Phạm Đoan Trang
*
Chương VI ĐẠI CHIẾN HÀNH TINH KHỈ: “CÙNG NHAU, KHỈ SẼ MẠNH!”
Bắt buộc phải đoàn kết tất cả mọi người vì một mục tiêu chung lớn nhất. Bản thân sự đoàn kết cũng là một mục tiêu, phải nỗ lực đạt được nó.
*
Bạn nào từng xem series phim giả tưởng của điện ảnh Mỹ về cuộc nổi dậy của loài khỉ, hẳn nhớ một câu “thần chú” của lũ khỉ: Cùng nhau, khỉ sẽ mạnh! Chúng luôn nhắc nhở câu ấy để động viên tinh thần nhau và tập hợp nhau lại, cùng chiến đấu chống kẻ áp bức chúng, là loài người.
Chúng ta cũng vậy. Trong cuộc đấu tranh chống độc tài, nếu không đoàn kết được cho một mục tiêu chung, mục tiêu lớn nhất (dân chủ hóa đất nước), chúng ta sẽ thất bại.
Hiểu đúng về dân chủ, đa nguyên, minh bạch, tự do ngôn luận
Trong phong trào dân chủ, có hiện tượng nhiều người hay phát biểu trên mạng xã hội (nơi công cộng) để công khai mạt sát và hạ nhục người khác, nhưng lại cho rằng đó là biểu hiện của sự dân chủ, đa nguyên. Hoặc, lôi chuyện riêng tư của người khác ra, bắt họ phải công khai chuyện riêng tư, và bảo đó là minh bạch.
Nhưng thật ra đó chẳng phải là chỉ dấu của dân chủ, đa nguyên hay minh bạch nào cả.
Dân chủ là một hệ thống quản trị đất nước, trong đó, nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân, và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua, hay là nhờ có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra (định nghĩa của Philippe C. Schmitter và Terry Lynn Karl).
Một định nghĩa khác: Dân chủ là một hình thức tổ chức chính quyền theo các nguyên tắc sau: a) Quyền quyết định tối cao thuộc về người dân; b) Tất cả mọi người đều bình đẳng về các quyền chính trị; c) Tất cả mọi người đều được có tiếng nói; d) Đa số thống trị; thiểu số phải theo đa số (định nghĩa của Austin Ranney).
Điều chúng ta cần nhận thấy là, dân chủ là tên gọi của một hệ thống quản trị đất nước hay là một hình thức tổ chức chính quyền. Nghĩa là nó xoay quanh mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, chứ không phải giữa các công dân với nhau.
Rất nhiều người Việt Nam hiểu nhầm khái niệm minh bạch, khi họ nghĩ “minh bạch” nghĩa là thông báo rõ ràng và đầy đủ về những việc mình làm cho công chúng trên Facebook, thậm chí cho cơ quan an ninh (!). Sự hiểu nhầm đó đương nhiên khiến họ bị phía an ninh lợi dụng ngay: Lực lượng này chỉ việc ngồi một chỗ, triệu tập/mời họ đến, điềm nhiên khai thác thông tin của họ một cách nhẹ nhàng, đơn giản, không phải nỗ lực gì. Thông tin sau đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì thì chỉ có an ninh biết, còn những người vừa “minh bạch” kia thì không biết hoặc cứ nghĩ là “chẳng có vấn đề gì đâu, tôi không sợ an ninh, tôi làm việc tốt mà, tôi đàng hoàng, minh bạch thông tin mà”.
Thật tiếc, họ đã đàng hoàng với những người không đàng hoàng. Họ đã bị lừa, bị lợi dụng. Chưa kể, những thông tin mà họ nghĩ là “chẳng có vấn đề gì đâu”, cuối cùng sẽ bị những kẻ kia dùng để hại người khác, thậm chí hại chính họ.
