Lee Jong-Wha
Nguyễn Minh Khuê biên dịch
Nguồn: Lee Jong-wha, “Can North Korea Be the Next Vietnam?“, Project Syndicate, 26/07/2018 (https://www.project-syndicate.org/commentary/north-korea-economy-reform-sanctions-by-lee-jong-wha-2018-07)
Sau hàng thập niên bế tắc, dường như cuối cùng cũng đã có một số vận động ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 giữa Kim Jong-un và Donald Trump – lần gặp mặt đầu tiên giữa một lãnh đạo Triều Tiên và một tổng thống đương nhiệm của Mỹ – đã đưa ra một tuyên bố chung trong đó Kim đồng ý hoàn thành việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lấy bảo đảm an ninh từ Trump.
Tất nhiên, trong khi một số người cổ vũ cho bước tiến này, những người khác nhắc nhở chúng ta về lịch sử lâu dài của những lời hứa dở dang. Nhưng ngay cả khi cam kết của Kim là chân thành, chế độ của ông sẽ chỉ được hưởng lợi từ những bảo đảm đó – và từ việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt quốc tế thảm khốc – khi Triều Tiên có thể khắc phục được nền kinh tế yếu kém của mình. Liệu Bình Nhưỡng có thể sử dụng kinh nghiệm của Việt Nam như một mô hình?
Năm 1986, Việt Nam khởi xướng chính sách Đổi Mới, một tập hợp các cải cách kinh tế, rất giống với các cải cách của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc, nhằm tạo ra một nền kinh tế thị trường dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Chính phủ đã giải tán các hợp tác xã nông nghiệp, loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá đối với hàng nông sản và cho phép nông dân sở hữu đất đai. Nhà nước cũng tư nhân hoá nhiều công ty, giảm bớt các quy định đầu tư nước ngoài, tạo ra một môi trường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, thành lập các khu chế xuất, và thúc đẩy các ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Trong 30 năm tiếp theo, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 6,7%. Đến năm 2017, GDP bình quân đầu người đạt 2.340 đô la và xuất khẩu vượt mức 210 tỷ đô la – gần bằng với Úc và Brazil. Các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27 tháng 4, Kim được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đối với mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lặp lại ý kiến đó, tuyên bố rằng Triều Tiên có thể lặp lại con đường Việt Nam hướng đến sự thịnh vượng kinh tế và quan hệ bình thường với Hoa Kỳ.
Nếu Triều Tiên – quốc gia bị cô lập nhất thế giới – quyết định bắt tay vào những cải cách như vậy, chắc chắn nước này sẽ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể.
Nền kinh tế kế hoạch tập trung của Triều Tiên từ lâu đã trì trệ, với tốc độ tăng trưởng trung bình dưới 1% trong thập niên qua và GDP bình quân đầu người chỉ đạt 1.300 USD, theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Các biện pháp trừng phạt đang làm xói mòn hiệu quả nền kinh tế hơn nữa: trong năm 2017, GDP giảm 3,5% và tổng kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh 37%, xuống chỉ còn 1,77 tỷ đô la.
Tuy nhiên, miền Bắc sở hữu các yếu tố nền tảng kinh tế tương đối tốt nhờ vào công nhân có trình độ học vấn, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lợi thế về địa lý như các cảng biển tự nhiên. Với các cải cách thị trường toàn diện cho phép đầu tư nước ngoài quy mô lớn và áp dụng công nghệ, việc lặp lại “phép lạ” kinh tế của Việt Nam sẽ là khả thi. Trong kịch bản này, miền Bắc có thể đạt được tăng trưởng GDP hai con số, giúp thu nhập bình quân đầu người tăng lên tới 10.000 đô la trong vòng 30 năm. Quan hệ thương mại và đầu tư trực tiếp bình thường với một mình Hàn Quốc thôi cũng có thể giúp làm tăng tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm thêm 3%.
Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là Triều Tiên sẵn lòng tới mức nào để có thể đi theo con đường này. Ở đây cũng vậy, có một số lý do để hy vọng vì Kim dường như có tư tưởng cải cách hơn so với các lãnh đạo tiền nhiệm. Chính sách trong nước nổi bật của ông, byungjin, bao gồm việc theo đuổi chương trình hạt nhân và tăng trưởng kinh tế cùng lúc – một sự thay đổi so với chính sách songun (quân sự trước tiên) của cha ông. Trong nỗ lực đó, ông đã trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trang trại và các nhà máy, đồng thời cho phép mở cửa một số thị trường.
