Andreas Wimmer, “Foreign Affairs,” March/April 2019
Trần Ngọc Cư dịch
Phần I
Ngày nay chủ nghĩa dân tộc [nationalism] mang một tiếng xấu. Trong đầu óc nhiều trí thức phương Tây, đấy là một ý thức hệ nguy hiểm. Một số người nhìn nhận những đức tính của chủ nghĩa yêu nước [patriotism] được hiểu như là tình quyến luyến dịu hiền đối với quê hương; đồng thời họ thấy chủ nghĩa dân tộc là hẹp hòi và vô luân, cổ vũ lòng trung thành mù quáng với một nước, bất chấp các cam kết sâu sắc đối với công lý và nhân loại. Trong một diễn từ đọc vào tháng Giêng 2019 trước ngoại giao đoàn tại nước ông, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đưa ra quan điểm này bằng những từ rõ rệt: “Chủ nghĩa dân tộc,” ông nói, “là một thuốc độc ý thức hệ”.
Trong những năm gần đây, những nhà chính trị dân tuý [populists] khắp phương Tây tìm cách đảo ngược trật tự đạo lý này. Họ hãnh diện khoác lên chiếc áo chủ nghĩa dân tộc, hứa hẹn bảo vệ lợi ích của đa số nhằm chống lại các nhóm thiểu số nhập cư và giới tinh hoa xa rời đại chúng. Trong khi đó, những người chỉ trích họ vẫn bám vào sự phân biệt cố hữu giữa chủ nghĩa dân tộc độc hại [malign nationalism] và chủ nghĩa yêu nước quí báu [worthy patriotism]. Trong một lời đả kích không mấy che đậy nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, người tự xưng theo chủ nghĩa dân tộc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tháng Mười Một vừa qua rằng “chủ nghĩa dân tộc là một sự phản bội đối với chủ nghĩa yêu nước”.
Sự phân biệt thịnh hành giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc phản ánh sự phân biệt được các học giả dùng để đối chiếu chủ nghĩa dân tộc “công dân” [civic nationalism], theo đó mọi công dân, bất luận thuộc về thành phần văn hoá nào, đều được coi là thành viên của dân tộc, so với chủ nghĩa dân tộc “sắc tộc” [ethnic nationalism] trong đó tổ tiên và ngôn ngữ quyết đinh bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, các nỗ lực vạch ra một đường ranh rạch ròi giữa chủ nghĩa yêu nước tốt đẹp và chủ nghĩa dân tộc sắc tộc xấu xa đã bỏ qua gốc rễ chung của cả hai. Chủ nghĩa yêu nước là một dạng của chủ nghĩa dân tộc. Chúng là anh em ý thức hệ, chứ không phải là những người bà con xa.
Trong cốt lõi, mọi dạng thức dân tộc chủ nghĩa đều có chung hai nguyên tắc cơ bản: một là, các thành viên của dân tộc, được quan niệm như là một tập thể gồm các công dân bình đẳng, có chung một lịch sử và định mệnh chính trị tương lai, phải làm chủ quốc gia của mình, và hai là, họ phải hành xử như vậy vì quyền lợi của dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc, vì thế, chống lại sự cai trị bởi ngoại bang nghĩa là bởi thành viên của các dân tộc khác, như diễn ra tại các đế quốc thực dân hay nhiều nước vương triều [dynastic kingdoms]. Chủ nghĩa dân tộc cũng chống lại những nhà cai trị coi thường viễn ảnh tương lai và nhu cầu của đa số dân chúng.
Trong hai thế kỷ qua, chủ nghĩa dân tộc đã kết hợp đủ mọi cung cách với các ý thức hệ chính trị khác. Chủ nghĩa dân tộc tự do-bình đẳng đã phát triển mạnh tại Châu Âu Thế kỷ 19 và Châu Mỹ La tinh, chủ nghĩa dân tộc Phát xít giành thắng lợi tại Ý và Đức trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, và chủ nghĩa dân tộc Mác xít đã thúc đẩy các phong trào chống thực dân khắp “Miền Nam kém phát triển của địa cầu” khi Thế chiến II vừa chấm dứt.