Trong khi đó, minh bạch đúng nghĩa là sự chia sẻ thông tin của chính quyền đến người dân, của một cộng đồng hay tổ chức (kể cả doanh nghiệp) đến thành viên của nó. Minh bạch không phải là việc người dân cần làm với cơ quan công quyền; nó là việc mà chính quyền, cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước… phải làm với dân.
Bị hiểu nhầm tương tự là khái niệm “tự do biểu đạt”, “tự do ngôn luận”. Các dư luận viên lâu nay có thói quen mò vào trang của những người khác chính kiến, chửi bới, mỉa mai, khiêu khích, dạy đời… đủ cả, rồi tới khi bị chủ trang block thì ré lên: “Dân chủ mà thế à? Không tôn trọng tự do ngôn luậậậậ…n!”.
Nhưng thực ra, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận là các quyền dân sự mà với nó, người dân có thể có quan điểm, có thể lên tiếng và vẫn được bảo vệ khỏi sự can thiệp tùy tiện từ phía chính quyền. Tức là, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận là quyền của người dân trong quan hệ với chính quyền. Nó chẳng có liên quan gì đến chuyện giữa hai người dân, một người nhảy bổ vào nhà người kia chửi bới, mỉa mai, khiêu khích, dạy đời… và bị tống cổ ra ngoài (như ở trên mạng xã hội, ta gọi đó là hành động “block”, chặn).
Minh bạch và quyền tự do nghĩa là thế, nhưng nhiều người không hiểu hoặc hiểu nhầm, nên mới thường lạm dụng khái niệm nay để chỉ trích, lăng mạ lẫn nhau và tệ hơn nữa, để bị lực lượng an ninh và dư luận viên lợi dụng.
Còn đa nguyên là một trong những lợi ích mà dân chủ đem lại cho một xã hội. Nhờ dân chủ, mới có sự đa nguyên, khi mà tất cả mọi người biết sống khoan dung, chấp nhận sự khác biệt và cùng tồn tại trong hòa bình. Đa nguyên luôn đi kèm với các giá trị như khoan dung, hòa bình. Việc chỉ trích, miệt thị, hạ nhục người khác công khai, tất nhiên không phải là đa nguyên.
Tuy nhiên, sau khi hiểu đúng một số khái niệm như vậy thì điều quan trọng chúng ta phải thấy là: Dân chủ, đa nguyên không có nghĩa là chống phá nhau, và trong đấu tranh chống độc tài, nếu không đoàn kết thì chắc chắn sẽ bị đàn áp, chắc chắn sẽ thất bại.
Phải coi đoàn kết là một mục tiêu để hướng tới
Đã xác định rằng nếu không đoàn kết, chắc chắn thất bại, thì chúng ta phải coi đoàn kết là mục tiêu để hướng tới, và cần phải có chiến lược, chiến thuật, hành động để đạt mục tiêu ấy.
Ví dụ, các thành viên trong một nhóm, hoặc giữa các nhóm với nhau, có thể tổ chức những hoạt động chung – không quá khó khăn, nguy hiểm – để gắn kết các bên. Làm chung với nhau một cuốn lịch, tổ chức một chuyến đi chơi chung, hoặc cà phê, gặp gỡ… đều có thể là cách để gắn kết mọi người với nhau.
Tiếp xúc trực tiếp, trực diện (face-to-face, mặt đối mặt) luôn tốt hơn là chỉ qua chat chit, thư từ, trao đổi trên mạng, bởi chỉ tiếp xúc trực tiếp mới đủ sự gần gũi để người ta hiểu về nhau và nếu có thể thì tiến tới thông cảm với nhau.
Luôn luôn mở rộng, hướng ra bên ngoài
Đọc hết phần trên, có lẽ bạn sẽ nghĩ đây là những đề nghị đoàn kết giữa những người đấu tranh dân chủ – nhân quyền, trong nội bộ phong trào với nhau. Nhưng thật ra, đoàn kết có ý nghĩa rộng lớn hơn thế nhiều: Đoàn kết ở đây có nghĩa là sự kết nối cả với khối đông đảo những người bên ngoài phong trào đấu tranh, thu hút họ và đoàn kết tất cả lại vì một mục tiêu chung.
