Ngô Nhân Dụng
Dionysius I (c. 432-367 TCN) là một bạo chúa ở Syracuse, một thành phố Hy Lạp trên đảo Sicily. Ông cũng là một người thích làm thơ, không khác gì các ông Stalin và Hồ Chí Minh. Một hôm Dionysius đưa cho thi sĩ Philoxenus coi một tác phẩm mới của ông. Nhà thơ Philoxenus người đảo Cythera, đã từng bị quân Hy Lạp bắt khi họ đánh chiếm đảo. Bị bán làm nô lệ cho một thi sĩ phú hào rất rộng lượng ở Athenes, Philoxenus được ông chủ dạy làm thơ, soạn nhạc. Ông chủ yêu tài, trả tự do cho Philoxenus. Philoxenus tới sống ở Syracuse lập ra một trường phái “Nhạc Mới”.
Nhưng Philoxenus có tánh hay nói thật. Nghe thơ của Dionysius, thấy ngửi không được, ông nói ngay rằng thơ của nhà vua chẳng ra gì cả. Ông còn thành thật khuyên nhà vua đừng bao giờ làm thơ nữa. Việc viết khẩu hiệu nên để cho các thi sĩ hạng hai, hạng ba, họ có nghề múa mép, không nên bắt họ thất nghiệp.
Lập tức, Dionysius ra lệnh bắt giam Philoxenus, cho đi học tập cải tạo ở một công trường khai thác đá.
Ngày hôm sau, không hiểu sao Dionysius lại hối hận, mời nhà thơ vào triều dự tiệc. Dạ yến chiêu đãi văn nghệ sĩ tất nhiên là vui lắm, đại khái quý vị có thể tưởng tượng được, đủ các thứ sơn hào hải vị, có văn công giúp vui, vũ nữ ra múa. Sau khi đã uống rượu khá nhiều, thi hứng của nhà vua lại nổi lên. Ông đứng dậy ngâm một bài thơ của mình, thứ thơ kiểu “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.” Đọc thơ xong, Dionysius quay lại nhìn thi sĩ Philoxenus, hỏi: “Đồng chí thấy bài thơ mới thế nào? Đồng chí đã thay đổi ý kiến về tài thơ của trẫm chưa?”
Philoxenus đứng dậy, nghiêng mình, cung kính cúi chào ông vua. Rồi ông lững thững đi ra cửa, bảo tên lính đeo gươm hầu phụ trách an ninh nội chính: Chú làm ơn cho tôi trở về hầm đá!
Các văn nghệ sĩ và các nhà trí thức muốn nói thẳng, nói thật, rất khó sống dưới ách độc tài, dù là chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa hay là chế độ độc đảng chuyên chính ngày nay.
Cho nên, phải vui mừng khi thấy Mạng Bauxite Việt Nam do các nhà trí thức Việt Nam chủ trương đã sống được mười năm dù giữ vững thói quen “nói thẳng những lời trái tai” (trung ngôn nghịch nhĩ).
Ra đời năm 2009, Bauxite Việt Nam may mắn hơn những người trí thức, văn nghệ thời Nhân văn – Giai phẩm hơn 50 năm trước. Thời thế đã thay đổi. Một đảng cầm quyền mang tên “cộng sản” nhưng chỉ lo làm ăn chung để chia phần với tư bản trong nước và tư bản quốc tế thì không thể dùng còng số 8 bịt miệng người dân như trong thế kỷ trước.
Khác với Nhân văn, Giai phẩm, do các nhà văn nghệ khởi xướng nhằm đòi quyền tự do phát biểu, Bauxite Việt Nam xuất hiện vì những vấn đề chính trị: Dân Việt đứng lên bảo vệ môi trường sống đang bị các công ty khai thác ngoại quốc đe dọa; do đó cũng chống cảnh chính quyền Việt Nam quá lệ thuộc Bắc Kinh.