Ngày nay, gần như mọi người, cánh tả cũng như cánh hữu, đều chấp nhận tính chính đáng [legitimacy] của hai nguyên tắc cơ bản nói trên của chủ nghĩa dân tộc. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi ta đối chiếu chủ nghĩa dân tộc với các học thuyết khác về sự hợp pháp của một quốc gia.
Trong các thể chế thần quyền, quốc gia được cai trị nhân danh Thượng đế, như tại Vatican hay chế độ giáo chủ Quốc gia Hồi giáo (hay ISIS). Trong những nước vương triều, quốc gia thuộc về và được cai trị bởi một gia đình, như tại Saudi Arabia. Tại Liên Xô trước đây, quốc gia từng được cai trị trên danh nghĩa một giai cấp: giai cấp vô sản quốc tế.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, thế giới đã trở thành một thế giới của những quốc gia-dân tộc [nation-states] được điều hành theo các nguyên tắc dân tộc chủ nghĩa. Đồng hoá chủ nghĩa dân tộc đặc biệt với xu thế chính trị hữu khuynh [the political right] tức là hiểu lầm bản chất của chủ nghĩa dân tộc và bỏ qua sự kiện chủ nghĩa dân tộc đã ảnh hưởng lên hầu hết các ý thức hệ chính trị một cách sâu sắc như thế nào, kể cả các ý hệ tự do-bình đẳng và tiến bộ. Chủ nghĩa dân tộc đã tạo nền móng ý thức hệ cho các định chế như thể chế dân chủ, nhà nước phúc lợi, và giáo dục công, tất cả những thực thể này được biện minh trên danh nghĩa một dân tộc thống nhất có một ý thức chung về mục đích và nghĩa vụ đối với nhau [a shared sense of purpose and mutual obligation]. Chủ nghĩa dân tộc là một trong những lực tác động vĩ đại đã giúp đánh bại Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật. Và các nhà tranh đấu theo chủ nghĩa dân tộc đã giải phóng đại đa số nhân loại khỏi ách thực dân Âu Châu.
Chủ nghĩa dân tộc không phải là một tình tự phi lý có thể loại bỏ khỏi chính trị đương đại bằng một chính sách giáo dục khai mở dân trí; nó là một trong những nguyên lý nền tảng của thế giới hiện đại và được chấp nhận rộng rãi hơn những người bác bỏ chủ nghĩa này nhìn nhận. Có người Mỹ nào chịu chấp nhận sự cai trị của giới quí tộc Pháp không? Có người Nigeria nào muốn công khai kêu gọi người Anh trở lại đô hộ họ không?
Với rất ít ngoại lệ, ngày nay tất cả chúng ta đều là những người dân tộc chủ nghĩa.
*
Phần II
SỰ RA ĐỜI CỦA DÂN TỘC
Chủ nghĩa dân tộc là một phát kiến tương đối gần đây. Vào năm 1750, các đế chế đa dân tộc [multinational empires] rộng lớn – Áo, Anh, Trung Hoa, Pháp, Ottoma, Nga, và Tây Ban Nha – ngự trị hầu hết thế giới. Nhưng sau đó xảy ra cuộc cách mạng Mỹ năm 1775 và cách mạng Pháp năm 1789. Học thuyết chủ nghĩa dân tộc – hay chế độ cai trị nhân danh người dân theo ý nghĩa dân tộc – dần dần lan rộng khắp địa cầu. Trong hai thế kỷ sau đó, các đế chế lần lượt tan rã, biến thành một chuỗi các quốc gia-dân tộc [nation-states]. Năm 1900, khoảng 35 phần trăm diện tích địa cầu được các nhà nước-dân tộc cai trị; khoảng năm 1950, con số tỉ lệ đã lên đến 70 phần trăm. Ngày nay trên thế giới chỉ còn dăm bảy nhà nước vương triều và chế độ thần quyền.
Chủ nghĩa dân tộc phát xuất từ đâu, và tại sao nó được lòng dân đến thế?
