Trao đổi với Nguyễn Trung

Nguyễn Đình Cống

Ông Nguyễn Trung nguyên CB cao cấp Bộ Ngoại giao, cựu thư ký riêng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông vừa viết bài “Việt Nam nên nói thật với Trung Quốc về đường cao tốc Bắc Nam”. Bài được đăng trên nhiều trang báo mạng ngày 9/4, được đánh giá có nhiều ý tưởng hay.

Đúng như vậy. Ông Trung đã chỉ ra sự trì trệ, lạc đường của lãnh đạo VN để cho đất nước sau trên 30 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn ỳ ạch, vẫn phải cầu xin các nơi và đặc biệt bị lệ thuộc quá đáng vào Trung cộng.

Khi đề cập đến việc Nhà nước VN có ý định mời Cty TQ làm đường cao tốc Băc Nam, ông Trung tỏ ra lo lắng, phản đối. Đó là nỗi niềm của những người yêu nước chân chính, biết lo cho vận mệnh dân tộc và dám phản biện.

Tôi tán thành nhiều ý kiến của ông Trung trong bài viết, chỉ xin trao đổi vài điều ở dạng chưa thống nhất hoàn toàn.

(1) Ông cho rằng “Cái gốc của yếu kém không phải vì nước ta nghèo và lạc hậu, mà trước hết vì lãnh đạo làm việc theo nhiệm kỳ”.

Đúng là có việc tư duy và làm theo nhiệm kỳ, nhưng đó không phải là “Cái gốc”. Các nước dân chủ đều làm theo nhiệm kỳ và nhiệm kỳ còn ngắn hơn (4 năm). Tại sao họ vẫn phát triển mà ta thì không (phải chăng VN là một đất nước không chịu phát triển)? Cái gốc không ở nhiệm kỳ mà ở sự độc quyền đảng trị tạo ra sự tham nhũng đủ thứ mà quan trọng nhất là tham nhũng quyền lực (trong đó có tham nhũng chính sách).

(2) Ông Trung cho rằng làm đường cao tốc Bắc Nam là cần, rất cần, nhưng cho là chưa thật cấp thiết, trong lúc đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh chưa phát huy hết năng lực.

Tôi nghĩ theo hướng khác, đó là những người thúc dục làm đường cao tốc, vì phát triển của đất nước thì ít mà vì khả năng tham nhũng được thì nhiều hơn. Còn những người tuy không có điều kiện tham nhũng trong việc này, nhưng vì thiếu trí tuệ hoặc nhẹ dạ cả tin mà bị lừa để ủng hộ bọn lợi ích nhóm.

(3) Ông dẫn ra những nội dung quá có lợi cho Trung cộng trong “Tuyên bố chung giữa 2 Tổng bí thư của 2 nước ngày 13-11-2017”,  rồi than: “Vậy làm sao mời nhà thầu TQ đứng ngoài được?”, rồi ông lại tiếp “Xin lưu ý, nói năng lôi thôi gạt nhà thầu TQ trong vụ đường cao tốc Bắc – Nam, nếu muốn, TQ có thể trả đũa, ta có chạy đằng trời cũng không thoát!”

Nghe mà sợ chưa, vì thế ông mới bàn mưu kế “VN nên nói thật với TQ…”.

Đúng là để thoát Trung chúng ta sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, nhưng đó chỉ là khó khăn tạm thời. Xin đừng tư duy theo lối: “Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”. Vấn đề là để thoát Trung thì cần kéo theo thoát Cộng. Hãy để cho toàn dân tự do thảo luận, nếu thoát Trung, chúng ta sẽ được gì, mất gì, gặp khó khăn tạm thời như thế nào, rồi trưng cầu dân ý. Tôi dự đoán là phần đông nhân dân có mong muốn thoát Trung. Chúng ta có thể bị TQ trả đũa về thương mại. Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta hết đường sống. Con đường bẩn thỉu đến TQ bị bịt, có khả năng chúng ta sẽ mở rộng các đường khác, hợp tác nhiều hơn với các nước khác, cớ sao chịu ép một bề để Trung cộng xỏ mũi? Chắc chắn là sẽ gặp khó khăn ngắn trong giai đoạn chuyển tiếp. Dân ta vẫn có câu: “Gặp cái khó ló cái khôn”. Sợ gì TQ trả đũa. Sợ quá hóa hèn.