Từ cuối năm 2007 chính quyền Cộng sản Việt Nam đã cho các công ty Trung Quốc khai thác nhiều hầm mỏ ở nước ta. Việc khai mỏ bauxite ở cao nguyên miền Trung đã tàn phá nhiều vùng đất trồng cà phê, nhiều hồ “bùn đỏ” chứa chất độc hình thành, các nhà vườn không đủ nước tưới.
Khi dư luận lên tiếng phản đối, Nguyễn Tấn Dũng, là Thủ tướng lúc đó, đã thách thức nói rằng cho người Trung Quốc khai thác bauxite là một “chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước”. Mặc dù trước đó Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cam đoan với các nhà khoa học môi trường rằng sẽ không cho ai khai thác bauxite.
Cái gọi là “chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước” là kiếm tiền. Họ đặt hy vọng vào lời hứa Trung Cộng sẽ đem tiền từ bên Tàu đầu tư vào nước ta.
Việt Nam chịu cảnh thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc thường xuyên. Không thể giảm bớt thâm thủng, phải có tiền đầu tư ngược chiều vào để bù lại. Trong ba tháng đầu năm 2009, số đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam lại giảm bớt 40 phần trăm, càng thấy cần tiền của Trung Cộng. Ông Nguyễn Tấn Dũng qua Tàu gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo để bàn chuyện gia tăng giao thương từ $20 tỷ tới $25 tỷ mỹ kim.
Mua bán nhiều hơn có nghĩa là sẽ thâm thủng nhiều hơn. Dự án khai thác bauxite hứa hẹn đầu tư $15 tỷ trong 15 năm. Lúc đó thì công ty Trung Quốc Chinalco đã bắt đầu khai phá khu mỏ thứ nhất, và nhờ Alcoa, một công ty Mỹ, nghiên cứu khả năng khai mỏ thứ nhì.
Người Việt Nam vốn không ưa Trung Cộng. Chúng ta đã lo cảnh hủy hoại môi trường sống, lại thêm lo khi các công ty Trung Cộng đến tàn phá rừng núi nước mình, làm cho bao nhiêu đồng bào miền núi mất đất sinh sống! Dân Việt Nam còn căm phẫn trước làn sóng những công nhân Trung Cộng sang Việt Nam làm việc, quây quần riêng với nhau ở những địa điểm chiến lược, như Nhật báo Anh quốc, tờ Financial Times, ghi nhận “Chinese workers flooding into the strategically sensitive region”.
Trong hoàn cảnh đó, một nhóm nhà trí thức đã cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi lập một mạng lưới thông tin cho đồng bào cùng lên tiếng. Ngay lập tức, mạng Bauxite Việt Nam đã bị chính quyền cộng sản hai nước, Việt Nam và Trung Quốc, cùng tấn công. Báo chí quốc tế như những tờ New York Times, Financial Times, Wall Street Journal năm 2010 cùng loan tin Bauxite Việt Nam bị ‘tin tặc” tấn công, khi thấy hai công ty Google và McAfee tiết lộ.
Công ty McAfee, chuyên về chống tin tặc, vào tháng Giêng năm 2010 đã khám phá ra âm mưu dùng “malware” từ Trung Cộng len lỏi vào một website nhu liệu viết tiếng Việt của Hội Chuyên gia Việt Nam. Rồi cả thế giới biết “Google cho thấy vụ tấn công trên mạng liên quan đến tranh chấp về khai mỏ ở Việt Nam”.
Bauxite Việt Nam đã đứng đầu sóng ngọn gió suốt mười năm qua. Bắt đầu như một trang mạng nhắm vào một mục đích cụ thể, là chống Trung Cộng khai thác bauxite ở nước ta, sau mười năm Bauxite Việt Nam đã trở thành một diễn đàn của các công dân nước Việt. Với tư cách công dân, các nhà trí thức bày tỏ ý kiến về vận mệnh đất nước. Với tiếng nói dõng dạc đường hoàng Bauxite Việt Nam đã thể hiện quyền công dân, đi bước đầu trong việc xây dựng một xã hội công dân độc lập với những người nắm quyền.