Chủ nghĩa này có gốc rễ từ lúc Châu Âu bắt đầu bước vào thời kỳ hiện đại – khoảng Thế kỷ 16 đến Thế kỷ 18 – mang đặc tính của các cuộc chiến tranh ác liệt giữa các nhà nước quan liêu ngày một tập trung cao độ. Khoảng cuối Thế kỷ 19, những nhà nước này gần như đã thay thế các định chế khác (chẳng hạn các giáo hội) để đóng vai trò cung cấp các công ích quan trọng trong lãnh thổ của họ, và trước đó họ đã loại bỏ hay kết nạp các trung tâm quyền lực kềnh cựa nhau, như giới quí tộc độc lập chẳng hạn. Hơn nữa, nỗ lực tập trung quyền lực đã thúc đẩy việc sử dụng rộng lớn một ngôn ngữ chung trong mỗi quốc gia, chí ít giữa những người biết chữ, và cung cấp một điểm hội tụ chung cho các tổ chức xã hội dân sự đang xuất hiện, những tổ chức này sau đó lại bắt đầu quan tâm đến các vấn đề quốc gia.
Hệ thống gồm nhiều quốc gia tranh giành quyền lực và hiếu chiến tại Châu Âu đã thúc đẩy các vua chúa ngày càng gia tăng thu thuế từ dân chúng và nới rộng vai trò của giới bình dân [commoners] trong quân đội. Sự kiện này, do đó, đã cho giới bình dân một lợi thế để đòi hỏi từ vua chúa quyền tham gia chính trị rộng lớn hơn, quyền bình đẳng trước pháp luật, và việc cung cấp các lợi ích công cộng tốt hơn.
Nhiên hậu, một khế ước mới bắt đầu xuất hiện: vua chúa phải cai trị vì lợi ích của dân chúng, và bao lâu họ còn làm như thế thì người dân có bổn phận phải trung thành với họ về mặt chính trị, phải đi lính và đóng thuế. Chủ nghĩa dân tộc cùng một lúc phản ánh và biện minh cho khế ước mới này. Nó chủ trương cả người cai trị lẫn người được cai trị phải thuộc về một dân tộc và do đó có cùng một nguồn gốc lịch sử và định mệnh chính trị tương lai. Tầng lớp tinh hoa chính trị sẽ chăm sóc lợi ích của người dân bình thường chứ không phải chỉ vì lợi ích của một triều đại.
Tại sao mô hình nhà nước mới này có sức thu hút đến thế?
Những quốc gia-dân tộc đầu tiên – Pháp, Hoà Lan, Anh, và Mỹ – nhanh chóng trở nên hùng mạnh hơn các nước vương triều và các đế chế. Chủ nghĩa dân tộc cho phép các nhà cai trị thu thuế nhiều hơn từ người dân và dựa vào sự trung thành chính trị của họ. Có lẽ điều quan trọng hơn cả là, các quốc gia-dân tộc chứng tỏ có khả năng đánh bại các đế chế trên chiến trường. Chế độ trưng binh phổ quát [quân dịch] – phát kiến của chính phủ cách mạng Pháp – cho phép các nhà nước-dân tộc tuyển mộ những đạo quân hùng hậu, trong đó người lính cảm thấy phấn khởi chiến đấu vì tổ quốc của mình. Từ 1816 đến 2001, các quốc gia-dân tộc thắng khoảng từ 70 đến 90 phần trăm các cuộc chiến của họ chống lại các đế quốc và các nhà nước vương triều.
Khi các quốc gia-dân tộc Phương Tây và Hiệp Chúng Quốc bắt đầu khống chế hệ thống quốc tế, giới lãnh đạo đầy tham vọng khắp thế giới tìm cách đuổi kịp quyền lực quân sự và kinh tế của Phương Tây bằng cách bắt chước mô hình chính trị dân tộc chủ nghĩa của họ. Có lẽ ví dụ điển hình nổi tiếng nhất là Nhật Bản, trong đó một nhóm quí tộc trẻ đã lật đổ chế độ quí tộc phong kiến, rồi tập trung quyền lực trong tay Nhật hoàng, và lao vào một chương trình đầy tham vọng để chuyển hoá Nhật Bản thành một quốc gia-dân tộc công nghiệp hoá, hiện đại – một thời kỳ phát triển được mệnh danh là cuộc Duy Tân Minh Trị. Chỉ trong vòng một thế hệ sau, Nhật Bản đủ sức thách thức sức mạnh quân sự của Phương Tây tại Đông Á.
