Mai Hưng dịch
Bản báo cáo thường niên năm 2019 có thể sẽ mô tả thêm một năm tồi tệ nữa đối với hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Biểu tình chống dự luật Đặc khu năm 2018
Đối với những nhà quan sát tình hình Việt Nam, rất khó nắm bắt một cách chính xác số lượng các tù nhân chính trị. Cơ sở dữ liệu của Dự án 88 về các nhà hoạt động bị đàn áp được công bố hồi tháng Năm (2019) thì hiện đang có tới 263 nhà hoạt động đang bị cầm tù, và có tới 101 nhà hoạt động đang đối mặt với nhiều hiểm nguy, trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế được công bố hồi tháng Năm thì hiện có 128 tù nhân lương tâm. Một tên khác được thêm vào danh sách đó là Michael Phương Minh Nguyễn, công dân Hoa Kỳ vừa mới bị kết án 12 năm tù hôm thứ Hai (24/06/2019) vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, một cáo buộc thường được gán ghép cho bất cứ ai phản đối Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình lớn.
Tình hình đang xấu đi ở Việt Nam. Báo cáo cuối năm của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhấn mạnh rằng “vào năm 2018, hồ sơ nhân quyền vốn đã kinh hoàng của Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn khi chính quyền kết án những người bất đồng chính kiến với những án tù lâu hơn, dung dưỡng những kẻ côn đồ tấn công những người bảo vệ nhân quyền và thông qua những đạo luật hà khắc sẽ đe dọa tự do ngôn luận hơn nữa”. Bản báo cáo thường niên năm 2019 có thể sẽ mô tả thêm một năm tồi tệ nữa đối với hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Nhưng một câu hỏi đáng được đặt ra là tại sao tình hình đàn áp lại đang xấu đi? Có một số giả thuyết. Có thể bây giờ đơn giản là ngày càng có nhiều hơn những chỉ trích đối với Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Có thể là các nhà chỉ trích ngày càng trở nên dũng cảm hơn và trực diện hơn, và Đảng CSVN ngày càng lo sợ trước sự lan rộng của nó. Có thể là các cuộc biểu tình chống lại CSVN đang trở nên sâu rộng hơn; các cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu diễn ra hồi tháng Sáu năm 2018 đã có quy mô toàn quốc và lớn nhất trong lịch sử gần đây (hơn 120 người đã bị kết án vì tham gia các cuộc biểu tình này). Có thể là các trình thuật chống Trung Quốc của nhiều nhà chỉ trich đã và đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về Đảng CSVN và vị thế của Đảng trong phong trào dân tộc ở Việt Nam. Có thể là phương tiện truyền thông xã hội đã giúp chính quyền CSVN dễ dàng theo dõi những gì mà mọi người thường đàm luận.
Hoặc có thể đó là một sự công khai chính trị. Có thể là Bộ Công an VN muốn giành thêm quyền lực cho chính mình và làm suy yếu các bộ ngành khác, và hiện đang tham gia một cuộc cạnh tranh với Bộ 4T (Bộ Thông tin và Truyền thông) về việc ai sẽ là cơ quan kiểm duyệt chính. Có thể là dưới thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã vuốt ve Hà Nội nhiều hơn và các vấn đề nhân quyền dường như không còn kiến tạo nên bất kỳ một khía cạnh nào trong quan hệ hai bên.
Có thể là, kể từ năm 2016, Đảng CSVN đã bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm quyền kiểm soát, Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo bảo thủ và kiên định ý thức hệ hơn, một người rập khuôn truyền thống về việc đàn áp mọi chỉ trích. Trước Đại hội Đảng 12 năm 2016, Thủ tướng đương nhiệm khi đó, Nguyễn Tấn Dũng, có nói rằng “thay vì kiềm chế những chỉ trích trên internet, các bộ ngành nên đảm bảo rằng tin tức thật của họ phải được đăng tải ngay lập tức và thuyết phục được công luận”, như David Brown đã viết hồi tháng Năm năm ngoái. Ông Thủ tướng đó đã bị buộc phải nghỉ hưu. Còn ông Thủ tướng hiện tại thì dường như không phản đối gì khi các đồng nhiệm trong Bộ Chính trị Đảng CSVN nhấn mạnh rằng những tiếng nói bất đồng chính kiến phải bị bóp nghẹt.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả những điều này đều là sự thật. Và có lý do để nghĩ rằng sự đàn áp ngày càng gia tăng đang được chỉ đạo bởi những người cầm lái của Đảng CSVN. Luật an ninh mạng có hiệu lực từ tháng Một (2019) là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy các quan chức cao cấp của Đảng CSVN muốn có quyền hạn bắt bớ cao hơn vì những gì mà người ta viết trên mạng. Chính quyền hiện tại cũng đang tiến hành tái cơ cấu nhiều bộ ngành, điều này sẽ rút ngắn quy trình chỉ huy. Bộ Công an đã trải qua một cuộc tái cấu trúc lớn vào cuối năm ngoái, với nhiều bộ phận bị giải tán hoặc sáp nhập, tất cả đều nằm trong mục tiêu của Đảng CSVN nhằm “xây dựng một “guồng máy tập trung và tinh gọn” để hoạt động hiệu quả hơn.
