Nông cạn về tri thức. Với sự phát triển của công nghệ ngày càng tiến bộ, hàm lượng tri thức có thể tiếp cận tăng với cấp số nhân, nhưng cũng chính sự tiến bộ đó đi cùng với một nghịch lý tư duy, đó là con người ta càng ngày càng trở nên tư duy phiến đoạn (clip thinking). Tư duy phiến đoạn có ba đặc trưng chính:
+ Nó chia cắt thông tin/dữ liệu/tri thức thành từng mảnh nhỏ – dễ tiếp cận, dễ “nuốt”, dễ hiểu, nhưng phá vỡ mọi tính hệ thống và sự liên kết mang tính phức hợp của thông tin/dữ liệu/tri thức đó khỏi “môi trường” của nó, dẫn đến một kiểu tri thức mang tính “phi thực tại”.
+ Nó làm cho người dùng tạo thành một thói quen mang tính “ăn liền” (fast-food): tìm kiếm (search) – cắt ra một đoạn chọn lựa phù hợp (options) – và áp dụng (applying); mà không cần phải tìm hiểu về tri thức đó một cách có ngọn ngành, miễn sao có cái để dùng và hợp hợp là được rồi.
+ Nó làm cho tri thức bị đứt đoạn, làm cho con người ta mất năng lực tư duy có phương pháp.
Chính những điều đó hiện nay, với sự dễ dàng quá mức của các công cụ tìm kiếm như Google, đã làm cho các lao động tri thức trẻ hiện tại, ngày càng trở nên lạm dụng tình trạng đó. Họ ngại tất cả những thứ phải tư duy trừu tượng, ngại phải tìm hiểu vấn đề một cách có hệ thống và ngọn ngành, ngại phải bỏ công sức cho việc đánh giá phân tích một cách cẩn thận các tri thức mà họ tiếp nhận và sử dụng. Việc học tập cũng vậy, chú trọng nhiều vào việc học các kỹ năng, các mô hình mà rất ít tiếp cận về lý thuyết và phương pháp. Đó là nguyên nhân của sự nông cạn về tri thức, biết rất nhiều, nhưng hiểu chẳng bao nhiêu. Thậm chí có cả một tình trạng là chỉ biết mỗi “cái giếng” của mình, mà không hề tìm hiểu “cái giếng” đó đang nằm ở đâu, trong cái vườn nào, và xung quanh như thế nào.
Cẩu thả là một đặc trưng thứ hai, nó cũng là hệ quả của sự nông cạn về tri thức. Chính vì nông cạn về tri thức, nên việc sử dụng các tri thức cho công việc cũng trở thành “cẩu thả”. Cẩu thả bởi vì:
+ Họ chỉ biết một mà không biết nhiều hơn, không ý thức được các hệ quả có thể có, dẫn đến dễ dàng chấp nhận, dễ dàng đồng ý và cho qua. Đó là sự cẩu thả bởi thói quen do năng lực hạn chế.
+ Không ý thức được hệ quả dẫn đến việc tính chịu trách nhiệm rất thấp, họ không coi chất lượng, coi hàm lượng trí tuệ và kết quả mình tạo ra như thế nào có một ý nghĩa quan trọng về sự tự trọng, mọi thứ đa phần giờ chỉ là tìm cách đạt được các KPI hay hoàn thành một kết quả gì đó tàm tạm là được rồi. Đó là sự cẩu thả mang tính đại khái do môi trường và thói quen tạo nên.
+ Cuối cùng, là sự cẩu thả khi xem xét vấn đề chỉ luôn bị bó hẹp, cô lập thậm chí được xem xét rất hời hợt, đại khái. Đó là sự cẩu thả do tư duy phiến đoạn tạo nên.
Sự cẩu thả như một hệ quả của tình trạng tư duy hình thành nên thói quen và năng lực xử lý công việc, nó ban đầu hình thành một cách vô thức do chính những hạn chế từ bản thân và môi trường, đi đến dần mang tính có ý thức vì thấy như vậy vẫn có thể chấp nhận được, dùng được.
Và cuối cùng là sự ảo tưởng sức mạnh, bởi được tiếp cận về tri thức nhiều nhờ công nghệ, nghĩ rằng biết nhiều, lại hoạt động trong một môi trường có chất lượng tri thức còn hạn chế, nên họ dễ sinh ảo tưởng bởi cái tư duy mình biết nhiều, mình có khả năng dẫn đến việc chỉ chăm chú về nỗi lo địa vị mà quên mất tinh thần cầu thị học hỏi, sự đòi hỏi và khắt khe với chính mình trong công việc, sự ham muốn vươn đến những thứ khó hơn. Đa phần thường rất dễ tự hài lòng với cái mình có, nhạy cảm với các thành tích mình đã đạt được, nhưng lại rất ngại tiếp xúc với những cái khó, phải suy nghĩ nhiều, thích mọi thứ đều dễ trôi, dễ tiếp cận, thậm chí “cứ công thức áp dụng để làm được là được”.
Không có ý phủ nhận những sự tích cực của thế hệ lao động tri thức trẻ ngày nay với những sự sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Nhưng cũng phải nói đó chỉ là một số rất ít của xã hội. Còn lại một bộ phận lớn đang mang trong mình những vấn nạn trên. Đó cũng là một trong những vấn nạn kìm hãm sự phát triển của đất nước. Chúng ta có nói trên trời những thứ đao to búa lớn, nhưng với trình độ và chất lượng lao động tri thức hiện tại, chúng ta phải thực sự thấy rằng, còn rất hạn chế. Cũng không so với các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển, bởi ở chính họ cũng có những tình trạng trên. Nhưng điều đó không quan trọng, không phải bởi vì người ta vậy thì mình cũng vậy, điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào chính những hạn chế và tiêu cực của mình mà để đổi thay.
Nguồn: https://www.facebook.com/giang.le.169?fref=hovercard&hc_location=none&__tn__=%2CdC-R-R