Srdja Popovic – nhà hoạt động nổi bật trong phong trào Otpor! lừng danh ngày nào ở Serbia – sau khi “cách mạng thành công” đã trở thành sáng lập viên, giám đốc của CANVAS, một trung tâm nghiên cứu về đấu tranh phi bạo lực. Popovic kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất đáng chú ý về nhóm nhạc phản kháng nổi tiếng ở Nga, Pussy Riot.
Pussy Riot biểu diễn trên Quảng trường Đỏ, tháng 1/2012
Pussy Riot là một nhóm nhạc punk rock toàn nữ, thành lập tháng 8/2011 ở Nga. Thành viên của họ gồm khoảng một chục cô gái trẻ đẹp và đều là những nghệ sĩ có tài. Họ đấu tranh vì nữ quyền, quyền của người đồng tính (cộng đồng LGBT), và chống lại Vladimir Putin, kẻ mà họ coi là “tên độc tài” – và quả thật Putin là nhà độc tài, cái đó thì hẳn bạn đồng ý.
Trẻ, đẹp, có tài, nổi loạn, Pussy Riot tất nhiên rất nổi tiếng. Nhưng ta hãy đọc xem chuyên gia về đấu tranh phi bạo lực Srdja Popovic nhận xét như thế nào về họ hay nói đúng hơn, về cách đấu tranh của họ.
“Ở nước Nga, những làn sóng biểu tình gần đây chống lại việc điện Kremlin liên tục củng cố quyền lực đã thu hút hàng chục nghìn người xuống đường. Được sự tiếp sức của những nhà hoạt động sáng tạo như Pussy Riot, phong trào chống Putin nhanh chóng được biết đến trên phạm vi quốc tế, đem lại hy vọng cho bất kỳ ai phản đối chế độ bạo ngược của Putin. Tuy nhiên, chính cái điều mà rất ít báo chí tập trung vào hóa ra lại là điều quan trọng nhất: Tất cả những người đàn ông và phụ nữ can đảm đó – những người đã tiến ra trước đám đông để biểu tình – ở mức độ nào đó, đều mặc cùng loại trang phục và xuất thân từ cùng một thành phần nhỏ trong xã hội. Họ đều trẻ, trong khoảng từ 30 đến hơn 40 tuổi, có giáo dục, và thuộc tầng lớp trung lưu. Họ là những người đã đi nước ngoài, lướt web và đọc các trang mạng độc lập. Họ là những cư dân tinh tế ở Mátxcơva (Moscow) hoặc Xanh Pê-téc-bua (Saint Peters- burg), mà đối với họ, các trò đùa của một nhóm nhạc punk có cái tên rất chối tai (Pussy Riot) và nhóm nghệ sĩ Voina đều là một kiểu châm biếm chua cay, thú vị.
Nhưng đa số trong phần còn lại của nước Nga thì lại không tán thành họ. Với những người lao động bình thường, sống trong các thị trấn và làng mạc nhỏ trên khắp đất nước mênh mông này, Pussy Riot là một cây cầu nằm quá xa. Có thể những người dân thường đó cũng tin rằng mọi thứ ở Nga đều bất bình đẳng và bất công, nhưng nhìn những đồng bào trang phục chỉnh tề, đầy tinh thần thế giới của họ, thì họ thấy mình hầu như không có điểm chung. Hậu quả là, cho dù những nỗ lực đấu tranh ở Mátxcơva và các thành phố lớn khác có là thế nào đi nữa, thì cũng không phải cái gì liên quan đến họ. Tầng lớp bình dân Nga – vốn chiếm đại đa số ở nước này – không thấy có chỗ nào cho họ trong cái phong trào phản kháng nhí nhố ở đô thị đó. Cho đến mùa hè năm 2013, chỉ còn 11% dân số Nga bày tỏ thái độ sẵn sàng đi biểu tình, và đây là một bước lùi tụt dốc so với những ngày tháng hoàng kim của phong trào phản kháng.
