Tăng giá điện: Chỉ cần độc quyền XHCN là sẽ được hưởng lợi đủ thứ

Nguyễn Tường Thuỵ

Tại sao ngành điện không chịu học ngành viễn thông về mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh để người dân được lợi?


https://2.bp.blogspot.com/-BMWPBbrcFdo/XIPv9HZ0jVI/AAAAAAAABEg/cB0PBORoTdopmsTvP3hib9PEXorYinPcACLcBGAs/s640/12-nld-doc-quyen-mau-9b353-1435811016860-crop-1435811025091.jpg

Ngành điện mà khâu phân phối và truyền tải vẫn độc quyền do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nắm giữ, với sự ‘chống lưng’ của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Vị thế đó, giá điện bao năm qua phải ‘cõng’, và từng phải ‘cõng’ luôn những chi phí vô lý như xe sang, biệt thự; lỗ tỷ giá; chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát… của các quan chức EVN. Hệ lụy là giá điện chỉ có một điệp khúc tăng, tăng và tăng. Người dân, doanh nghiệp dù bức xúc nhưng phải chấp nhận, vì không sử dụng điện của EVN thì chỉ có nước… thắp đèn dầu – mà giá dầu cũng đâu có rẻ.

Mặc kệ dân tình ta thán

Đầu tháng 3-2019, liên Bộ Công thương – Tài chính đã tăng giá xăng hơn 900 đồng một lít. Xăng dầu tăng, nên cuối tháng ba này, điện cũng rục rịch tăng theo cho… bằng anh, bằng em.

Theo báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2019 mới đây của Bộ Công thương, dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.

Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tăng thêm 143,79 đồng/số sau lần tăng gần nhất cách đây hơn 1 năm. Thời gian điều chỉnh có thể là cuối tháng 3 này.

Đời sống ở Sài Gòn với hơn chục triệu dân vốn dĩ đã đắt đỏ, nhất là đối với những hộ dân nghèo, thì nay với những người đang ở nhà thuê, việc tăng giá điện đó tựa hồ như thêm gánh nặng cho họ trong túi tiền chi tiêu hằng ngày.

“Tiền trọ mỗi tháng, tiền cho con đi học, tiền chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tôi phải chắt cóp, tính toán kỹ càng mới đủ trang trải và một ít dự phòng khi trái gió trở trời. Mỗi lần có thông báo cái gì tăng là tôi lại hồi hộp. Có những cái tiết kiệm được, có những cái mình đâu thể không xài. Thí dụ như xăng nè, đi làm phải đi xe, đi xe công cộng mà gặp lúc kẹt xe thì không biết bao giờ tới.

Xăng dầu thi thoảng xuống giá có chút, nhưng tăng thì lại vù vù. Rồi giá điện cũng nhấp nhổm tăng theo. Lương thì mỗi năm tăng cao nhất là 100 ngàn đồng tháng, nhưng trong số tiền đó, phải trích ra các khoản phí công đoàn, phí bảo hiểm… Thực lãnh coi ra chỉ thêm vài mươi ngàn, chẳng thể bù chuyện giá cả tăng liên tục”. Ông Nguyên, một lao động nhập cư, đang thuê ở trọ trong khu xóm nghèo gần quân trường Quang Trung, quận 12, chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của người nội trợ, xăng tăng giá, điện tăng giá, sẽ kéo theo đó là thịt, cá rồi hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo. Việc tăng giá điện, theo bà Tám, vô hình trung nó đã tạo thêm áp lực cho chính “nồi cơm” của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

“Nếu mà giá điện tăng thì thể nào cũng kéo theo mọi thứ sinh hoạt đều tăng hết. Xe cộ, rồi hàng hóa. Cũng may là tiền thuê nhà thì tăng có chậm hơn nhiều, vài năm chủ mới tăng một lần”. Bà Tám, một người dân ở trọ khu vực Cầu Trắng, quận Bình Tân, chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, giá điện tăng 8,36%, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn khi tăng thêm chi phí đầu vào. Với những nhà máy công nghiệp, tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép, xi măng…, việc tăng giá điện đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất. Để bù lỗ cho những khoản chi phí do giá điện tăng, doanh nghiệp buộc tăng giá bán các mặt hàng, sản phẩm. Cuối cùng, người tiêu dùng cũng sẽ là người thiệt thòi, nhất là đối với những người nghèo như ông Nguyên, như bà Tám.

