Nguyễn Hiền
Nhóm “hồng phúc của dân tộc” đã cùng nhau đẩy 15.000 hộ dân vào bước đường cùng, và chung tay phá nát Sài Gòn.
TP.HCM phải hoàn trả ngân sách 26.300 tỷ vì sai phạm ở Thủ Thiêm, nếu quy đổi ngoại tệ sẽ là 1,1 tỷ USD.
Trách nhiệm là chính quyền TP.HCM, nhưng nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ trách nhiệm quản lý của lãnh đạo chủ chốt thành phố này, trong đó có nổi bật là tên bốn vị lãnh đạo Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Văn Đua và có một phần không kém quan trọng đến từ vị Thanh tra chính phủ, ông Ngô Văn Khánh. Nhưng sẽ thật thiếu xót nếu bỏ quên bà Hội đồng (Chủ tịch hội đồng Nhân dân Tp. HCM), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Nhóm lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ nêu trên, nhóm “hồng phúc của dân tộc” đã cùng nhau đẩy 15.000 hộ dân vào bước đường cùng, và chung tay phá nát Sài Gòn.
Giống như ông Lê Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nghỉ hưu theo chế độ, và bà có thể tự tin tuyên bố đã nghỉ hưu rồi, không làm được gì, và sẽ không có gì để trả lời về dự án Thủ Thiêm.
Luật sư Trần Thu Nam, trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân vào ngày 28.06, đã đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm đối với hội đồng nhân dân Tp. HCM (hội đồng) trong vụ Thủ Thiêm. Và ông Luật sư cũng nhấn mạnh, hội đồng có thật sự của nhân dân, vì nhân dân?
Câu chuyện của Thủ Thiêm nếu truy tố trách nhiệm của những người nằm trong UBND Tp. HCM, mà bỏ qua hội đồng, sẽ thật không công bằng. Lý do, theo văn bản luật, hội đồng được xác đinh là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương; đại biểu hội đồng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân địa phương, chịu sự giám sát của cử tri, liên hệ trực chặt chẽ với cử tri. Và mỗi năm, Hội đồng thường ra Nghị quyết liên quan đến chương trình hoạt động giám sát của chính hội đồng, trong đó có giám sát chuyên đề về giải quyết đơn thư khiếu nại – kiến nghị và phản ánh của người dân về quyền sở hữu đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền lực của hội đồng luôn bị bó hẹp, đôi lúc hình thức, nếu so với UBND thì hội đồng chỉ là nơi thực hành biểu quyết có sẵn.
Ông Cang, Hải, Quân, Tín, Đua, và bà Tâm đều là đại biểu chủ chốt trong hội đồng.
Với sự kiện Thủ Thiêm, chưa đầy chục người đã tước đoạt ruộng đất và tương lai của 15.000 hộ dân, cho thấy sự bất lực của “quyền lực nhà nước ở địa phương”. Và để xảy ra 1,1 tỷ USD sai phạm, thì trước hết, ngoài trách nhiệm cá nhân, thì trách nhiệm tập thể của hội đồng phải được tính đến, trong đó có năng lực đại diện và quản lý quyền làm chủ nhân dân thành phố của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Nhưng xa hơn, xét trên tính hình thức của hội đồng dựa trên thực tế Thủ Thiêm, đến lúc cần phải xóa bỏ cái gọi là hội đồng.
Quan điểm xóa bỏ hội đồng không mới. Vào năm 2018, trong lấy ý kiến về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đưa ra ý kiến: Nếu nhìn một cách khách quan việc bỏ hội đồng cấp huyện, xã sẽ làm tinh giản bộ máy chính quyền và giảm một phần ngân sách khá lớn cho Nhà nước.
Ý kiến ông Hòa nhằm vào chức năng, vai trò giám sát của hội đồng cấp huyện và xã hạn chế, trong khi bản thân ngân sách dành cho mỗi vị đại biểu là lớn. Và trên cơ sở nhận thức này, ông Hòa cho biết, cần xóa bỏ hội đồng 2 cấp nêu trên, chỉ giữ lại hội đồng cấp tỉnh để tăng cường trách nhiệm giám sát.
Trước đó, vào năm 2013, vấn đề bỏ hội đồng cũng được đặt ra, phía phản đối vẫn dựa vào quan điểm, nếu bỏ thì ai sẽ giám sát quyền lực và đại diện cử tri.
Và mới đây, Kết luận số 46 -KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Phía Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án, thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân (hội đồng) phường ở các quận và thị xã tại Hà Nội.
Như vậy, xóa bỏ hội đồng dù đang tiến hành dè dặt, nhưng cốt lõi vẫn đang được thực hiện nhằm thực tiễn tinh gọn bộ máy, bớt chi tiêu ngân sách. Vấn đề giám sát không hiệu quả ở cấp phường, xã, quận, huyện đã được đặt ra và nhìn thấy, nhưng tại cấp tỉnh và thành phố lại chưa hề đặt ra. Có phải là thiếu thực tiễn? Nếu thế thì tại sao không nhìn vào “tấm gương Thủ Thiêm”, khi hội đồng của thành phố trực thuộc trung ương, lớn nhất nhì nước về mặt văn hóa – chính trị và kinh tế đã bất lực và thả cửa cho các cá nhân lãnh đạo làm càn, gây phẫn nộ trong dư luận và làm hao tổn tài nguyên đất đai, thất thu nguồn ngân sách nhà nước?
Câu chuyện Thủ Thiêm và vai trò hội đồng sẽ tiếp tục đặt ra đối với trường hợp đang diễn ra tại Long Hưng (Tp. Biên Hòa, Đồng Nai), nơi mà nhà báo Nguyễn Hồng Lam trong chia sẻ trên Facebook cá nhân đã cho rằng, đó là “thặng dư man rợ”. Nơi mà 2 tỷ USD đầu tư của các tập đoàn địa ốc lớn đang tìm cách “ăn cướp đất đai” với mức đền bù 60.000 đồng/ m2, sau đó sẽ bán lại 29 triệu đồng/m2. Và một “Thủ Thiêm” phiên bản Đồng Nai đang được hình thành.
Hội đồng của thành phố Đồng Nai, hội đồng của tỉnh Đồng Nai ở đâu trước câu chuyện “cướp đất” của những tập đoàn lớn? Hay tất cả cũng giống như hội đồng ở Tp. HCM, và hàng trăm hội đồng lớn nhỏ ở các tỉnh thành khác, vẫn ăn ngân sách nhưng vô dụng khi thực hiện vai trò đại diện cho tâm tư, nguyện vọng cử tri? Nếu như thế, sự tồn tại của những hội đồng hình thức đó là để làm gì? Tại sao không xóa bỏ nó đi để gia tăng trách nhiệm kiểm soát quyền lực ở chính những đại biểu thuộc UBND các cấp?
“Thặng dư man rợ” vẫn diễn ra, chủ nghĩa tư bản thân hữu vẫn hình thành, và hội đồng – “cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương” vẫn sừng sững đầy tính hình thức, như thách thức về thuộc tính nhân dân và kiểm soát quyền lực của nhân dân.
N.H.
VNTB gửi BVN