Nhưng, chủ nghĩa dân tộc không những bành trướng vì nó hấp dẫn giới lãnh đạo chính trị. Nó còn thu hút người bình dân, vì nhà nước-dân tộc cống hiến một quan hệ tương tác giữa dân với chính phủ tốt đẹp hơn bất cứ mô hình nhà nước nào trước đó đã cống hiến. Thay vì các quyền dân sự được xếp theo đẳng cấp dựa vào địa vị xã hội, chủ nghĩa dân tộc hứa hẹn quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thay vì giới hạn quyền lãnh đạo chính trị vào giới quý tộc, chủ nghĩa dân tộc mở rộng sự nghiệp chính trị cho người bình dân có tài năng. Thay vì giao việc cung cấp lợi ích công cộng cho các phường, hội, làng xã, cơ sở tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc vận dụng quyền lực nhà nước hiện đại vào việc thúc đẩy lợi ích công cộng. Và thay vì kéo dài mãi sự khinh thị của giới tinh hoa dành cho quần chúng thất học, chủ nghĩa dân tộc nâng cao địa vị người bình dân bằng cách coi họ là gốc rễ mới của chủ quyền quốc gia và bằng cách đưa văn hoá đại chúng vào trung tâm của một vũ trụ tượng trưng.
*
Phần III
CÁC LỢI ÍCH CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
Tại các nước mà khế ước dân tộc chủ nghĩa [nationalist compact] giữa các nhà lãnh đạo [the rulers] và người dân [the ruled] được thể hiện rõ ràng, thì dân chúng bắt đầu đồng hoá ý niệm quốc gia với một đại gia đình trong đó các thành viên phải trung thành và nâng đỡ lẫn nhau. Nghĩa là, nơi nào các nhà lãnh đạo làm tròn nghĩa vụ đã cam kết, người công dân đều chấp nhận một thế giới quan dân tộc chủ nghĩa. Sự kiện này đặt nền tảng cho một loạt các phát triển tích cực khác.
Một trong những phát triển này là thể chế dân chủ, một thể chế tăng trưởng mạnh mẽ ở nơi nào bản sắc dân tộc có thể khuynh loát các căn cước khác, như bản sắc tôn giáo, sắc tộc, hay các cộng đồng bộ lạc. Chủ nghĩa dân tộc trả lời được câu hỏi cổ điển về biên giới của thể chế dân chủ: Ai là nhân dân mà chính phủ phải nhân danh để cai trị? Bằng cách giới hạn quyền bỏ phiếu cho các thành viên dân tộc và loại bỏ người nước ngoài ra khỏi các cuộc tuyển cử, thể chế dân chủ và chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu một cuộc hôn phối trường cửu.
Đồng thời với việc chủ nghĩa dân tộc thiết lập một thang bậc mới về dân quyền giữa thành viên (công dân) và phi-thành viên (người nước ngoài), chủ nghĩa này có xu hướng thúc đẩy quyền bình đẳng trong bản thân dân tộc. Vì ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa chủ trương nhân dân là một khối thống nhất không phân biệt địa vị, nó củng cố lý tưởng của Thời Khai sáng là mọi công dân phải được bình đẳng trong con mắt của luật pháp. Nói cách khác, chủ nghĩa dân tộc đi vào một quan hệ cộng sinh [symbiotic relationship] với nguyên tắc bình đẳng. Đặc biệt tại Châu Âu, sự thay đổi từ chế độ vương triều sang nhà nước-dân tộc thường đi đôi với một sự chuyển đổi sang chính thể đại nghị [representative form of government] và chế độ pháp trị [rule of law]. Những nền dân chủ đầu tiên này ban đầu vẫn còn giới hạn các quyền bầu cử và pháp lý đầy đủ cho nam giới có tài sản [male property owners], nhưng qua thời gian, các quyền này được nới rộng cho tất cả mọi công dân của cộng đồng dân tộc — tại Hiệp Chúng Quốc, đầu tiên nới rộng cho nam giới da trắng nghèo, rồi mới đến phụ nữ da trắng và người da màu.
