Đặc san số 6 – Bàn về chống lật sử

Nguyễn Đình Cống

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Nguyễn Đình Cống.jpg

Cùng với việc chống diễn biến hòa bình, chống tự chuyển hóa, thì “chống lật sử” (chống lật lại lịch sử) đang là một việc được các tuyên truyền viên và dư luận viên của Đảng quan tâm.

Sử nào? Đó là sử cận đại gắn với phong trào cộng sản. Tại sao có sự lật và chống lật? Tại vì sử này ngoài nguồn do các sử gia lề Đảng công bố trong các tài liệu chính thống, còn có nguồn  từ các sử gia và những người nghiên cứu thuộc lề Dân. Hai nguồn này có chỗ giống và khác nhau. Lật sử liên quan đến những chỗ khác nhau đó.

Ai lật? Gọi lề Đảng là bên A, lề Dân là bên B, Bên A quy kết, chụp mũ cho  bên lề Dân là thế lực thù địch, là bọn lật sử. Bên B lại cho rằng họ mới là người trình bày sự thật, còn bên A làm việc bịa đặt, xuyên tạc lịch sử để tuyên truyền, để phục vụ mục đích chính tri của ĐCS. Sự thật chỉ có một. Vậy ai đúng ai sai ở chỗ nào, dựa vào đâu để phân xử?

Thử xem một số sự kiện. Bên A cho rằng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu là những anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Bên B cho là bịa đặt. Mỗi bên đều đưa ra những chứng cứ rất khó đánh giá mức độ tin cậy.

Sau khi kết thúc chiến tranh ngày 30 tháng 4 năm 1975, có chuyện  về xe tăng nào đầu tiên vào Dinh Độc lập. Trong nhiều năm bên A cho là xe số  843 với Bùi Quang Thận, còn những chiến sĩ xe số 390 do Đặng Văn Toàn chỉ huy và con em họ đã bị đối xử bất công vì dám tự nhận chính họ là xe đầu tiên húc mở cánh cổng vào Dinh. May nhờ nhà báo Pháp (De Mulder) công bố phim đã quay mới gỡ được nỗi oan cho xe 390. Xe 390 vào trước, không có cờ, xe 843 vào sau, có cờ và người cắm cờ là Bùi Quang Thận.

Còn chuyên ai đã đọc cho Dương Văn Minh  thảo văn kiện đầu hàng. Trong nhiều năm có sự tranh chấp giữa Phạm Xuân Thệ, lúc đó là Đại úy, sau này là Trung tướng và Bùi Văn Tùng,  lúc đó là Trung tá, về hưu với hàm Đại tá. Hai bên đều đưa ra những “chứng cứ không ai chối cãi được” để giành phần thắng. Khổ thay mỗi bên đều dựa vào một phần sự thật. Không ai phân xử được. Người biết rõ nhất là Dương Văn Minh đã chết và không viết hồi ký về chuyện này. May mà rồi có tường thuật của nhà báo người Đức (Borries Gallasch) mới rõ đầu đuôi câu chuyện. Thì ra ông Thệ tiếp cận Dương Văn Minh  trước và ra lệnh viết tuyên bố đầu hàng, nhưng  khi ông Minh hỏi cần viết như thế nào thì ông Thệ không trả lời được. Lúc này mới xuất hiện ông Tùng và chính ông Tùng đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho ông Minh. Phóng viên người Đức theo dõi từ đầu và cho mượn máy ghi âm để ghi lời tuyên bố của ông Minh, đem phát lên Đài Sài Gòn. Từ Dinh ĐL đến Đài phát thanh ông Thệ áp giải ông Minh,  đi trên cùng 1 xe, ông Tùng đi  trên xe khác.

Rồi chuyện Gạc Ma tháng 3 năm 1988. Có hay không lệnh cấm nổ súng vào bọn giặc cướp Trung cộng (hoặc cấm nổ súng trước). Ông Lê Đăng Doanh nói rằng đã tự mình nghe ông Lê Đức Anh công nhận đã ra lệnh, nhưng nhiều tướng tá khẳng định là không có, vì trong lịch sử Hải quân không ghi.