Nhờ có diễn đàn này, các tin tức “trái chiều” được phổ biến, các ý kiến vận động và xây dựng tự do dân chủ được trao đổi trong tinh thần tương dung, tương kính, trong đó có đóng góp của nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Một diễn đàn độc lập do các công dân tự dựng lên và tham dự, như Bauxite Việt Nam, là nền tảng cho việc tranh đấu, xây dựng cũng như duy trì, bảo vệ chế độ dân chủ. Những nhà “trí thức tự do” cố gắng đưa ra những thông tin và lý luận để các công dân khác, dù họ không chia sẻ quan điểm và lý tưởng của mình, cũng có cơ hội “biết thêm” về cuộc sống chung quanh.
Sự thật trong cuộc sống chung quanh chúng ta có thể hiện lên qua muôn vàn hình thức khác nhau. Mỗi câu chuyện có thể đem kể với những văn bản, màu sắc khác nhau. Những điều được coi là “chân lý” ngày hôm qua đến ngày mai có thể lộ nguyên hình là giả mạo.
Vì vậy xã hội loài người phải lập nên nhiều diễn đàn tự do để công khai chạy đua, cạnh tranh với nhau trong dư luận. Đó là một mắt xích không thể thiếu của xã hội công dân. Đi đôi với kinh tế thị trường, các xã hội muốn tiến bộ cần những thị trường thông tin, thị trường ý kiến. Mỗi người trong đó có thể canh chừng không để một người, một đảng đưa dân tộc vào những con đường sai lầm quá lâu, khi biết ra thì trễ quá, sinh bao tai hại. Trước hết, là những kẻ nắm quyền hành trong tay.
Các chế độ độc tài quân phiệt, phát xít và cộng sản, khi họ ngăn cấm thông tin, đều bắt dân chúng sống chìm đắm trong lạc hậu, lùi bước, chạy ngược chiều với lịch sử nhân loại. Bauxite Việt Nam đang đi hàng đầu để ngăn cản chính sách ngu dân đó. Từng bước một, từng bước một, ước mong Bauxite Việt Nam sẽ vững chân tiến tới.
Mười năm qua đã có nhiều nhà báo tự do xuất hiện, nhờ các tiến bộ kỹ thuật thông tin, các mạng xã hội. Các blogger của dân Việt đã bị đàn áp, trù dập. Nhiều người hiện đang sống trong tù. Như người ta nói, “Tự do không ai đem cho không” (Freedom isn’t free). Nhưng làn sóng tự do đã nổi lên trong mười năm qua vẫn là một bước đi lớn.
Đền đài của các bạo chúa như Dionysius đã biến trong cát bụi. Nhưng các bài thơ của Philoxenus vẫn còn khi còn người nói tiếng Hy Lạp. Trí thức con người vượt lên trên các chế độ chính trị. Những blogger, nhà báo, nhà trí thức tự do hôm nay có thể vững lòng vì họ đang tranh đấu cho tương lai nước Việt Nam dân chủ. Họ đang góp gió thành bão.
Sẽ có ngày “Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới” như tựa một bài thơ của Tô Thùy Yên, một thi sĩ mới qua đời. Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới Ngoài biển khơi, trên lục địa… Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài… … Một ngày, một ngày, Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới Thổi tới (Tô Thùy Yên, Tuyển Tập Thơ, 2018)
N.N.D.