Chủ nghĩa dân tộc cũng hậu thuẫn việc thành lập các nhà nước phúc lợi hiện đại [modern welfare states]. Ý thức về nghĩa vụ tương thân tương ái và về một định mệnh lịch sử chung đã quảng bá rộng rãi quan niệm cho rằng các thành viên của dân tộc – thậm chí cả những người hoàn toàn xa lạ – phải có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau vào những lúc khốn khó. Nhà nước phúc lợi hiện đại đầu tiên được thành lập tại Đức vào cuối Thế kỷ 19 do chỉ thị của thủ tướng bảo thủ Otto von Bismarck, người đã coi nó như một phương cách để đảm bảo sự trung thành của giai cấp công nhân đối với dân tộc Đức chứ không phải với giai cấp vô sản quốc tế. Tuy nhiên, đa số nhà nước phúc lợi Âu Châu được thành lập sau những giai đoạn tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên đến mức cuồng nhiệt, nhất là sau Thế chiến II nhằm đáp ứng lời kêu gọi đoàn kết dân tộc sau những đau thương và hy sinh mất mát chung.
*
Phần IV
CỜ IN MÁU (BLOODY BANNERS)
Tuy nhiên, như mọi nhà nghiên cứu sử đều biết, chủ nghĩa dân tộc cũng có một mặt đen tối của nó. Lòng trung thành với dân tộc có thể dẫn đến một thái độ thù nghịch với kẻ khác, hoặc là người nước ngoài hoặc là các nhóm thiểu số bị cho là thiếu trung thành với dân tộc. Trên thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã gia tăng tần số chiến tranh: trong hai thế kỷ qua, việc thành lập tổ chức dân tộc chủ nghĩa đầu tiên trong một nước có liên quan với một gia tăng xác suất hàng năm [an increase in yearly probability] cho thấy nước ấy sẽ trải qua một cuộc chiến tranh thật sự, từ trung bình 1,1 phần trăm đến trung bình 2,5 phần trăm.
Khoảng một phần ba tất cả các quốc gia đương đại được khai sinh trong một cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc chống lại các đội quân đế quốc. Sự ra đời của các quốc gia-dân tộc mới cũng thường đi kèm với một số đợt thanh trừng sắc tộc dữ dội nhất trong lịch sử, nhắm vào các nhóm thiểu số bị coi là thiếu trung thành với dân tộc hay bị nghi ngờ hợp tác với quân thù.
Trong hai cuộc chiến tranh Vùng Ba Nhĩ Cán trước Thế chiến I, các nước mới giành độc lập như Bulgaria, Greece, và Serbia đã xâu xé những phần đất của Đế quốc Ottoma tại Châu Âu, trục xuất hàng chục triệu người Hồi giáo qua phần còn lại của đế quốc này. Tiếp đến, trong Thế chiến I, chính phủ Ottama lại mở ra những đợt thanh trừng rộng lớn nhắm vào thường dân Armenia [theo Thiên chúa giáo]. Trong Thế chiến II, chiến dịch tuyên truyền của Hitler nhằm bôi bẩn người Do Thái – nhóm thiểu số mà y quy trách nhiệm về sự trỗi dậy của chủ nghĩa Bôn-sê-vich [Bolshevism] – nhiên hậu đã dẫn đến cuộc tàn sát hơn 6 triệu người Do Thái tại Châu Âu [ the Holocaust]. Sau cuộc chiến ấy, hàng triệu thường dân Đức lại bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc và Ba Lan là những quốc gia vừa mới được tái tạo [re-created]. Và vào năm 1947, nhiều con số đông đảo tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo bị giết hại trong các cuộc bạo loạn cộng đồng khi Ấn Độ và Pakistan trở thành những quốc gia độc lập.
