Chu Hảo
Mới đấy mà đã mười năm kể từ khi Bauxite Việt Nam (BVN) khai trương, chính thức hoạt động như một cơ quan ngôn luận truyền tải những ý kiến phản biện về những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, từ phía xã hội dân sự đang hình thành. Đằng sau BVN là đông đảo các nhà khoa học và hoạt động xã hội, các nhân sĩ và trí thức, ở trong và ngoài nước, những người đồng tình với tuyên bố nổi tiếng của GS Ngô Bảo Châu: “Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”.
Xã hội phải được chết lâm sàng là chủ trương nhất quán và được thực hành ráo riết ở tất cả các thể chế toàn trị, nơi luôn kiên định một chính sách ngu dân, bưng bít thông tin và hèn hạ hóa con người. May thay, kể cả ở Trung Quốc, nơi mà chế độ toàn trị được thiết lập từ giữa TK20 và lên đến đỉnh điềm vào thời đại của Tập Cẩm Bình, thì luôn luôn vẫn có những con người tài trí quả cảm, dấn thân để xã hội không chết lâm sàng. Chẳng hạn như Tiêu QuốcTiêu (GS ĐH BắcKinh, 2004 – Xem: Thảo phạt Ban Tuyên huấn Trung ương), Hứa Chương Nhuận (GS ĐH Thanh Hoa, 2018 – Xem: Nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta hiện nay).
Anh hùng hào kiệt thời chinh chiến ở nước ta đời nào cũng có; thế còn thời bình thì sao? Tôi mong đợi và tin tưởng rằng, bắt đầu bằng phổ biến các kiến nghị về Dự án Bauxite Tây Nguyên, BVN sẽ kiên trì chủ trương Khai dân trí thông qua các phản biện xã hội có tính học thuật nghiêm chỉnh trong nhiều lĩnh vực quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, định hướng Dân chủ và Phát triển, trong đó sẽ xuất hiện những cá nhân, rồi cả một tầng lớp tinh hoa dấn thân cứu rỗi giống nòi.
Nhân dip này tôi xin kính chuyển đến quý vị ý kiến của tôi liên quan đến các vấn đề phản biện xã hội (đặc biệt là về Dự án Bauxite), minh bạch thông tin, và quản lý báo chí… đã phát biểu tại một Hội nghị về công tác báo chí do Ban bí thư TƯ ĐCSVN triệu tập. Gần mười năm đã trôi qua, nhưng dường như nó vẫn mang tính thời sự; buồn lắm thay.Viện Phan Châu Trinh
Hội An ngày 12/5/2019
Bài phát biểu tại Hội nghị của BBT với đại diện
lãnh đạo các bộ, ngành, và đoàn thể chủ quản
các cơ quan báo chí, tổ chức ngày
18 tháng 11 năm 2010
(Chủ trì HN: T.T.Sang, T.H.Rứa, N.T.Kỷ, L.D.Hợp, Đ.Q.Doãn)
Thưa anh Tư Sang và các anh chị,
Thay mặt lãnh đạo LHH KHKT VN tôi xin lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của HN và truyền đạt lại cho các Báo chí của LHH để thực hiện nghiêm chỉnh. Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở đội ngũ TBT và phóng viên của LHH phải thượng tôn pháp luật và tuân thủ kỷ luật của Đảng, đồng thời coi trọng đạo đức nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng. Tôi cũng rất mừng nhận thấy rằng, theo Báo cáo của các anh Ng. T.Kỷ và Đ.Q.Doãn, Báo chí của LHH rất ít có sai phạm. Một vài sai phạm nhỏ được nêu ra lại là của báo Đất Việt, là tờ báo đặc thù như các đồng chí lãnh đạo Ban và Bộ biết rõ, nên tôi tin là sẽ rất dễ dàng khắc phục.
Sau đây là ý kiến riêng của cá nhân tôi.