Tác giả gửi BVN
Bài đọc tham khảo do tác giả Ngô Nhân Dụng viết 10 năm trước:
Nguyễn Huệ Chi, McAfee và Google
Ngô Nhân Dụng
Khi học giả Nguyễn Huệ Chi và một số bạn bè đứng ra lập mạng lưới thông tin cho đồng bào biết về việc Trung Cộng khai thác bô xít ở nước ta, các nhà trí thức này chắc không ngờ có ngày báo chí khắp thế giới nói đến họ. Những tờ báo lớn nhất ở Âu Châu như Financial Times, Le Monde, ở Mỹ như New York Times, Wall Street Journal trong ngày Thứ Ba, 31 Tháng Ba, 2010, đều nhắc nhở đến phong trào phản đối chính quyền cộng sản cho Trung Cộng khai thác bô xít, và những xung đột khác giữa hai nước Việt Hoa. Trong một sớm một chiều, cả thế giới biết tin các nhà trí thức Việt Nam đang chống lại việc Trung Cộng khai thác bô xít. Họ còn biết nguyên do chống đối là vì những ảnh hưởng tai hại cho môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, vân vân. Công ty khai thác nhôm Chinalco được nhắc đến như là nguồn gốc gây ra cuộc đối kháng của người dân Việt. Tiếng xấu về công ty Trung Cộng này sẽ còn lâu mới rửa được. New York Times viết tựa đề: “Googgle nối kết vụ tấn công mạng lưới với cuộc tranh chấp mỏ ở Việt Nam” (“Google Links Web Attacks to Vietnam Mine Dispute”). Financial Times viết tựa đề: “Các nhà phản kháng Việt Nam bị tin tặc tấn công” (“Vietnam dissidents targeted by cyberattacks”). Cả hai đều nhắc đến nhóm các nhà trí thức chống Trung Cộng khai thác bô xít qua mạng lưới được hàng chục ngàn người vào tham dự.
Nhật báo Financial Times đã giới thiệu bản tin về vấn đề này hai lần trên hai mục khác nhau, trên mạng lưới, một là mục tin thế giới, hai là các tin tức về kỹ thuật. Trong bản tin này, tờ báo còn vạch rõ một mối lo ngại của người Việt Nam trong vụ khai thác bô xít này, là cơn sóng những người dân Trung Cộng sang Việt Nam làm việc, ở những địa điểm chiến lược trong việc phòng thủ quốc gia (Chinese workers flooding into the strategically sensitive region).
Nhật báo Wall Street Journal mở rộng mối quan tâm sang các doanh nhân Mỹ. Họ liên kết cuộc tấn công của tin tặc trên các nhà trí thức phản kháng ở Việt Nam với các vụ đột nhập vào mạng lưới các công ty Mỹ, do Bộ Quốc phòng Trung Quốc chủ trương, với mục đích gián điệp kinh tế. Tác giả bài báo cảnh cáo: An ninh của giới doanh nghiệp Mỹ bị đe dọa!
Cả hai tờ báo quốc tế Financial Times và New York Times, cũng như bản tin AP đều không quên nhắc lại Việt Nam và Trung Hoa đã trải qua hàng ngàn năm thù nghịch, cuộc chiến tranh gần đây nhất mới hồi 1979, và tâm lý người Việt Nam lúc nào cũng nghi ngờ tham vọng của các chính quyền phía Bắc. Nhân dịp này, họ cũng nêu lên mối tranh chấp về các quần đảo, đặc biệt là đã ghi nhận Hoàng Sa mới bị Trung Cộng chiếm của Miền Nam Việt Nam năm 1974.
***
Tất cả các tin tức trên đều lợi cho cuộc tranh đấu của người Việt Nam. Chúng sẽ nhắc nhở dư luận thế giới về những cuộc tranh chấp giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa hiện nay. Quan trong nhất là các bản tin đã giới thiệu cho mọi người biết một phong trào tranh đấu cho môi trường sống, cho chủ quyền quốc gia và đòi công lý của người dân Việt Nam. Phong trào tranh đấu này đã bị bọn “tin tặc” tấn công, hai công ty quốc tế Google và McAfee đã loan báo tin tức đó để các thân chủ của họ đề phòng; chính bản tin đó đã bùng nổ trên mặt báo chí khắp thế giới.
Tất cả các tổ chức đấu tranh chỉ mong “thắng” được một trận như vậy trong cuộc chiến vận động, tuyên truyền của mình. Có khi họ bỏ ra hàng triệu Mỹ kim để gây nên những tiếng vang như thế này. Nhưng học giả Nguyễn Huệ Chi và Mạng lưới Bô xít Việt Nam không phải trả đồng tiền nào cả. Lý do, chỉ vì họ đang đứng về phía những lực lượng tiến bộ và đứng về phía lẽ phải. Không phải chỉ trong môi trường giữa người Việt Nam với nhau, mà lẽ phải và sự tiến bộ của chung nhân loại. Hai công ty Google và McFee tự nhiên đứng về phía Mạng lưới Bô xít Việt Nam!
