Bạch thư quốc phòng Trung Quốc nói gì?

Phạm Phú Khải

Hải quân Trung Quốc. Hình minh họa.

Ngày 24 tháng Bảy tuần qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố bạch thư về chiến lược quốc phòng. Bạch thư lần trước được công bố cách đây hơn bốn năm, tháng Năm 2015. Trước đó nữa là tháng Tư 2013, tháng Ba 2011, và tháng Giêng 2009.

Bạch thư dài gần 18 ngàn chữ, 51 trang này, nếu đọc nhanh và khái quát thì mất cũng gần hai tiếng [*]. Đọc chậm và kỹ thì chừng bốn năm tiếng. Còn đọc để nắm bắt các thông điệp của họ, qua những gì được viết trong bản văn này, cũng như những gì không trình bày, thì thời gian là vô hạn. Nó không chỉ mất cả đời người mà còn cả bề dài lịch sử của bao thế hệ và bao xương máu đổ xuống của những dân tộc từng bị họ xâm chiếm cả ngàn năm.

Những chủ tâm hoặc tham vọng thật sự của Trung Quốc thì chắc chắn họ không công bố trong bất cứ văn bản công khai nào.

Về tình hình an ninh quốc tế, bạch thư này nhận định sự cạnh tranh chiến lược quốc tế đang ngày càng gia tăng. Bạch thư cho rằng Hoa Kỳ đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia, sử dụng các chính sách đơn phương, kích động và tăng cường cạnh tranh giữa các nước, gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy thêm năng lực về hạt nhân, ngoài vũ trụ, phòng thủ mạng và tên lửa, phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu, v.v. Ngoài Hoa Kỳ thì bạch thư cũng nhận định về vị thế và chủ trương của NATO, Nga, Liên hiệp Âu châu, ASEAN, Nhật, Ấn Độ, Úc…

Đứng trước các thử thách này, bạch thư cho biết Trung Quốc sẽ lấy quyết định chiến lược đi theo con đường phát triển trong hòa bình, đề cao chính sách ngoại giao độc lập của hòa bình, và dựa vào truyền thống văn hóa tốt nhất mà luôn xem hòa bình và hòa hợp là nền tảng. Bạch thư cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ tự trong bản chất.

Nhưng khi bạch thư nói đến mục tiêu thì không biết giá trị hòa bình đặt ở đâu. Bạch thư cho biết mục tiêu của chính sách quốc phòng Trung Quốc là ngăn cản và chống lại tính gây hấn; bảo vệ an ninh chính trị quốc gia, an ninh của người dân và ổn định xã hội; phản đối và ngăn chặn sự độc lập của Đài Loan; đàn áp các thành phần ủng hộ phong trào ly khai như “Độc lập Tây Tạng” và sự hình thành “Đông Turkistan”, tức người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur)…; bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, v.v.

Bạch thư biện luận người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình. Bạch thư cho rằng từ thời hiện đại bắt đầu, người dân Trung Quốc đã là nạn nhân của sự gây hấn và chiến tranh, nên hiểu được giá trị của hòa bình và nhu cầu tha thiết để phát triển. Do đó nên Trung Quốc sẽ không bao giờ gây ra những đau thương này đối với các quốc gia khác. Bạch thư xác định trong 70 năm qua từ khi thành lập, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không bao giờ gây chiến hay xung đột. Bạch thư còn phản ảnh rằng một quốc gia có thể trở nên mạnh mẽ, nhưng tính hiếu chiến sẽ dẫn đến sự hủy hoại của chính nó. Cho nên bạch thư khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn bá chủ/quyền, bành trướng hay tìm các gia tăng ảnh hưởng cả.

Tuy “yêu chuộng” hòa bình như thế, bạch thư khẳng định rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army/PLA) “sẽ kiên quyết đánh bại bất cứ ai cố gắng tách Đài Loan khỏi Trung Quốc và bảo vệ sự thống nhất quốc gia bằng mọi giá”.

Bạch thư nhấn mạnh rằng các tranh chấp hải phận tại Biển Đông (hay Biển Nam Trung Quốc/South China Sea) và đảng Diaoyu (bên Nhật gọi là Senkak) là các phần không thể tách rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc.

Nói chung bạch thư này tô vẽ một đất nước Trung Quốc mẫu mực và thánh thiện, yêu chuộng hòa bình, không muốn gây hấn, nhưng rất kiên quyết với mọi thành phần nào đụng đến quyền lợi của họ. Mà quyền lợi của họ, của 1,4 tỷ dân số này, thì hầu như ai cũng biết là nó bao la và vô hạn định.

