Thường Sơn
Đang có những dấu hiệu không hề mờ nhạt về việc Việt Nam có thể trở thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, bị Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích đích danh Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo sẽ đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% – một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017.
Nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Động thái Mỹ áp thuế cao lên mặt hàng thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc xảy ra chỉ ít ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ tung ra một đòn trừng phạt mới, hoặc chính xác là một mối đe dọa mới đối với Việt Nam, vào tháng 5 năm 2019: lần đầu tiên, Việt Nam đã suýt bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ – danh sách được Bộ Tài chính Mỹ cập nhật cứ sau mỗi 6 tháng.
Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.
Trong vài năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này đã phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng – chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.
Việt Nam cũng đã ‘thỏa mãn’ tiêu chí thặng dư thương mại khi đạt giá trị xuất siêu vào thị trường Mỹ ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD vào năm 2018, không chỉ củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 mà còn có triển vọng leo lên vị trí thứ 5 trong danh sách 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.
Nếu bị xem là quốc gia lũng đoạn tiền tệ, cửa vào ‘kinh tế thị trường’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam, vốn đã chẳng rộng mở gì, sẽ càng thêm hẹp lại. Khi đó, tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ – tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Biệt danh “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” cùng thái độ chỉ trích gay gắt của Trump đối với Việt Nam đang phác ra một tín hiệu chẳng lành. Nếu không cẩn thận, Việt Nam có thể rơi vào tình huống ‘chiến tranh thương mại Mỹ – Việt’ mà cán cân lực lượng là quá chênh lệch, bởi Việt Nam chẳng có cơ may gì để trả đũa bằng việc đánh thuế lên hàng Mỹ nhập vào thị trường Việt Nam.
T.S.
VNTB gửi BVN