Ông Trung rất có lý khi viết: “Nếu TQ muốn trả đũa, trong trường hợp này nhân dân VN mới là người có tiếng nói cuối cùng, sẽ quyết định tất cả, sẽ thay đổi tất cả!”.  Rồi ông hiến kế, hay là tạm dừng việc làm cao tốc vài ba năm nữa, rồi chúng ta tự làm lấy và không có đấu thầu quốc tế, hoặc: “Cũng nên vận động trí tuệ của nhân dân có hiến kế nào khác nữa không!” Ông còn đề nghị:” Nói cho phía TQ biết nhân dân ta rất kiên trì chịu đựng, nhưng sự thật là sự bức xúc rất chính đáng của nhân dân VN về những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ 2 nước phải được nhìn nhận đúng đắn…”. Làm sao mà lãnh đạo VN phải nói cho TQ biết bức xúc của dân Việt khi mà chính quyền tìm mọi cách đàn áp sự phản ứng của dân? Hãy cứ để cho dân tự do thể hiện bức xúc thì tự khắc  lãnh đạo TQ thấy được.

Thực ra đường cao tốc Bắc Nam đã làm được nhiều đoạn, tạm đủ dùng. Việc làm thêm là chưa thật sự cấp thiết thì tạm dừng lại. Không nên xem việc tạm dừng là một thủ đoạn đối phó với Trung cộng.

Về việc  đối phó với thủ đoạn đê hèn của các nhà thầu TQ, Trần Anh Sơn có bài viết “ Loại nhà thầu TQ bằng cách nào”, xin tóm lược như sau :

Cách đây trên 20 năm Ba Lan mở thầu quốc tế làm đường cao tốc. Công ty TQ thắng thầu với giá quá rẻ và đã nộp 5 triệu đô la bảo lãnh. Một số nhà chuyên môn của Ba Lan không biết bằng cách nào mà Cty TQ có thể làm rẻ được như vậy, họ sang tận TQ để điều tra và biết Cty TQ sẽ dùng 2 thủ đoạn sau: Một là chủ yếu đưa tù nhân TQ sang làm, hai là  sử dụng các thiết bị cũ, lạc hậu, tìm mua vật liệu giá rẻ. Nhưng quan trọng nhất là thủ đoạn hối lộ quan chức Ba Lan để được dung túng trong các thủ đoạn và chấp nhận việc tăng giá vì công việc phát sinh sau này. Các chuyên gia đã báo cáo lên Chính phủ và yêu cầu có biện pháp ngăn ngừa. Chính phủ Ba Lan đã kịp thời ngăn chặn hối lộ và kiến quyết đòi thực hiện đúng hợp đồng. Thấy rằng không thể giở trò hối lộ để làm liều, nếu tiếp tục hợp đồng sẽ bị lỗ nặng nên Cty TQ đành bỏ của chạy lấy người, chịu mất 5 triệu đô la tiền bảo lãnh.

Mưu ma chước quỷ của TQ thì VN không lạ gì, nhưng lãnh đạo vẫn chấp nhận vì thèm khát tham nhũng. Hiến kế của ông Sơn khá hay nhưng lãnh đạo VN chắc là không đời nào nghe theo. Vấn đề là toàn dân VN có thấy được tác hại ghê gớm của việc này và có đủ dũng khí để ngăn chặn như đã từng phản đối việc thông qua luật 3 đặc khu kinh tế.

Nêu vài ý kiến để trao đổi, riêng nhận xét sau của ông Trung tôi hoàn toàn nhất trí và xin dùng câu đó để kết thúc bài viết: “Cứ chấp nhận nhà thầu TQ, nếu dân phản đối thì sẽ trấn áp đến cùng để làm bằng được? – Xin cứ nghĩ đi! Giả thử làm được như thế, sớm muộn, cuối cùng cũng sẽ dẫn đến mất dân lớn hơn, rồi cũng mất nước, và chung cuộc vẫn là sẽ mất tất cả trong ô nhục!”.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đường cao tốc Bắc Nam, Việt - Trung. Bookmark the permalink.