Nếu bạn hỏi thử bất kỳ ai trong những người đang tuần hành ở Mátxcơva xem họ có hoan nghênh các anh chị em của mình ở các vùng nông thôn xa xôi tham gia đấu tranh không, có thể bạn sẽ được nghe những diễn văn sôi sục, rằng tất cả người dân Nga phải đứng bên nhau, điều đó rất là quan trọng… Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra. Không phải là người Mátxcơva không thật tâm hoan nghênh dân các nơi khác. Nhưng họ đã không làm những gì mà bạn của chúng ta, Imran Zahir, từng làm ở Maldives. Họ đã không bước chân ra ngoài, lắng nghe tiếng nói của người dân trên khắp đất nước mình để biết được họ có thể làm thế nào để kéo tất cả những người khác nhau cùng tham gia vào cuộc đấu tranh của họ. Phong trào là một thực thể sống, và nếu không có kế hoạch để đoàn kết cũng như không có hành động để đạt sự đoàn kết ấy, thì phong trào không bao giờ thành sự thật được. Và đó là lý do tại sao phải làm cho phong trào của bạn có liên quan đến nhiều người nhất có thể, vào bất kỳ lúc nào; điều này rất quan trọng”.
Popovic cũng đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu phong trào Chiếm Phố Wall (Occupy Wall Street) ở Mỹ, thay vì làm một việc có tính biểu tượng là chiếm lấy quảng trường ở các thành phố lớn, thì tìm đến nơi những người dân bình thường sống và làm việc? Sẽ ra sao nếu thay vì tuyên bố “chúng tôi là một phong trào dành cho những cá nhân theo chủ nghĩa tự do và muốn thực thi lý tưởng tự do”, thì họ nói “chúng tôi là một phong trào dành cho những ai tin tưởng rằng người dân thường ở Mỹ xứng đáng được nghỉ ngơi”?
Chuyên gia về đấu tranh phi bạo lực viết: “Tôi luôn tự hỏi chuyện gì xảy ra nếu Occupy bỏ cái tên đó của họ đi – cái tên ấy vốn hàm ý rằng cách duy nhất để bạn thuộc về nó là bạn vứt bỏ hết mọi việc bạn đang làm và đi chiếm lấy một thứ gì đó; thay vì thế, tái định vị mình với một thương hiệu thật hay là “99 Phần Trăm”. Giả sử có ai hỏi tôi: ‘Anh Srdja, anh có thấy mình là một phần của khối 99 Phầm Trăm không?’, có lẽ tôi sẽ đáp: ‘Vợ tôi và tôi có một căn hộ 500 feet (gần 50 mét vuông – ND) và phải lái một chiếc xe đã gần 10 năm tuổi. Thế nên, vâng, tôi nghĩ chắc tôi sẽ thích 99 Phần Trăm’. Có khi tôi còn đeo cả một ruy-băng viết như vậy. Tại sao lại không chứ? Tuy nhiên, nếu người ta hỏi tôi: ‘Anh có thích đi chiếm Công viên Zuccotti không?’, khả năng tôi tham gia sẽ ít hơn.
Chỉ cần đổi tên một cách đơn giản thế thôi, phong trào Occupy có thể đã thu hút được rất nhiều người: nông thôn, thành thị, bảo thủ, cấp tiến, lùn, cao, lái xe, hành khách”.
Đoàn kết là gì và không phải là gì?
Đoàn kết không phải là việc tất cả mọi người đều “quán triệt” nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, người trẻ phục tùng người già, người mới phục tùng người cựu trào, “cây đa cây đề”. Đoàn kết không phải là không chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, tranh luận. Đoàn kết không phải là tất cả mọi người tập hợp bên dưới một cá nhân lãnh đạo – hay lãnh tụ – và dựa dẫm, trông chờ vào cá nhân đó, giao phó toàn bộ công việc của tổ chức hay phong trào cho người đó, còn bản thân thì… làm việc riêng.
