp ở hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai vào tháng 5 năm 2014, như một cách phản ứng có bàn tay ngầm chỉ đạo, nhưng không rõ là thuận hay nghịch với vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào vùng hải phận của Việt Nam trên Biển Đông như một cái tát tai nảy lửa vào mặt toàn bộ Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Sau đó, mọi thứ chìm vào im lặng… Một không khí im lặng của bất lực trước kẻ thù nhưng bất cần trước dân chúng.

Người Philippines quỳ hay đứng?

Trong vụ Hải Dương 981, Bộ Chính trị Việt Nam – nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines theo một đề nghị của Manila về cùng đối phó Trung Quốc – vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.

Song hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” Trung Quốc mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.

Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên Hiệp Quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tháng 8 năm 2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó, Bắc Kinh đã không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.

Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Sau vụ “bắt Trung Quốc” trên, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội: Philippines đã chính thức kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã giành được thắng lợi.

Nhưng hoàn toàn tương phản với thế đứng dũng mãnh của người Phi, từ đó tới nay giới chóp bu Việt Nam đã không có bất cứ động tác đủ kiên quyết nào kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về “Đường lưỡi bò”. Về thực chất, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.

Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai chính thể Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” của loa tuyên giáo mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.

‘Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu…’

Khi không khí “kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế” đã dần lịm tăm, những tin tức về ngư dân Việt Nam bị phá sản lại càng lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.

Rất nhiều lần người dân phải gào lên: Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đầy “dũng khí bám bờ” như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển. Cái cách mà thỉnh thoảng chính quyền lại tặng/phát cờ đỏ sao vàng cho ngư dân bị xem là hình ảnh bôi bác nhất về tinh thần ‘bảo vệ Tổ quốc’.

Vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vụ Bãi Tư Chính các năm 2017, 2018 và giờ đây là 2019…, nhưng vẫn chẳng có bất kỳ dấu hiệu đáng được tin cậy nào cho thấy ‘đảng em’ Việt Nam dám lôi bộ hồ sơ từ ngăn kéo đầy bụi để đệ trình ra tòa án quốc tế để kiện ‘đảng anh’ Trung Quốc.

 Trong lúc đó, ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ ở phương Bắc – như cách ca tụng ngút ngàn mây xanh của giới chóp bu Việt Nam cùng phụ họa bởi những quan chức ‘cõng rắn cắn gà nhà’ nhưng luôn giấu biệt mặt mũi, vẫn không ngớt hành hạ tinh thần và thể xác của ‘đứa con hoang đàng’ – một cụm từ miệt thị khinh bỉ mà Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc là Dương Khiết Trì đã dùng để đặc tả những kẻ chỉ biết đi và nhận thức bằng đầu gối ngay tại Hà Nội vào năm 2014.

Giờ đây, trên khắp rẻo đất ‘lệ tuôn hình chữ S’ chỉ còn sôi réo câu vè dân gian ‘Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động’…

P.C.D.

Tác giả gửi BV 

This entry was posted in Kiện Trung Quốc. Bookmark the permalink.