Thanh trừng sắc tộc [ethnic cleansing] có lẽ là hình thức bạo động dân tộc chủ nghĩa ghê rợn nhất, nhưng tương đối hiếm khi xảy ra. Thông thường hơn, đấy là các cuộc nội chiến, được phát động bởi các nhóm thiểu số dân tộc chủ nghĩa muốn ly khai khỏi một quốc gia hiện hữu hay giữa các nhóm sắc tộc cạnh tranh nhau để nắm quyền kiểm soát một quốc gia mới độc lập. Từ năm 1945 đến nay, có 31 nước từng kinh qua các cuộc bạo động ly khai và 28 nước từng chứng kiến các cuộc đấu tranh vũ trang liên quan đến thành phần sắc tộc trong chính phủ quốc gia.
CHẤP NHẬN VÀ LOẠI BỎ CÁC NHÓM THIỂU SỐ (INCLUSIVE AND EXCLUSIVE)
Mặc dù chủ nghĩa dân tộc có xu hướng dẫn tới các cuộc bạo động, tính bạo động đó được phân bố không đều. Nhiều nước vẫn giữ được cảnh thái bình sau khi chuyển đổi sang quốc gia-dân tộc.
Muốn hiểu lý do tại sao, chúng ta cần phải tập trung theo dõi cung cách các liên minh trong chính phủ xuất hiện như thế nào và các biên giới quốc gia được vẽ ra như thế nào. Tại một số nước, từ ban đầu, các sắc tộc đa số và các sắc tộc thiểu số đều có đại diện ở cấp cao nhất trong chính phủ quốc gia. Thụy Sĩ, chẳng hạn, hợp nhất ba nhóm nói tiếng Pháp, tiếng Đức, và tiếng Ý vào một kế hoạch chia sẻ quyền lực bền vững mà không ai có thể ngờ vực, kể từ khi quốc gia hiện đại này được thành lập, vào năm 1848. Do đó, cuộc thảo luận dân tộc chủ nghĩa của Thụy Sĩ sẽ mô tả cả ba nhóm ngôn ngữ như những thành viên có giá trị ngang nhau của gia đình dân tộc. Chưa bao giờ có một phong trào được phát động bởi nhóm thiểu số Thụy Sĩ nói tiếng Pháp hay tiếng Ý đòi ly khai khỏi quốc gia này.
Tuy nhiên, tại những nước khác, nhà nước nằm trong tay giới lãnh đạo của một nhóm sắc tộc đặc thù muốn tiến hành việc loại bỏ các nhóm khác ra khỏi quyền lực chính trị. Sự kiện này dựng lên bóng ma không những của các cuộc thanh trừng sắc tộc được giới lãnh đạo nhà nước đa nghi theo đuổi, mà còn của phong trào ly khai hoặc nội chiến được phát động bởi chính các nhóm bị loại ra ngoài, khi họ thấy nhà nước thiếu tính hợp pháp vì nó vi phạm nguyên tắc tự trị của chủ nghĩa dân tộc. Nước Syria đương đại đưa ra một ví dụ cực đoan của kịch bản này: tổng thống, nội các, quân đội, mật vụ và các cấp cao trong bộ máy thư lại, tất cả đều nằm trong tay người Hồi giáo Alawites mặc dù họ chỉ chiếm 12% dân số trong nước. Không mấy ai ngạc nhiên là, nhiều thành phần trong cộng đồng đa số Á rập Sunni tại Syria quyết tâm chiến đấu trong một cuộc nội chiến trường kỳ và đẫm máu chống lại những gì mà họ coi là sự thống trị của người ngoài.