1. Các đồng chí phát biểu trước đều nhấn mạnh rằng, vì có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan quản lý nên báo chí trong thời gian vừa qua đã có nhiều thành tích, nhưng vẫn còn những sai phạm đáng quan tâm. Riêng tôi thì lại nhìn nhận dưới một góc độ khác. Tôi cho rằng Báo chí trong thời gian vừa qua đã tiến một bước khá dài trên bước đường dân chủ hóa theo chủ trương của Đảng: phát huy dân chủ trong Đảng để mở rộng dân chủ trong xã hội. Các đồng chí thử hình dung xem, năm năm trước thôi, liệu có thể xuất hiện trên báo chí chính thống các bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn An về quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp và của đồng chí Nguyễn Đình Lộc về việc phải có Luật về Đảng không? Những bài báo ấy rất có tiếng vang trong xã hội nhưng không hề gây mất ổn định chính trị như một số người lo ngại.
2.Tôi tán thành ý kiến của anh Đinh Thế Huynh về vấn đề cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí; những gì không là bí mật quốc gia, chẳng hạn tổng kinh phí đã chi cho Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì không nên chậm trễ công bố để tránh tình trạng mù mờ gây bức xúc. Minh bạch thông tin thì mới phát huy được dân chủ. Về Dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên cũng vậy, nhiều vấn đề cũng cần phải được công khai thảo luận vì đấy là sự bức xúc của toàn xã hội. Nhân đây, tôi xin cung cấp thêm thông tin để hội nghị rõ về Bản kiến nghị về vấn đề khaithác Bauxite ở Tây Nguyên của các nhân sỹ, trí thức và nhà khoa học, mà tôi có trực tiếp tham gia. Nhân có thảm họa bùn đỏ ở Hungari, chúng tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để chúng ta có thể rút khỏi các dự án đang được tiến hành, một cách hợp lý và bình tĩnh xem xét lại Quy hoạch tổng thể về khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Chúng tôi làm việc đó với ý thức trách nhiệm trước nhân dân và vì tương lai của đất nước, được sự đồng tình, hưởng ứng của dư luận xã hội. Vậy mà cho đến nay chưa có một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nào trả lời, dù chỉ là bằng một nghi thức xã giao. Đó thật là một điều đáng tiếc. Một Kiến nghị chính thức có chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình và nhiều trí thức có uy tín khác, gửi đảm bảo qua đường bưu điện đến địa chỉ làm việc của bốn vị lãnh đạo cao nhất, mà không ai trả lời thì làm sao mọi người tin được rằng Đảng và Nhà nước lắng nghe ý kiến của nhân dân và tôn trọng trí thức?
3. Nền báo chí của chúng ta hiện nay được quy định là nền báo chí cách mạng, là tiếng nói của Đảng của Nhà nước và của Nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng. Tuy vậy tôi vẫn xin đề nghị tách hệ thống báo chí nói chung ra làm hai khối. Một khối toàn tâm toàn ý phổ biến, tuyên truyền và bảo vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khối còn lại, chủ yếu là của các tổ chức xã hội dân sự, tuy vẫn dưới sự chỉ đạo của Đảng, nhưng “gián tiếp” hơn, có vẻ “mặt trận” hơn, được tự do hơn trong việc phản ảnh ý kiến đa dạng, đa chiều của các tầng lớp xã hội. Như vậy thì nền báo chỉ của chúng ta mới sinh động hơn, có hiệu quả thực sự hơn, và có vẻ tương đồng hơn với quyền tự do ngôn luận như được ghi trong Hiến pháp. Còn nếu chúng ta muốn tất cả các báo chí đều chỉ được nói một chiều, đồng thuận với mọi cái “đã được ấn định trước”, thì chỉ cần có một tờ báo Nhân dân là đủ, chứ làm gì phải cần đến cả nền báo chí “hùng hậu” như thế này!
C.H.
Tác giả gửi BVN