Chuyện về Hồ Chí Minh, ông có được Liên hiệp quốc tôn vinh là “Danh nhân văn hóa thế giới”  hay không. Trong rất nhiều năm sách báo bên A đều ghi rõ ràng với các bằng chứng cụ thể, nhưng rồi bỗng nhiên có người bên B phát hiện ra không phải. Quả là nhân kỷ niêm 100 năm ngày  sinh của Hồ Chí Minh, ông Võ Đông Giang có gửi thư cho UNESCO đề nghị, đã có sự thảo luận, nhưng chưa có công nhận danh hiệu “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Những  chuyện như trên nhiều vô kể, nhưng chỉ liên quan tới vài người. Những chuyện lớn hơn liên quan tới hàng ngàn, hàng van người  như vụ đàn áp ở Quỳnh Lưu năm 1956, vụ đầu độc ở nhà tù Phú Lợi  năm 1958, vụ thảm sát ở Huế năm 1968, vụ nông dân Thái Bình năm 1997, vụ 74 binh sĩ của Sài Gòn hy sinh ở Hoàng Sa năm 1975 là có công  bảo vệ đất của Tổ quốc hay không (vì là “quân ngụy”), v.v… thì A và B  đều có kết luận khác nhau.

Chuyện tương đối  lớn như phá hoại Hiệp định Geneve  và Paris. Cả ta và đối phương đều phá, nhưng bên nào chủ động phá và phá nhiều hơn. Rồi cuộc chiến tranh 20 năm  (1955- 1975), là nội chiến hay chống xâm lược; ngày 30/4/1975  là ngày giải phóng hay ngày kết thúc chiến tranh; gọi chính quyền và quân đội của Miền Nam trước 30/4 là ngụy quyền, ngụy quân hay là chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa v.v…  Quan điểm của A và B là trái ngược.  

Chuyện khá lớn liên quan tới Cách mạng tháng 8 (CM T8). Sử chính thống ghi rằng CM T8 đã đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, đem chính quyền về cho nhân dân. Điều này đã được phần đông dân Việt Nam và nhiều người trên thế giới công nhận là đúng, là sự thật hiển nhiên. Đó là kết quả của tuyên truyền lặp lại nhiều lần và bưng bít một số sự kiện lịch sử. Bên B cho rằng cả 4 điều trên đếu là bịa đặt, đều là dối trá. Bên lề Đảng khẳng định rằng bọn B là thù địch, chúng lật sử để phủ nhận thành quả CM T8. Bên B cho rằng A là bọn bút nô, xuyên tạc lịch sử nhằm phục vụ cho đường lối chính trị của Đảng.

Lập luận của lề Đảng tương đối rõ và nhiều, mọi người đều biết, tôi không viết ra đây (sẽ làm cho bài quá dài). Chỉ xin nêu vài lập luận của B.

Bên B cho rằng khi thành lập Mặt trận Việt Minh vào năm 1941 thì VM  có đề ra 4 nhiệm vụ trên, nhưng quá trình làm CM T8 thì không làm việc nào trong 4 việc ấy cả. Không đánh Pháp vì toàn bộ quân Pháp đã bị Nhật loại bỏ vào ngày 9/3/1945. Không đuổi Nhật vì Nhật đã đầu hàng, bị quân Đồng minh tước vũ khí, sau đó thì rút về nước. Không giành độc lập vì ngày 11 /3/1945 vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước ký với Pháp. CM T8 chỉ làm một việc là cướp chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim. Đó là cướp chính quyền cho Đảng chứ  không phải cho nhân dân. Từ 1945 đên nay thực chất chính quyền là của ĐCS, quyền của  nhân dân đã bị Đảng tước đoạt. Về Chính phủ Trần Trọng Kim, bên B cho là chính phủ hợp pháp, bên A quy kết là bù nhìn, tay sai của Nhật.

Bên B thách bên A chỉ ra CM T8 đánh Pháp thì đánh trân nào, ở đâu, lúc nào, ai đánh. Không thể kể trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần vào CM T8 là đánh Pháp.  Nói CM T8 đuổi Nhật thì hãy chứng minh đuổi như thế nào. Không thể dẫn chứng hoặc chứng minh được vì thực tế có diễn ra đâu.

Việc dựa vào khẩu hiệu năm 1941 rồi gán cho việc không làm trong CM T8  phải chăng là dối tra, bịa đặt. Việc vạch ra sự thật này là lật sử hay bảo vệ sự thật lịch sử. Nếu có lật thì đó là lật tẩy sự tuyên truyền dối trá của bên A chứ không phải lật sử.