Cấu hình quyền lực [configuration of power] trong một nước cá biệt phát triển theo một chiều hướng chấp nhận hay bài bác các nhóm thiểu số là một vấn đề lịch sử, có nguồn gốc từ trước khi có sự trỗi dậy của quốc gia-dân tộc hiện đại. Các chính phủ liên hiệp chấp nhận các nhóm thiểu số – và chủ nghĩa dân tộc phóng khoáng tương ứng – có xu thế xuất hiện trong những nước có một lịch sử nhà nước thư lại, trung ương tập quyền lâu đời. Ngày nay, những nhà nước này có nhiều khả năng hơn trong việc cung cấp các tiện ích công cộng cho công dân của mình. Điều này làm cho nhà nước trở nên hấp dẫn hơn trong vai trò đối tác liên minh [alliance partners] với các công dân bình thường, khiến họ chuyển sự trung thành chính trị của họ từ các nhà lãnh đạo sắc tộc, tôn giáo, và bộ tộc sang nhà nước; việc này cho phép xuất hiện các liên minh chính trị đa văn hoá. Lịch sử lâu đời của nhà nước trung ương tập quyền còn thúc đẩy việc chấp nhận một ngôn ngữ chung, một lần nữa làm cho nỗ lực xây dựng các liên minh chính trị vượt qua các làn ranh sắc tộc trở nên dễ dàng hơn. Cuối cùng, tại các nước mà xã hội dân sự phát triển tương đối sớm (như tại Thụy Sĩ), các liên minh đa sắc tộc với mục đích thúc đẩy lợi ích chung có khả năng xuất hiện hơn, nhiên hậu dẫn đến các tầng lớp lãnh đạo chính phủ đa sắc tộc và các bản sắc dân tộc phong phú hơn.
*
Phần cuối
XÂY DỰNG MỘT CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TỐT ĐẸP HƠN
Đáng tiếc là, các gốc rễ lịch sử sâu sắc này ngụ ý rằng, thật là khó khăn, đặc biệt đối với người ngoại cuộc, để có thể thúc đẩy các liên minh lãnh đạo chấp nhận mọi thành phần dân tộc tại các nước vốn thiếu các điều kiện cho những liên minh này xuất hiện, như trường hợp của nhiều nước trong thế giới đang phát triển. Các chính phủ Tây Phương và các định chế quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, có thể giúp tạo các điều kiện này bằng cách theo đuổi các chính sách dài hạn nhằm gia tăng khả năng của các chính phủ trong việc cung cấp các tiện ích công cộng, khuyến khích việc phát triển các tổ chức xã hội dân sự, và thúc đẩy hợp nhất ngôn ngữ. Nhưng những chính sách này cần phải tăng cường vai trò của các nhà nước, chứ không xói mòn sức mạnh của chúng hay tìm cách làm thay các chức năng của chúng. Viện trợ trực tiếp của nước ngoài có thể làm suy yếu, chứ không củng cố, chính nghĩa của các chính phủ quốc gia. Phân tích các cuộc thăm dò dư luận do Asia Foundation tiến hành từ 2006 đến 2015 cho thấy người dân Afghanistan có một cái nhìn tích cực hơn đối các hành vi bạo động của Taliban sau khi người nước ngoài trực tiếp bảo trợ các dự án lợi ích công cộng trong địa phương của họ.
Tại Mỹ và nhiều nước dân chủ kỳ cựu khác, vấn đề củng cố các liên minh lãnh đạo gồm nhiều thành phần và các bản sắc dân tộc được đặt ra một cách khác hơn. Nhiều bộ phận của các tầng lớp lao động da trắng tại những nước này đã từ bỏ các đảng trung-tả [center-left] sau khi những đảng này bắt đầu tiếp nhận người nhập cư và mậu dịch tự do. Các tầng lớp lao động da trắng cũng oán ghét tình trạng bị cho ra rìa trên lãnh vực văn hoá [cultural marginalization] bởi giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do – bình đẳng [liberal elites], cổ vũ tính đa diện văn hoá trong khi mô tả người da trắng, những người quan hệ tính dục với người khác phái [heterosexuals], và giới đàn ông như kẻ thù của sự tiến bộ. Các tầng lớp lao động da trắng nhận thấy chủ nghĩa dân tộc đại chúng hay dân tuý [populist nationalism] có sức hấp dẫn vì nó hứa hẹn dành ưu tiên cho những quyền lợi của họ, giúp họ tránh sự cạnh tranh của người nhập cư và lao động rẻ nước ngoài, đồng thời phục hồi vị trí trung tâm và có phẩm cách của họ trong văn hoá quốc gia. Các nhà chính trị dân tuý không cần phát minh ra khái niệm cho rằng nhà nước phải chủ yếu chăm sóc các thành phần cốt lõi của dân tộc; khái niệm này đã ăn sâu trong cơ cấu định chế [institutional fabric] của nhà nước-dân tộc, sẵn sàng được kích hoạt mỗi khi khối thính giả tiềm năng đủ đông đảo.
