Ảnh: GETTY IMAGES – Các lực lượng của Việt Nam hồi 5/2014 đã phải đối đầu với nhiều tàu thuyền Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa Giàn khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc lãnh thổ của mình
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Bảy 20/7/2019 lên tiếng trước các tường thuật với nội dung Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí tại Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động thăm dò, khai thác mà Việt Nam đã tiến hành từ lâu nay.
“Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ-Thái Bình Dương,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao cũng nói rằng việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nước ASEAN trong việc hạn chế quyền của các nước này trong việc hợp tác với các bên thứ ba cho thấy Bắc Kinh đang muốn xác quyết quyền kiểm soát của mình đối với các nguồn trữ liệu dầu khí tại Biển Đông.
Hồi tháng 3/2018, Việt Nam đã yêu cầu đối tác Repsol ngừng dự án ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu.
Giới quan sát khi đó cho rằng đây là vì sức ép của Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 7/2017, một dự án dầu khí quan trọng khác của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó Repsol cũng là đối tác, cũng đã phải ngưng.
Tin cho hay giới lãnh đạo Repsol khi đó được chính phủ tại Hà Nội thông báo rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
VN và TQ cáo buộc lẫn nhau ‘vi phạm chủ quyền, quyền tài phán’
Việt Nam hôm thứ Sáu, 19/7, chính thức cáo buộc một tàu thăm dò khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã vi phạm chủ quyền với việc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa ở phía nam Biển Đông.
Ảnh: CHINA GEOLOGICAL SURVEY – cSự hiện diện của tàu khảo sát của Trung Quốc trên lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông dẫn đến cuộc đối đầu
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.
“Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.”
Trước đó, hôm 17/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng về cuộc căng thẳng hiện thời.
“Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam thực sự tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan và không có những hành động làm phức tạp tình hình,” ông Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cho đến nay, cả hai bên đều không trực tiếp đề cập tới Bãi Tư chính, tâm điểm của cuộc đối đầu hiện nay.
“Hoa Kỳ cương quyết phản đối việc o ép và hăm dọa từ bất kỳ bên nào nhằm xác quyết các tuyên bố của mình về lãnh thổ hay quyền trên biển,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/7 nói.
“Trung Quốc cần phải dừng thái độ bắt nạt của mình và kiềm chế, không thực hiện kiểu hành động khiêu khích và gây bất ổn này,” bản thông cáo nói thêm.