Tôi đã đọc  nhiều bài về chống lật sử với những bút danh như Hoàng Trọng Đức, Chế Trung Hiếu, Anh Phương Nguyễn, Phạm Quang Núi, Phạm Thông, Lốc Liếc, Đặng Nguyệt, Hoàng Ngân Thương, Lê Hương Lan, Khuất Biên Hòa, đặc biệt là các ông tướng Hoàng Kiền, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Quốc Thước.

Trong các bài về chống lật sử, đáng chú ý là một số bài đả kích bộ sử 15 tập, có dẫn ra vài chi tiết, vài cái tên để phê phán. Họ to tiếng chửi rủa Phan Huy Lê, Trần Quốc Cường và các tác giả vì chuyện không gọi ngụy quân, ngụy quyền mà gọi là quân đội và chính quyền của Việt Nam Cộng hòa. Người ta dựa vào câu thơ chúc tết của Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để khăng khăng bắt mọi người gọi ngụy quân, ngụy quyền. Họ bịa đặt rằng không gọi ngụy quân là đã phản bội sự hy sinh xương máu của hàng triệu chiến sĩ quân Giải phóng. Ôi! Nếu cứ cố tình đề cao hận thù như thế thì làm sao, khi nào mới hòa giải, hòa hợp được dân tộc.

Không những nhóm của Phan Huy Lê bị chửi rủa, họ còn lên án Võ Văn Kiệt chống lưng cho bọn lật sử, lên án tướng Lê Mã Lương, nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Phước rất nặng nề, chửi rủa cả nhà sử học Trần Quốc Vượng, sử gia Trần Huy Liệu

Ngoài phê phán việc không gọi ngụy quân ngụy quyền, các bài viết khác về lật sử đều mang tính cách “thùng rỗng kêu to”. Họ thi nhau hô khẩu hiệu : Đả đảo bọn lật sử. Lật sử là chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Lật sử là phản bội sự hy sinh của ông cha. Lật sử là thực hiện diễn biến hòa bình. Chống lật sử là thể hiện lòng yêu nước và trung thành với Đảng, là bảo vệ thành quả cách mạng, v.v… Ngoài các ý chung chung như vậy, họ không nêu ra được những trường hợp cụ thể và phân tích rõ bên B đã lật sử như thế nào. Riêng trường hợp Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu bên A cũng chỉ dựa vào các thông tin từ lề Đảng mà không phản bác được các chứng cứ của bên B.

Việc tìm ra sự thật xem người ta đã xuyên tạc hoặc lật sử như thế nào  cần có thời gian và tự do ngôn luận, cần có những nhà nghiên cứu có tài năng và thực sự khách quan, không bị ý thức hệ chi phối, không sợ bị khủng bố  Người ta thường nói: “Việc này để lịch sử sau này làm sáng tỏ”.

Ừ thì để dần dần. Nhưng thế hệ chúng ta có trách nhiệm gì và có thể làm được gì để đóng góp vào việc tìm sự thật lịch sử đương đại. Có lẽ cách bình thường và hay nhất là đối thoại công khai giữa A và B trên nền tảng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đối thoại công khai nhằm 2 mục đích chính:

1- Để mỗi bên trình bày hết các quan điểm, các lập luận của mình và tiếp nhận từ bên kia các quan điềm, lập luận của họ. Qua việc này, với thiện tâm, mỗi bên biết được chỗ thiếu sót của mính, chỗ hợp lý của bên kia, để điều chỉnh nhận thức và dần dần giải quyết mâu thuẩn, xóa bỏ bất đồng (nếu không có thiện tâm không làm được việc này).

2- Để cho bên thứ 3 là đại bộ phân quần chúng nhân dân biết rõ được quan điểm và chứng cứ, lập luận mỗi bên. Từ đó quần chúng nhân dân tự đánh giá để quyết định ủng hộ bên nào.

Việc tranh thủ bên thứ ba là vô cùng quan trọng. Chẳng thế mà ĐCS đề cao công tác Dân vận. Nhưng hình như càng tăng cường dân vận thì dân càng mất lòng tin, càng xa rời. Phải chăng vì thế mà ngoài các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc, ở Nghệ An còn lập thêm Hội Cờ đỏ, trong quân đội còn lập “Lực lượng AK 47”.

