Vụ Trung Quốc kể công cứu 5 ngư dân: Thấy quen quen

Nguyễn Tường Thuỵ

Có thể nói, cái kiểu cách “Lý Thông cướp công Thạch Sanh” này của Trung Quốc không phải là ‘quen quen’ như tác viết trên đầu đề bài báo, mà phải nói là ‘quá quen’ ấy chứ. Còn như việc ‘tương đồng’ khác được nêu lên trong bài thì quả tác giả đã không nhầm. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì hai nước đều có sự lãnh đạo độc tài độc đoán của cái thứ gọi là ‘Đảng Cộng sản’. Mà lòng dạ, mồm mép, cách thức những loại đó thì làm sao mà khác nhau cho được. Một lòng lừa dối để tồn tại, có lừa dối mới hòng tồn tại chứ? Tục ngữ ta chả đã nhận xét rồi: ‘Lòng vả cũng như lòng sung’. Chỉ khác là cái xác của Vả thì to hơn hẳn cái xác của Sung mà thôi.

Bauxite Việt Nam

Đâm người ta nát tàu, người thì rơi xuống biển rồi ngoạc mồm ra khoe cứu vớt họ, giọng này nghe quen quen.

https://3.bp.blogspot.com/-j85WUFU1w5U/XIPxZ9e7r7I/AAAAAAAABEs/XYZ73u-2Ru4VbtUssVCIdCXXBnxwpPkLgCLcBGAs/s640/unnamed.jpg

Tàu cá của ngư dân Việt Nam nhiều lần bị tàu Trung Quốc đâm chìm

Theo báo ‘ta’, ngày 6/3/2019, một tàu cá của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc mang biển kiểm soát số 44101 đâm chìm, may mà phần mũi còn nổi. Năm ngư dân ta đã phải bám vào mũi tàu chờ cứu. Vị trí xảy ra vụ việc là khu vực Đá Lồi thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách Đà Nẵng khoảng 198 hải lý về phía đông. Sau khoảng hai giờ đồng hồ trong tư thế bám mũi tàu, 5 ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt.

Tàu bị đâm mang số QNg 90819TS của ông Nguyễn Minh Hùng ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tàu cứu 5 ngư dân là một tàu cá khác của Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90620TS.

Còn theo báo Tàu (Hoàn Cầu thời báo) thì công vớt 5 ngư dân trên thuộc về một tàu ngư chính của Trung Quốc khi nhận được tín hiệu cấp cứu. Báo này dẫn lời của Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đâm người ta nát tàu, người thì rơi xuống biển rồi ngoạc mồm ra khoe cứu vớt họ, giọng này nghe quen quen. Nó na ná chuyện Việt Nam bắt nông dân vào Hợp tác xã hồi 1958. Do cơ chế làm ăn “cha chung không ai khóc”, năng suất lao động xuống thấp đến mức thàm hại, ngày công lao động chỉ còn 2 lạng thóc, nông dân đói vàng mắt. HTX sống cũng như chết nên buộc phải chia lại ruộng cho nông dân. Từ đấy, đời sống xã viên có khá hơn trước vì họ biết chăm lo cho mảnh ruộng của mình. Đó là việc làm sửa sai nhưng đảng liền vội nhận công ấy là của mình. “Không có đảng thì không có đổi mới” là lời của ông họ Đỗ tên Mười.

Nói quen là vì việc hợp tác hóa nông nghiệp cũng là bài của TQ, chia ruộng cho dân cũng là bài của TQ và kiểu nhận công cũng thế. Từ ngày chơi với cộng sản Trung Quốc, VN biến thành một phiên bản của TQ, nên cái sự quen quen là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên việc kể công đối với 5 ngư dân thì Trung Quốc còn trơ trẽn hơn. So với việc đâm chìm người ta để mặc đấy rồi khoe công cứu thì việc thít chặt cổ người ta, tự tay nới lỏng rồi khoe công chưa tệ hại bằng. Cùng là kể công nhưng hơn nhau ở chỗ đằng thì thấy sắp tắt thở thì nới lòng, đằng thì bỏ mặc không vớt. Đó là so về tính chất. Còn nếu so về qui mô nạn nhân thì tất nhiên, số lượng 5 ngư dân còn kém xa hàng chục triệu nông dân ở miền Bắc trước đó và từ 1977, là nông dân cả nước.

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Hữu nghị Việt - Trung, Trung Quốc. Bookmark the permalink.