Bản tin trên các báo và của hãng thông tấn AP đều nêu tin chính từ những lời tố cáo của công ty Google và vị Trưởng kỹ thuật công ty McAfee chuyên về chống tin tặc.
***
Khi có một đại công ty như Google để mắt tới, câu chuyện trở thành quốc tế! Công ty McAfee cho biết họ tìm thấy “nhu liệu phá hoại, malware” từ Tháng Giêng 2010 khi nó lẻn vào một nhu liệu viết tiếng Việt trong mạng www.vps.org, đó là Web site của Hội Chuyên gia Việt Nam, Vietnamese Professionals Society (VPS). Công ty McAfee cho biết họ đã khám phá ra “malware Việt Nam” này trong khi đang điều tra những vụ tấn công vào mạng lưới của Google trong lục địa Trung Hoa. Google bị chính quyền Trung Cộng tấn công với mục đích đột nhập và ăn trộm các dữ kiện trong hộp thư của các nhà dân chủ Trung Quốc. Cuộc tấn công thô bạo đã khiến công ty Google chấm dứt không hợp tác với Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt mạng lưới; và hai tháng sau, công ty này đã rút khỏi Trung Hoa mặc dù sẽ bị thiệt hại về thương mại.
Sự kiện công ty McAfee tìm ra các con virus Việt Nam trong khi đang điều tra ở Trung Quốc cho thấy hai cuộc “hành quân ăn trộm và phá hoại” các mạng lưới ở Việt Nam và ở Trung Hoa có thể bắt nguồn từ cùng một đầu não, nếu không thì cũng được phối hợp chặt chẽ ít nhất về kỹ thuật.
Ðiều này rất dễ giải thích. Không phải chỉ riêng Cộng Sản Việt Nam lo lắng trước phong trào giới trí thức phản kháng vụ khai thác bô xít. Cộng Sản Trung Hoa cũng quan tâm vì quyền lợi kinh tế của họ. Cả hai đảng cộng sản đều muốn phá hoại không cho người Việt Nam vào mạng Bô Xít của học giả Nguyễn Huệ Chi và các nhà tranh đấu tự do dân chủ khác. Cho nên, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ các cố vấn Trung Quốc giúp trong việc phá hoại này thì cũng dễ hiểu, không khác gì các cố vấn trong vụ cải cách ruộng đất, cố vấn các cuộc chỉnh quân, chỉnh đảng nửa thế kỷ trước
***
Nhưng khi hai đảng cộng sản thi hành chính sách này là họ đã khai chiến với cả loài người tiến bộ. Tiến bộ đây không phải là trên mặt kỹ thuật, kinh tế, mà tiến bộ về xã hội. Loài người đã tiến đến thế kỷ này, mọi người đều công nhận quyền được trao đổi thông tin, quyền được biết sự thật là một quyền thiêng liêng của mỗi con người. Ðó cũng là một động lực cần thiết giúp xã hội phát triển về kinh tế và văn hóa. Ngăn chặn quyền tự do đó, phá phách không cho người dân được thi hành những quyền đó, là phản tiến bộ, là chống lại cả loài người.
Chuyên viên Neel Mehta thuộc công ty Google giải thích tại sao công ty đã công bố tin tức những vụ tin tặc do các Chính phủ Trung Cộng và Việt Nam chủ mưu. Ông viết rằng công ty nêu lên các sự kiện này để đánh thức “cộng đồng quốc tế chú ý đến vấn đề an toàn mạng lưới một cách nghiêm chỉnh. Vì mục đích là bảo vệ việc trao đổi ý kiến và quan điểm một cách tự do (free opinion flowing)”.