Tháng 4 năm ngoái, Kim đã tuyên bố chấm dứt chính sách byungjin, phát biểu tại một cuộc họp của Đảng Lao động rằng đã đến lúc tập trung nguồn lực của đất nước vào việc tái thiết nền kinh tế. Nhưng mức độ cam kết đó vẫn chưa rõ ràng, một phần vì người ta không có thông tin đáng tin cậy về tình hình kinh tế của đất nước.
Không giống như ở Việt Nam, nơi mà nhu cầu công chúng đã được chuyển thành hành động bởi một dàn lãnh đạo tập thể, ở Triều Tiên, một vị bạo chúa khó lường đưa ra tất cả các quyết định quan trọng. Điều đó không loại trừ việc cải cách kinh tế. Nhưng nếu miền Bắc đi theo con đường của Việt Nam, nước này sẽ cần sự ổn định chính trị và kinh tế lâu dài trong quá trình theo đuổi tư nhân hoá và tự do hoá một cách toàn diện.
Tuy nhiên, trước tiên, Triều Tiên cần phải thực hiện các bước đi quan trọng và đáng tin cậy đối với việc phi hạt nhân hóa – một điều kiện tiên quyết để nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Một khi lệnh trừng phạt được nới lỏng, hai miền Triều Tiên có thể tăng cường hợp tác về các vấn đề nhân đạo, y tế và môi trường, và thảo luận về việc mở lại khu công nghiệp Kaesong.
Các biện pháp trừng phạt sẽ bị loại bỏ chỉ sau khi việc phi hạt nhân hóa kết thúc. Lúc đó, miền Bắc có thể tạo ra các mối quan hệ thương mại và đầu tư thực sự với phần còn lại của thế giới và có thể nhận được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, cũng như các quốc gia láng giềng, nhất là Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ xây dựng các mạng lưới đường sắt, đường bộ và năng lượng liên Triều bên cạnh những công việc khác.
Bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khác, bao gồm Nhật Bản và Mỹ, sẽ thúc đẩy một sự chuyển đổi kinh tế sâu sắc hơn. Điều này sẽ cải thiện đáng kể phúc lợi của người dân Triều Tiên, những người đang phải chịu đựng trong hệ thống khép kín hiện tại.
Chắc chắn, với các vi phạm nhân quyền “có hệ thống, phổ biến và nghiêm trọng” của chế độ Kim, sẽ mất một thời gian dài trước khi Triều Tiên có thể mơ ước được đối xử như là một quốc gia bình thường của cộng đồng quốc tế. Nhưng đó không phải là lý do để chờ đợi; ngược lại, điều này đòi hỏi phải có các hành động khẩn cấp để đưa đất nước bước vào một con đường mới – không chỉ là việc phi hạt nhân hóa, mà còn là các cải cách thông minh và bền vững. Trên tất cả, thành công đòi hỏi phải giảm bớt áp lực từ sự cô lập về ngoại giao và kinh tế (giống như những gì mà Việt Nam phải đối mặt vào đầu những năm 1980), điều có thể làm cạn kiệt các nguồn lực mà Triều Tiên còn có trong tay.
Điều gì xảy ra tiếp theo trên bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao cộng đồng quốc tế phải thúc đẩy nước này nắm lấy thời cơ, ngừng lãng phí tài nguyên cho vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa, đồng thời khởi động một chương trình cải cách kinh tế toàn diện. Việt Nam nên là mô hình của nước này.
L.J.W.
***
Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, từng là Trưởng ban Kinh tế và Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak (Hàn Quốc). Cuốn sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Robert J. Barro của Đại học Harvard, là “Education Matters: Global Gains from the 19th to the 21st Century” (Giáo dục là quan trọng: Lợi ích toàn cầu từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21).
Nguồn bản dịch: http://nghiencuuquocte.org/2018/07/27/lieu-trieu-tien-co-the-lap-lai-mo-hinh-viet-nam/