Liệu báo chí lên tiếng, người dân lên tiếng, doanh nghiệp lên tiếng, thì ông nhà nước sẽ chùn tay ký quyết định tăng giá?

“Đời nào có vụ đó. Dĩ nhiên mình mong muốn là nhà nước làm sao bình ổn giá, chứ tăng hoài, dân mệt lắm, gánh nặng đè thêm nữa. Nhưng mà nói vậy thôi, dễ gì không tăng, hoặc… xuống giá”, bà Tám cười lắc đầu. “Mấy chú đang kể chuyện cổ tích hả?”, bà Hai, cũng là cư dân ở trọ khu Cầu Trắng, góp tiếng.

Của dân, do dân và vì dân nhưng với việc hết cái này tăng rồi cái khác “dọa dẫm” tăng theo, đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn nữa. Nói theo lời của bà Hai, cứ mở mắt ra là thấy ‘cái gì chi phí cũng cao, là thấy nản, ngày nào cũng phải lo’.

Hệ quả của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?Kinh tế thế giới đưa ra một thuật ngữ có tên “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX vào tháng 4-2001, thuật ngữ “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được sử dụng trong Văn kiện của Đảng. Thế nhưng phải đến mười năm sau đó, đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, tháng 1-2011, thuật ngữ này mới đưa vào cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”, “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Thế nhưng cụ thể của thực thi thuật ngữ đó ra sao, thì đến nay vẫn tiếp tục còn được bàn luận ngay trong chính nội bộ Đảng.

Nhắc đến điều đó để thấy rằng việc ngành điện tiếp tục độc quyền, có thể là chủ trương nhất quán của “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” được nêu ở văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI.

Ngày 27-10-2010, báo Bưu điện Việt Nam có tổ chức buổi tọa đàm về bài học mở cửa thị trường của ngành viễn thông. Khi ấy các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là những bài học cho các ngành như điện, nước, ô tô… khi mở cửa thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực cũng như những quan chức cấp cao nhất của Đảng, dường như đã bỏ qua những bài học đó.

“Giờ đây tôi thấy chị bán rau, anh xe ôm đã dùng điện thoại di động. Tôi cảm thấy rất xúc động vì điện thoại đã được bình dân hóa”. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện nói.

Trở lại với câu chuyện ngành điện. Gần 4 năm về trước, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng ký ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT, phê duyệt “Thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam”, ngày 10-08-2015 [tải văn bản này tại http://bit.ly/2SSWoPM], với tuyên bố xóa bỏ độc quyền phân phối điện sẽ đi những bước chập chững đầu tiên, khi cho phép năm tổng công ty điện lực (miền Bắc, Trung, Nam, Hà Nội và TP.HCM) được quyền mua điện trực tiếp từ thị trường phát điện cạnh tranh để bán cho khách hàng, không nhất thiết phải mua qua Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Tất cả những việc này sẽ triển khai thí điểm từ năm 2016 – 2018, trước khi chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.

Tuy nhiên trên thực tế thì đã không có bất kỳ diễn tiến nào cho hình thành thị trường cạnh tranh đó. EVN tiếp tục củng cố ngôi vị độc quyền. Giá điện do EVN bán ra luôn luôn tăng, nhưng EVN lại luôn miệng than lỗ. Và dường như Bộ Công thương cũng cố tình ‘quên’ luôn một quyết định do chính bộ này ký ban hành. Báo chí cũng không thấy nhắc tới.

Giới kinh doanh nói rằng Quyết định số 8266/QĐ-BCT của Bộ Công thương là đã mị dân ngay từ đầu. Cả năm tổng công ty điện lực miền Bắc, Trung, Nam, Hà Nội và TP.HCM làm sao dám mua điện trực tiếp từ thị trường phát điện cạnh tranh, vì họ đều là công ty thành viên của EVN.

Phải chăng trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì ngay cả việc thay đổi để tồn tại cũng khác với thay đổi để phát triển, nhất là phát triển đất nước. Độc quyền trong thể chế xã hội chủ nghĩa, nhằm chỉ thay đổi để tồn tại, không phải thay đổi để phát triển cho lợi ích chung của toàn dân. Vì chỉ cần tồn tại là độc quyền sẽ được hưởng lợi đủ thứ do độc quyền đem lại.

T.M.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tăng giá điện. Bookmark the permalink.