Minh Hải
“Họ đền bù một lao động theo tàu là 35 triệu đồng, của các bà buôn bán là 17 triệu đồng. Họ đền bù chưa thỏa đáng cho người dân”.
Trong khi đó, Formosa giờ tạm cho là không thấy xả thải xuống biển nhưng vẫn còn xả thải lên bầu trời làm không khí nặng mùi hôi thối.
Ba năm sau thảm họa cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), hay còn gọi là thảm họa Formosa (6/4/2016- 6/4/2019), cuộc sống của người dân trong vùng ảnh hưởng vẫn còn đối mặt đầy rẫy những khó khăn và hơn hết là Formosa vẫn còn xả thải khiến người dân lo lắng…
Cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn
Trở lại biển Vũng Áng sau ba năm xảy ra thảm họa Formosa, trước mắt chúng tôi là một bãi biển với dãi cát vàng lưa thưa bóng người và những con thuyền, nước biển ở đây trong vắt không còn hình ảnh cá chết hàng loạt như năm nào. Dạo vài bước vào thôn Đông Yên, chúng tôi được biết đại đa số người dân nơi đây chủ yếu là người theo đạo Công Giáo và sinh sống chủ yếu theo nghề biển, các ngành nghề dịch vụ liên quan đến biển…
Từ khi xảy ra thảm họa Formosa, nguồn hải sản được người dân cho biết hiện chưa thể khôi phục lại. Hải sản ở xa bờ thì lớp chết, lớp bị khai thác gần hết. Còn ở gần bờ, do nhu cầu cuộc sống nên có một số hộ dân đã dùng đến tàu giã cào để cào nên hiện cũng đã cạn kiệt, thất nghiệp và có số thì bỏ đi tha phương cầu thực. Qua đó cho thấy cuộc sống của bà con Đông Yên vẫn còn đầy rẫy những khó khăn.
Ông Trọng, một hộ dân theo nghề biển ở Đông Yên chia sẻ:
“Cũng sống bằng nghề làm biển, mọi ngày trước đây kiếm được vài ba trăm ngàn đồng trong một ngày, còn giờ một ngày chỉ kiếm được vài ba chục ngàn trở lại”.
“Cuộc sống của bà con ngày đêm đi biển như lần hồi sinh sống vậy thôi chứ không có gì nữa”.
Nhắc lại thảm họa Formosa của ba năm về trước, tức là vào ngày 6/4/2016 bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển Vũng Áng, sau đó là đến Quảng Bình rồi lan rộng ra cả một vùng biển miền Trung, kéo dài đến thị trấn Lăng Cô – Thừa Thiên Huế.
Thời điểm này, dư luận nhiều chiều khẳng định Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa có trụ sở tại Khu kinh tế Vũng Áng chính là thủ phạm gây ra thảm họa. Tuy nhiên, nhiều đại diện chính quyền từ địa phương Hà Tĩnh cho đến Chính phủ Việt Nam lại có những phát ngôn bao che cho đơn vị doanh nghiệp này.
Bằng những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ và liên tục của người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, cuối cùng vào ngày 30/6/2016, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, đại diện Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức cuộc họp báo công bố Formosa có hành vi vi phạm xả thải nước từ công ty ra biển có chứa độc tố, vượt quá mức cho phép. Kết luận Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường làm hải sản chết hàng loạt.
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa sau đó tiến hành giải quyết hậu quả với bản cam kết 5 điểm trong đó có cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD và cam kết chuyển tiền bồi thường làm 2 lần: Lần đầu vào ngày 28/7/2016, Formosa chuyển 250 triệu USD và Lần 2 vào ngày 30/8/2016, Formosa chuyển 250 triệu USD còn lại.
Qua những chia sẻ của các hộ dân, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều cho rằng việc bồi thường như thế là không thỏa đáng so với những thiệt hại do Formosa gây ra.
Formosa vẫn còn xả thải
Trước cuộc sống vẫn còn đầy rẫy những khó khăn của người dân ở thôn Đông Yên, nhiều hộ dân cho chúng tôi biết là ngoại trừ số tiền được nhận từ việc Formosa bồi thường thiệt hại thì cho đến nay chính quyền đại phương vẫn chưa cho thấy đã giúp đỡ gì đáng kể thêm cho người dân.
Chị Hường, cũng là một hộ dân theo nghề biển ở Đông Yên chia sẻ với chúng tôi:
“Họ đền bù một lao động theo tàu là 35 triệu đồng, của các bà buôn bán là 17 triệu đồng. Họ đền bù chưa thỏa đáng cho người dân”.
Trong khi đó, Formosa giờ tạm cho là không thấy xả thải xuống biển nhưng vẫn còn xả thải lên bầu trời làm không khí nặng mùi hôi thối.
“Ban ngày họ xả thải mình không nhìn rõ chứ còn ban đêm tầm cỡ 19h mình nhìn lên trời là biết họ xả lên khói thậm chí có khi có lửa bốc lên”.
Chị Hường nói thực ra Formosa thả ra chất độc hại như thế nào người dân cũng không có điều kiện để kiểm tra, đo đếm đặng tìm giải pháp xử sự.
Còn đối với phía chính quyền, ông Trọng cho rằng bản thân có một đề xuất để giảm bớt khó khăn của bà con hiện tại là:
“Vừa rồi đền bù Formosa chưa xong, đền bù này chưa thỏa đáng với cuộc sống của người dân, người dân ba năm trôi qua đặc biệt là những người theo nghề biển khá thiệt thòi nên mong cấp trên giải quyết như thế nào để cuộc sống của người dân ổn định cuộc sống, gắn với nghề biển”.
Tuy chưa thể trở lại cuộc sống bình thường như trước nhưng hiện tại người dân trong vùng thảm họa Formosa, chí ít là người dân ở thôn Đông Yên đã chịu ăn cá trở lại bởi một tình thế bắt buộc cá có như thế nào cũng phải ăn vì nguồn sống chứ giờ cuộc sống miếng ăn nhịn cá nhịn không được.
“Ở đây không có cái gì để nhịn được cá cả thì phải ăn mà không biết sống chết, bệnh tật sao cũng không biết được”.
Chị Hường kết lời trao đổi là lời mong muốn người dân ở đây chủ yếu là theo nghề biển nên mong trời yên bể lặng để những chuyến đi được con cá con mực đặng chăm lo cuộc sống gia đình. Ngoài ra, chị Hường, ông Trọng và nhiều người dân ở Đông Yên mà người viết có dịp tiếp xúc đều mong muốn là làm sao để Formosa đừng xả thải gây hậu quả nghiêm trọng như trước đây nữa./.
M.H.
VNTB gửi BVN