Đọc chỉ chừng đó thôi cũng đủ choáng váng hay chóng mặt rồi. Thảo nào ông Dennis J. Blasko, một trung tá về hưu của quân đội Hoa Kỳ, từng là tùy viên quân sự tại Bắc Kinh và Hồng Kông từ năm 1992 đến 1996, có viết bài phân tích trên Lowy Institute, được nhiều người đọc. Theo Blasko thì người đọc bạch thư này nếu có nhức đầu thì cũng nên được thông cảm/bỏ qua khi họ phải đọc các nhận định mâu thuẫn từ đoạn này sang đoạn khác, mặc dầu nỗ lực của Bắc Kinh là giúp cho “cộng đồng quốc tế hiểu thêm về chiến lược quốc phòng của Trung Quốc”. Theo ông Blasko nhận xét thì rất ít, nếu có, cộng đồng quốc tế nào sẽ đổi chiều vì đọc bản văn này. Ông Blasko kết luận: “Bạch thư chứa đủ các món ngon khác hầu cân bằng giá phải trả cho thuốc aspirin để đối phó với chứng chóng mặt mà nó gây ra”.

Một trong các mục tiêu chính của bạch thư là để tìm cách thuyết phục cộng đồng thế giới rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục trổi dậy trong hòa bình, và sự cạnh tranh với Hoa Kỳ có những mặt lợi cho cả hai nước, mà không nhất thiết phải đưa đến xung đột hay chiến tranh, nếu biết kiềm chế những rủi ro đến từ sự cạnh tranh này.

Một số thông tin hay nhận định nêu trên trong bạch thư này rõ ràng coi thường sự hiểu biết của người khác. Chẳng hạn, Trung Quốc không bao giờ muốn bá chủ/quyền; không bao giờ gây chiến hay xung đột trong 70 năm qua (chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam là gì?); ngân sách quốc phòng của họ chỉ chiếm 1,28 phần trăm GDP (5,26 phần trăm ngân sách chính quyền, thấp nhất so với các quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc).

Những người tìm đến các thông tin đa chiều đều biết rằng những thông tin, dữ liệu từ Trung Quốc không khả tín, thường bị bóp méo, thổi phồng hoặc bưng bít, cho mục tiêu chính trị, kể cả con số GDP của họ. Họ viết lại sử và các sách giáo khoa để thế hệ Trung Quốc hôm nay và mai sau, cũng như những ai không phải công dân nhưng tiếp cận với sách vở chính thống của họ, hay học tiếng Hán và văn hóa qua các Viện Khổng Tử, có cái nhìn tích cực về Trung Quốc như Bắc Kinh mong muốn.

Trong các thể chế dân chủ, các bạch thư về chính sách ngoại giao hay quốc phòng của Anh, Úc, Mỹ… trước khi thực hiện thì phải tham khảo với hầu như mọi thành phần trong xã hội, từ những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực liên hệ, và các tổ chức xã hội dân sự đa nguyên, cho đến mọi thành phần công chúng quan tâm đến nền chính trị quốc gia. Do đó các văn kiện này thường phản ảnh sâu sắc và đích thực vấn đề mà quốc gia đang đối diện, cũng như các chính sách và chiến lược cốt lõi để làm chuẩn mực hướng dẫn hành động của quốc gia trong tương lai. Các bạch thư loại này nếu không nói đầy đủ, không thể hiện hết các tư tưởng và động cơ, thì nó cũng không viết để lường gạt người khác, bởi tất cả những người thực hiện và liên hệ đều phải chịu trách nhiệm giải trình.

Trong khi đó, một nhà nước độc đảng độc quyền như Trung Quốc thì không bao giờ thấy có nhu cầu gì phải thực hiện theo tiến trình như thế.

Thêm vào đó, một văn hóa chính trị không hề hiện hữu tiêu chí minh bạch hay trách nhiệm giải trình, và xem lừa dối trí trá là biện pháp tối ưu để đánh gục đối thủ, thì người đọc bản văn này cần phải dùng nhiều lăng kính và tiêu chí khác nhau để hiểu được các ý nghĩa đằng sau gần 18 ngàn chữ này.

Những ai quan tâm nên đọc Bạch thư Quốc phòng Trung Quốc này. Nhưng cần phải đọc giữa các chữ, hàng chữ, và giữa các đoạn văn, và đừng quên sử dụng tư duy phản biện (suy nghĩ phê phán), cùng với liều thuốc aspirin chống nhức đầu, như Blasko đề nghị, để thấy sự nhất quán, hay thiếu nhất quán đến độ mâu thuẫn, của lãnh đạo Bắc Kinh. Như chính tư duy và cung cách hành xử của họ tại Bãi Tư Chính mới đây, về vấn đề Biển Đông, hay bao nhiêu điều khác từ hàng ngàn năm qua.

Chú thích:

[*] Theo VOA Anh ngữ thì bản văn này dài 27 ngàn chữ, trong khi tôi kiểm chứng cũng bản này trên báo XinHuaNet và từ mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cả hai đều dưới 18 ngàn chữ.

P.P.K.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/bach-thu-quoc-phong-trung–gquoc-noii/5019979.html

This entry was posted in Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Bookmark the permalink.