Đoàn kết, đó là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của một tổ chức hay phong trào, và chúng ta phải lập kế hoạch cũng như phải hành động để đạt được nó, bởi vì đoàn kết không tự đến.
Đoàn kết là tạo ra ý thức về một cộng đồng và bản sắc của cộng đồng đó, là tinh thần “không để ai bị bỏ lại”, là sự sẵn sàng làm tất cả để những người khác – cả trong và ngoài tổ chức hay phong trào – đều cảm thấy rằng đây là sự nghiệp chung của họ, cuộc đấu tranh của bạn cũng là cuộc đấu tranh của họ.
Làm thế nào để đoàn kết?
Trước hết, bạn cần nghĩ rằng đoàn kết là một giá trị, và đoàn kết, làm việc nhóm mới khó, chứ cái thời “độc lập mới hạnh phúc” đã qua rồi. Người kết nối, gắn kết được mọi người với nhau mới là người tài, chứ cái thời “người hùng đơn độc, tự mình làm tất cả, không cần ai” đã qua rồi. Chỉ cần nghĩ như vậy đã là khởi đầu cho sự đoàn kết, chứ không cần bạn phải “tiêu diệt” hay đè nén cái tôi của mình – một việc nghe rất trừu tượng.
Trong các phong trào xã hội, người “độc lập” rất có thể là người chẳng làm việc được với ai. Và không làm việc được với ai là hậu quả của một loạt nhược điểm: dốt (không ý thức được rằng làm việc lớn, nhất thiết phải có đồng đội), đa nghi, ngại giao tiếp hoặc giao tiếp kém, khó gần.
Vì vậy cho nên, việc một ai đó độc lập, không làm việc với ai, chẳng phải điều đáng hoan nghênh. Bạn không nên trở thành người như thế. Thay vì vậy, hãy luôn cố gắng tìm kiếm, huy động thêm nhiều người đi cùng mình; tìm những người có thể chia sẻ mục tiêu của mình (và cũng hưởng lợi từ mục tiêu đó khi nó thành hiện thực); xây dựng một hay một số nhóm mạnh.
NHƯNG bạn cũng cần chú ý rằng quy mô và chất lượng của nhóm phải tương xứng với mục tiêu bạn muốn đạt được. Nếu bạn thấy sự nghiệp của mình có vẻ quá vĩ đại thì nên chia nhỏ nó thành những mục tiêu thấp, và xây dựng các nhóm đạt những mục tiêu đó. Người ta nói rằng có một nhóm mạnh mà mục tiêu vừa phải còn tốt hơn là có một mục tiêu vĩ đại với một nhóm kém cỏi.
Khi bạn là lãnh đạo của một nhóm, hãy làm cho cả nhóm biết mục tiêu chung của nhóm. Chịu khó làm gương cho mọi người về sự sẵn sàng hy sinh cá nhân vì mục tiêu chung, đồng thời, khuyến khích và tưởng thưởng những người sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung.
Khi bạn là thành viên trong nhóm, hãy luôn nghĩ rằng mục tiêu của cả nhóm là quan trọng nhất, quan trọng hơn vai trò của mình, để không nề hà việc gì nếu đó là vì mục tiêu chung.
Cuối cùng, càng trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, lại càng cần làm việc nhóm, có tổ chức hơn và đoàn kết hơn và tuyệt đối không được có ý nghĩ bỏ cuộc, chạy làng. Trong đấu tranh chính trị, càng bị đàn áp, khủng bố, càng phải nắm chặt tay nhau, không tháo chạy, không hành động đơn lẻ.
Bạn hãy nhớ là bạn chỉ có hai lựa chọn đối lập nhau: Hoặc tiếp tục đi tới, hoặc từ bỏ mục tiêu, ước mơ của mình. Khi khó khăn, bạn cần biết dựa vào đồng đội, nhưng phải ý thức được chính bạn cũng đang là chỗ dựa của đồng đội.
P.Đ.T.
(Còn tiếp)
Nguồn: bit.ly/phankhang