Việc khắc phục tình trạng tha hoá và bất mãn của những công dân này sẽ đòi hỏi các giải pháp vừa văn hoá vừa kinh tế. Các chính phủ Tây Phương phải phát triển các dự án công ích có lợi cho mọi chủng tộc, vùng miền, và thành phần giai cấp, nhờ vậy tránh được cảm thức tai hại về một chủ trương ưu đãi sắc tộc và chính trị. Việc trấn an những khối dân chúng thuộc tầng lớp lao động và mất thế đứng kinh tế, rằng họ cũng có thể dựa vào tình đoàn kết của những đồng bào [đồng công dân] giàu có hơn và có sức cạnh tranh hơn, có thể là một nỗ lực lâu dài nhằm giảm bớt sức thu hút của chủ nghĩa dân tuý có động cơ thù hận và chống người nhập cư. Công tác này phải đi đôi với một dạng thức mới của một chủ nghĩa dân tộc chấp nhận mọi thành phần [a new form of inclusive nationalism].
Tại Mỹ, các người theo chủ nghĩa tự do-bình đẳng [liberals] như sử gia trí thức Mark Lilla và các học giả bảo thủ ôn hoà như nhà nghiên cứu chính trị Francis Fukuyama gần đây đã cho thấy rằng người ta có thể kiến tạo một lập trường dân tộc như thế: bằng cách chấp nhận cả các nhóm đa số lẫn các nhóm thiểu số, nhấn mạnh các lợi ích chung của cả hai bên thay vì dùng người da trắng để chống lại một liên minh gồm các nhóm thiểu số, như cả phe tiến bộ lẫn phe chủ nghĩa dân tộc dân tuý đang làm.
Trong thế giới phát triển cũng như đang phát triển, chủ nghĩa dân tộc vẫn còn tồn tại không biết cho đến bao giờ. Hiện nay vẫn chưa có một nguyên lý nào khác hơn để đặt cơ sở cho một chế độ nhà nước quốc tế [international state system]. (Chủ nghĩa cộng đồng nhân loại phổ quát [universalistic cosmopolitanism], chẳng hạn, không thu hút được ai ngoài các phân khoa triết học của các đại học Tây Phương.) Và không ai biết chắc là liệu các cơ chế xuyên quốc gia như Liên Âu có đảm nhận được không các chức năng cốt lõi của các chính phủ quốc gia, kể cả phúc lợi xã hội và quốc phòng, những chức năng sẽ cho phép chúng có được chính nghĩa hợp lòng dân.
Thách thức đối với các nhà nước – dân tộc, cũ và mới, là đổi mới khế ước dân tộc giữa lãnh đạo và người dân bằng cách xây dựng – hoặc tái xây dựng – các liên minh chấp nhận mọi thành phần, vốn là những thực thể gắn kết chính phủ và nhân dân lại với nhau. Các dạng thức tốt lành của một chủ nghĩa dân tộc hợp lòng dân sẽ diễn ra sau khi tạo được sự hợp nhất mọi thành phần chính trị. Không thể áp đặt các liên minh chính trị này bằng cách giám sát ý thức hệ từ trên xuống, cũng không thể làm việc này bằng nỗ lực giáo dục người công dân về những điều mà họ có bổn phận phải coi là quyền lợi chân chính của họ. Để thúc đẩy những dạng thức tốt đẹp hơn của chủ nghĩa dân tộc, các lãnh đạo sẽ phải trở thành những nhà chính trị dân tộc chủ nghĩa tốt đẹp hơn, và phải biết chăm lo quyền lợi của tất cả nhân dân của mình.
***
Andreas Wimmer là Giáo sư Xã hội học và Triết lý Chính trị tại Đại học Columbia và là tác giả cuốn “Xây dựng Quốc gia: Tại sao một số nước thành tựu trong khi các nước khác tan rã,” [Nation Building: Why Some Countries Come Together While Others Fall Apart].
Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/tranngoc.cu/posts/10214413029506440