Các nhà trí thức Việt Nam chủ trương Mạng lưới Bô xít Việt Nam cũng nhắm cùng một mục đích: Trao đổi thông tin và quan điểm một cách tự do. Con người chỉ làm được việc thông tin tự do khi biết kính trọng người khác và tự bảo vệ phẩm giá của mình. Cấm đoán thông tin, cấm các quan điểm khác mình không cho phát biểu, đều là những thái độ và hành động hèn nhát, làm giảm giá trị của chính người cấm lẫn những người bị cấm.
***
Các chế độ độc tài phát xít và cộng sản, khi họ ngăn cấm thông tin, đều bắt dân chúng sống chìm đắm trong lạc hậu, lùi nhiều bước ngược chiều với lịch sử nhân loại. Ở nước Trung Hoa nhiều người đã than thở là khi vào Google hay Baidu tra tìm một chữ như “cà rốt” cũng gặp khó khăn, mặc dù mục đích chỉ để tìm hiểu về thức ăn hay cách trồng rau. Có lúc mạng lưới tra tìm không cho kết quả nào, vì chữ “cà rốt” mà người Trung Hoa gọi là “hồ la bặc” có chữ Hồ trong đó, các mạng lưới đã kiểm duyệt vì tránh tiết lộ các “bí mật quốc gia” về ông Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào! Cũng giống như vậy, người tra tìm một chữ “ấm áp” (ôn) cũng gặp khó khăn vì chính quyền cộng sản muốn ngăn cản các “gián điệp” không cho dò tin tức về Thủ tướng Ôn Gia Bảo!
Cái thói quen bưng bít đó còn đọng lại ngay cả sau khi chế độ cộng sản đã sụp đổ. Mấy bữa trước, có hai vụ nổ bom trong hệ thống xe điện ngầm ở Matxcơva từ sáng sớm khiến 39 người chết. Nhưng ba hệ thống truyền hình lớn nhất ở thủ đô nước Nga giữ lại không loan tin này. Sau đó, từ nửa giờ đến hai giờ, họ loan tin vắn tắt. Và mãi đến trưa, mới có một đoàn phóng viên đến quay phim tại hiện trường, sau khi đã dọn dẹp!
Cuộc cách mạng thông tin khiến cho chính sách bưng bít đó không những thất bại mà còn trở thành lố bịch. Trong nước Việt Nam hiện nay cũng rất ít người biết đến Mạng lưới Bô xít Việt Nam, khiến người dân không những chán ghét mà còn khinh bỉ bọn cầm quyền. Nhờ Google, hôm nay cả thế giới được biết dân Việt Nam chống Chinalco khai thác bô xít, và các báo đều nêu rõ những lý do chính đáng. Người ta cũng biết nhiều hơn về các cuộc tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa.
***
Bởi vì chúng ta, những người tranh đấu cho nước Việt Nam tự do dân chủ đang đứng cùng phía với những người tiến bộ trên thế giới. Cộng sản đang đứng về phía những kẻ cản đường không cho dân tiến bộ. Dân chủ đang lên, độc tài đang xuống, từ nửa thế kỷ nay. Trước đây 40 năm, các Chính phủ Ðài Loan, Ðại Hàn, Indonesia, Thái Lan cũng đứng về phía phản tiến bộ như cộng sản bây giờ. Nhưng khi người dân các nước trên ý thức được các quyền lợi vật chất và tinh thần của họ sẽ chỉ được bảo đảm khi mọi người cùng được tự do, quan trọng nhất là tự do thông tin, thì cuối cùng các chế độ độc tài sẽ sụp đổ.
Trong công cuộc tranh đấu này, ở Việt Nam, các nhà trí thức phản kháng đang đi tiên phong. Trước đây không ai ngờ học giả Nguyễn Huệ Chi và các bạn ông lại có khi liên hệ với các công ty McAfee và Google. Các công ty quốc tế lớn về truyền thông đang đứng về phía họ. Vì tất cả đều thuộc những lực lượng tiến bộ trong nhân loại.
N.N.D. Nguồn: báo Người Việt, ngày 01/04/2010. Đăng lại trên các mạng talawas, Trúc lâm Yên Tử, Dân chủ – nhân quyền cho Việt Nam, Dân lên tiếng…