Nhưng nếu tất cả mọi việc đều được quyết định bởi các quan chức cấp cao, thì tại sao lại tồn tại những mâu thuẫn lớn, thiếu nhất quán trong việc ai sẽ bị bắt và ai sẽ bị lãnh án tù? Biết rằng chính quyền đã theo đuổi một số nhân vật nổi tiếng và những người có quan hệ với các nhóm bị cấm, như Hội anh em Dân chủ. Nhưng nhiều người chỉ trích nổi tiếng vẫn không bị hề hấn gì hoặc được phép ra nước ngoài lưu vong, trong khi các nhà hoạt động chỉ đăng một vài trạng thái trên Facebook lại bị kết án tù nhiều năm.
Đảng CSVN là độc tài nhưng không hẳn là toàn trị – và, một cách thực sự, nó đấu tranh để thực thi một số quy định thô thiển, chẳng hạn như đỗ xe máy trên vỉa hè. Không còn nghi ngờ gì nữa, dưới thời Trọng, so với thời của Dũng, giới lãnh đạo cao cấp của Đảng giờ đây đã trở nên cam kết hơn đối với công cuộc đàn áp. Nhưng một nguyên do khác khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn có thể nằm ở chỗ rằng những sự đàn áp của nhà nước thường tự thân chúng tồn tại, bởi vì các quan chức cấp dưới nhận thấy rằng họ có thể đạt được quyền lực và sự giàu có hơn khi cho đàn áp nhiều hơn, và cũng vì các quan chức của Đảng CSVN không muốn tỏ ra là quá mềm yếu. Lịch sử và địa lý cũng có một vai trò quan trọng. Đó là lý do tại sao một số nhà hoạt động ở Hà Nội tự coi mình là an toàn hơn so với những nhà hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là lý do tại sao nhà cầm quyền VN lại đàn áp nhiều và bạo lực hơn khi các nhà hoạt động ở đô thị cố gắng đến thăm hỏi vùng nông thôn để gặp gỡ các nhà hoạt động ở nông thôn.
Quan chức hành chính quan liêu ở bất kỳ một quốc gia nào đều có xu hướng “hướng tới” một mục tiêu nhất định, có thể là dân chủ hoặc độc tài. Vì vậy, khi số lượng các nhà chỉ trích Đảng CSVN bị bắt ngày càng gia tăng, những người khác trong bộ máy quan liêu bắt đầu nghĩ rằng đây là điều mà họ sẽ phải thực thi để tiến tới. Thẩm phán đưa ra các bản án ngày càng nặng hơn, vì vậy các thẩm phán khác cũng nghĩ rằng đây là những gì họ nên hướng tới. Cảnh sát cấp tỉnh bắt giữ một ai đó vì chia sẻ các thông điệp chống Đảng CSVN trên mạng, vì vậy nhân viên an ninh ở một tỉnh khác sẽ cho rằng họ nên làm như vậy. Tôi có đầy đủ cơ sở để tin rằng Bộ Công an VN đã cho phép công an địa phương tự chủ hơn trong việc bắt những người vì những bình luận chống Đảng trên mạng, không còn nghi ngờ gì nữa, điều này đã tạo ra một sự ganh đua nào đó giữa các quan chức cấp dưới để đàn áp nhiều hơn.
Ngoài ra, không chỉ có bị cáo là tâm điểm của sự chú ý; nếu như cơ quan chức năng không bắt giữ ngày càng nhiều người hơn, hoặc nếu một thẩm phán đưa ra một bản án nhẹ nhàng, thì điều đó cho thấy họ suy nghĩ gì về Đảng CSVN của họ? Thật vậy, nếu một thẩm phán kết án một tù nhân chính trị tới 10 năm tù, thì nó sẽ nói gì về một thẩm phán kết án người khác với cùng một tội danh chỉ có hai năm tù? Đàn áp tự nhiên diễn ra.
M.H.
Nguồn: Why is Repression Rising in Vietnam
VNTB gửi BVN.