Bên thứ ba có thể phân thành 3  nhóm. Nhóm 3A ủng hộ lề Đảng, nhóm 3B ủng hộ lề Dân, nhóm 3C không quan tâm gì đến chính trị và lịch sử, nhóm này đông nhất.

Sự đánh giá của bên thứ ba là quan trọng, nhưng ý kiến quan trọng không phải do số lượng người đông. Khi đông người  tập trung lại một chỗ, dễ gây tâm lý đám đông. Còn khi người đông mà phân tán, có điều kiện cho trí tuệ được huy động, có điều kiện cho những trí thức, những tinh hoa trong dân phát huy tác dụng. Sự đánh giá đáng tin cậy là của đội ngũ trí thức thực sự của dân tộc.

Hiện nay ở VN chưa có tự do ngôn luận và chưa có được những đối thoại công khai, mặc dầu ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo của ĐCS có hứa hẹn. Báo chi chính thống chỉ đăng những bài về chống lật sử của bên A và thường chỉ được nhóm 3A hưởng ứng, ca ngợi. Các bài của bên B thường chỉ được đăng trên các trang mạng lề Dân và nhiều lúc bị ngăn chặn bởi tường lửa.

Trên kia tôi điểm qua một số nội dung các bài chống lật sử của bên A, lập luận của họ chủ yếu dựa vào những điều đã được phe Đảng  tuyên truyền, lưu hành. Về phương pháp luận nghiên cứu khoa học cách làm đó phạm lỗi suy luận vòng quanh. Thật ra thì ban đầu phe Đảng cũng dựa vào một số sự thật lịch sử, nhưng đó là sự thật được chọn lựa và một số đã biến dạng qua lăng kính của Chủ nghĩa Mác Lê. Cũng giống như tuyên truyền Chủ nghĩa Mác Lê, các bài chông lật sử chứa rất nhiều ngụy biện.

Lập luận của bên B chủ yếu dựa vào chứng cứ thực tế. Nhưng thực tế mênh mông, mỗi người nắm được một phần. Bên B bị quy cho lật sử vì đã nêu lên những phần của thực tế khác với điều bên A công bố.

Về những bài báo của bên B. Tôi cũng đọc được khá nhiều. Chủ yếu là những bài trình bày những sự thật của một số sự kiện lịch sử mà tác giả cho là ngược lại với những gì bên A đã viết hoặc không viết. Những bài ấy không phê phán ai cả. Về trao đổi quan điểm tôi chỉ mới tìm thấy bài “Có nên lật lại lịch sử” của Đặng Chí Hùng, đăng ở trang Dân làm báo (tháng 5/2012). Đại ý ông Hùng cho rằng nếu có phần nào của lịch sử đã được viết không chính xác thì cần lật lại lắm chứ.

Trong lúc đấu tranh và chờ đợi cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tổ chức các buổi trao đổi học thuật về lịch sử, tự do và công khai các cuộc đối thoại  để tìm sự thật thì cần có nhận thức đúng về vai trò của môn lịch sử.

Nghiên cứu lịch sử là một môn của Khoa học xã hội và nhân văn. Là khoa học, nó phải giữ được sự trung thực, độc lập, khách quan, không bị chi phối bởi tình cảm, không bị khống chế bởi bất kỳ đảng phái, lực lượng chính trị  hoặc quyền lực nào.

Viết sử chủ yêu là ghi chép lại trung thực những việc đã  xẩy ra, không thêm bớt, không bình luận. Nói không thêm bớt là so với những quan sát của mình hoặc những tài liệu mình đã tham khảo chứ khó có thể so với toàn bộ sự việc xẩy ra. Người viết sử không bình luận,  không chèn tình cảm của mình vào sự kiện. Việc bình luận và thể hiện tình cảm là của độc giả.

Nhiều đồ đệ của Chủ ghĩa Mác Lê  cho rằng lich sử phải phục vụ cho chính trị. Đó là một quan điểm phản khoa học, phản nhân loại. Trong sử cận đại của VN có một số sự kiện bị trình bày khác với  sự thật, nhằm phục vụ chính trị. Chống lật lại những điều như thế là hành động của sự cuồng tín, cần loại bỏ.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in 10 năm Bauxite Việt Nam. Bookmark the permalink.